QĐND - Gần 20 năm, với tấm lòng tận tụy của tập thể giáo viên, nhân viên Trường Giáo dục và hỗ trợ trẻ em thiệt thòi tỉnh Thái Nguyên đã giúp cho hàng trăm em khiếm thính, khiếm thị, chậm phát triển trí tuệ, tự kỷ… trong khu vực vượt lên khó khăn bệnh tật, từng bước tự tin, tự lập trong cuộc sống.
Gian nan “gieo và gặt” con chữ!
Nắng tháng 11 vấn vương khi những đợt gió đông đã khẽ lùa về. Trong cái hanh hao, se se ấy, lòng chúng tôi nao nao khi đến thăm Trường Giáo dục và hỗ trợ trẻ em thiệt thòi tỉnh Thái Nguyên, nơi đang nuôi dưỡng, dạy dỗ 260 trẻ em khuyết tật trong không khí của một đại gia đình ấm áp.
Chúng tôi thăm lớp can thiệp sớm dành cho trẻ khiếm thính 3, 4 tuổi, các cháu đang mải đùa nghịch. Thoạt trông, các cháu chẳng khác mấy những đứa trẻ bình thường, chỉ là không có tiếng cười, tiếng hát hay chuyện trò… mà thay vào đó là sự giao tiếp thông qua cử chỉ. Tưởng rằng, sẽ khó cho chúng tôi khi hòa nhập vào “thế giới riêng” ấy, nhưng chính sự chủ động, vui vẻ của các em lại giúp chúng tôi học được một số cử chỉ giản đơn. Và sự chuyển tải ngôn ngữ ấy đã diễn ra không chỉ bằng hành động mà bắt nguồn từ tình cảm dung dị, trong trẻo! Các thầy cô phụ trách lớp cho biết: Can thiệp sớm cho trẻ giúp các em cải thiện được những mặt phát triển, tăng chất lượng cuộc sống cho trẻ. Đây cũng là sự chuẩn bị quan trọng cho việc tiếp tục học lên các lớp cao hơn sau này của các em.
 |
Tiết học Tiếng Việt của học sinh lớp 1A.
|
Cùng cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Kim Nhung, chúng tôi quan sát giờ học Tiếng Việt của lớp 5Đ, mới thấy quá trình “gieo, gặt con chữ” quả là gian nan! Trong lớp, cô Trần Kim Hà đang kể câu chuyện về "Những con sếu bằng giấy". Không khí lớp học sôi nổi, những ánh mắt trong veo của các em chăm chú dõi theo từng ngón tay, điệu bộ, nét biểu cảm trên gương mặt của cô giáo. Tiếng giảng bài chậm rãi, được nhắc đi nhắc lại. Ở lớp khiếm thính này, học sinh phải nhìn khẩu hình của cô để lĩnh hội bài giảng, nhưng chỉ là với những từ ngữ rất thông dụng, cụ thể. Để giúp trẻ khiếm thính dễ hình dung và hiểu từ, trực quan là chưa đủ, bởi nó chỉ hỗ trợ giáo viên. Sau khi giải thích bằng ngôn ngữ ký hiệu tổng hợp và cử chỉ điệu bộ, cô thường phải lấy thêm các ví dụ về sự tương phản, đối lập với từ đang giải nghĩa thì học sinh mới có thể hình dung và hiểu được. Ví dụ dạy màu đen thì phải đưa ra màu trắng, dạy từ hiền thì phải giải thích thêm từ ác... Và giáo viên phải tự đúc rút chứ không có sách vở nào hướng dẫn nên kinh nghiệm, sự sáng tạo và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau của giáo viên dạy trẻ khiếm thính là rất quan trọng.
Cô Trần Kim Hà chia sẻ, các em trong lớp ngoài việc không thể nghe được thì hầu hết cũng không thể nói được. Vì vậy, ngoài sử dụng giáo cụ trực quan như tranh, ảnh, đồ vật thì giáo viên phải tự sắm vai và diễn lại nội dung câu chuyện đó, và không phải bài dạy nào với cô cũng thành công. Cô nhớ, có những bài giảng khiến cô mất rất nhiều thời gian suy nghĩ, nhưng đến hôm sau lại phải thay đổi. Vì trong quá trình dạy, giáo viên phải luôn tư duy, linh hoạt theo mức độ tiếp thu của học trò, chứ không thể theo giáo án cụ thể nào. Ví dụ, để dạy các con phân biệt thế nào là “hy sinh” và “chết” không hề đơn giản, và giáo viên chúng tôi phải có “mẹo” riêng.
