QĐND Online - Những tháng giáp Tết Nguyên đán, hàng chục lò nấu mật mía của bà con xóm 7, xã Tân Hương, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An lại đỏ lửa liên tục. Trung bình mỗi ngày, họ sản xuất hàng trăm lít mật cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Mùa thu hoạch nguyên liệu diễn ra rất ngắn nên công việc khá vất vả, nhưng lợi nhuận lại khá cao nên các chủ lò như chạy đua cùng thời gian sao cho nấu được nhiều mật nhất.

Ép mía để lấy nước nấu mật.

 

Các lò mật mía ở xóm 7, Tân Hương chỉ đỏ lửa khoảng 4 tháng (từ tháng 11 âm lịch năm nay và kéo dài đến tháng 2 âm lịch năm sau), bởi cây mía thời gian này cho lượng nước nhiều và ngọt nhất. Hơn nữa, đây lại là thời điểm sát Tết nên thị trường có nhu cầu mật rất cao.

Những ngày cuối năm, cả 28 lò nấu mật mía ở xóm đều hoạt động hết công suất, mùi mật cuốn theo gió thơm phức cả làng. Trước đây việc nấu mật mía phải dùng sức trâu, bò để quay che nên 3- 4 lao động cũng chỉ nấu được khoảng 100 lít mật. Nhưng giờ đây với việc đưa những cỗ máy vào ép mía, người lao động đỡ vất vả và năng suất tăng lên nhiều lần.

Mặc dù vậy, để tạo nên những giọt mật mía chất lượng, người làm nghề phải trải qua nhiều công đoạn nặng nhọc như: Đưa mía nguyên liệu vào che ép lấy nước, rồi đổ lên chảo, nấu đến khi sôi, mật đạt được độ quánh, vàng sóng sánh. Quan trọng nhất trong các công đoạn là nấu mật, người trực lò luôn trong tình trạng liền tay, giữ cho vừa lửa để mật khỏi trào ra ngoài, tay thoăn thoắt vớt váng nổi lên để mật có màu đẹp. Đặc biệt, người thực hiện công đoạn này phải có kinh nghiệm để mật không “non” hoặc “già” quá.   

Nấu mật là công đoạn quan trọng nhất.

 

Dừng chân tại lò mật mía của gia đình anh Nguyễn Văn Trường và chị Nguyễn Thị Pháp, nằm sát bên đường mòn Hồ Chí Minh, mới hiểu được những vất vả, nặng nhọc của người làm nghề. Cả ngày đôi vợ chồng cùng các con luôn phải khoác trên mình những bộ quần áo quần áo lấm lem bùn đất, hoạt động liên tục như những cái máy. Trong khi anh Trường đang tập trung vào công đoạn nấu mật thì vợ cùng đứa con trai lớn của anh lại chuẩn bị ép mía cho mẻ mật tiếp theo. Với 4 lao động làm gần như không ngừng nghỉ, trung bình mỗi ngày gia đình anh Trường cho ra lò khoảng 200 lít mật mía. Thế nhưng theo chủ lò mật mía này thì số lượng mật nấu được vẫn không đủ cho khách đặt mua.

Khi vào mùa đỏ lửa lò, mỗi ngày làm việc của những chủ lò mật thường bắt đầu từ lúc trời còn chưa sáng đến tận đêm khuya. Những lò có đông lao động thì thay nhau duy trì lò liên tục đỏ lửa, có khi suốt nhiều ngày liền. “Mỗi năm chỉ có 4 tháng nên chúng tôi phải tranh thủ làm dù vất vả. Khi vào mùa, các lò mật đỏ lửa, người lao động làm cật lực nên sau mỗi mùa ai cũng sụt đi vài cân”, anh Trường cho biết.

Hiện nay, 1 tấn mía nguyên liệu ở Tân Hương có giá khoảng 1 triệu đồng, khi ép nấu mật thì có thể thu được 80 lít mật thành phẩm. Với giá tại lò khoảng 20.000 đồng/lít mật, người nấu có lãi khoảng 500.000 đồng/tấn mía. Theo những người làm nghề, sở dĩ có lãi vì họ gần như tận dụng được tất cả phế phẩm của cây mía nên chi phí thấp. Bã mía sau khi ép dùng để làm nguyên liệu chất đốt, váng từ việc nấu mật thì dùng để làm phân bón thì không gì tốt bằng. Chính vì nấu mật có lãi, nên gia đình anh Trường đang có khoảng 50 tấn mía nguyên liệu ngoài đồng nhưng vẫn chưa thu hoạch mà đi thu mua của nhân dận địa phương. Bởi theo anh để có lãi, chủ lò phải tranh thủ nguồn nguyên liệu dồi dào ở địa phương, còn lượng mía của gia đình thì sau tết mới bắt đầu thu hoạch.   

Mật mía ở Tân Hương được những người trong Nam, ngoài Bắc mua về làm quà. Nhưng thị trường tiêu thụ chủ yếu là tiểu thương các huyện lân cận như Diễn Châu, Đô Lương, Anh Sơn… Với những món bánh độc đáo của các huyện miền Tây xứ Nghệ trong ngày Tết cổ truyền dân tộc như bánh Ong, bánh Nhăng, bánh gai… thì mật mía là thứ nguyên liệu đặc sắc không thể thiếu. Bởi vậy khi những lò mật mía vào “mùa” đỏ lửa cũng là tín hiệu báo Tết đang về.

Bài, ảnh: VIẾT LAM