Kỳ 2: Thương nhớ “bộ đội lèn”
Trên vách đá hang Hà phía sau tấm bia ghi danh 13 liệt sĩ, có dấu tích những dòng chữ lớn, được giới thiệu là do các chiến sĩ A69 ngày ấy dùng đinh nhọn và đá sắc viết nên. Chúng tôi đã tập trung nhãn lực, loay hoay vừa đọc vừa đoán, nhưng không sao luận nổi. Bởi vì trải qua mấy chục năm dằng dặc, những nét chữ đã bị mưa gió bào mòn, rêu phong bao phủ. Mấy chú bé mục đồng kêu lên:
- Ông Nậy ơi, đọc giùm mấy chú ni câu khẩu hiệu!
Lão đồng chí dân quân chẳng cần mục kỉnh, chỉ tay lên tảng đá đọc vanh vách:
- Câu ni là “Quý xăng như máu, yêu máy như con”. Còn câu nớ là “Quyết tâm bám máy, giữ vững thông tin liên lạc”. Hồi bộ đội lèn còn đóng ở đây, chỉ có tui là xã đội trưởng cùng ông Hoàng Quốc Chế là bí thư đảng ủy xã mới được phép vô hang đôi lần bàn việc với chỉ huy đơn vị, nên nhớ mấy câu khẩu hiệu ni lắm…
Cụ Hoàng Quốc Chế năm nay xấp xỉ tám mươi tuổi. Anh con trai của cụ ra đời năm đế quốc Mỹ dựng lên sự kiện Vịnh Bắc Bộ để lấy cớ mang bom đánh phá miền Bắc, nay là Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tuyên Hóa. Chiều nay nghe tin có ô-tô của đơn vị “bộ đội lèn” chở đoàn nhà văn quân đội vô thăm, cụ kêu thêm ông Nậy, bà Trưởng, bà Tân… ra nghênh đón tận ngã ba Thanh Lạng để nhập đoàn cùng vô hang Hà. Bà Ngô Thị Trưởng là cựu chủ tịch hội phụ nữ xã thời A69. Bà Đinh Thị Tân là dân bản Hà, nhà ở cách doanh trại A69 chỉ dăm trăm mét, ngay bên này bờ suối. Hồi đó cả bản chỉ non hai chục nóc nhà, người già và trẻ con phải sơ tán vào tận phía trong đập thủy điện của “bộ đội lèn” để tránh máy bay địch. Đàn ông, thanh niên và phụ nữ khỏe mạnh vẫn trụ lại bám ruộng nương sản xuất và phục vụ chiến đấu, giúp đỡ bộ đội. Ngày ấy, bà Tân là o dân quân mới đôi mươi, được mấy anh “bộ đội lèn” quý mến lắm. Nhưng o đã trót thương một anh “bộ đội xe” quê ở Hải Dương. Anh bộ đội ấy là chồng của bà hiện nay. Sau chiến tranh anh “ở rể” bản Hà luôn cho đến nay. Ngoài tình nghĩa vợ chồng, mảnh đất này đối với anh còn nhiều duyên nợ thiêng liêng lắm…
 |
Chị Nguyễn Thị Thanh (bên phải) và chị Phạm Thị Vang bên tấm bia ghi danh 13 liệt sĩ A69 đặt tại hang Hà, tháng 7-2005. Ảnh: HỒNG THẾ |
Đang say sưa trao đổi điều gì đó với đồng chí phó chính ủy đoàn thông tin M34, nghe ông Nậy nhắc đến tên mình và câu khẩu hiệu trên vách đá, cụ Hoàng Quốc Chế quay sang chúng tôi, hấp háy cười xác nhận:
- Phải đó! Năm tê có đoàn cựu binh “bộ đội lèn” vô thăm lại chiến trường, trong đó có ba o tổng đài A69 sống sót sau trận bom ngày hai tháng bảy năm bảy hai, cũng khẳng định hai câu khẩu hiệu nớ là “Quý xăng như máu, yêu máy như con” và “Quyết tâm bám máy, giữ vững thông tin liên lạc”. Tui nghĩ, có cách chi khôi phục lại mấy câu khẩu hiệu ni thì tốt!
- Thưa cụ, tại sao bà con mình lại gọi là “bộ đội lèn”?
