Anh Hoàng Sơn kể lại hồi ức với phóng viên báo QĐND
Đồng chí Hoàng Sơn: Đến giờ, vẫn còn hai điều khiến tôi luôn đau đáu. Một là, Nhà nước đã công nhận nhà tù Phú Quốc là di tích lịch sử cấp quốc gia nhưng không hiểu sao khi tôn tạo di tích, những cựu tù Phú Quốc lại không được tham gia, rất nhiều hạng mục sai sót. Hai là, số anh em cựu tù vượt ngục, đến nay nhiều người vẫn chưa được hưởng chế độ gì. Như anh Trường, người cùng vượt ngục với tôi trong câu chuyện trên, hiện đang sống ở xã Liên Sơn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh là một ví dụ.

Qua những dòng hồi ức của anh Hoàng Sơn, chúng ta sẽ được thấy câu chuyện về hai tù binh Phú Quốc đã thoát ngục bằng phương pháp: ngồi trong thùng rác để trốn. Thành công một phần nhờ sự táo bạo, một phần quan trọng nhờ những chỉ đạo tận tình của cấp ủy Đảng và quan trọng nhất là tình đồng đội...

Bước sang những năm 70, vượt ngục ngày càng khó khăn hơn vì địch ngày càng cảnh giác. Đi làm ở ngoài, đánh lính cướp súng cũng khó vì nó đứng xa hơn, súng luôn lăm lăm trong tay. Chui rào cũng không ổn vì chúng gài mìn ngày càng dày đặc, đèn điện chiếu sáng choang. Đào hầm, chúng tôi đang làm dở dang thì địch lại chuyển qua trại giam khác. Không lẽ bó tay? Bao đêm nằm vắt óc, tôi nghĩ đến nhiều anh đã ra đi táo bạo như đu người dưới xe nước, giả điên, ngụy trang quần áo… Mọi cuộc thành công đều cần phải có con đường mới.

Tôi quan sát thấy phòng giam nào cũng có một cái bếp, bếp nào cũng có hai thùng đựng rác to tổ bố, làm bằng cái thùng phuy cưa đôi. Chiều chiều, chúng cắt tù binh thay phiên nhau đi đổ rác. Liệu mình có thể ngồi vô đó rồi chuồn êm không?

Tôi tìm mấy anh em gồm: Sơn, Trường, Thanh, Phong, Cung, Anh cùng ở chung một phòng để bàn bạc phương án. Mấy ngày liền, 6 anh em giả bộ ra soạn bàn cờ để hội ý. Kịch bản: trong 6 người đi đổ rác, 2 người sẽ chui vào thùng, anh em lấp rác lên trên che mắt địch rồi khiêng đi đổ. Đưa ra, cả 6 người đều nhất trí phương án, vấn đề chỉ còn là dự kiến thêm một số tình huống và cách xử trí. Tình huống nếu bị lộ được đưa ra, khi đó người ngồi trong thùng sẽ phải chịu trách nhiệm, tuyệt đối không được khai báo.

- Bây giờ ai đi, ai ở, các đồng chí bàn xem? Tôi nêu ý kiến.

- Kể ra ai đi, ai ở cũng được vì sáu anh em mình đã đồng tâm hiệp lực, người này ra được cũng là niềm vui của người kia – anh Thanh nói.

- Tôi nghĩ anh Trường, anh Sơn đã vào tù lâu hơn anh em mình, cực khổ đã nhiều rồi, nên để các anh ra trước – anh Cung đề xuất.

Ý kiến đó được cả nhóm nhất trí 100%. Công tác chuẩn bị hết sức khẩn trương. Anh em gom góp cho tôi và Trường mỗi người một túm gạo rang, cơm cháy, một dao găm tự tạo từ cái cà mèn. Bàn bạc xong chúng tôi mới báo cáo đồng chí cấp ủy, anh gật đầu, chúc thành công!

