Kỳ 1 “Bắn đi”, “Pằng pằng”, “Chíu chíu”, “Xung phong”… Đó là những tiếng hô mà người dân xóm Cối, xã Đồng Phong thường thấy vọng ra từ Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan (Ninh Bình). Nơi đây là cơ sở chăm sóc điều dưỡng, phục hồi chức năng cho những người bị mắc bệnh tâm thần sau chấn thương lớn nhất cả nước. Tôi đã được chứng kiến trạng thái hiền, khôn, mê, dại của những người đã bị chiến tranh cướp đi trí khôn; đồng thời hiểu công việc, nỗi niềm và cả những bất trắc, hiểm nguy của đội ngũ cán bộ, nhân viên ở đây...
Nơi tìm lại khoảnh khắc làm người!
 |
Y tá Nguyễn Hương Giang đang hướng dẫn thương binh tập thể dục. Ảnh: Hùng Hương |
Trung tâm điều dưỡng thương binh Nho Quan nằm nép mình ven xóm Cối, cách rừng quốc gia Cúc Phương khoảng 8 ki-lô-mét về phía Đông. Thú thực, khi quyết định vào đây tôi không khỏi có cảm giác tò mò xen lẫn sự hồi hộp! Là vì ngày nhỏ tôi từng có phen khiếp đảm vì một người điên.
Anh tên là Lộc, cùng xóm với tôi, bình thường anh hiền lành, chỉ thỉnh thoảng mới bị “chập mạch”! Lúc điên loạn, anh ta thường đập phá, la hét và rất thích… đánh người! Vì thế, mỗi khi có triệu chứng phát bệnh, người nhà lại trói anh ta lại, đề phòng mối nguy cho mọi người.
Một lần, nghe tiếng hò hét, chửi bới, biết anh Lộc lên cơn, tôi và mấy đứa bạn trong xóm lân la tới xem. Thật không may, bữa đó dây trói bị lỏng, đúng lúc chúng tôi lại gần thì anh ta bỗng vùng ra được… Một cuộc “ma-ra-tông” kinh hoàng đã diễn ra. Tôi bé nhất nên chạy chậm, mặt tái nhợt, miệng khóc toáng! Đúng lúc chỉ còn vài xải chân sẽ bị tóm, anh Lộc đã bị ai đó vật ngã. Vị cứu tinh của tôi là chú Tự, từng là bộ đội trinh sát mới về phục viên...
Cú dượt đánh ấy in đậm trong tôi đến nỗi, sau này cứ nhìn thấy ai thuộc diện điên, tâm thần, dở người, thậm chí… say rượu, là tôi lại tránh xa! Vì vậy, trước khi bước chân vào “đại bản doanh tâm thần”, tôi cứ phân vân một điều: Những người phục vụ ở đây đã sống và làm việc như thế nào bên những người giống như anh Lộc điên!
Trung tâm điều dưỡng thương binh Nho Quan toạ lạc trên một diện tích rộng hàng nghìn mét vuông, không gian yên tĩnh, thoáng mát. Bên trong phân thành nhiều khu, như nhà điều hành, nơi làm việc hành chính, khu ở của thương binh, khu điều trị, phục hồi chức năng… Nhiều vườn thuốc, vườn rau, cây xanh, bồn hoa… được trồng đan xen, tạo mỹ quan và môi trường sinh thái cho khu điều dưỡng. Hôm tôi đến, đúng vào ngày nghỉ nên Trung tâm khá vắng vẻ, tĩnh lặng.
Trên đường xuống thăm nơi ở của thương binh, tôi hỏi bác sĩ Lâm Quang Đại, Phó giám đốc Trung tâm:
- Các thương binh ở đây chủ yếu thuộc loại thương tật nào, thưa anh?