Vị cựu bí thư đảng ủy xã à lên: “Hồi nớ, Thanh Lạng bầy tui có nhiều đơn vị bộ đội đóng quân, gọi như rứa để phân biệt: “Bộ đội lèn” là đơn vị thông tin A69 đóng ở Lèn Hà. “Bộ đội ống” là đơn vị xăng dầu đóng ngoài dốc Bà Tôn. “Bộ đội xe” là đại đội vận tải đóng gần ngã ba Thanh Lạng. Rồi còn “bộ đội pháo” cao xạ, “bộ đội ngầm” công binh, “bộ đội kho” hậu cần, “bộ đội xắc-cốt”… Chú biết bộ đội xắc-cốt là chi không? Đó là cơ quan hậu cứ của Bộ tư lệnh Đoàn 559…
Nhiều đơn vị bộ đội đóng trên địa bàn nên dân quân xã phải có nhiều phương án phối hợp tác chiến, nhưng có một yêu cầu chung là tổ dân quân nào cũng phải chuẩn bị sẵn sàng và đầy đủ 12 thứ phục vụ chiến đấu, là: gạo, muối, băng ca, vòng ngụy trang, bông băng y tế, cuốc xẻng, xô đựng nước và câu liêm cứu hỏa... Sẵn sàng và đầy đủ như thế, vậy mà chiều hôm ấy, khi xã đội trưởng Phạm Văn Nậy phát lệnh báo động và trực tiếp chỉ huy trung đội xung kích cơ động khẩn trương tiếp cận hiện trường, vẫn không sao cứu được 10 nữ chiến sĩ thông tin đang mắc kẹt trong căn hầm chữ A, bởi cả ngôi nhà lá cọ đã úp xuống và đang rừng rực cháy trùm lên căn hầm. Bọn giặc tàn bạo và xảo quyệt đã tính toán rất kỹ tình huống cứu viện này, nên chúng đã kịp rải thêm một lượt bom bi nổ chậm như rắc vừng xuống khu doanh trại, trước khi rút chạy ra phía biển. Gió lào mùa hạ tiếp sức cho ngọn lửa điên cuồng. Tre nứa nổ lép bép. Bom bi chát chúa lúc nhặt lúc khoan. Tiếng kêu thét của các chiến sĩ gái trong khối lửa mỗi lúc một nhỏ dần… Xã đội trưởng Nậy nghiến chặt hàm răng tưởng đến bật máu. Nhiều chiến sĩ dân quân đau đớn dậm chân ngửa mặt kêu trời…
Xế chiều hôm ấy, hội trưởng phụ nữ xã Ngô Thị Trưởng nhận lệnh chuẩn bị tham gia khâm liệm, chôn cất 13 liệt sĩ. Từ những ngày đầu đế quốc Mỹ leo thang phá hoại miền Bắc, xã Thanh Hóa đã là một trọng điểm ác liệt, bởi nơi đây có nhiều mục tiêu quân sự như: Quân y viện 4, hậu cứ Đoàn 559, tổng kho hậu cần, đường ống xăng dầu, trạm cơ vụ thông tin dây trần… và đặc biệt có ngã ba Thanh Lạng là một đầu mối giao thông quan trọng. Đã hàng trăm lần các chị tham gia khâm liệm và chôn cất liệt sĩ. Có lần mười mấy liệt sĩ đơn vị cao xạ đưa về xếp kín cả nhà kho Hợp tác xã. Lần nào, liệt sĩ nào cũng được hội phụ nữ xã nhà tắm rửa sạch sẽ, khâm liệm chu đáo với tất cả tình thương yêu vô bờ bến và trách nhiệm thiêng liêng của những người chị, người em trên quê hương tuyến lửa. Nhưng lần này liên lạc xã đội thông báo có 10 liệt sĩ nữ trạm A69, nên hội trưởng đề nghị chị em đi kiếm ít hương nhu, lá bưởi, nấu nồi nước gội đầu cho các o. Từng nhiều lần sinh hoạt chi đoàn kết nghĩa, Trưởng nhớ mặt thuộc tên cả 13 o của A69. Mỗi o có dáng nét riêng nhưng đều giống nhau là o nào cũng có mái tóc rất dài, rất đẹp đến phát thèm. Mấy anh chi đoàn A69 “cưa” không đổ con gái chi đoàn địa phương, bèn quay sang trêu chọc: “Con gái Khu Ba da trắng tóc xanh. Mỗi khi chồng gọi, thưa anh gọi gì? Con gái Khu Bốn tóc nắng da chì. Mỗi khi chồng gọi, chi chi rứa hề?”… 13 o tổng đài mà hy sinh 10 người thì gần hết rồi còn chi nữa? 10 o hy sinh là những ai? Nồi nước thơm vừa chuẩn bị xong thì thi hài 13 liệt sĩ được quy tập về. Trời đất ơi, 10 người con gái da trắng tóc xanh giờ đây quần áo, đầu tóc đều bị cháy sém. Gội sao cho mượt, chải sao cho thẳng hở trời…
Bà Ngô Thị Trưởng bùi ngùi nhớ lại: “O Xuyến to cao, o Lan bé nhỏ, o Lung người hơi đậm nhưng dáng đi thoăn thoắt. Tui biết hát chèo Khu Ba là nhờ mấy o nớ dạy cho. Tội nghiệp o Lan đã có quyết định ra Bắc, chia tay bà con hôm trước rồi, nói mai sẽ đi, không biết vì việc chi mà ở lại thêm một ngày nữa nên…”.
