QĐND Online - Đứng chân trên đỉnh mây ngàn, Trạm Ra đa 545, Trung đoàn 351 (Bộ tư lệnh Vùng 3 Hải quân) từ nhiều năm nay luôn luôn vượt mọi khó khăn, gian khổ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng là “Mắt thần giữ biển miền Trung...
Đã gần 9 giờ sáng mà sương mù vẫn còn dày đặc, phủ kín cả một vùng bán đảo. Đường lên “cổng trời” dốc núi quanh co.
Xe QH 50 – 18 cứ ì ạch bò chậm rãi trên con đường độc đạo lên cao điểm 696. Thiếu tá Trần Thông – Trưởng đại diện Trung tâm Phát thanh – Truyền hình Quân đội tại Đà Nẵng ngồi bên cạnh, ghé vào tai tôi, giọng Quảng nghe nằng nặng: “Vừa mới nửa dốc mà ù cả tai. Lần đầu tiên lên Trạm ra-đa 545 đã được chứng kiến cảnh “mây quàng chân núi, núi chìm trong mây!”
 |
Chiến sĩ trẻ Trạm Rađa 545 nâng niu những chồi xanh
|
Nghe Trần Thông nói vậy, Thiếu úy chuyên nghiệp Hoàng Văn Bảo tay bám vô lăng, mắt quan sát vòng cua tay áo mà vẫn đùa vui: “Vài tiếng nữa tới nơi rồi, chắc gì anh đã muốn về!”. Không khí trên xe rôm rả hẳn, tiếng cười giòn tan vách núi.
Sau gần giờ đồng hồ vượt dốc, chúng tôi mới lên tới Trạm Ra-đa 545. Chiều cuối năm gần gũi, thân thương đến lạ kỳ. Hương hoa dẻ nồng nàn, dịu ngọt. Có một điều thật thú vị, hoa dẻ thường nở vào những tháng giêng, hai, còn trên bán đảo này hoa dẻ lại nở vào những ngày giáp tết. Giữa màn sương bàng bạc, mùi hoa dẻ lan tỏa cả đất trời tạo nên sự gần gũi, ấm cúng giữa thiên nhiên với con người. Cũng giống như thân cây dẻ già nua kia, giữa sự khắc nghiệt của thiên nhiên, giữa khó khăn gian khổ, người lính Rađa vẫn kiên cường bám trụ. Bao nhiêu năm qua, 100% cán bộ chiến sỹ ở Trạm ra-đa 545 đều yên tâm công tác, xác định tốt nhiệm vụ, không một ai rời bỏ vị trí chiến đấu…
Đại úy, Trạm trưởng Nguyễn Văn Duy tâm sự: “Lính Rađa chúng tôi có đặc thù riêng, lính thủy nhưng lại “mắc cạn” trên rừng. Trong khi đồng đội ở đơn vị tàu lướt sóng ra khơi thì chúng tôi lại căng mắt trên màn huỳnh quang Rađa 24/24 giờ đồng hồ trong ngày để quan sát mục tiêu, không được phép lơ là, mất cảnh giác, dù chỉ là một giây. Nhiệm vụ khó khăn là vậy nhưng năm 2012, đơn vị duy trì nghiêm các chế độ trực SSCĐ; kịp thời phát hiện, theo dõi và báo cáo lên trên 70.078 lượt chiếc tàu thuyền các loại. Hoạt động thông tin liên lạc bảo đảm thông suốt nhận chuyển điện kịp thời thực hiện được 2013/2013 phiên liên lạc đạt 100%. Nội dung huấn luyện chuyên môn: 100% đạt yêu cầu (trong đó có 93% khá, giỏi)… Đơn vị đạt VMTD, chi bộ TSVM…”.
