 |
Nghệ nhân Triệu Hoàng Giang bên tấm bia tại Đền Hùng. |
Một bộ sưu tập, một tư tưởng lớn chứa đựng trên đá là cả một quãng đời vật lộn đầy vất vả gian nan. Mỗi tác phẩm ra đời là kết quả một quá trình lao động sáng tạo công phu. Anh được mệnh danh là người thổi hồn vào đá. Bộ sưu tập của anh được nhiều người biết đến. Anh là Triệu Hoàng Giang, ở xóm Chùa, xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo, bố anh mất lúc mới 8 tuổi, Triệu Hoàng Giang được nuôi nấng dạy dỗ từ bàn tay người mẹ hiền hết mực thương con. Khi còn là học sinh cậu bé Giang đã bộc lộ năng khiếu hội họa. Năm 1977, sau khi học xong trung học phổ thông, Giang được xét và trúng tuyển đi lao động, học tập ở Bun-ga-ri và theo học chuyên ngành luyện kim màu, nghề cơ khí chính xác ở thành phố Vi-đin gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Vốn có tính hiếu học, tranh thủ ngày nghỉ anh thường sang Thổ Nhĩ Kỳ đến một cơ sở thủ công mỹ nghệ điêu khắc tranh đá ở nước bạn và xin học nghề. Mặc dù nhiều lần bị từ chối, nhưng Giang vẫn kiên trì theo đuổi, sau phải nhờ một người bạn Bun-ga-ri phiên dịch và nói giúp. Thấy sự đam mê, hiếu học, một nghệ nhân người Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận Triệu Hoàng Giang làm học trò cho dù đó là nghề gia truyền. Hết thời gian lao động, học tập ở nước ngoài, Triệu Hoàng Giang trở về quê xây dựng gia đình. Bằng số tiền ít ỏi kiếm được trong thời gian lao động ở nước ngoài, vợ chồng Giang mở quán bán hàng, sửa chữa đồng hồ và làm một số việc khác để kiếm tiền nuôi các con ăn học. Với lòng đam mê nghệ thuật anh đã vượt qua khó khăn, thiếu thốn. Anh tìm đến một số cơ sở điêu khắc trên địa bàn để học hỏi kinh nghiệm. Đến năm 1999, anh mở xưởng khắc đá thủ công tại gia đình. Bước đầu anh cho ra đời một số tác phẩm trong bộ sưu tập về Chủ tịch Hồ Chí Minh được công chúng ghi nhận. Ban liên lạc Hội cựu chiến binh Đại đoàn 308 đến đặt tấm bia để trưng bày tại Đền Hùng. Tự hào được góp một phần nhỏ bé của mình vào một công việc lớn, Triệu Hoàng Giang mang hết tài năng, trí tuệ của mình để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Hiểu được đặc tính của đá và những tinh tế cần thể hiện, anh đã chọn những phiến đá nguyên khối đủ tiêu chuẩn làm bia bảo đảm khắc được những chi tiết nhỏ, tinh xảo mà không bị vỡ. Anh phải mất gần nửa tháng để chọn đá ở tận núi Nhồi (Thanh Hóa). Sau hơn 5 tháng miệt mài lao động, công trình hoàn thành và được trưng bày tại Đền Giếng, thuộc khu di tích lịch sử Đền Hùng nhân dịp kỷ niệm 50 năm Bác Hồ về Đền Hùng nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong. Trên bia có ghi dòng chữ “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Tác phẩm được công chúng đánh giá cao.
Đến nay, Triệu Hoàng Giang đã hoàn thành một bộ sưu tập với hơn 20 bức ảnh về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ với dân tộc Việt Nam được đục nổi không gian ba chiều trên đá, mỗi bức ảnh có kích thước 30cmx40cm. Đây là bộ sưu tập nghệ thuật có giá trị giáo dục sâu sắc. Nhưng những bức ảnh của Triệu Hoàng Giang không chỉ đạt trình độ tinh xảo, mà còn mang giá trị nghệ thuật cao. Anh tâm sự: “Để đục được một tấm ảnh Bác phải trải qua rất nhiều công đoạn, đòi hỏi phải có tính kiên trì và lòng yêu nghệ thuật. Làm ảnh về Bác không giống với các chủ đề khác”. Để giúp anh hiểu sâu hơn về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh đã tặng anh một bộ ảnh chân dung Bác Hồ để anh tiếp tục thể hiện trong bộ sưu tập của mình. Hiện trong gia đình anh đã có tới bảy bộ tài liệu do các cơ quan, ban, ngành Trung ương và các tướng lĩnh trong quân đội cung cấp cho anh nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một số tác phẩm của anh được đặt tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng tỉnh Điện Biên và triển lãm tại Phú Thọ và hiện nay bộ sưu tập của anh đang trưng bày tại Bảo tàng Quân khu 2.
Được biết, để tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tiến tới kỷ niệm 120 năm sinh nhật Bác, theo kế hoạch của Cục Chính trị, thời gian tới cơ quan chức năng Quân khu 2 phối hợp với nghệ nhân Triệu Hoàng Giang lựa chọn và sưu tập hoàn thiện một bộ tranh đá về Bác Hồ với quân và dân Tây Bắc. Bảo tàng Quân khu không chỉ là trung tâm giáo dục truyền thống mà còn là nơi học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thông qua bộ sưu tập. Công trình bắt đầu thực hiện từ tháng 6-2007 và sẽ hoàn chỉnh đưa vào sử dụng đúng dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-2010).
Bài và ảnh: CAO XUÂN PHÚ