QĐND - Mấy năm rồi, tôi mới lại có dịp về Sư đoàn 312 (Sư đoàn Chiến Thắng) của Quân đoàn 1. Đây là một trong những sư đoàn chủ lực đầu tiên của quân đội ta, từng lập nhiều chiến công vang dội trên khắp các chiến trường. Ngày mới “tò te” làm báo, tôi đã ăn cơm khách ở các đơn vị thuộc sư đoàn này khá nhiều. Ấn tượng còn theo mãi trong tôi là tính chính quy, kỷ luật của toàn sư đoàn, kể cả trong việc... trồng rau và nuôi lợn. Nói điều ấy, bởi năm 1995, phong trào tăng gia, sản xuất chưa thể đạt quy mô, chất lượng như bây giờ nhưng ở Sư đoàn 312, mô hình “V.A.C.G” (vườn, ao, chuồng, giàn) lúc ấy đã rất hiệu quả. Ở Trung đoàn 209, giữa thị xã vùng trung du, đất sỏi đá, gan gà mà bộ đội đã “phù sa hóa” bằng đất bồi, đất thịt gùi về sau các chặng hành quân... tạo nên những vườn rau, vườn cà xanh mướt mắt.
Bây giờ, mô hình hậu cần của Sư đoàn 312 đã có nhiều điều thật sự mới, thật sự lạ và… hay.
Cách làm mới
Các sư đoàn chủ lực của quân đội ta phần lớn đều có các khu chăn nuôi tập trung được đầu tư cơ bản. Nơi này giống như một trang trại, cung cấp nguồn thực phẩm chủ yếu cho đơn vị với những mô hình chuồng, vườn, ao khá hiệu quả. Thế nhưng ở Khu chăn nuôi tập trung của Sư đoàn 312, ngoài quy mô dễ nhìn thấy (từ ngoài cổng nhìn vào, khu này như một trang trại lớn), bên trong nó cho thấy sự mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm của những người lính. Giữa một vạt đồi mênh mông như rừng phòng hộ là đàn trâu, bò béo núc, nhởn nhơ gặm cỏ. No nê chúng nằm nghỉ dưới những tán cây xanh rì. Phía dưới là một loạt dãy ao, hồ nước vuông vắn như xếp gạch. Cạnh đó là các khu nhà nuôi gà, nuôi lợn, thỏ, nhím… Điều này không khác mấy các sư đoàn bạn nhưng cái mới ở đây là một quy trình khép kín, được tính toán khá kỹ. Chẳng hạn, có một dãy nhà cấp bốn, bên trong quây thành các ô nhỏ chừng hơn mười mét vuông để nuôi… giun quế. “Đất” nuôi giun là hỗn hợp của phân trâu, bò, lá cây và nước thải từ… chuồng lợn làm thức ăn cho giun mau lớn. Loại giun đỏ này nuôi để làm thức ăn cho… gà. Gà ăn giun đất, giàu chất đạm, lớn nhanh, đẻ nhiều phải biết!
 |
Bể nuôi cá chạch tại Khu TGSX tập trung của sư đoàn.
|
Trung tá Đoàn Văn Phương, Trưởng ban Quân nhu sư đoàn giới thiệu về quy trình nuôi giun, tôi hỏi anh có phải là “mô hình” để tham quan không, anh nghiêm túc trả lời:
- Sư đoàn chúng tôi được biên chế đủ quân, do đó nhu cầu sử dụng thịt và trứng gia cầm nói riêng, các loại lương thực, thực phẩm khác rất lớn. Một tháng, sư đoàn cần 250.000 quả trứng, có những lúc gặp dịch cúm gia cầm, mua đủ trứng để bộ đội sử dụng là không dễ. Lãnh đạo, chỉ huy Phòng Hậu cần và anh em chúng tôi đã tham mưu cho Thủ trưởng sư đoàn, quyết tâm tự túc được thịt và trứng gia cầm như đã tự túc được về rau xanh, thịt lợn.
Để quyết tâm ấy thành hiện thực cũng không phải dễ bởi vốn đầu tư, kỹ thuật chăn nuôi bộ đội đâu có rành. Thế nên trong tư tưởng, có đồng chí còn băn khoăn bởi nếu không thành công, thiệt hại về kinh tế sẽ lớn. Được lãnh đạo sư đoàn khuyến khích, Ban chủ nhiệm lúc ấy và anh em bộ phận quân nhu dành thời gian, công sức đi học hỏi kinh nghiệm… nuôi gà. Anh em vào các hộ chăn nuôi ở Phổ Yên, Sóc Sơn để tìm hiểu bởi với bộ đội, nhân dân chả giấu gì. Sau đó, các anh lại tìm đến các trang trại lớn ở Hải Phòng, Hải Dương, Hà Tây (cũ) khảo sát, học hỏi.