- Hầu hết là hạng đặc biệt và 1/4, mất sức từ 81% trở lên. Ngoài điều trị những cơn kích động cho bệnh nhân tâm thần sa sút mãn tính, điều trị loạn thần sau chấn thương sọ não, chúng tôi còn phải lo chữa trị nhiều bệnh nội khoa khác. Nhưng chắc anh cũng hiểu, không có nỗi khổ nào bằng việc mất trí khôn…
Khu vực điều dưỡng được phân thành 3 khoa: A1 là nơi dành cho những thương binh bị tâm thần nặng, A2 gồm những người già cả, sa sút thể lực, và A3 là các đối tượng đã thuyên giảm tâm thần, đang phục hồi chức năng. Số thương binh tâm thần mãn tính tại Trung tâm hiện có 104 người, gồm cả thương binh chống Pháp, chống Mỹ và giai đoạn sau năm 1975 được quy tụ từ 25 tỉnh, thành phố từ Quảng Trị trở ra.
Đến Khoa A2, tôi khá ngạc nhiên khi gặp một nhóm thương binh đang ngồi đánh cờ với cán bộ điều dưỡng! Họ nhìn tôi khá bình thản, thân thiện, có người gật đầu chào, có người chỉ tủm tỉm cười. Bác sĩ Đại giải thích: Đây là những bệnh nhân có tuổi, cơ bản đã phục hồi chức năng, hiện họ khá tỉnh táo, giao tiếp tốt.
Tôi lại gần một thương binh, nhẹ nhàng hỏi:
- Dạ thưa, bác tên là gì, năm nay bao nhiêu tuổi ạ?
Người thương binh trả lời rất lưu loát:
- Tôi tên là Bùi Văn Hai, quê gốc ở xã Nghĩa Thịnh, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Năm nay tôi 67 tuổi rồi.
- Bác có nhớ bị thương trong trường hợp nào không?
- Nhớ chứ. Tôi là cán bộ dạy lái xe của Quân chủng phòng không - Không quân. Một lần, khi tôi đang làm nhiệm vụ thì máy bay Mỹ ào tới ném bom. Bom nổ. Tôi bị đập đầu vào thành xe, không chết nhưng vết thương rất nặng. Tôi đã nằm điều trị ở nhiều bệnh viện quân đội nhưng không khỏi. Từ ấy đến nay người cứ lúc khoẻ, lúc yếu (lúc tỉnh táo, lúc lên cơn tâm thần kích động - N.V).
Những thương binh như ông Bùi Văn Hai, dẫu sao cũng tỉnh táo để tự lo cho bản thân. Còn rất nhiều người hoàn toàn vô thức, mọi sinh hoạt đều do người khác lo. Bác sĩ Lâm Quang Đại nói rằng: Điều trị cho một bệnh nhân bình thường đã vất vả, nhưng chăm sóc, điều dưỡng cho thương binh tâm thần còn vất vả hơn nhiều. Ở Trung tâm, mọi người đã “thấm” một điều, nếu mình nhàn thì thương binh sẽ khổ. Muốn thương binh đỡ khổ, ngoài trách nhiệm công việc, đòi hỏi phải có tình thương, sự chia sẻ, cảm thông và lòng nhân ái.
Tại Khoa A1, hiện đang có 27 thương binh, đây là những người bị tâm thần sau chấn thương rất nặng, có thể “nổi loạn” bất cứ lúc nào. Chính vì vậy, khoa được quy hoạch vào một khu riêng, lúc nào cũng kín cổng, cao tường. Hai cánh cổng sắt to tướng luôn khoá im ỉm, đây là biện pháp ngăn không cho thương binh vượt ra ngoài, đi lang thang. Nơi ở của thương binh là những căn phòng kế tiếp nhau, được trang bị giường, tủ cá nhân, chăn, màn, đệm, chỗ đi vệ sinh, tắm rửa khép kín. Thông thường, mỗi phòng được bố trí từ 2 đến 4 người, nhưng cũng có trường hợp thường xuyên “lên cơn”, phải dành riêng một phòng để… nhốt.
