QĐND Online – 65 đến 70% người dân trong bản liên quan đến ma tuý, hàng chục gia đình
 |
Ông Vì Văn Lả buồn rầu ngồi trước cửa nhà |
có người phải đi tù, là thực tế xót xa tại bản Na Ngum, Thanh Yên. Đau xót hơn khi trực tiếp chứng kiến những cảnh đời, những con người ở đây hàng ngày, hàng giờ bị tàn phá, huỷ hoại của “
cái chết trắng”…
“Thành phố thu nhỏ”
Nói đến tệ nạn ma tuý ở Thanh Yên là phải nhắc đến bản Na Ngum. Vì trong nhiều năm liền, Na Ngum là một điểm buôn, bán ma tuý phức tạp nhất xã. Với diện tích không rộng, bản chỉ có 98 hộ dân nhưng số người phải đi tù vì mua bán ma tuý đã lên con số hàng chục, thậm chí có cả án tử hình. Na Ngum là bản người Thái lâu đời (hiện 100% là người dân tộc Thái). Người trong bản đều có quan hệ họ hàng với nhau. Do vậy, việc tố giác tội phạm ở bản gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí không có kết quả. Trước sự biệt lập tương đối và hiện tượng mua bán ma túy diễn ra nhiều, từ lâu, người dân trong xã và lực lượng công an thường gọi Na Ngum là “thành phố thu nhỏ”.
Theo chân các chiến sĩ công an viên chúng tôi đến Na Ngum trong một buổi chiều nắng gắt. Ô tô chỉ có thể đưa đoàn đi một đoạn, còn quãng đường còn lại phải đi bộ. Trên đường đi chúng tôi được anh Lường Văn Hương, công an viên thông báo: “Nhìn thấy ô tô và chúng tôi đi cùng thế này, các đối tượng sẽ trốn hết cho mà xem. Mọi hoạt động mua bán, hút, chích sẽ không diễn ra để các nhà báo thấy nữa đâu. Nếu đi xe máy và chỉ có một hai người thì sẽ dễ dàng chứng kiến được cảnh hút, chích, thậm chí mua bán ma tuý. Vì có một thực tế mà đối tượng đều biết là: Ô tô chỉ về bản khi có đợt bắt tội phạm”. Nhận được thông báo đó, mọi người khá thất vọng, vì sẽ thiếu đi những tình tiết sống động trong bài viết của mình. Nhưng chúng tôi vẫn hăng hái đi, để có thể được tận mắt chứng kiến cuộc sống của người dân nơi đây.
Những con ngõ nhỏ vòng quanh, những bờ ruộng loằn ngoằn qua những bụi tre xanh dẫn chúng tôi đến với Na Ngum. Đường đất hẹp, gồ ghề, khiến phóng viên nữ trong đoàn gặp khó khăn do đi giày cao gót. Sợ tụt lại sau đoàn, một phóng viên nữ vội bỏ giày, đi đất cho nhanh. Ngay lập tức một một anh công an viên đi cùng đoàn nhắc nhở. “Chị cố đi giày đi, nếu không thì đi đừng đi vào vệ cỏ, ở đây có nhiều kim tiêm của bọn nghiện vứt lại lắm”. Quả thật, từ khi có cảnh báo, chú ý quan sát hơn, chỉ một đoạn đường ngắn chúng tôi đã thấy hàng chục chiếc kim tiêm. Kim tiêm vương vãi trên đường, trong bụi rặng, trên mặt ruộng… Nhìn một số người dân đang lội chân trần cấy lúa, chúng tôi không khỏi e ngại khi thỉnh thoảng lại thấy vài chiếc xi lanh, kim tiêm được người nông dân khi làm ruộng phát hiện, buộc túm lại vứt lên khu vực gần bờ.