Nhớ lại những ngày đi học hỏi, Thượng tá Lê Bá Thành, Chủ nhiệm Hậu cần sư đoàn đúc kết:
- Qua trao đổi, rút kinh nghiệm từ các trại chăn nuôi gia đình và chăn nuôi công nghiệp, chúng tôi nhận thấy, chìa khóa của thành công nằm ở ba vấn đề mấu chốt: Vốn đầu tư, kỹ thuật chăn nuôi và thị trường tiêu thụ. Chúng tôi thấy ở đơn vị đất đai rộng, có nguồn trấu dồi dào, bà con nông dân làm được thì bộ đội làm được. Vấn đề còn lại, chỉ lo nguồn vốn.
Anh Thành cho biết, qua tính toán, cần số vốn đến 1,5 tỷ đồng để xây dựng 1.950m2 chuồng trại, mua một vạn con gà và thức ăn cho chúng! Cơ quan hậu cần đề nghị sư đoàn cho vay 200 triệu đồng với cam kết hoàn trả sau 2 năm theo đúng nguyên tắc tài chính. Số thiếu được huy động bằng nhiều nguồn khác nhau: Vay của chủ hàng, vay cá nhân trong cơ quan, bộ phận và mua theo phương thức trả góp giống và thức ăn của chủ đại lý cung cấp. Có được chuồng trại, con giống, đồng thời khâu kỹ thuật cũng được “giải quyết” bằng cách cử người đi học. Một kỹ sư chăn nuôi cũng được mời về để trợ giúp về chuyên môn cho trại gà. Tháng 11-2007, giai đoạn nuôi gà đẻ trứng bắt đầu. Tháng 8-2008, sư đoàn thành công trong việc nuôi gà thịt. Hết quý 1-2010, trại gà đã hoàn trả sư đoàn 290 triệu đồng và nộp lãi 120 triệu đồng. Có được thành công ấy, nhiều cán bộ hậu cần đã phải ngủ đêm bên trại tăng gia những lúc gà kém ăn, thời tiết thay đổi để theo dõi sức khỏe, nghe tiếng “ho” của chúng.
Lạ - bộ đội nuôi... chạch đẻ
Nghị quyết Đảng ủy Sư đoàn 312 nhiệm kỳ 2010-2015 xác định: “thực hiện đột phá trong TGSX, cải thiện đời sống, trong đó tập trung chăn nuôi gia cầm, thủy sản làm mũi nhọn…”.
Triển khai Nghị quyết, không chỉ riêng những cán bộ, nhân viên ngành hậu cần mà cán bộ, chiến sĩ toàn sư đoàn đã “quán”, xây dựng thành kế hoạch cụ thể. Sở dĩ, Đảng ủy sư đoàn xác định đột phá vào thủy sản bởi, chuyện nuôi gia súc, gia cầm đã thắng lợi. Nuôi thủy sản trên đất đồi trung du cần có bước đi bài bản, chắc “ăn”. Lê Bá Thành không khỏi lo lắng dù thực tế, con cá tra từ miền Tây Nam Bộ cũng đã được các anh nhân giống thành công ngay trong khu tăng gia tập trung này là “điểm tựa” cần thiết cho quyết tâm. Tháng 11-2011, một số cán bộ, sĩ quan và nhân viên hậu cần lại khăn gói lên đường, về thị trấn Quỹ Nhất (huyện Nghĩa Hưng, Nam Định) tham quan mô hình nuôi cá chạch bùn xen trong ruộng lúa rất hiệu quả. Số cán bộ “tiền trạm” này nhận thấy, cá chạch bùn có nhiều ưu điểm như: Ít mắc bệnh dịch, mật độ nuôi dày, nhu cầu tiêu thụ lớn, hàm lượng dinh dưỡng, giá trị kinh tế cao… song, chưa có đơn vị nào nuôi quy mô công nghiệp. Vấn đề khó là làm thế nào để có cá chạch giống? Nuôi trong bể xi măng, nhất thiết phải nuôi từ cá bột (mới nở) thành cá hương (17-20 ngày tuổi). Phòng Hậu cần sư đoàn về tận Trường Cao đẳng Thủy sản 4 (Hà Nội), Trại cá giống Bạch Trữ (Vĩnh Phúc) để học cách xây bể xi măng tròn. Đồng thời, tham khảo các chuyên gia tại Phòng nghiên cứu về vi sinh vật-tảo (Đại học Quốc gia Hà Nội) để tự sản xuất tảo làm thức ăn nuôi cá chạch bột. Trong vòng 2 tháng (từ tháng 2 đến tháng 4-2014), khu nuôi trong nhà có diện tích 850m2 hoàn thành và xây một ao nuôi ngoài trời 800m2. Trong nhà là 9 bể xi măng tròn, diện tích 50m3/bể và các bể xử lý, bể cấp nước để nuôi cá giống đến 1 tháng tuổi. Một phòng nhân tảo làm thức ăn đủ cung cấp cho các bể nuôi. Riêng số tiền đầu tư lên đến 1,2 tỷ đồng cũng bằng… vốn vay và huy động, mua vật liệu trả chậm. 6 nhân viên chuyên trách được một chủ cơ sở chuyên nghiệp do sư đoàn mời về tư vấn kỹ thuật trong vòng 2 tháng. Lứa cá chạch đầu tiên, thu được 1.150kg cá thương phẩm, bán ra thị trường thu lãi 50 triệu đồng.