Bữa ấy, tôi xuống khoa theo lối cửa ngách. Đã gần 8 giờ, nhiều bệnh nhân còn đang ăn sáng, hạt cơm vương tung toé trên thềm. Người bệnh tâm thần có một điểm rất dễ nhận biết là quần áo lúc nào cũng xộc xệch, đầu tóc hoặc bù xù, hoặc hớt trọc, nét mặt ngẫn ngờ đờ dại. Thấy tôi đến, có thương binh buông bát đứng nhìn, có người tít mắt cười khình khịch, lại có anh lảm nhảm nói những câu bâng quơ, vô nghĩa...
Sau bữa sáng, một nữ y tá còn rất trẻ ân cần hướng dẫn cho thương binh thư dãn ngoài sân. Cũng lạ, trước một cô gái mảnh mai, nhỏ bé mà các thương binh nom khá “ngầu” lại cứ răm rắp tuân theo… Cô y tá trẻ ấy tên là Nguyễn Hương Giang, năm nay 22 tuổi, mới vào Trung tâm làm việc được hơn một năm. Giang kể: “Bố mẹ em trước cũng công tác ở Trung tâm, vì vậy sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp y Ninh Bình em đã xin vào đây. Mới đầu, nhìn các chú thương binh cứ đi lang thang, chạy nhảy, hò hét, đánh nhau, em cũng sợ lắm. Nhưng em cũng quen dần. Thực ra, ngoài những lúc bị rối loạn kích động, các chú ấy hiền lắm”.
Tôi được biết, nhiều thương binh ở đây bị rối loạn bản năng ăn uống, nên miếng cá, miếng thịt các hộ lý phải gỡ xương mới dám cho ăn, cốc nước đang nóng phải chờ nguội mới dám cho uống. Có người chẳng đủ tỉnh táo để sử dụng đũa, thìa mà toàn dùng tay bốc cơm ăn. Mọi sinh hoạt đời thường như ngủ nghỉ, cắt tóc, cạo râu, tắm giặt, vệ sinh… thương binh đều không có ý thức, các hộ lý, y tá phải trực tiếp làm. Nhiều việc tưởng rất dễ dàng với người bình thường, nhưng với bệnh nhân tâm thần lại là việc không đơn giản. Hộ lý Huỳnh Thị Hảo, 41 tuổi, đã nhiều năm công tác ở Khoa A1 nói với tôi: Chỉ riêng chuyện thuyết phục họ… cởi quần áo để tắm gội cũng là một kỳ công. Do số bệnh nhân đông, các hộ lý thường phải áp dụng hình thức “tắm đàn”, nghĩa là cùng lúc tắm cho cả chục con người. Trước đối tượng khác giới đã “thoát y” toàn thân nhuếnh nhoáng nước, lại cứ hồn nhiên nói cười vô thức, ai mới nhìn hẳn sẽ đỏ mặt.... Thế nhưng, đối với các nữ hộ lý, việc phải xắn tay gội đầu, rội nước, kỳ cọ, lau chùi… cho anh em lại là “chuyện thường ngày”, chỉ có như vậy họ mới được sạch sẽ, thơm tho.
Sống và làm việc bên những thương binh tâm thần, điều đáng sợ nhất là lúc họ lên cơn rối loạn, kích động. Mùa hè nóng bức, có thương binh xé toang cả quần áo, chạy tông ngông khắp nơi. Mùa đông rét mướt, có người chăn không chịu đắp, đệm chẳng cần nằm, ném vứt lung tung. Có bệnh nhân lúc lên cơn động kinh cứ sùi bọt mép, mắt trợn ngược. Có người trèo tót lên cây, ngồi thu lu như con chim dái cá. Thậm chí, có trường hợp trốn được ra ngoài đâm đến chết một con bò… Biểu hiện phổ biến nhất là đang đêm họ cứ hô hét “Pằng, pằng”, “Chíu chíu”, “Xung phong”… gây náo loạn Trung tâm. Việc họ chửi bới, đánh nhau, thậm chí đánh cả nhân viên điều dưỡng cũng không hiếm. Lúc ấy, ngoài sự can thiệp bằng các biện pháp kỹ thuật, thì thái độ nhẹ nhàng, ân cần sẽ làm cho thương binh dịu bớt sự rối loạn...