 |
Hành quân lên đỉnh Sơn Trà thay ca trực chiến
|
Tôi tranh thủ thời gian tiếp cận với cánh chiến sĩ trẻ để tìm hiểu thêm về cuộc sống của các anh…So với những đơn vị nơi đảo xa, cuộc sống của cán bộ chiến sĩ Trạm Rađa 545 đỡ vất vả hơn, nhưng không phải đã hết những khó khăn, thiếu thốn. Chỉ cách khu vực dân cư mươi cây số đường chim bay, vậy mà thực phẩm phải chuẩn bị dự trữ cả tuần. Bộ đội vẫn thiếu nước ngọt và rau xanh. Muốn mua hàng hóa, bộ phận tiếp phẩm phải băng rừng hành quân bộ cả ngày với 30 km đường đèo dốc nguy hiểm. Những năm gần đây, Vùng và đơn vị đầu tư mua xe gắn máy để phục vụ công tác tiếp phẩm, nhưng cũng chỉ chạy được mươi chuyến là xe hỏng máy vì dốc cao, đường xấu. Nhiều lần Trạm tổ chức tăng gia, chăn nuôi cải thiện đời sống, nhưng trồng rau thì rau chết vì sương muối; nuôi gà vịt thì chết vì dịch bệnh. Tiếp xúc với những chiến sĩ canh biển ở trên đỉnh Sơn Trà tôi còn biết thêm một sự khó khăn mang tính đặc thù riêng của họ. Đóng quân trên đỉnh núi, phóng tầm mắt ra xa, trước mặt là cuộc sống sầm uất của thành phố, sau lưng là khu du lịch biển ồn ào, náo nhiệt. Chiều thứ 7, chủ nhật đứng trên đài canh chứng kiến cuộc sống của người dân thành phố làm sao các anh không khỏi chạnh lòng. Có thể nói cuộc sống của người chiến sỹ thời bình thầm lặng, không tiếng súng nhưng cũng không kém phần cam go, thử thách. Đời thường với bao sự cám dỗ, nếu người lính không vững vàng, yên tâm tư tưởng thì dễ bị mua chuộc, sa ngã giữa vòng quay của cơ chế thị trường, dẫn tới lơ là, mất cảnh giác hoặc thoái thác nhiệm vụ. Biết vượt lên khó khăn gian khổ để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là phẩm chất tốt đẹp, đáng trân trọng của người chiến sỹ Rađa.
Đại úy chuyên nghiệp Bùi Văn Định – trưởng ngành cơ điện (người có thâm niên 25 năm trên đỉnh Sơn Trà) tâm sự: “Gia đình tôi ở Đại Lộc (Quảng Nam) nhưng mấy khi được đón Tết cùng vợ con đâu! Vì nhiệm vụ, với lại mình cũng phải làm gương cho lớp trẻ!”.
 |
Cán bộ, chiến sĩ Trạm 545 bảo dưỡng cánh sóng ra-đa
|
Còn Thiếu úy Ngô Đức Quân – nhân viên Ra-đa chia sẻ: “Tôi quê Can Lộc, Hà Tĩnh. Bố mẹ dự kiến định Tết này về tổ chức dạm ngõ…nhưng giờ đành tạm hoãn vì tôi phải ở lại trực, bởi chỉ huy thông báo mấy ngày tết lượng tàu thuyền hoạt động trên biển phức tạp, nên nhiệm vụ trực ban, trực chiến càng phải tăng cường!”.
-Vậy thì khi nào Quân về quê làm lễ dạm ngõ?.
-Ra tết mới về anh ạ! Đơn vị quân số ít, lại phải trực tăng ca nên ở
lại trực với anh em”.
-Như thế liệu “bà xã” tương lai có giận không?.
Thoáng chút ưu tư, Quân trả lời: “Tôi tin cô ấy sẽ hiểu và thông cảm cho em hơn. Người yêu của lính mà anh!”.
Tấm lòng người chiến sĩ canh biển miền Trung là vậy, dù ở đâu và bao giờ, càng gian khổ họ càng sẵn sàng hi sinh hạnh phúc riêng tư để bảo vệ mùa xuân bình yên cho mọi nhà, mọi người. Chúng tôi tạm biệt cao điểm 696 trong chiều quyến luyến. Chủ và khách chỉ đứng cách nhau chừng 5 – 7 mét những chẳng nhìn rõ mặt vì sương mù giăng kín. Giữa bềnh bồng sương giăng, giữa cái lạnh tê tái thịt da, hương hoa dẻ vẫn nồng nàn, dịu ngọt. Bên chiến hào, cánh sóng Ra-đa vẫn vươn mình, quay đều trên đỉnh núi Sơn Trà. Trên từng gương mặt, trong mỗi ánh mắt, nụ cười của các anh đều rạng ngời niềm tin yêu cuộc sống. Sự bình yên của biển – đảo, sự vĩnh hằng của mùa xuân luôn cần có các anh – những người lính luôn chắc tay súng, vững niềm tin trên đỉnh mây vờn, gió hú…Và Trạm Ra-đa 545 mãi mãi là “Mắt thần giữ biển Miền Trung”…
Bài và ảnh: PHAN TIẾN DŨNG