QĐND Online - Truyền thuyết rồng vàng chở Đinh Bộ Lĩnh vượt qua sông, để tồn tại một bậc Đế vương mở nền chính thống Đại Việt liệu có phải là rồng vàng cất cánh trên đất Thăng Long mà Lý Công Uẩn đã thấy để củng cố cho ý tưởng dời đô về nơi “được thế rồng cuộn hổ ngồi”!. Một thế rồng bay đã là một sự kiện tạc vào lịch sử dân tộc Việt Nam những mốc son sáng chói trên con đường dựng nước và giữ nước.
Hoa Lư, kinh đô của ý chí độc lập, tự chủ
Sử cũ chép rằng, năm 968 sau khi dẹp xong loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước, Đinh Tiên Hoàng lên ngôi Hoàng Đế, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, đóng đô tại Hoa Lư, niên hiệu Thái Bình. Thành Hoa Lư toạ lạc trên một ngã ba đường, phía đông có đường Thiên lý, ra Bắc vào Nam, phía Tây có đường Thượng đạo vào Thanh Hoá, phía Bắc có sông Hoàng Long chảy vào sông Đáy. Do bối cảnh nước nhà vừa thống nhất, chính quyền trung ương tập quyền chưa đủ mạnh để quản lý toàn bộ lãnh thổ quốc gia, nguy cơ ngoại xâm và nội chiến vẫn rình rập, nên nhà Đinh đã lập đô ở địa điểm vừa xa biên giới, vừa có địa hình hiểm trở, lại ở cạnh làng quê của Vua để vững thế dựa vào dân.
 |
Cố đô Hoa Lư - Ninh Bình. Ảnh minh họa/internet. |
Đến Kinh đô Hoa Lư ta như lạc vào mê cung núi non hiểm trở, một thành luỹ được bao bọc bởi những dãy núi đá vôi tạo thành bức tường thành thiên nhiên kiên cố. Phía đông là dãy hang Quàn, núi Đầm, phía Tây có dãy Mang Sơn, Cổ Giai, Hàm Xá, phía nam có dãy hang Luồn, quèn Đốt. Ngăn cách giữa thành nội và thành ngoại là dãy Đại vân sơn, núi Chợ, hang Sung, quèn Vòng. Duy nhất phía bắc kinh thành không có núi. Khoảng trống giữa các núi, Đinh Bộ Lĩnh cho đắp những dãy thành đất như Yên Thượng, Yên Hạ, Yên Trạch, kích thước tường thành đáy rộng 15-17m, mặt rộng 3-4m cao 7-8m, bên trong có cốt gạch và cọc gỗ chèn lún. Thành Hoa Lư mang tính chất một thành trì quân sự, một “quân thành” lợi dụng địa hình hiểm yếu của thiên nhiên bao bọc tạo nên một toà thành bất khả xâm phạm tồn tại 42 năm.
Không gian Hoa Lư là cái gạch nối địa chính trị, địa quân sự, địa kinh tế, địa ngoại giao và một nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc Việt. Theo các dòng sông Đáy, Hoàng Long, Sào Khê và các dòng sông vòng quanh Hoa Lư đã nối Kinh thành với xã hội Việt cả hai đầu Nam Bắc của đất nước. Hoa Lư cũng là điểm kết nối giữa Giao Châu với Ái Châu, giữa vùng châu thổ sông Hồng với sông Mã, từ nền văn minh Đông Sơn đến văn minh Đại Việt. Với vị thế đó đã được vị anh hùng dân tộc kiến tạo thành một không gian xã hội cho một thời kỳ quốc gia thống nhất, khẳng định Đế hiệu: Đinh Tiên Hoàng, Quốc hiệu: Đại Cồ Việt, Niên hiệu: Thái Bình, một nền tài chính riêng biệt. Nên Hoa Lư, dẫu là một thành quân sự, nhưng nó vẫn là kinh đô của cả nước, một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, có ý nghĩa củng cố vững chắc nền độc lập dân tộc,sự thống nhất toàn vẹn quốc gia, một thời kỳ thống nhất thật sự. Hoa Lư đi vào lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc như một biểu tượng bền vững của tinh thần quyết tâm, ý chí độc lập, tự chủ, tạo bước ngoặt lịch sử từ Cổ Loa qua Hoa Lư để trở lại Thăng Long - Hà Nội.