Sau một hồi đi bộ, lưng áo đã ướt mồ hôi, chúng tôi đặt chân lên đất Na Ngum. Đúng như lời anh Lường Văn Hương, bản khá vắng vẻ, dọc đường đi, chúng tôi chỉ gặp vài người. Dưới chân những ngôi nhà sàn sập sệ chỉ có những con chó sủa lên ầm ĩ khi đoàn chúng tôi đi qua. Thỉnh thoảng sau những rặng cây, trên cửa sổ những ngôi nhà sàn có vài đôi mắt trẻ thơ ngơ ngác nhìn ra. Vài người già buồn rầu ngồi dựa cửa. Tất cả thực tế đó khiến cho những người trong đoàn chúng tôi một cảm giác về sự hoang vắng, tang thương nhưng đầy bí ẩn. Anh Hương khẳng định thêm: “Bọn nghiện trốn hết rồi không thấy được đâu mà muốn vào nhà người dân nói chuyện, tìm hiểu cũng không được. Vì người ta không tiếp và cũng sẽ chẳng nói gì”. Vậy là chúng tôi chỉ còn biết lẳng lặng đi theo những công an viên dẫn đường, quan sát, cảm nhận và nghe sự giải thích, hướng dẫn của các anh.
Những cảnh đời thương tâm
Vừa chỉ, anh Lò Văn Ngọc vừa giải thích, “Đấy, ông già ngồi một mình ở cửa là Vì Văn Lả. Cả nhà giờ chỉ còn mình ông, ba thế hệ nhà ông đều đã bị đi tù vì ma tuý. Vợ ông là Vì Thị Cu đi tù.
 |
Ngôi nhà gần như bỏ hoang của vợ chồng Vì Văn Muôn và Lò Thị Lan |
Sau đó con trai và con dâu là Vì Văn Thương và Vì Thị Dinh cũng vào trại. Cuối cùng thằng cháu của ông, Vì Văn Thi lại dính vào “nàng tiên nâu”, đi tù nốt”.
Theo tay chỉ của anh Ngọc chúng tôi thấy một ông già, gầy yếu đang thẫn thờ ngồi ở cửa một ngôi nhà sàn cũ kỹ. Còm cõi, một mình với nhiều nếp nhăn hằn sâu trên mặt. Nhìn ông, người ta khó có thể đoán năm nay ông đã bao tuổi. Chúng tôi vội lấy máy ảnh ra chụp lia lịa. Nhưng ông Lả không có phản ứng gì. Dường như với ông, lúc này chẳng có gì đáng ngạc nhiên và chẳng có gì là quan trọng, đáng để tâm nữa.
Đi qua nhà ông Lả vài nhà chúng tôi nhìn thấy một ngôi nhà sàn cũ kỹ gần như sắp sụp xuống, quanh sân cỏ mọc, chẳng khác ngôi nhà hoang. Khi chúng tôi hỏi, anh Ngọc giải thích: “Nhà đó là nhà của vợ chồng Vì Văn Muôn và Lò Thị Lan, chứ không phải bỏ hoang đâu. Nhưng gia đình thì khổ lắm. Hai vợ chồng đều đã bị đi tù vì ma tuý, để lại 3 đứa con. Giờ cả 3 đứa đều bị nghiện rồi. Không biết mấy đứa nó lấy gì, làm gì để ăn”.
Thấy chúng tôi thẫn thờ, xót xa, anh Lường Văn Hương lắc đầu: “Khổ lắm các anh, chị ạ. Cảnh cả bố và mẹ bị đi tù ở bản này không chỉ có gia đình nhà anh Vì Văn Muôn”. Rồi anh dẫn chúng tôi cho xem nhà của gia đình Vì Văn Doan và Vì Thị Ín. Cả hai vợ chồng đều đang ở tù và cũng để lại 3 đứa con không ai nuôi nấng.
