QĐND Online - Sát cánh cùng Bộ đội Hải quân ngày đêm giữ yên chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, có một lực lượng lặng lẽ làm nhiệm vụ canh giữ vùng trời thân yêu của đất mẹ ở nơi đảo xa quanh năm sóng gió- đó là những chiến sĩ ra đa của Đơn vị H92 (Đoàn B77, Quân chủng Phòng không- Không quân). Không chỉ mang trong mình những phẩm chất trung dũng, kiên cường của những người lính “canh trời”, những người chiến sĩ ra đa ở nơi đầu sóng ngọn gió còn có đời sống tình cảm, văn hóa, tinh thần phong phú. Trong chuyến công tác ra thăm quần đảo Trường Sa mới đây, tôi đã biết thêm nhiều câu chuyện thú vị về họ.

Cán bộ, chiến sĩ Trạm ra đa 11 cùng ngân vang câu hát “Vì nhân dân quên mình...” giữa đảo xa.

Nghĩa tình lính Trạm ra đa 21

Trời nắng chói chang. Mặt biển xanh óng ánh những tia nắng lấp lóa kéo ra tận chân trời xa tít tắp. Màu cát trắng phản chiếu nắng mặt trời rọi xuống càng làm cái nóng trên đảo Song Tử Tây như “rang” trên lửa. Chỉ thoáng mắt nhìn không gian ấy giữa buổi trưa, đầu óc tôi đã xuất hiện cảm giác ong ong. Mặc cho cái nắng chụp lên đầu, tôi vẫn theo con đường bê tông hầm hập ra vị trí đài quan sát của Trạm ra đa 21. Trên chòi gác rộng mấy mét vuông, nắng nóng bủa vây tứ phía, Binh nhì Đặng Dũng, chiến sĩ trắc thủ đang làm nhiệm vụ canh trực ở đó. Nhập ngũ được hơn nửa năm, Dũng đã có một nửa thời gian ở đảo. Nắng gió trùng khơi đã “phủ” lên Dũng một màu da sàm sạm nên nhìn anh có vẻ già dặn hơn so với tuổi 19 của mình. Dũng kể, hôm đầu tiên lên vị trí đài quan sát, nhìn bốn bề mênh mông là biển cả và sóng vỗ rì rào, trên đầu là bầu trời bao la hun hút, em cũng có cảm giác hơi... chờn chợn, rồi bỗng dưng người nổi lên một lớp da gà. “Còn bây giờ thì sao”?- Tôi hỏi. Dũng tự tin:

- Chẳng có gì là đáng ngại cả. Giờ thì em chỉ sợ nhất là không làm tròn nhiệm vụ.

- Em có hay viết thư về cho gia đình và bạn gái không?

Dũng thật thà:

- Tụi em bây giờ nhác lắm, không hay viết thư như các chú, các anh ở đảo thời trước. Trên đảo phủ sóng điện thoại di động rồi, khi nào nhớ ba mẹ, nhớ bạn gái là em “phôn” về hỏi thăm ngay.

Tôi hỏi vui:

- Đi đảo thế này, Dũng có “sợ” một ngày nào đó bạn gái “chia tay” không?

Dũng hóm hỉnh:

- Không biết lòng dạ cô bé thật hư thế nào, nhưng mới đây nhất, em vào mạng gửi cho cô nàng mấy bức ảnh. Xem xong, nàng bảo: trông anh đen hơn ngày xưa, nhưng hình như nắng gió ở đảo làm cho đôi mắt anh trở nên nồng nàn, cháy bỏng hơn. Và anh biết cô ấy nói gì nữa không? Cô ấy còn bảo: nhìn đôi mắt anh, em bị chao đảo, bung biêng giống như người bị say sóng biển. Con gái Khánh Hòa quê em thiệt “dữ dội” đúng không anh?

Nói rồi, đôi mắt Dũng ánh lên niềm vui rạng rỡ. Hình như lúc đó trái tim người lính trẻ đang trào dâng, dạt dào như nước biển triều hôm!

