QĐND Online - Bản nghèo nhất xã! Cái đói, cái nghèo từ những làn khói nâu, từ những dọc thuốc, đèn bàn cứ như con ma rừng bám riết lấy bản. Dân trí hạn chế, tỷ lệ người nghiện thuốc phiện cao, lâu nay cả bản cứ leo lét trong hõm núi mờ sương sống cùng sự nghèo nàn, lạc hậu…

Bản nghiện

Đường vào bản Chang Hoỏng (Huổi Luông – Phong Thổ) chênh vênh trên những đỉnh đồi, núi và trơn truội sau những trận mưa rào. Song hành cùng chúng tôi chỉ là những bước chân gia súc dẫm nát nhừ mặt đất khi thì dốc ngược lưng ngựa, lúc lại phải vượt rãnh, tụt đèo. Chiếc xe do thiếu úy Trịnh Văn Dũng – cán bộ tổ vận động quần chúng Đồn biên phòng 299 (Huổi Luông) cầm lái cứ hết nghiêng lại lắc: “Đường khó nên Chang Hoỏng gần như tách biệt với bên ngoài”, Dũng nói rất to nhưng vẫn bị tiếng động cơ át đi!

Từ lâu Chang Hoỏng như bị mọi người quên mất cái tên “cúng cơm” của mình mà đặt cho cái biệt danh hoàn toàn mới khiến người nghe vừa thấy xót xa vừa lo lắng: “bản nghiện”! Đây là bản của người dân tộc Dao, cả hai bản (Chang Hoỏng 1 và Chang Hoỏng 2) có hơn 100 hộ dân thì có tới quá nửa nghèo, một vài hộ vẫn còn trong diện thiếu đói! Tập quán canh tác lạc hậu, không áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chậm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi… cộng với tình trạng nghiện thuốc phiện của bản khiến cho bao đời nay cái đói, nghèo ở cả hai bản Chang Hoỏng hầu như không có gì thay đổi!

Theo người già trong bản kể lại, vùng đất Huổi Luông (nhất là tại khu vực các bản Chang Hoỏng, Nhiều Sáng) rất hợp với loài cây… anh túc (!), khi nhà nước chưa ngăn cấm thì hoa thuốc phiện nở rực rỡ khắp các nương đồi nơi này. Thậm chí cả đứa trẻ chăn trâu cũng biết cách khía quả, cạo nhựa anh túc. Thuốc phiện đổi gạo, đổi trâu, đổi cả bạc trắng, đổi vàng. Nhà nhiều thì có hàng chục cân, thậm chí cả tạ thuốc tích trữ, nhà ít cũng đến vài tảng thuốc dự phòng! Mỗi khi trong bản có việc gì là khói thuốc từ các dọc tẩu lại ngất ngây từ các cụ già đến đám thanh niên của bản. Nghiện thuốc phiện trở thành một thói quen quý tộc ở nơi này!

Căn nhà mới dựng của Chẻo Củ Sân

Sau khi có chính sách ngăn cấm của nhà nước, cây thuốc phiện dần bị tiễu trừ nhưng ma lực và tác hại của nó để lại nơi này thì thật khó bóc gỡ. Cả hại bản Chang Hoỏng 1 và Chang Hoỏng 2 có 121 hộ dân, trung bình cứ bốn hộ dân lại có một người nghiện, số người nghiện của Chang Hoỏng đã chiến 1/3 số đối tượng nghiện ma túy trong cả xã! Hệ lụy từ hiện tượng trên khiến cho tình trạng đói nghèo ở đây luôn là vấn đề đau đầu chính quyền địa phương.

Đói cơm vì… đói thuốc

Bản Chang Hoỏng 2 nằm sâu trong rừng, 34 hộ dân sống tập trung trong một ngách núi, dù nhà nước đã cấp tấm lợp phi-bro ximăng cho bà con nhưng chỉ có vài hộ đưa được mái. Chỉ những căn nhà tranh vách đất xiêu vẹo dưới tán cây, thiếu úy Trịnh Văn Dũng bảo, đó là nhà của những gia đình có người nghiện. Tấm lợp đã cấp phát đủ nhưng một số người đã “quy ra khói” để phê từ lâu nên giờ vẫn ở nhà tranh.

Trong căn nhà lụp xụp, tối mù, gia đình Chẻo Phủ Mìn đang ăn bữa chiều, đồ ăn được dọn ra chỉ có một đĩa sành cũ kỹ: rau rừng, một dúm muối trắng, một xoong cơm và mấy củ sắn nướng vụng cháy đen thui. Cả gia đình ăn rất ngon miệng, người lớn chỉ ăn sắn chấm muối và rau rừng còn cơm để dành cho 4 đứa trẻ con. Chỉ một loáng “bữa cơm” đã xong, mấy đứa trẻ con tiếc rẻ cạo sạch nốt chút cơm còn dính lại đáy nồi.

