Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Bùi Thị Chuột và con dâu-chị Nguyễn Thị Minh

Chiến tranh đã lùi xa hơn 30 năm, những vết thương trên mình Tổ quốc đã liền da, nhưng vết thương trên thân thể, trong lòng thì còn mãi với bao người, bao hoàn cảnh. Chúng ta khâm phục và trân trọng biết nhường nào những người mẹ, người vợ đã vượt lên mọi thương đau, mất mát chồng, con, tất cả ngời lên nghị lực và tấm lòng thơm thảo.

Tôi về thôn Dương Sơn (xã Tam Sơn, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) thăm Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Bùi Thị Chuột vào một ngày giữa thu. Trong căn nhà ngói đơn sơ, mẹ sống cùng người con dâu hiếu thảo thật ấm cúng, mấy đứa chắt tíu tít vui với cụ, với bà. Mẹ Chuột năm nay đã sang tuổi 87, đôi mắt đã loà nhưng vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn và nhanh nhẹn. Mẹ kể:

- Lận đận mãi, năm 1947, gần 30 tuổi mẹ mới sinh nở lần đầu. Con vừa được mấy tháng thì chồng bị giặc Pháp bắn chết trong một trận càn. Nén chặt nỗi đau, mẹ ở vậy nuôi con, mong con khôn lớn để nhờ cậy lúc tuổi già. Nhưng đất nước còn loạn lạc, mẹ lại nghĩ khác…

Vậy là anh Nguyễn Tiến Đan, người con độc nhất của mẹ, chưa có lệnh nhập ngũ nhưng cứ nằng nặc xin đi bộ đội bằng được. Anh nói với mẹ:

- Con là thanh niên, sức vóc thế này, ở nhà sao được?

Đan lên đường, anh động viên vợ ở nhà vừa công tác, vừa chăm nom mẹ già và đứa con trai chưa đầy 2 tuổi. Anh nhập ngũ tháng 5-1971, đến tháng 11-1972 thì hy sinh. Tham gia công tác dân quân tự vệ, chị Nguyễn Thị Minh (vợ anh Đan) là người trong gia đình biết tin sớm nhất chuyện anh Đan hy sinh, nhưng vẫn nén chặt nỗi đau, không dám nói với mẹ chồng, sợ bà không chịu nổi. Đến khi nhận được giấy báo tử anh Đan, mẹ Chuột đau buồn, héo hắt ruột gan, tưởng chừng không sống nổi. Mẹ thương tiếc con trai và thương lắm người con dâu ăn ở hiền lành, nết na chăm chỉ, ở với chồng chưa ấm chỗ đã trở thành góa bụa. Anh Đan hy sinh được mấy năm, thấy nhiều người đến ướm hỏi, mẹ khuyên chị nên đi bước nữa, đừng như mẹ mà khổ cả đời. Chị ngậm ngùi nói trong nước mắt:

- Mẹ vì chúng con mà chịu bao gian nan khổ cực, con đi lấy chồng thì ai là người trông nom, chăm sóc mẹ?

Thế là hai mẹ con đùm bọc, dựa vào nhau, động viên nhau sống đến bây giờ…

Đời mẹ Chuột đã phải chịu bao cay đắng, nhọc nhằn, nhưng khổ nhất vẫn là cái đận năm 1971. Anh Đan vừa nhập ngũ được mấy tháng thì ở quê có lụt. Mẹ ốm, căn nhà tranh vách đất, mái dột không có chỗ mà nằm. Cô con dâu phải ngồi suốt đêm che cho mẹ ngủ. Mấy hôm sau, căn nhà xiêu vẹo không chịu nổi gió, nước lụt, đổ sụp xuống, mẹ con, bà cháu đùm rúm nhau đi ở nhờ. Anh Đan nghe tin quê mình lụt lội, xin nghỉ mấy hôm về quê giúp đỡ gia đình. Anh trở lại đơn vị đúng thời gian quy định, nhưng lúc này đại đa số cán bộ, chiến sĩ đã lên đường vào Nam chiến đấu theo lệnh đột xuất, anh được cấp trên cho phép ở lại. Nhưng Đan không chịu, anh ra ga tàu đuổi theo đơn vị, vào đến Quảng Bình mới gặp. Tại đây, anh viết thư báo tin cho mẹ và vợ, đó là lá thư cuối cùng, những lời tâm sự cuối cùng anh gửi lại những người thân…