Chúng tôi vào thăm phòng ăn khi lớp 1C dành cho trẻ chậm phát triển trí tuệ bắt đầu ăn trưa. Các em ngồi ăn ngoan ngoãn, gọn gàng, sạch sẽ... Cô Phạm Thị Tuyết, giáo viên Chủ nhiệm lớp cho chúng tôi biết, với đối tượng trẻ này, cô giáo cần nâng niu từng thành quả mà các em đạt được. Từ việc nhỏ như các em chủ động chào cô, các em biết nói thêm một từ hay ngồi đúng vị trí quy định, xúc cơm ăn gọn gàng… đều cần được khích lệ kịp thời, đôi khi chỉ là một tràng pháo tay hay một phần thưởng nho nhỏ. Kể cả khi phê bình cũng cần hết sức tế nhị vì tâm lý các em thường không ổn định, dễ ức chế… Tất cả những hành vi của các em chậm phát triển trí tuệ thể hiện ra đều có lý do riêng. Do đó, dù không được diễn đạt bằng lời nhưng mỗi giáo viên cũng như nhân viên phục vụ ở trường cần chú ý quan sát từng hành động nhỏ và đặc biệt nhạy cảm để ứng xử cho phù hợp...
Vất vả và hết lòng với những học trò đặc biệt không chỉ có các cô đứng lớp mà còn phải kể đến các nhân viên quản sinh, cấp dưỡng, những người luôn chăm lo chu đáo cho các em từng bữa ăn, giấc ngủ. Chăm sóc các em tại khu bán trú, hết giờ học, các cô thay ca nhau ngủ lại trường để quản lý, giúp đỡ các em. Có những em mới nhập trường, cả tuần không chịu vào lớp, chỉ chực bỏ chạy hay không ăn, không ngủ mà la hét, khóc đòi về. Mỗi khi gặp những tình huống như vậy, các cô lại nhẹ nhàng, kiên nhẫn; lâu dần các em đã quen với nếp học tập, sinh hoạt ở trường. Gặp Triệu Hà Duy, cậu bé khiếm thị học lớp 8M trong giờ ra chơi, ấn tượng về em là sự thân thiện và lễ phép. Duy quê ở Cao Bằng, bị mù do một tai nạn. Ngày đầu em nhập trường, cô Hoàng Thị Bích Hằng làm quản sinh dắt em đi làm quen với khuôn viên trường, dẫn Duy đi ăn cơm, hướng dẫn em nền nếp sinh hoạt trong khu nội trú. Hôm ấy, Duy bắt quen với một bạn để chuyện trò cho vơi nỗi nhớ nhà, nhớ quê, ngặt nỗi bạn lại bị khiếm thính. Trước tình huống đặc biệt này, cô Hằng đã giúp hai bạn bằng cách, cô soạn tin nhắn trên điện thoại những nội dung Duy muốn trao đổi và đưa cho bạn đọc, rồi bạn nhắn tin lại và cô Hằng là người đọc giúp Duy. “Giống như nhiều bạn khác, em rất hạnh phúc khi được học tập tại trường! Đó cũng là mơ ước của em từ khi em còn đang học hòa nhập ở Cao Bằng”, Duy nói.
