Sau bài: Thượng Đức-hé lộ hành trình đi tìm mộ liệt sĩ đăng trên Báo Quân đội nhân dân (ngày 27-7-2008), gia đình chúng tôi đã nhận được rất nhiều thư của cán bộ, chiến sĩ một thời sống chiến đấu với liệt sĩ Nguyễn Thế Nga. Được đồng đội báo tin chính xác và chính quyền địa phương-nơi liệt sĩ hy sinh tận tình giúp đỡ, gia đình chúng tôi đã tìm được mộ chú ruột liệt sĩ Nguyễn Thế Nga tại nghĩa trang liệt sĩ xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng. Chúng tôi mừng tủi nghẹn ngào khi được gặp lại người thân sau hơn 30 năm mòn mỏi nhớ thương chờ đợi. Mong ước của chúng tôi là đưa chú về nghỉ ở đất quê nhà, được chính quyền địa phương đồng tình. Tâm nguyện đã hoàn thành, tình riêng đã trọn vẹn nhưng nỗi niềm chung vẫn canh cánh trong lòng. Còn bao đồng đội của chú tôi, bao trai tráng làng tôi đang nằm lại đâu đó trên đất này, mà đã hơn 30 năm, gia đình chưa tìm được. Hôm vào Đà Nẵng, Quảng Nam, biết bao người trong làng, trong xã gửi gắm hy vọng nhờ tôi lần tìm…
Sau khi đọc cuốn “Thượng Đức” của Đại tá-nhà văn Nguyễn Bảo viết về chiến dịch Thượng Đức mùa thu 1974, lòng tôi khắc khoải không yên, chỉ mong ước được một lần đến thăm Thượng Đức, thắp hương tưởng nhớ các liệt sĩ Sư đoàn 304-Quân đoàn 2 và nhân dân xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc đã gian khổ chiến đấu, anh dũng hy sinh trên đất Quảng Đà. Nghĩ vậy và lòng vẫn canh cánh những lời nhắn gửi, trước khi đưa chú Nga về quê, tôi quyết định nhảy xe đò Đà Nẵng đi Thượng Đức.
 |
Tác giả viếng nghĩa trang liệt sĩ xã Hòa Liên, Hòa Vang, Đà Nẵng. |
Ba giờ chiều tôi đã đến Hà Tân. Trời nắng gắt oi ả. Chọn một quán nhỏ cạnh bến sông núp dưới tán cây râm mát, tôi ngồi nghỉ uống nước và nhân tiện nhìn bao quát cảnh vật khu cứ điểm Thượng Đức của một thời. Trước mắt tôi là trụ sở UBND xã Đại Lãnh khang trang, tháp chuông nhà thờ vút cao giữa nhấp nhô san sát nhà cửa, nhịp cầu bê tông vững chắc nối đôi bờ sông Côn và dòng sông Vu Gia lấp lóa nắng ngay trước mặt. Hà Tân với dáng vẻ nửa phố nửa làng của vùng bán sơn địa nhưng tấp nập và sôi động. Chợ chiều vẫn đông đúc, quán xá bày bán đủ loại hàng hóa ken kín ven đường, người xe ngược xuôi nhộn nhịp. Đọc kỹ nhiều lần cuốn
“Thượng Đức”, tôi nhớ đến thuộc lòng từng địa danh và đặc điểm vùng này nên mới đến lần đầu vẫn có cảm giác như đã từng quen thuộc. Hơn nửa giờ sau, từ quán nước, qua cầu Hà Tân cũ, đi bộ hơn trăm mét, tôi tới Văn phòng UBND xã Đại Lãnh.
Đã liên lạc điện thoại từ hôm trước, nên vừa cất lời chào hỏi, anh Huỳnh Văn Hưng, Trưởng ban Chính sách-Xã hội xã đã nhận ra tôi ngay. Chúng tôi bắt tay nhau như người thân thiết. Anh đưa tôi tới gặp Chủ tịch xã Nguyễn Tấn Nại. Đọc lướt giấy giới thiệu tôi đưa, anh Nại vui vẻ hỏi thăm kết quả tìm mộ liệt sĩ, rồi nói: “Anh ở thăm Thượng Đức lâu mau? Sáng mai 27-7 anh cùng đến nghĩa trang liệt sĩ dự lễ tưởng niệm với bà con Đại Lãnh chứ! À, anh tính nghỉ đêm ở đâu? Ngoài bến xe có mấy nhà nghỉ nhưng anh nghỉ ở phòng khách của Ủy ban, sạch sẽ yên tĩnh hơn”. Tôi cảm ơn và nói cũng mong được như vậy.