Lúc đầu, tôi và mẹ Chuột nói chuyện, chị Minh chỉ ngồi nghe và thỉnh thoảng rót nước mời khách và mẹ chồng, về sau chị mới tham gia vào câu chuyện. 59 tuổi, mái tóc chị đã có nhiều sợi bạc, những nếp nhăn hằn trên khuôn mặt làm cho chị già hơn nhiều so với những người cùng tuổi. Chị sinh năm 1948, lớn lên tham gia hoạt động Đoàn thanh niên, rồi công tác ở địa phương, được kết nạp Đảng khi vừa tròn 20 tuổi. 21 tuổi chị về làm dâu mẹ Chuột, từ đó chị vừa làm tròn bổn phận của người con dâu, người mẹ, vừa hoàn thành tốt các cương vị, chức trách: Đội phó đội thủy lợi, Đội trưởng đội sản xuất, Cán bộ kiểm soát HTX, Xã đội phó, rồi Phó chủ tịch Hội phụ nữ xã Tam Sơn, đến năm 1989 thì chị xin nghỉ. Với những thành tích và đóng góp cho quê hương, chị đã được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, cùng nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành. Theo chị kể, dịp xin nghỉ công tác không phải chị không còn làm được việc. Ngày ấy, mẹ chồng chị ốm nặng, chẳng có ai trông nom chăm sóc. Chị đi công tác mà ruột nóng như lửa đốt, lúc nào cũng lo cho mẹ. Còn lý do thứ hai thì chị vẫn giấu kín trong lòng. Chẳng là ngày ấy, chị và người em trai đều được giới thiệu ứng cử vào Ban chấp hành Đảng bộ xã. Không phụ lòng người chị và nhân dân, khi được bầu vào Đảng ủy xã, anh Nguyễn Xuân Tứ (em chị Minh), đã cùng tập thể lãnh đạo đưa xã nhà phát triển về mọi mặt. Sau nhiều năm phấn đấu, anh đã trở thành cán bộ có năng lực, hiện là Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy, chủ tịch HĐND xã Tam Sơn. Còn chị, tuy nghỉ công tác nhưng vẫn tích cực hoạt động xã hội, tham gia công việc của thôn. Chị vừa được Hội phụ nữ xã Tam Sơn biểu dương khen thưởng và tặng danh hiệu “Nàng dâu hiếu thảo”. Chị bày tỏ:

- Bây giờ tôi chỉ mong mẹ luôn khỏe mạnh, sống lâu để thấy con cháu trưởng thành, làm ăn phát đạt, còn ước nguyện mang được hài cốt của anh Đan về an nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ địa phương thì đã thực hiện được rồi…

Mẹ Chuột ngồi nghe con dâu nói chuyện mà thấy vui lây, thỉnh thoảng lại nở nụ cười đôn hậu rồi bỏ cặp kính đen, lấy khăn lau vội những giọt nước mắt vừa trào ra, mẹ bảo:

- Bây giờ mẹ con tôi sung sướng lắm rồi, kinh tế thì chẳng phải lo, ăn tiêu tằn tiện còn để ủng hộ nơi này nơi nọ gặp bão lụt, hoạn nạn. Tôi xin cảm ơn Đảng, Nhà nước, cảm ơn các ngành, các cấp và bà con thôn xóm, đã giúp đỡ mẹ con tôi nhiều lắm, từ cái khăn, tấm áo đến cả đất, cả tiền để làm nhà…

Tôi tạm biệt hai người phụ nữ góa bụa mà chẳng đơn côi, trong lòng dâng lên bao cảm xúc. Các mẹ đã hy sinh những người thân yêu nhất của mình vì độc lập, tự do, cùng bao thế hệ người Việt Nam viết nên bản anh hùng ca huy hoàng nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Sau 20 năm đổi mới, đất nước đang chuyển mình mạnh mẽ trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chúng ta cùng chúc các mẹ mạnh khỏe, sống lâu, để dõi trông và khích lệ cháu con dựng xây đất nước, quê hương.

Bài và ảnh: HOÀNG NGỌC BÍNH