Đi thăm lớp học, phòng nội trú, bếp ăn mới thấy rõ "ngôi nhà" được “chăm sóc” bởi những bàn tay khéo léo, đảm đang. Chúng tôi thêm cảm phục những cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường, vì họ đã luôn sát cánh cùng nhau trên con đường dài, nhiều khó khăn, vất vả. Ngoài ý nghĩa mưu sinh, công việc của họ còn mang lại niềm vui và tương lai tươi sáng cho những số phận thiệt thòi. “Đã có nhiều câu hỏi đặt ra về những gì mà họ xứng đáng được hưởng, tôi phải nói là ngôi trường nợ họ rất nhiều, người làm quản lý như tôi nợ họ rất nhiều, cái nợ không trả được bằng vật chất mà bằng sự ghi nhận, bằng lòng biết ơn và bằng cả sự trưởng thành của từng thế hệ học trò. Từng thành viên của trường yêu học sinh như yêu những người thân của họ. Họ yêu bằng cả trái tim và dành hết tâm huyết để giờ dạy của mình tốt nhất, giá trị nhất với học sinh”, cô Kim Nhung nói.
"Những trái chín"...!
Được biết, đa số học sinh là con em các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nhiều em bị ảnh hưởng chất độc da cam hoặc gia đình có từ 2 đến 3 người khuyết tật. 260 học sinh được chia 20 lớp theo từng đối tượng: Khiếm thính, khiếm thị, chậm phát triển trí tuệ, khuyết tật về vận động và những khuyết tật khác. Các em được nuôi dưỡng theo hình thức tập trung và học tập theo nội dung chương trình dành cho các trường chuyên biệt của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Học sinh khiếm thị được học chữ nổi Braille. Học sinh khiếm thính học thông qua cử chỉ, điệu bộ, ngôn ngữ ký hiệu. Đối với các em chậm phát triển trí tuệ được học các kỹ năng cuộc sống, kỹ năng giao tiếp… để hòa nhập cộng đồng. Từ 15 tuổi trở lên, các em được học thêm nghề thêu, may, làm hoa, tin học văn phòng... Đặc biệt, nhiều trẻ khiếm thính có năng khiếu ngôn ngữ hình thể, hội họa... trẻ khiếm thị có năng khiếu về âm nhạc được các thầy, cô giúp đỡ, khích lệ, các em đã mạnh dạn, tự tin vào bản thân. Các hoạt động văn nghệ, thể thao được nhà trường tổ chức thường xuyên, các em rất vui vẻ và phấn khởi tham gia. Chính vì thế, trong những năm qua, nhà trường đã đạt được nhiều thành tích cao trong các cuộc thi cấp tỉnh, cấp toàn quốc về các hoạt động học nghề, văn nghệ, thể thao.
Nhờ thực hiện tốt nhiệm vụ hướng nghiệp, dạy nghề nên nhiều em ra trường đã tìm được công việc phù hợp. Như em Đàm Thị Minh quê ở Võ Nhai (Thái Nguyên) và Hà Văn Khiêm quê ở Bắc Kạn, đều bị câm điếc bẩm sinh, trưởng thành từ ngôi trường này, hai em cùng xây dựng hạnh phúc và có một bé gái hơn 3 tuổi lành lặn, đáng yêu. Minh hiện làm công nhân may ở Công ty TNG Thái Nguyên, còn Khiêm làm nghề mộc ở xưởng gỗ trên địa bàn thành phố. Dù thu nhập còn thấp, cuộc sống chưa ổn định, nhưng các em đã vượt qua hoàn cảnh, bệnh tật, cố gắng học tập và lao động, trở thành người có ích chứ không để mình thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Hay trường hợp Phạm Tuấn Anh, sinh năm 1985, là một trong những học sinh khóa đầu tiên. Sau khi tốt nghiệp, Tuấn Anh được nhà trường giới thiệu đi học tại Trường Cao đẳng Văn hóa-Nghệ thuật Việt Bắc, ra trường trở lại làm nhân viên phục vụ trẻ khiếm thính, gắn bó lâu dài với ngôi trường này. Các em chính là nguồn động viên lớn nhất cho sự cống hiến âm thầm của cả một tập thể.
Chia tay ngôi trường đặc biệt cùng tập thể cán bộ, giáo viên, công nhân viên ở đây, những con người bình thường đang âm thầm làm những điều phi thường là mang lại tương lai tốt đẹp hơn cho những số phận trẻ thơ thiệt thòi, chúng tôi tin, niềm vui của các em khi được đến trường sẽ là niềm vui trọn vẹn.
Bài, ảnh: NGUYỆT MINH