Ở Trung tâm, có một thương binh phải thường xuyên áp dụng biện pháp “quản thúc” đặc biệt. Đó là Doãn Quang Thi, 46 tuổi, người nổi tiếng về chuyện… đánh bác sĩ.
Chị Huỳnh Thị Hảo kể:
- Một lần, tôi vào chia cơm cho anh em ăn. Đúng lúc đó có hai thương binh lên cơn kích động, xông vào đánh nhau, nom ai cũng rất hung hãn, dữ dằn. Khi tôi chạy đến can ngăn, thương binh Doãn Quang Thi liền giằng lấy chiếc gậy khênh cơm, quay sang đuổi đánh tôi. Anh Đại hồi đó còn là trưởng khoa A1, thấy thế liền lao vào giải cứu. Trong cơn điên loạn, bệnh nhân Thi đã phang một nhát chí tử vào mặt anh Đại, máu me bê bết...
Bác sĩ Lâm Quang Đại chỉ cho tôi xem vết sẹo, nói:
- Cú đánh của bệnh nhân Thi làm tôi bị rách cả môi, phải khâu nhiều mũi, miệng sưng vếu, ăn cháo cả tháng trời. Không chỉ riêng tôi, bệnh nhân này đã từng tấn công nhiều thương binh, y tá, hộ lý khác trong khoa. Có lẽ vì vậy mà ai cũng ngại vào khoa này. Lúc lên cơn loạn thần, họ khoẻ lạ thường, cần nhiều người mới có thể giữ được.
Tôi quyết định xuống nơi ở của Doãn Quang Thi. Đó là một thương binh thấp đậm, có đôi hàng lông mày xênh xếch, tay chân loang lổ vết sẹo. Không biết anh kiếm đâu được một chiếc túi vải cũ, lúc nào cũng đeo trên người như… cán bộ! Thi là chàng trai Hà Nội gốc, gia đình hiện vẫn đang sống ở phố Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm. Anh bị chấn thương sọ não, quá trình điều trị, các bác sĩ đã chữa lành vết thương trên cơ thể nhưng không thể tìm lại được trí khôn cho anh. Đã gần 20 năm nay, Thi sống nhờ vào sự chăm sóc của các y, bác sĩ, hộ lý ở Trung tâm, và cũng ngần ấy năm anh chìm đắm trong cõi u mê, cuồng mị...
Cô hộ lý đi cùng cho biết, nhờ biện pháp chăm sóc, điều dưỡng, phục hồi chức năng tích cực, bệnh nhân này đã giảm các cơn kích động so với trước. Khi thấy tôi giơ máy ảnh định chụp, Doãn Quang Thi đăm đăm nhìn, khuôn mặt vừa hiền lành, vừa ngẫn ngờ ngây dại.
Tôi chỉ vết sẹo trên tay anh, khẽ nói:
- Chào anh! Làm sao lại có vết sẹo này?
Doãn Quang Thi bỗng cười khì khì:
- À! Do người khác “đánh nhầm” ấy mà!
- Anh có khoẻ không?
- Khoẻ! Khỏe để sẵn sàng chiến đấu - Người thương binh liến thoắng.
- Thế, chiến đấu để làm gì?
- À thì… chiến đấu để dựng nước và giữ nước. Phải quyết tâm bảo vệ Tổ quốc chứ!
Vậy đấy, đối với một thương binh không nhớ nổi cả tên mình, hai từ Tổ quốc vẫn bật ra trong những khẩu âm vô thức, vẫn le lói, chập chờn trong cõi tối tăm của thứ bệnh nghiệt ngã, đớn đau...
Tôi nắm chặt tay anh như một người đồng đội: “Tạm biệt anh nhé! Chúc anh ở lại mạnh khoẻ để bảo vệ Tổ quốc!”. Khuôn mặt người thương binh tâm thần bỗng phấn khích hẳn lên, anh hướng về phía tôi, mặt ngẩng cao, giơ tay dõng dạc: “Báo cáo! Rõ”!
Lê Thiết Hùng
Kỳ sau: Niềm riêng kẻ tỉnh, người mê!