Thấy chuông điện thoại reo liên tục, người ra vào hỏi việc nọ việc kia, tôi xin cáo lui để anh Nại làm việc. Anh cười, vỗ vai tôi:
- Ngày mai 27-7 nên tụi tôi bận quá. Cần gì anh cứ nói với Hưng, cậu ấy sẽ giúp anh chu đáo.
Tôi theo Hưng đến chào thăm và làm quen với Phan Thanh An-Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã.
Khuôn mặt dãi dầu khắc khổ, dáng người gân guốc, rất đặc trưng của người đất Quảng, ông mừng cho gia đình tôi tìm được mộ liệt sĩ, rồi kể về chiến trường Quảng Đà gian khổ, ác liệt những năm đánh Mỹ. Tôi đề nghị ngày mai ông giúp tôi lên đồi xem căn cứ Thượng Đức xưa.
Có lẽ nói giọng Bắc và cách ăn mặc của tôi chẳng giống ai nên những người tôi gặp dọc đường đến nhà Hưng, họ đều hỏi ngay: “Chú vô tìm hay thăm mộ liệt sĩ?”
Đêm ở nhà Hưng, bên chén trà Bắc, những câu chuyện đời thường xoay quanh việc sinh hoạt, mua sắm, giá cả và phong tục tập quán Bắc, Nam, không một ai nhắc tới cái thời bom rơi, đạn nổ, ly tán, ngột ngạt, cơ cực. Mới đó mà như chiến tranh đã xa rồi!
Mười giờ đêm, tôi cảm ơn, chào gia đình Hưng (ba của anh là cán bộ tập kết ra Bắc) và bà con lối xóm. Hưng dắt xe ra sân, tôi ngăn lại, cười bảo:
- Anh muốn thả bộ ngắm cảnh Hà Tân.
Qua nhà thờ, qua chợ, tôi lững thững bước lên cầu. Sương giăng nhẹ, gió lao xao, sông nước lao xao, bất chợt trong tôi trào lên một nỗi buồn mang mang, da diết. Những trang văn trong tiểu thuyết “Thượng Đức” cho tôi sống lại một thời.
… Xóm nào kế bên nhà thờ có em bé gái tật nguyền, mếu máo bíu chặt lấy nhà văn-phái viên Nguyễn Hiếu khi bị gia đình bỏ lại? Để rồi sau đó cả căn nhà, cả vườn chuối, cả con bé cùng tổ bộ đội chết dưới chân đồi Thượng Đức đã biến thành tro đất bởi bom chùm, pháo dập! Khi chiến dịch kết thúc, không thể tìm được thi thể họ, dù là một mẩu tay, chân…
Khuya hơi se lạnh. Thao thức mãi không ngủ được, tôi ngồi dậy mở chiếc túi xách nhỏ mang theo. Hành trang đi Quảng Đà của tôi rất nhẹ: Mấy chục thẻ hương thơm, vài cân chè Thái, chiếc máy chụp ảnh cũ kỹ và cuốn tiểu thuyết “Thượng Đức”.
Cầm cuốn sách lật vài trang với ý nghĩ: Đọc “Thượng Đức” ngay trong lòng Thượng Đức! Để kiểm nghiệm xem cuộc chiến sinh tồn của hơn 30 năm trước diễn ra ở đây: Chỗ nào trên đồi? Chỗ nào ven sông? Chỗ nào ở ấp?…
7 giờ sáng ngày 27-7, những ngả đường từ các thôn xóm trong xã Đại Lãnh đã nhộn nhịp người đi về hướng nghĩa trang liệt sĩ Thượng Đức. Các loại giấy cúng mã vàng, hương trên tay các cụ già, cờ hoa trên tay thanh niên nam nữ và các cháu. Tôi hòa vào dòng người mỗi lúc mỗi đông thêm.