Ý chí dời đô, mưu nghiệp lớn
Ý thức phát triển đất nước được thể hiện rõ khi vừa lên ngôi, niên hiệu Thuận Thiên thứ nhất Canh Tuất (1010), Lý Thái Tổ đã đặt tên mới cho Hoa Lư là phủ Tràng An. Sau 42 năm xây dựng, chế độ trung ương tập quyền đã khẳng định thế mạnh về quân sự đủ sức bảo vệ đất nước, bảo vệ chính quyền trong thế trận rộng lớn vững chắc. Lòng dân đã thuận, thế nước đã lên, cần phải tạo ra một diện mạo mới cho sự phồn vinh, cường thịnh,chấm dứt thời kỳ trị nước bằng võ trị, chuyển sang trị nước bằng văn trị. Yêu cầu một vị thế địa chính trị, địa quân sự, địa kinh tế, địa ngoại giao mới đặt ra, vị trí ấy chỉ có thể là nơi “rồng cuộn hổ ngồi ”, “chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước”. Địa thế ấy phải chăng bậc Đế vương đã nhìn thấu mệnh trời, vận nước đặt trong phong thuỷ một vị trí bờ nam sông Hồng, con sông Mẹ vượt qua chặng đường quanh co nhiều núi, chắt lấy dòng nước hồng tươi êm đềm xuôi về đại dương. Những chi nhánh Tô Lịch, Kim Ngưu, Sét, Lừ như những cánh tay mẹ ôm mảnh đất thiêng vào lòng, một số khác tụ lại thành Hồ Tây, một Đại minh đường mênh mông. Xa xa Ba Vì núi Tổ là bức phên dậu hùng vĩ, vững chắc, có Tản Viên Sơn thánh chở che. Cái lý về địa lợi, lại được một Thiên chiếu dời đô lý lẽ trước sau, ngọn nguồn phân tỏ, một triết lý đầy sức thuyết phục “làm kế cho con cháu muôn vạn đời”, “trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân”, “vận nước lâu dài, phong tục giàu thịnh”. Một cuộc dời đô vì dân, vì vận nước, vì sự phồn thịnh vạn đời, lại được tham kiến “ý các khanh thế nào?” thì không ai nghi ngờ lý tưởng tốt đẹp và trong sáng ấy. Điều đó càng thôi thúc muôn dân làm ngay bởi đó là xây dựng một nơi “thượng đô kinh sư muôn đời”, niềm hạnh phúc của mọi nhà, mọi người hôm nay và mai sau.
 |
Hà Nội đang trên đà phát triển. Ảnh: Phúc Thắng. |
Ý chí ấy, tấm lòng ấy lại đặt trong sự thuyết phục sáng tạo với hình tượng rồng vàng cất cánh, mách bảo cho dân tộc con rồng cháu tiên, rằng ý trời đã hợp lòng dân. Dẫu là một truyền thuyết nhưng cái huyền thoại và hiện thực đan quyện vào nhau tạo nên một sức mạnh đồng thuận, tinh thần vô song, cố kết dân tộc vững chắc, sẵn sàng vượt qua mọi gian nan cho cuộc dời đô toàn thắng. Cuộc dời đô lịch sử đã đồng thời mang lại nhiều hệ quả tích cực.. Chính quyền Trung ương ở vào nơi trung tâm đất nước, vị trí giao thông thuận lợi cả đường bộ lẫn đường thủy, có điều kiện để thâu tóm chi phối các địa phương đồng thời phát huy được thế mạnh của cả vùng châu thổ sông Hồng. Đập tan quân xâm lược nhà Tống trên sông Như Nguyệt. Chuông Quy Điền, Tháp Báo Thiên, Vạc Phổ Minh, tượng đồng Quỳnh Lâm là bốn vật được coi là tứ đại khí của thời kỳ này. Giai đoạn mà công việc xây dựng hưng thịnh đất nước bắt đầu vào quy mô lớn.
Vận hội cất cánh
Các bậc Đế vương của các triều đại qua 1000 năm dựng nước và giữ nước luôn biết tạo thế lấy yếu chế mạnh. Ngày nay thế ta đã vững, đã lên cao, lực ta đã mạnh và ngày càng mạnh hơn, để tạo đà cất cánh cho đất nước con rồng cháu tiên vươn ra biển lớn. Quần thể di sản Cố đô Hoa Lư là nơi tụ hội nhiều giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hoá, cảnh quan, sinh thái, đó là tài nguyên quý giá của du lịch. Chiến lược và quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam đã được Chính phủ phê duyệt xác định Hoa Lư là một trong 7 vị trí được đầu tư trọng điểm quốc gia. Hoa Lư, Tam Cốc, Bích Động là một bộ phận của di sản Cố đô Hoa Lư, là điểm đến quan trọng trong hệ thống du lịch Quốc gia. Phát triển du lịch Cố đô Hoa Lư có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với Ninh Bình mà còn tác động trực tiếp đến trung tâm du lịch Hà Nội và phụ cận trong mối quan hệ của trục du lịch Hoa Lư - Thăng Long - Hà Nội.