Không sôi nổi như Binh nhất Đặng Dũng, Thiếu úy QNCN Phạm Thành Huy, nhân viên báo vụ Trạm ra đa 21 có vẻ trầm tư hơn. Ra công tác ngoài đảo từ tháng 7-2008, đến nay, Huy vẫn chưa một lần về thăm gia đình ở xã Ninh Nhất, huyện Hoa Lư (Ninh Bình). Bố Huy là công nhân. Mẹ Huy làm ruộng. Cuộc sống gia đình còn nhiều khó khăn nên Huy rất thương bố mẹ. Anh đã  “chuyển hóa” nỗi niềm sâu nặng ấy bằng một cử chỉ đầy trách nhiệm là gửi hầu hết số tiền lương về quê phụ giúp bố mẹ và nuôi hai người em sinh đôi đang học lớp 11. Không hút thuốc lá, không rượu chè, chỉ chú tâm vào công việc đơn vị và biết san sẻ, gánh vác một phần trách nhiệm của một người con đối với gia đình, Huy đã góp phần tô đẹp thêm phẩm chất trung hiếu, cần kiệm của người chiến sĩ Phòng không- Không quân trong thời bình.

Lúc bước vào đài trực chỉ huy, thấy Huy đang chăm chú với phiên trực báo vụ bên chiếc máy phát ra những tiếng rè rè, tôi nói vui:

- Lính báo vụ đã đúc kết về nhiệm vụ hằng ngày của mình gói gọn trong 8 chữ “Ù tai, chai mông, công ít, lỗi nhiều”, vất vả và “đa đoan” là thế mà sao Huy vẫn theo đuổi công việc này?

Huy cười bảo:

- “Đã mang lấy nghiệp vào thân/ Cũng đừng trách lẫn trời gần, trời xa/ Thiện căn ở tại lòng ta...”, cụ Nguyễn Du đã nói hộ chúng em rồi, anh ạ!

Cán bộ nào, phong trào ấy

Nằm trên đảo Trường Sa Lớn, Trạm ra đa 11 được ví như một tổ ấm gia đình giữa biển khơi. Vừa bước chân vào khuôn viên doanh trại đơn vị, tôi thấy mấy cán bộ, chiến sĩ đang ngồi quây quần trên chiếc bàn đá dưới cây bàng quả vuông sum suê cành lá, cùng chơi cờ tướng. Cách đó không xa, mấy chiến sĩ trẻ đang ôm đàn ghi-ta nghêu ngao hát :“Rất dài và rất xa, là những ngày thương nhớ. Nơi cháy lên ngọn lửa, là trái tim yêu thương”.... Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, vào giờ nghỉ, ngày nghỉ, anh em ở Trạm luôn tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao rất sôi động, vui vẻ. Không những thế, đây còn là đơn vị đầu tiên trên đảo Trường Sa Lớn thực hiện thành công phong trào “Nói không với khói thuốc”.

Chuyện bắt đầu từ Đại úy Đinh Xuân Thu, Trạm trưởng Trạm ra đa 11. Thu là một trong những người “ghiền” thuốc lá nhiều nhất đơn vị. Tính bình quân mỗi ngày anh “đốt” hết hai bao Vinataba. Để hướng ứng “Tháng thanh niên năm 2010”, Chi đoàn Trạm 11 đã phát động phong trào “Thanh niên nói không với khói thuốc”. Là người có mặt dự buổi phát động hôm đó, Thu không khỏi băn khoăn vì chính bản thân mình đang nghiện thuốc lá rất nặng. Chi đoàn đã phát động rồi, là người đứng đầu đơn vị mà không gương mẫu bỏ thuốc lá trước thì phong trào sẽ đi tới đâu? Suy nghĩ giây lát, anh nói trước đơn vị: “Tôi hoàn toàn hưởng ứng, ủng hộ phong trào này của chi đoàn. Tôi cũng hứa danh dự trước toàn thể cán bộ, ĐVTN, bắt đầu từ giờ phút này trở đi, tôi chính thức bỏ thuốc lá. Nếu vi phạm, tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm trước cấp ủy và toàn thể đơn vị”.