Mọi người tỏa ra đặt hoa, thắp nhang trên các ngôi mộ, phút chốc khói hương tỏa lan thơm ngát, bảng lảng, mờ ảo. Tôi đứng lặng, nghẹn ngào. Trong làn khói hương bàng bạc phủ kín nghĩa trang, tôi cứ nhập nhòa nhận thấy như bóng dáng chú tôi, các chiến sĩ của Sư đoàn 304, của cán bộ, chiến sĩ du kích xã Đại Lãnh hiện về…
Đang trong lễ dâng hương, Hưng đưa tôi đến chào hai Bà mẹ Việt Nam anh hùng: Nguyễn Thị Bổn và Trà Thị Mãi. Hai mẹ đã hơn 80 tuổi, đều có một người con trai duy nhất đã hy sinh trên đất Đại Lãnh này.
Nhìn các bà mẹ tóc bạc phơ, mắt đục nhờ, giàn giụa, lập cập thắp nhang trên mộ các liệt sĩ miền Bắc, tôi không cầm nổi nước mắt. Khắc sâu vào tâm trí tôi hình ảnh một bà mẹ đưa bàn tay gầy guộc, nhăn nheo xoa nhẹ, xoa mãi trên tấm bia mộ của một liệt sĩ chưa có tên như vuốt ve đứa con thân yêu bé bỏng của mình.
Trò chuyện với ông quản trang Nguyễn Mục, 74 tuổi, người thương binh 32 tuổi Đảng đã chăm sóc phần mộ đồng đội 12 năm, tôi được biết ở nghĩa trang này có gần 1.000 ngôi mộ liệt sĩ, trong đó khoảng 200 mộ là liệt sĩ quê ở địa phương, còn lại là mộ các liệt sĩ quê miền Bắc.
Sau buổi lễ, tôi theo ông Phan Thanh An lên cao điểm Thượng Đức. Len lỏi qua những vạt rừng keo và bạch đàn xanh tốt, leo lên tụt xuống hết gò đồi đến giao thông hào, hầm ngầm, lô cốt… chúng tôi mất trọn buổi. Khi dừng nghỉ uống nước, ông An chỉ tay hết gò nọ đến hốc kia và nói:
- Đây là đồn 2, còn gọi là khu trung tâm. Phía Tây và Tây Bắc là 3 tiền đồn A, B, C. Quây quanh Thượng Đức có tới sáu-bảy lớp rào kẽm gai rộng hàng trăm mét, ken dày mìn các loại. Chi khu quận lỵ Thượng Đức là “lá chắn thép bất khả xâm phạm” bảo vệ cửa ngõ Tây Nam của căn cứ quân sự liên hợp Đà Nẵng nên Mỹ-ngụy chốt ở đây 1 tiểu đoàn biệt động, 2 đại đội bảo an, 1 đại đội cảnh sát dã chiến và mười mấy trung đội nghĩa quân, dân vệ vũ trang. Vũ khí trang bị rất mạnh: Hàng chục khẩu pháo lớn nhỏ, hàng chục khẩu đại liên cực nhanh được bố trí ở các điểm cao… Hầm ngầm, lô cốt toàn bằng bêtông cốt thép, hệ thống giao thông hào chằng chịt, liên hoàn, kiên cố. Tất cả đều được che chắn thêm bằng bao cát dày gần nửa mét, còn trên các bờ ruộng, bãi nương, các lối vào ấp Hà Tân đều gài kín mìn, lựu đạn... Yểm trợ cho Thượng Đức có các trận địa pháo ở Núi Đất, Ái Nghĩa, Hà Sống, Bồ Bồ, Trà Kiệu... Còn máy bay từ Đà Nẵng lên Thượng Đức chỉ mất dăm bảy phút. Hướng tấn công chủ yếu của quân giải phóng là hướng Tây Bắc; hướng Nam bị vách núi đá án ngữ; hướng đông là nơi sông Côn và Vu Gia gặp nhau, sông sâu, nước chảy xiết...