Từ giá trị tài nguyên, du lịch Cố đô Hoa Lư được nhìn nhận trong mối quan hệ phát triển khu du lịch tâm linh thắng cảnh chùa Bái Đính và khu bảo tồn ngập nước Vân Long. Mới đây một công ty đã quảng bá tour du lịch đặc sắc “truy tìm bí kíp Lý triều” để tìm hiểu về triều đại nhà Lý. Cùng với đó là các sản phẩm du lịch văn hoá lịch sử, địa chất cảnh quan, sinh thái đất ngập nước, chiêm nghiệm cuộc sống nông dân bằng những tour về làng tham gia công việc nhà nông.
Về với cội nguồn nghìn năm qua, ta vẫn nghe đâu đây “đêm đêm rì rầm trong tiếng đất/ những buổi ngày xưa vọng nói về”. Những giá trị truyền thống lịch sử văn hoá luôn là niền tự hào khích lệ trở thành nguồn lực nội sinh để Hà Nội ngày nay vươn mình tạo thế đưa diện mạo Thủ đô xứng đáng vị thế và niềm tự hào, kỳ vọng của cả nước. Hà Nội ngày nay diện tích gấp gần 4 lần khi chưa mở rộng, dân số bằng cả nước Đại Việt thời nhà Lý. Thế hệ của 1000 năm sau lúc vị vua Tổ định đô đang canh cánh bên lòng lời tri ân “xây dựng Thủ đô đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” trên đường hội nhập quốc tế. Quy hoạch Hà Nội thiết lập một trục không gian “mặt nước, cây xanh và văn hoá” đó là sự nối tiếp một chiến lược rất chuẩn mực được vị vua Tổ Thăng Long thiết kế trên cơ sở sự hoà quyện giữa: gió, nước, núi, sông, một món quà mà thiên nhiên ban tặng. Hà Nội sẽ hình thành các khu chức năng mới theo đại lộ Láng - Hoà Lạc, trên cơ sở bảo tồn môi trường tự nhiên và cải thiện hình ảnh thành phố thông qua việc bảo tồn đa dạng sinh học, đất nông nghiệp, sử dụng đất hợp lý. Mở ra các cửa ngõ, các hành lang giao thông thuận tiện, cung cấp một mạng lưới không gian mở liên tục gồm sông, hồ, đường phố, quảng trường, để sử dụng các hoạt động công cộng, đảm bảo mọi người dân sống tốt hơn từ một môi trường thân thiện.
Có thể hình dung Hà Nội vào năm 2020 là một đô thị văn minh, hiện đại của khu vực, với khoảng 10 triệu dân, là một trung tâm lớn về văn hoá, khoa học, công nghệ, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước. Phải khẳng định Thủ đô Hà Nội đã có nguồn nhân lực khá dồi dào, chất lượng cao, đủ khả năng để vượt qua thách thức, thực hiện các mục tiêu trên. Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật của Hà Nội có trên 50.000 hội viên hoạt động trong 36 hội chuyên ngành. Trên địa bàn thành phố có trên 50 trường cao đẳng, đại học, hơn 100 viện nghiên cứu, gần 200 cơ sở dạy nghề. Hà Nội có tới 40% sinh viên cả nước đang theo học và khoảng 20 vạn cán bộ có trình độ đại học, 60% đội ngũ giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ, thạc sỹ, 70% các nhà khoa học đầu ngành đang làm việc trên địa bàn. Bên cạnh lợi thế nguồn lực, Hà Nội còn có khả năng cung cấp hạ tầng kỹ thuật, các tiềm năng hợp tác liên kết các cơ sở công nghệ cao trong và ngoài nước, có nguồn lực tài chính để xây dựng nền kinh tế tri thức. Hà Nội có khả năng tạo ra cả cung và cầu thị trường dịch vụ chất lượng cao thông qua chất lượng đào tạo. Đó là những tiền đề để Hà Nội thực sự là một Thủ đô giàu về kinh tế, mạnh về chính trị, đẹp về văn hoá, cao về trí tuệ, một thành phố được nhân loại tôn vinh “Thủ đô của lương tâm và phẩm giá con người”, “Thành phố vì hoà bình”. Thủ đô Anh hùng, thành phố rồng bay sẽ đàng hoàng hơn, to đẹp hơn vào dịp Thăng Long- Hà Nội ngàn năm tuổi.
Trần Công Huyền