Đã nói là làm. Ngày hôm sau, Trạm trưởng Thu đã đề nghị và huy động tất cả những ai còn giữ điếu cày, thuốc lá, thuốc lào mang ra đầu hiên nhà “tập kết”. Hưởng ứng ý kiến của Trạm trưởng, mọi người đã mang ra 3 cái điếu cày, khoảng 4 kg thuốc lào và hơn 20 cây thuốc lá ra ngoài. Trước sự chứng kiến của 100% cán bộ, chiến sĩ, Trạm trưởng Thu đã yêu cầu đồng chí trực ban đơn vị hủy công khai toàn bộ số điếu cày, thuốc lào, thuốc lá đó bằng một mồi lửa. Khi ngọn lửa bùng lên, anh còn nói vui: “Thế là từ nay, thuốc lá, thuốc lào đã về với... âm phủ rồi. Vĩnh biệt... các bạn, chúng tôi ít nhiều cũng “nhớ thương”. Nhưng thôi, hai ta không hợp nhau, đành phải mỗi người một ngả vậy”! 

Để có “chế tài” rõ ràng, Thu đã bàn bạc với đồng chí Chính trị viên Trạm đưa nội dung không hút thuốc lá vào nghị quyết tháng 3 của chi bộ, trong đó nêu rõ trách nhiệm của mọi đảng viên, chiến sĩ trong việc chấp hành nghiêm quy định “Nói không với khói thuốc”. Nếu ai vi phạm lần đầu sẽ bị “bêu tên” công khai trên bảng tin đơn vị. Trường hợp tái phạm sẽ đưa ra kiểm điểm trước tập thể. Mới nghe có vẻ biện pháp đó ráo riết, cứng rắn, nhưng một khi người chỉ huy cao nhất đơn vị gương mẫu bỏ thuốc lá thì đó đã trở thành “mệnh lệnh không lời”, có sức giáo dục, thuyết phục rất hiệu quả. Và thực tế, sau hơn hai tháng phát động, 100% cán bộ, chiến sĩ Trạm ra đa 11 đã hoàn toàn bỏ hút thuốc lá một cách rất tự nguyện.

- Trạm trưởng Thu đã làm được một việc tưởng rất dễ, nhưng nếu không có quyết tâm thực sự, thì việc bỏ thuốc lá cũng không kém phần gian nan!- Tôi chia sẻ.

- Chả nói giấu gì anh, em cũng phải đắn đo rất nhiều trước khi bỏ thuốc- Thu tâm sự- Vì thuốc lá đã “ngấm” vào máu mình gần hai mươi năm nay và em cũng đã thử bỏ vài ba lần rồi nhưng không có kết quả. Lần này em đã quyết tâm bỏ thật, bởi hai lý do: để giữ gìn sức khỏe, tiết kiệm kinh tế cho chính bản thân và để làm gương cho cấp dưới noi theo. Khi mình không hút thuốc lá, người khác cũng như vậy, làm cho phong trào “Nói không với khói thuốc” mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Nhưng nói đúng hơn, em cảm ơn bộ đội mới phải lẽ. Vì không có sự hưởng ứng nhiệt tình, trách nhiệm của anh em toàn đơn vị, biết đâu mình lại bỏ cuộc “giữa chừng” như mấy lần trước cũng nên!

Chuyện bỏ thuốc lá ở Trạm ra đa 11 thực ra không có gì to tát, nhưng lại gợi cho chúng ta một suy nghĩ, một bài học không mới nhưng cũng chưa bao giờ cũ: ở đâu cán bộ lãnh đạo, chỉ huy nói đi đôi với làm và làm đến nơi đến chốn thì phong trào ở đó sẽ chuyển biến tiến bộ thực sự.