Bà Đinh Thị Tân kể: “Nhà tui gần trạm nên thỉnh thoảng các o lại vô hỏi “Có bồi cho bọn em ăn với!”. Các eng nhà văn nhà báo có biết bồi là thứ chi không? Củ sắn tươi mài ra, trộn với bột ngô, rắc thêm ít muối rồi đồ lên như đồ xôi làm bồi ăn thay cơm quanh năm. Hồi nớ dân làng đói lắm. Bộ đội nhiều bận cũng đói...”.
Bà Trưởng tiếp lời: “Bữa nớ o Xuyến được phát một đôi áo lót Đông Xuân, mang sang giúi cho tui một chiếc: “Em tặng chị chiếc áo này để chị đừng quên em chị nhé”. Cứ tưởng o cũng sắp được chuyển ra Bắc cùng o Lan nên dặn như rứa. Nào ngờ hôm sau thì trúng bom, thiêng quá…”.
Bà Tân bổ sung:
- Ờ, hồi chưa xây ngôi miếu thờ, thỉnh thoảng tui vẫn nghe như tiếng các o trò chuyện, cười nói dưới suối, bên giếng. Có lần đang trưa tui đi tìm con bò lạc, nghe có tiếng hú đằng trước, chạy lên xem ai, lại nghe tiếng hú đằng sau. Tui nói: “Các o đừng đùa trêu chị mà tội, thấy con bò của chị ở mô thì chỉ giúp đi!”. Tui nói thiệt to, quả nhiên hết tiếng hú, một lát thì nghe tiếng mõ bò lóc cóc phía cây mưng cụt, lần xuống thì bắt được. Có chuyện ni mới khiếp: Năm tê ông Hưu vô trồng lạc ở vạt ruộng có nền nhà ăn A69 hồi trước. Một bữa ông mắt tròn mắt dẹt kể: “Đêm qua tui ngủ ở chòi canh lạc, trong mơ gặp sáu o bộ đội nói giọng Khu Ba đến xin vài ống bơ lạc tươi mang về luộc, tỉnh dậy toát hết cả mồ hôi”. Tui tin ngay, nhưng cứ thắc mắc vì sao mười o hy sinh mà chỉ có sáu o hiện về. Sau mới biết là ở nghĩa trang Đồng Lê chỉ còn mộ của sáu o thôi. Bốn o đã được gia đình đưa về quê lâu rồi. Đã bảo mà, các liệt sĩ chết trẻ nên rất thiêng, rất thiêng…
(Còn nữa)
13 liệt sĩ A69 thông tin hy sinh ngày 2-7-1972 tại Lèn Hà
1- Đàm Văn Trình, sinh năm 1944 ở Đông Thành, Kim Động, Hưng Yên
Dương Văn Chấn, sinh năm 1946 ở Đoài Côi, Trùng Khánh, Cao Bằng
Trần Văn Xay, sinh năm 1946 ở Ngô Quyền, Thanh Ba, Phú Thọ
Vũ Thị Lan, sinh năm 1950 ở Vũ Tây, Vũ Thư, Thái Bình
Bùi Thị Lung, sinh năm 1954 ở Kim Sơn, Kim Bôi, Hòa Bình
Chu Thị Mạnh, sinh năm 1956 ở xã Văn Lung, thị xã Phú Thọ
Ngô Thị Luận, sinh năm 1955 ở Tân Long, Tân Lập, Phú Thọ
Hoàng Thị Linh, sinh năm 1956 ở xã Trần Phú, thị xã Phú Thọ
Nguyễn Thị Anh, sinh năm 1955 ở Thanh Cù, Thanh Ba, Phú Thọ
10- Lê Thị Châm, sinh năm 1955 ở Văn Đồn, Đoan Hùng, Phú Thọ
11- Cao Thị Xuyến, sinh năm 1953 ở Hoằng Kim, Hoằng Hóa, Thanh Hóa
12- Trần Thị Loan, sinh năm 1954 ở Phú Lộc, Nho Quan, Ninh Bình
13- Nguyễn Thị Thảo, sinh năm 1953 ở Thanh Lạc, Nho Quan, Ninh Bình |
MAI NAM THẮNG
Lèn Hà bi tráng (Kỳ 1)
Kỳ sau: Chuyện của “Người may mắn”