QĐND - Tên chị, tên một loài hoa thuần khiết, kiêu hãnh nở về đêm. Chị là Phạm Quỳnh Hoa, Thượng tá, Phó trưởng Phòng Khoa học công nghệ và Môi trường; Phó Tổng biên tập kiêm Thư ký tòa soạn Tạp chí Văn hóa nghệ thuật Quân đội (Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội).
Trước khi trở thành một sĩ quan Quân đội, chị đã từng giữ cương vị Hiệu trưởng một trường phổ thông trung học tại quê nhà Quỳnh Liên, Quỳnh Lưu, Nghệ An; từng hai lần đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Tôi gặp và cùng giảng dạy với chị tại Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội từ năm 1997, điểm khởi đầu là Khoa Văn hóa phổ thông, nay là Khoa Văn hóa cơ bản. Chuyên ngành đào tạo của chị là môn Ngữ văn nhưng do yêu cầu nhiệm vụ, chị vừa dạy Ngữ văn vừa dạy Lịch sử. Trong vai trò người thầy, sự chuẩn mực của một nhà giáo luôn được chị đặt lên hàng đầu, từ tác phong lên lớp đến cách ứng xử với học sinh và đồng nghiệp… Bao thế hệ học sinh, dù đã ra trường, còn công tác trong Quân đội hay đã chuyển ngành vẫn mãi mãi ghi nhớ về hình ảnh một cô giáo vừa tươi duyên, dịu dàng vừa cần mẫn, nghiêm túc. Năm 2002, chị được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục; Nhà nước tặng danh hiệu cao quý: Nhà giáo ưu tú.
 |
Thượng tá Phạm Quỳnh Hoa. Ảnh: Vũ Phương Hà.
|
Năm 2004, chị được điều động về Phòng Khoa học công nghệ và Môi trường làm việc. Chị đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, từ việc phụ trách cuốn “Tài liệu nghiệp vụ” (tiền thân của Tạp chí Văn hóa nghệ thuật Quân đội hiện nay) đến việc mở mã ngành cho các chuyên ngành đào tạo; xây dựng Khung chương trình cho các môn học; chịu trách nhiệm chính trong dự án Thư viện điện tử, trực tiếp quản lý công tác Nghiên cứu khoa học của giảng viên và sinh viên trong trường… Bản thân chị và hai đồng nghiệp khác trong trường đã nghiên cứu và bảo vệ thành công xuất sắc đề tài cấp Bộ: “Nghiên cứu việc khai thác Văn học dân gian làm chất liệu trong sáng tác ca khúc hiện nay”. Đề tài được Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao và được phép in Giáo trình cho sinh viên chuyên ngành sáng tác âm nhạc khối trường Văn hóa nghệ thuật tham khảo.
Từ vị trí ban đầu là Trợ lý Phòng Khoa học công nghệ và Môi trường, năm 2006, chị được bổ nhiệm giữ chức Phó trưởng phòng rồi Phó tổng biên tập kiêm thư ký tòa soạn Tạp chí Văn hóa nghệ thuật Quân đội của Nhà trường. Đã từng 9 lần chị được bầu là “Chiến sĩ thi đua” cấp trường; đặc biệt trong cuộc thi Kể chuyện về tấm gương đạo đức của Bác Hồ, năm 2007, chị đạt giải nhất cấp Tổng cục Chính trị, giải nhì cấp toàn quân, được Ban Tuyên giáo Trung ương tặng Bằng khen. Năm 2010, chị vinh dự nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị. Tháng 3 năm 2012, chị là một trong những phụ nữ toàn quân được tôn vinh là Phụ nữ tiêu biểu.
Yếu tố nào đã giúp chị thành công trong các lĩnh vực công tác? Không gì khác là sự tự tin. Tự tin để sống; tự tin để làm việc; tự tin đi giữa những lo toan bộn bề của cuộc sống thường nhật. Và chính sự tự tin đã giúp chị tự trọng: Tự trọng trong chuyên môn; tự trọng trong lối sống; tự trọng trong các mối quan hệ, ứng xử để lúc nào mình cũng là chính mình, lúc nào cũng nhận được sự quý trọng của những người xung quanh.
Ở góc độ gia đình, mọi việc lớn nhỏ, chị là người lo toan, quán xuyến. Tôi tận mắt chứng kiến cảnh chị chăm sóc bố chồng khi cụ ốm nặng nằm viện. Nhiều người ở viện đã lầm tưởng chị là con gái chứ không phải con dâu cụ… Hạnh phúc gia đình đã xua tan mọi lo âu, nhọc nhằn trong chị, tiếp thêm nghị lực để chị vững bước trên con đường đang đi.
Chị, người mang tên một loài hoa quý, loài hoa dẫu nở về đêm vẫn khiến những người yêu hoa luôn ngưỡng vọng.
NGƯT Lê Kim Nhung