“Ban nhạc hip hop” trên đảo Nam Yết

Buổi tối xem chương trình giao lưu văn nghệ trên đảo Nam Yết, không chỉ riêng tôi, mà rất nhiều khán giả từ già đến trẻ đều rất ấn tượng với tiết mục nhảy hip hop của 4 chiến sĩ Trạm ra đa 57. Không ánh đèn sân khấu lộng lẫy, không có những bộ trang phục nổi bật, 4 chiến sĩ mặc quần và đội mũ rằn ri, áo may ô trắng, chân đi giày bộ đội nhưng vẫn làm các khán giả ngồi dưới luôn trong trạng thái nhấp nhổm, đứng ngồi không yên và như cùng muốn khua chân, múa tay theo giai điệu, tiết tấu sôi động, cuồng nhiệt của điệu nhảy hip hop trên sân khấu. Các anh nhảy thuần thục và điêu luyện đến mức nữ ca sĩ trẻ Hà Linh (Đoàn nghệ thuật Bộ đội Biên phòng) đã thốt lên: “Em đã đi biểu diễn ở nhiều nơi, gặp gỡ nhiều lính trẻ ở biên giới, hải đảo, nhưng chưa bao giờ em thấy có một đội nhảy hip hop điêu luyện như 4 chàng trai của Trạm ra đa 57. Hip hop là điệu nhảy đường phố, được giới trẻ hiện nay rất ưa chuộng. Điệu nhảy của các bạn không chỉ khuấy động không khí văn nghệ sôi nổi, vui vẻ hơn, mà còn như một chất xúc tác làm cho ca sĩ chúng em biểu diễn hăng hái hơn, khí thế hơn. Cảm ơn các anh lính trẻ Trạm ra đa 11 đã để lại cho chúng em một ấn tượng đẹp về niềm đam mê văn nghệ ở nơi đảo xa”.

Sau buổi trình diễn ấy, tôi đã gặp gỡ và tìm hiểu “ban nhạc hip hop” này. Đều ở lứa tuổi U20 là Hạ sĩ Ngô Nguyễn Hải Âu quê ở Bình Định, Hạ sĩ Hồ Ngọc Anh quê ở Hà Tĩnh và Trung sĩ Lại Văn Thông quê ở Thanh Hóa. “Anh cả” là Thiếu úy QNCN Trần Công Thoòng, 25 tuổi, quê ở Nam Định, nhân viên báo vụ của Trạm. Tôi hỏi:

- Cơ duyên nào mà các bạn say sưa với hip hop như vậy?

Thoòng bảo:

- Vì điệu nhảy này đã góp phần gắn kết tình bạn bè, làm cho người trẻ tự tin, năng động hơn trong cuộc sống và cộng đồng, nên chúng em “phê” đấy!

- Ngoài 4 bạn ra, các chiến sĩ trẻ ở Trạm có đam mê với điệu này này không?

Hải Âu nhanh miệng:

- Nhiều lắm anh ạ. Tính sơ sơ cũng có tới 70% chiến sĩ thích hip hop. Mà không chỉ thích, các bạn rất tích cực tham gia tập luyện điệu nhảy này. Được chỉ huy đơn vị ủng hộ, vào các giờ nghỉ, ngày nghỉ, chúng em hướng dẫn các bạn cùng tập nhảy hip hop. Phong trào “Người người nhảy hip hop” đang lan rộng ra toàn đơn vị. Sáng ngày nghỉ, mời anh ra bãi cát ven đảo sẽ thấy không khí tập nhảy hip hop của chiến sĩ trẻ ở đây rất hào hứng, rộn ràng.

Giọng đặc sệt Hà Tĩnh nghe nằng nặng, Ngọc Anh dí dỏm nói thêm:

- Có hăng say và cùng các bạn vui nhảy hip hop mới đỡ “teo tóp” tinh thần tuổi trẻ. Bởi ở nơi đảo xa quanh năm suốt tháng xa nhà và thiếu hơi ấm đất liền, không tự tạo cho mình niềm vui cũng là một cách làm “già nua tâm hồn” bản thân, đúng không anh?

Tôi gật đầu mỉm cười về câu nói khá hình ảnh và sâu sắc của Ngọc Anh. Lúc ấy, trong tâm trí tôi lại hiện lên điệu nhảy hip hop của 4 chàng lính trẻ với những động tác uốn oéo thân thể điêu luyện, những thao tác búng, lộn, nhào nhanh như chớp trong tiếng nhạc sôi động và tiếng hò reo, cổ vũ náo nhiệt của hàng trăm khán giả. Chính tiết mục hip hop của Công Thoòng, Hải Âu, Ngọc Anh và Văn Thông như “kéo” đảo xa gần với đất liền hơn! Hay nói như Đại tá Nguyễn Đức Trịnh, Hiệu trưởng Trường đại học văn hóa nghệ thuật Quân đội: “Lính rađa đã góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần ở quần đảo Trường Sa thân yêu của Tổ quốc”.

Bài, ảnh: Nguyễn Văn Hải