Hỏi về việc chăm sóc, tổ chức học tập và vui chơi cho trẻ em ở bản thì anh Hương chỉ cho chúng tôi đến một quán nước nhỏ. Cạnh quán đặt một bàn bi-a. Vây quanh chiếc bàn đó là một đám trẻ con mà nhiều đứa đầu chỉ cao hơn chiếc bàn một chút. Vậy mà đứa nào cũng sẵn sàng cầm gậy chọc bi a và nói chuyện, nhận xét như những “dân chuyên nghiệp”. Thấy chúng tôi chụp ảnh chúng cũng chỉnh quần áo, nắn nót đường đánh để cho chúng tôi được xem những pha đánh đẹp và lấy đó làm hãnh diện.
Bắt chuyện một đứa bé nhất trong bọn, trạc 5 đến 6 tuổi, đang cố kiễng chân nhìn bàn bi-a thì được biết em là Vì Văn Tiên. Tiên biết bố tên là Lún, nhưng không biết mình bao nhiêu tuổi. Hỏi xem bố em có cho đi chơi bi a không, tôi được Tiên trả lời: “Bố cháu đi rừng lâu rồi, đến giờ vẫn chưa về”. Đang định hỏi tiếp thì anh Ngọc kéo tôi ra giải thích: “Bố của Tiên là Vì Văn Lún vừa bị bắt tháng 3 vừa qua về tội mua bán ma tuý. Nhóm tội phạm của Lún rất nguy hiểm, khi bị lực lượng chức năng truy bắt đã chống trả quyết liệt”.
Từ khi vào Na Ngum, thấy ai, hỏi người nào, chúng tôi cũng đều thấy họ có liên quan đến ma tuý. Anh Đinh Văn Sáng, Phó trưởng công an xã cho biết: “ 65 đến 70% người dân ở đây có liên quan đến ma tuý. Số người tái phạm buôn bán ma túy cũng khá cao, lên tới 60 đến 70%”. Anh Sáng cũng cho biết thêm, “Ngay sáng nay, bản có một người chết vì ma tuý. Đó là Lò Văn Xích sinh năm 1980. Xích nghiện ma tuý đã dẫn tới bị nhiễm HIV. Năm 2003, Xích đã bị bắt tù vì mua bán ma tuý. Sau khi ra tù (tháng 11-2005), không việc làm, Xích lại tiếp tục dính đến ma túy. Không có tiền, Xích đi mua ma tuý hộ để hưởng thù lao. Đến nay, sau một thời gian đau đớn vì HIV giai đoạn cuối hành hạ, Xích đã chết”.
Rời Na Ngum với những số liệu, thực tế đầy ắp đau thương, ai cũng xót xa cho người dân ở bản. Khi về qua nhà ông Lả, không thấy ông ngồi ở cửa ra vào nữa mà chuyển lên ngồi bên cửa sổ trên gác. Tuy nhiên, dáng ngồi và đôi mắt vẫn vậy. Vẫn thẫn thờ, buồn nản nhìn về đâu đó xa xăm. Cuộc đời ông còn gì? Chỉ còn những hy vọng ngày trở về còn rất xa của người thân trong gia đình và chờ đợi phép mầu nhiệm sẽ đến, xoá tan đi những mặc cảm, những nhơ nhớp của tội lỗi và những cái vòi bạch tuộc của thứ chất độc chết người đang vây lấy ông, người nhà ông và thôn bản của ông.
Không ai trong chúng tôi nói gì, chỉ lặng lẽ đi và chìm vào trong những suy tưởng riêng của mỗi người. Cuộc sống người dân nơi đây khổ quá! Biết bao giờ một cuộc sống thực sự, một cuộc sống không ma tuý, không có tù tội đến với người dân Na Ngum? Những câu hỏi đó hoàn toàn có lời giải và có phương pháp giải hữu hiệu triệt để. Đó là khi toàn xã hội chung sức cùng người dân Na Ngum chống lại ma tuý, chống lại cái nghèo đã đeo đuổi người dân ở đây từ lâu.
Bài và ảnh: Đinh Xuân Dũng
Kỳ sau: Chống ma tuý bằng cách nào?Kỳ 2: Gian nan công an viên