Để “lấy khí thế” nói chuyện với cán bộ, Mìn bắn liền một lúc 3 điếu thuốc lào, cái cách cầm đóm, châm lửa, nhả sái thuốc dường như còn lóng ngóng. Làn khói thuốc cuối cùng nhả ra khỏi cái miệng có những chiếc răng ám khói vàng ố chòi ra phía trước thì đôi mắt lờ đờ của Mìn mới hơi có chút tỉnh táo. Mìn kể về lịch sử nghiện thuốc phiện của mình: “Tôi biết hút thuốc phiện từ thời còn thanh niên, đến năm 20 tuổi thì nghiện thật, 20 năm nay (bây giờ Mìn 40 tuổi) tôi cũng thấy khổ lắm rồi! Trước đây còn có “kẹo đen” mà dùng, nay Nhà nước cấm, vật lắm nhưng không có thuốc!”. Đã có lúc Mìn đi nằm vạ vật tại khắp các bãi vàng, bãi quặng thổ phỉ trong tỉnh để mót quặng lẻ đổi thuốc hút. Nay các bãi được quản lý chặt hơn nên hết nơi hành nghề Mìn lại trở về quê. Mìn cũng rất thương vợ con nhưng với kinh tế của một anh nghiện Mìn vẫn không thể dựng lại căn nhà mới dù tấm lợp đã được Nhà nước cấp, đành cho anh em vay tấm lợp (có người trong bản còn nói số tấm lợp đó đã thành khói từ lâu!). Chó cắn áo rách, đã nghèo nhà Mìn lại vừa bị chết mất con trâu duy nhất do bị sét đánh lúc đang cầy dở ngoài nương… Trong câu chuyện của Mìn tôi thấy anh ta nhìn vào bếp lửa như tìm trong đó chút ánh sáng trước khi nó tắt, mắt cụp xuống, hơi buồn. Mìn đã nhiều lần được chính quyền địa phương dùng các biện pháp cai nghiện, thậm chí đưa đi trung tâm cai nghiện của huyện, tỉnh nhưng kết quả vẫn bằng không bởi nghị lực của anh ta không thắng nổi sức mạnh của nàng tiên nâu. Của cải trong nhà hiện nay chỉ còn toàn những thứ bán không ai mua! Trong bản còn có 14 hộ nữa cũng cùng gia cảnh với Mìn!

Ông Chẻo Củ Pao đang hì hục đào hố dựng cái chuồng lợn. Ông Pao cũng là người nghiện! Né tránh nói chuyện, ông chỉ một mực “tôi đã bỏ được thuốc rồi” nhưng chỗ ông làm việc vẫn đầy tàn thuốc lào!

Cũng y hệt như Chẻo Phủ Mìn, Hoàng Thu Chin ở bản Chang Hoỏng 1 cũng bắn đến 4 điếu thuốc lào mới đủ tỉnh để nói chuyện vơi chúng tôi. Đôi môi thâm xì của anh ta bập vội vã vào ống điếu, gân cổ kéo lấy thứ khói độc hại nhưng kích thích kia vào phổi để tìm khuây. Nhà Chin cũng đói, nhưng hơn được cái là sau nhiều lần vận động của chính quyền, Đồn biên phòng tấm lợp đã lên được đến mái nhà, hôm nay ông đang ở nhà lắp lại cái cánh cửa. Chin còn không thể nhớ được mình nghiện từ khi nào và chắc chắn cũng không biết đến khi nào thì hết nghiện dù đã nói với Thiếu úy Trình Văn Dũng rằng mình đã bỏ được thuốc.

Món nợ của tương lai

May mắn cho Chang Hoỏng là lớp trẻ đã nhận ra tác hại của việc nghiện ma túy nên ít người dính vào. Anh Chẻo Củ Sân mới dựng xong căn nhà gỗ 3 gian xinh xắn nhờ chăm chỉ làm ăn và không nghiện. Sân cũng mới lấy vợ được mấy năm, mỗi năm Sân bán được hơn 2 tấn ngô và sắn. Trong bản những gia đình trẻ làm ăn khấm khá như Sân cũng không thiếu nhưng bản vẫn cứ nghèo. Chẻo Cao Mênh (con trai của Chẻo Phủ Mìn) rất sôi nổi khi nghe cha nói về những dự định của tương lai. Mênh mới lấy vợ, vợ chồng nhìn thấy cha nghiện mà bảo nhau làm ăn cho tử tế, không được như cha. Mênh dự định trong tháng 7 sẽ nhờ anh em họ hàng giúp phá căn nhà dột nát này, dựng nhà mới.

Thiếu tá Lý Ngọc Linh - Đồn phó Đồn biên phòng 299 lo lắng: “Muốn bảo đảm trật tự an ninh trên địa bàn, giúp bà con nhân dân trong xã phát triển kinh tế thì việc cần thiết là phải ngăn chặn được tệ nạn ma túy. Một trong những nhiệm vụ cần làm là khẩn trương cách ly người nghiện với nguồn cung cấp thuốc giúp họ cai nghiện. Đã nhiều lần Đồn cùng chính quyền tổ chức cai nghiện nhưng những người nghiện không quyết tâm bỏ thuốc được nên hiệu quả chưa cao. Những người nghiện sẽ là những nhân tố kéo lùi sự phát triển của cả cộng đồng và là món nợ buộc các thế hệ tương lai phải trả”.

Rời Chang Hoỏng trong không khí ảm đạm của trời chiều, bản vắng, tiêu điều, dường như trong chúng tôi mỗi người có một tâm trạng. Với tôi, hình ảnh những người phụ nữ đang phơi thóc giống chuẩn bị cho mùa gieo cấy mới và những âm thanh trong trẻo trẻ thơ từ lớp học vỡ lòng trong điểm trường dựng tạm sẽ là tiền đề để nơi này bước ra khỏi vùng u phủ của khói thuốc phiện… !

Bài và ảnh: Khánh Kiên