Ngồi trên trận địa cũ, tôi hình dung những trận đánh khốc liệt giằng co sinh tử, những trường hợp hy sinh bi thảm của cán bộ, chiến sĩ trung đoàn 66 chủ công. Đâu là vị trí xuất phát tiến công của các tiểu đoàn 7, 8, 9? Đâu là cửa mở bằng rồng lửa FR? Và bộc phá liên tục dọn đường cho xung kích? Đâu là điểm cao đặt pháo 85ly bắn thẳng phá hủy các lô cốt đầu cầu? Trong một giây phút bất thần, thoáng hiện lên hình bóng tiểu đoàn trưởng Nguyễn Thành biến mất trong quầng lửa của chùm bom cháy! Và 40 chiến sĩ đại đội 11-tiểu đoàn 9 tan biến khi một chiếc máy bay A37 chở đầy bom, bị súng phòng không ta bắn hạ, rơi đúng vào đội hình đơn vị!... Tất cả, tất cả làm tôi nhớ đến từng dòng của tiểu thuyết nói về PHƯƠNG ÁN TRÁI CAM của quận trưởng Hùng đặt thuốc nổ tự hủy diệt khu trung tâm nếu căn cứ Thượng Đức thất thủ.
... “Đột nhiên một tiếng nổ kinh hoàng, một tiếng nổ long trời lở đất, một tiếng nổ kỳ dị. Tiếng nổ rầm trời, tiếng nổ như của cả một kho bom, tiếng nổ của hàng ngàn trái pháo. Lửa quyện khói đen, khói trắng đùn lên, lên mãi tít trời xanh, rồi loang ra, trùm kín bầu trời. Cùng với lửa khói là những vật xanh, đỏ, tím, vàng như thể ai đó tung ra mịt mù hoa cà, hoa cải... Sau tiếng nổ là sự yên ắng đến rùng rợn, ngỡ như ở Thượng Đức không còn bất cứ cái gì. Con người, sắt thép, tất cả đều đã bị băm nhỏ, xé nát, nghiền thành bột hất lên trời cao”... (trang 614, 615 tiểu thuyết Thượng Đức).
Ông Phan Thanh An đưa tay chỉ một khoảng trũng sâu như cái ao lớn:
- Đó, đó, mà anh cũng biết vụ này sao?
Tôi quan sát kỹ: Mấy chục năm rồi, thế mà cái hố vẫn còn ghê gớm vậy! Phần mưa xối đất lở, phần dân san lấp để trồng rừng, cây cỏ dây leo đã phủ lên xanh tốt, nhưng cái hố vẫn sâu hoắm. Tôi nghĩ, ở bên dưới những tầng sâu ấy chứa đựng không ít những mảnh vụn thi thể bao người! Phế tích chiến tranh mất dần trên mặt đất, nhưng dấu ấn chiến tranh trong ký ức đến bao giờ mới có thể nguôi ngoai?
... Rào chưa mở được. Đạn thẳng như vãi trấu, bom nổ sau lưng, pháo chụp trên đầu, pháo quét liên hồi kỳ trận, bộ đội trung đoàn 66 ùn lại, tiến thoái lưỡng nan như rơi vào trong một chảo lửa, một chảo lửa khủng khiếp! Xót thương thắt ruột nhớ đến những thi thể chiến sĩ hy sinh nằm vắt trên hàng rào thép gai, phơi nắng phơi mưa, cả tuần lễ đồng đội không thể nào lần tới để mang ra được! Bước lên nóc một lô cốt đổ nát, tôi châm nén hương lớn, quỳ vái bốn phương, miệng lầm rầm khấn tụng...
Khói hương lan tỏa vào trời cao xanh thẳm, rồi nhập vào những cụm mây trắng đang bồng bềnh trôi về hướng biển Đông như hòa quyện tâm linh của người đang sống và người đã khuất...
Trời vào thu, nắng trải vàng mịn mượt xuống vùng bán sơn địa, ruộng đồng và làng xóm xanh tươi trù phú. Dòng Vu Gia uốn lượn dưới kia, nước sông long lanh như dát bạc. Cảnh và người ở Thượng Đức gần gũi xiết bao! Tôi cứ nghĩ, cuộc sống ở đây hôm nay mang dấu tích của một thuở oanh liệt và bi hùng. Đứng tại nơi đây, có những lúc chợt cảm thấy một nhân vật thân quen đang sừng sững bước ra từ trang sách...
Quảng Đà những ngày tháng Bảy-2008
PHẠM NGUYÊN NHUNG Kính viếng hương hồn các liệt sĩ Trung đoàn 66
Sư đoàn 304-Quân đoàn 2 hy sinh tại chiến trường Thượng Đức,Đại Lộc, Quảng Nam