Thời gian không nhiều, thăm, nhìn cách mà những người lính của Sư đoàn 312, sư đoàn quen với việc huấn luyện, SSCĐ, say rèn luyện, quen với súng đạn vốn cần sức mạnh, tính kiên quyết mà lại tỉ mẩn, nhẹ nhàng nuôi từng sợi tảo nhỏ trong bình, giữ từng li ti hạt phôi cá chạch hơn cả “nâng trứng, hứng hoa” thì rất đáng phục.
Thịt hộp “mết-in” Chiến Thắng!
Ở Khu tăng gia tập trung của Trung đoàn 141, Binh nhất Hoàng Ngọc Vinh đang vận hành hệ thống tưới nước tự động. Đây cũng là một bước tiến trong cách trồng rau của đơn vị. Trước đây, nước được bơm đến từng bể chứa ngay cạnh luống rau rồi xách tưới nhưng bây giờ, những vòi phun xoay điều chỉnh “mưa to” hay “mưa nhỏ” là tùy ý. Mà anh em bây giờ cũng chẳng ai trồng rau muống đại trà như xưa nữa. Vườn rau tập trung của các trung đoàn cuối hè đầu thu mà có su hào trái mùa, súp-lơ sớm, cải Đông Dư xòe lá như chiếc quạt diêm dúa. Rồi mướp đắng hàng nối hàng, sai trĩu trịt. Đu đủ xanh như đàn lợn sữa đánh đu trên lối đi ven đường… Kể như thế cũng chưa phải là lạ lẫm nếu vào khu tăng gia cấp sư đoàn. Thôi thì ngoài ao, ngoài chuồng, còn có một khu vườn toàn cây phật thủ đến độ cho quả thoạt nhìn như tán bưởi Diễn. Từng luống đất đánh cao, hai hàng cây làm giàn đỡ, những quả phật thủ non ấy, theo Thượng tá Lê Bá Thành, Tết này, mâm ngũ quả của bộ đội sẽ… không phải mua gì từ ngoài chợ.
Cái anh Vinh quê ở Ninh Bình kia còn thật thà lôi những người khách ở Thủ đô ra sát mép ao, “nhờ” hái ít rau tập tàng để mang về làm quà! Đích thị đó là một thứ đặc sản rau sạch, có dền cơm, cải trời, thài lài đất, kinh giới… còn là những vị thuốc dân gian tốt. Vinh còn bắc ghế, cắt cho mỗi người một chùm đỗ tai mèo, quả to như quả phượng. Anh bạn đi cùng quả quyết, đưa lên “facebook” và treo giữ làm kỷ niệm chứ không “xào nấu”. Phí!.
Trong túi quà lính mang về, còn có cả thịt lợn hầm đóng hộp in chữ “Thịt lợn hầm. Phòng hậu cần Sư đoàn Chiến Thắng, chế biến ngày… tháng 11-2013. Địa chỉ…”. Đây là những sản phẩm, nguồn cung cấp là lợn thịt do bộ đội nuôi, vào thời điểm nhu cầu dôi dư, phòng hậu cần tổ chức chế biến. Quy trình sản xuất bảo đảm an toàn, từ chế biến, đóng hộp, hấp tiệt trùng… đều do Ban Quân nhu tự làm. Điều đáng nói, dây chuyền sản xuất thịt hộp đắt nhất là chiếc nồi hấp sấy, một chiếc nồi nếu mua giá sẽ là 70 triệu đồng nhưng các “kỹ sư” phòng hậu cần đã mày mò thiết kế, mua vật tư và thuê gia công, giá chỉ hơn chục triệu đồng, qua kiểm nghiệm tiêu chuẩn được đánh giá tốt.
Các “kỹ sư hậu cần” của Sư đoàn 312 còn tự sản xuất chế phẩm sinh học từ rác thải sinh hoạt. Nguyên liệu của sản phẩm này là lá cây rụng quanh doanh trại, rác thải… được thu gom, vừa sạch đơn vị, vừa… ra tiền. Thiếu tá Hoàng Thanh Bình, trợ lý kế hoạch và Thượng úy QNCN Nguyễn Văn Thuấn trực tiếp phụ trách khâu sản xuất, giá thành của một lít chế phẩm tự làm là 15.000 đồng so với mua ngoài 90.000 đồng/lít. Từ tháng 3-2013, chế phẩm này đã được cấp miễn phí cho toàn sư đoàn sử dụng trong tăng gia. Đặc biệt, bằng cách chế tỏi, lá bạch đàn, ớt thành dung dịch phun bảo vệ rau màu, bảo đảm không độc hại.
Sản phẩm tăng gia dồi dào, bữa ăn hằng ngày của bộ đội sư đoàn đủ đầy hơn, những ngày lễ, Tết, ra quân huấn luyện còn có thêm đặc sản, có khi là thịt thỏ quay, có khi là cá trê nướng mẻ… Sản phẩm tăng gia còn cho lãi, chiến sĩ được mua đệm ấm cho mùa đông, mua quạt điện cho mùa hè… thì đúng là đã “thực túc binh cường”…
Bài và ảnh: ANH THU - LƯƠNG THẢO