QĐND Online – Chưa tới chục ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, song rất nhiều vườn hoa tại xã Phù Vân (TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) vẫn chưa trổ nụ, đơm hoa. Đợt rét đậm rét hại kéo dài hồi đầu tháng một vừa qua khiến những người nông dân trồng hoa đang đứng trước nguy cơ mất mùa hoa Tết.  

Nhiều vườn hoa “trượt” vụ Tết

Cách thành phố Phủ Lý khoảng 5km, Phù Vân được nhiều người biết đến là một vựa hoa lớn, nổi tiếng với truyền thống trồng hoa và cây cảnh lâu năm. Mỗi độ Tết đến xuân về, làng Phù Vân lại cung cấp một lượng hoa lớn cho thị trường trong tỉnh và một số vùng lân cận như Ninh Bình, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình… Tuy nhiên, đợt rét đậm thời gian qua đã làm chậm tiến độ hoa nở, khiến nhiều vườn hoa đang đứng trước nguy cơ “lỗi hẹn” với Tết Quý Tỵ.

Chị Nguyễn Thị Hường, người trồng hoa nhiều nhất làng buồn rầu cho biết: “Bao nhiêu vốn liếng, thời gian và công sức đầu tư hơn một mẫu hoa Tết gần như mất trắng rồi. Do rét quá nên hoa hồng rất cằn và ít nụ, còn hoa cúc lại hơi ngắn cành do trời rét nên hoa sinh trưởng kém. Mỗi tháng nhà tôi phải trả gần một triệu đồng tiền điện để thắp sáng ủ ấm, kích cho hoa mau lớn, với hy vọng sẽ gỡ gạc được phần nào. Hoa mất mùa, dân trồng hoa chúng tôi coi như mất Tết”.

Hầu hết những ruộng hoa chờ bán trong dịp  Tết ở Phù Vân vẫn một màu xanh mướt... 

Những ngày giáp Tết, làng hoa không nhộn nhịp người bán, kẻ mua như mọi năm, song bà con nông dân vẫn cần mẫn hằng ngày túc trực ngoài cánh đồng để chăm sóc ruộng hoa nhà mình. Người thì cặm cụi xới đất, bón phân; người lại tỉa lá, đai hoa và phun thuốc trừ sâu; người mắc bóng đèn sưởi ấm để đảm bảo nhiệt độ cho hoa phát triển tốt. Tất thảy ai nấy đều bồn chồn lo lắng, ngóng đợi từng nụ hoa mới nảy và hy vọng mấy ngày tới sẽ không còn rét.

Bà Nguyễn Thị Khuyên, Phó thôn 5 cho biết: “Thôn 5 là vựa hoa lớn nhất trong xã, với tổng diện tích trồng hoa lên tới hơn 50 mẫu. Toàn thôn có 331 hộ dân thì có đến hơn 200 hộ sống dựa vào hoa. Hằng năm, thu nhập của người dân đạt bình quân 60 triệu đồng/ha. Thế nhưng mùa hoa Tết năm nay, hầu hết bà con nơi đây đều chung cảnh hoa mất mùa vì tới thời điểm này nhiều vườn hoa vẫn chưa hé nụ”.

Xót xa khi nhìn cánh đồng hoa nhà mình vẫn trải dài một màu xanh mướt, cô Phạm Thị Hòa (50 tuổi) than thở: “Năm nay người trồng hoa làm ăn khó khăn quá. Hơn ba sào hoa hồng của nhà tôi “nhắm” vào mùa Tết chẳng còn hy vọng gì. Đến thời điểm này, cả cánh đồng mới chỉ lác đác vài mầm nụ, vậy là bị lỗ tiền thuốc, tiền phân. Gần đây, đã có nhiều thương lái khắp nơi tìm đến để đặt mua  hoa Tết nhưng tôi không dám nhận vì sợ hoa không kịp nở đúng Tết”.

Làng hoa Phù Vân lỡ hẹn với Tết đồng nghĩa với việc thị trường hoa Tết năm nay tại khu vực sẽ rất khan hàng và đắt đỏ. Theo nhiều người dân, giá hoa năm nay sẽ tăng hơn nhiều so với năm ngoái. Một bông hoa cúc bán tại ruộng có giá từ 2.500 đến 3.000đồng/bông, hoa hồng 6.000-7.000đồng/bông, còn những cành hồng có lộc, giá phải lên tới 20.000-30.000đồng/cành.

Quất được mùa, đào kém nụ

Đào và quất vẫn luôn được người dân ưa chuộng nhất trong những dịp Tết cổ truyền của dân tộc. Đặc biệt, dưới bàn tay khéo léo cộng với kinh nghiệm trồng đào lâu năm của người dân xã Phù Vân, sắc đào ngày càng đẹp, phong phú và đa dạng hơn, thỏa ước muốn của người chơi đào Tết. Tuy nhiên, năm nay do giá rét kéo dài, các vườn đào chờ Tết bán đang đứng trước nguy cơ thất thu do chậm nở. Dù người dân đã làm đủ mọi cách để che chắn, bảo vệ cho hoa như: Thắp đèn điện, bọc nilon ủ ấm, bón phân tổng hợp để bổ sung dinh dưỡng cho cây… song, nhiều vườn đào vẫn im lìm “ngủ đông”.

Anh Nguyễn Mạnh Tiến, chủ một vườn đào lớn tại Thôn 5 như đang “ngồi trên đồng lửa” bởi Tết đang đến gần mà vườn đào nhà anh vẫn chẳng chịu trổ nụ. “Tầm này năm ngoái, vườn đào nhà tôi đã bán gần hết rồi, vậy mà năm nay mới có vài người đến thăm vườn và ướm giá. Thời tiết Tết vài năm trở lại đây thất thường khiến việc chăm sóc đào gặp nhiều khó khăn, rất khó để tính toán sao cho đào nở đẹp dịp Tết. Thời gian trước, một số gốc đào đã bật nhiều mầm nụ, khá đều và đẹp, song đợt rét đậm vừa rồi đã làm cho nụ hoa không lớn nổi nữa. Khả năng năm nay tôi sẽ khó có đào đẹp để bán”, anh Tiến cho biết.

Trong khi đó, quất lại đang vào độ đẹp.

Do khan hiếm, người chơi đào Tết năm nay sẽ phải mua với giá cao mà đào lại không được đẹp như mong muốn. Tuy vậy, các chủ vườn đào vẫn hy vọng trời sẽ ấm lên để các cành đào bật nụ ra hoa, bởi theo kinh nghiệm của các chủ vườn, nghề trồng đào giống như đánh bạc với trời, đào có được mùa hay không phần lớn phụ thuộc vào tình hình thời tiết. Nếu trời rét quá, đào sẽ chết nụ còn nếu trời nắng nóng thì hoa sẽ bung nở sớm, đào Tết sẽ kém sắc.

Trong khi đào ở Phù Vân trông vẫn như những cành củi khẳng khiu, chờ bật những chồi nụ thì quất lại đang vào độ đẹp. Người trồng đào đứng ngồi không yên, đợi trời nồm còn nhiều chủ vườn quất lại đang rất phấn khởi, sẵn sàng xuất hàng. Anh PhạmVăn Giang, người đã có kinh nghiệm gần chục năm trồng quất cho biết: “Trời rét nên quất không bị rụng, săn chắc, quả mọng, đều và đẹp, được khách rất ưa chuộng. Vườn nhà tôi có đến hơn 400 cây quất, giá bán trung bình từ 300.000 đến 400.000đồng/cây, những cây thế đẹp có giá từ 1 đến 2 triệu đồng/cây, còn những gốc to lâu năm thì có giá từ 5 đến 7 triệu đồng/gốc. Thời gian này, nhiều thương lái đã đến tận nơi xem cây, ngắm dáng đặt mua, nhưng nhộn nhịp nhất là từ rằm tháng Chạp trở đi. Hy vọng năm nay hàng sẽ hết sớm, không phải đem ra chợ bán nữa”.

Theo đánh giá của các chủ vườn, dù quất năm nay quả sai, dáng đẹp, song giá cả sẽ không tăng so với năm ngoái do kinh tế khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu, nếu giá bán quá cao sẽ khó có người mua.

Bài, ảnh: BẢO ANH