Ngày trực đi đổ tro bếp cũng đã đến. Giờ đổ tro vào cuối giờ chiều nhưng gần 12 giờ trưa chúng tôi đã mò xuống bếp. Hôm ấy có 4 thùng tro và rác. Thật may, trong bếp không có ai. Chúng tôi nhanh chóng khom người chui vào thùng phuy. Bốn anh em ở ngoài nhanh chóng ngụy trang. Một miếng sọt tre rách được đậy lên đầu chúng tôi, một lớp cọng rau cùng ruột cá được phủ lên. Trên cùng là tro bếp còn âm ỉ khói. Vừa vào thùng, mùi hôi hám tanh tưởi như cú, không, đúng hơn như… nhà xí xộc lên đầy mũi. Bình thường chắc tôi đã nôn oẹ. Thế mà…

Thông thường khoảng 3 giờ 30 phút là bọn quân cảnh dẫn anh em đi đổ rác. Không hiểu sao hôm nay sắp đến giờ điểm danh mà vẫn chưa động tĩnh gì. Tôi ngồi trong thùng mà toát cả mồ hôi, chân tay như bị tê liệt, nóng và ngứa ngáy vô cùng. Lúc này, kiến và giòi ở đầu cá, ruột cá bắt đầu “hỏi thăm”, thi thoảng lại đôi ba tàn than rớt xuống cổ, ngực. Muốn ho, muốn gãi mà không được. Cố nghiến răng chịu đựng thì tôi bỗng nghe tiếng “khục” ở thùng bên. Bỏ mẹ rồi! Chắc thằng Trường không chịu đựng nổi. May mà sau tiếng khục ấy, hắn tiếp tục ngồi im.

- Giám thị! Cho tù đi đổ rác…- tiếng tên quân cảnh vang lên làm tôi nhẹ người. Nào, cơ hội sắp bắt đầu.

- Đi nào! Tiếng đồng đội hô bên ngoài nhưng thực chất là ám hiệu “khiêng cho đều”, đi cho nhẹ để mấy cặp mắt cú vọ khỏi nghi ngờ. Chỉ có điều, qua khỏi cổng gác một đoạn, gió thổi than nóng trên thùng làm rác bốc lửa, tàn than đã lác đác rơi xuống tóc tôi cháy khét lẹt. Toi rồi…

- Đù má! Hai thằng kia đứng lại!

- Trong thùng có gì mà khét lẹt vậy mầy?

Mẹ ơi! Thế là hết rồi, tôi rụng rời tay chân. Chỉ một lát nữa thôi, chúng sẽ thọc lưỡi lê vô thùng “khám xét” hoặc bắn chơi một loạt AR 15 kiểm tra? Đang tính đội rác ngồi dậy, quyết không để anh em liên lụy thì nghe tiếng một bạn tù:

- Có quái gì đâu, thưa ông! Toàn giẻ rách, đầu cá, xương cá thôi, gặp than nóng nó cháy thôi mà!

- Trung sĩ cho nó đi đi. Hôi thúi bỏ mẹ - lại tiếng một tên quân cảnh.

- Biến đi! Tên quân cảnh quát sau khi đá bốp vào cạnh thùng một cái làm tôi muốn lộng óc.

Từ hàng rào trại ra đống rác không xa lắm, chỉ chừng 30 mét. “Đổ nào” - tiếng anh bạn tù lại như một ám hiệu cho chúng tôi biết giờ khắc tự do đã tới. “Ào” – tôi lăn lông lốc, lẫn vào đám rác rưởi, tro bếp hôi như cóc chết cùng đám cỏ tranh cao lút đầu người. Nhìn lên bóng những người bạn tù gầy guộc tòng teng thất thểu khiêng mấy chiếc thùng rỗng ngập ngừng quay gót bỗng dưng trong tôi trào lên sự cảm thương xen lẫn lòng biết ơn vô hạn tình đồng chí, anh em. Nước mắt tự nhiên ứa ra hòa lẫn cùng tro bếp phủ đầy mặt cay xè…

Lúc này trời vẫn còn sáng nên tôi không dám nhúc nhích, nằm im. Chừng 30 phút sau, tiếng kẻng điểm danh chiều vang lên rộn rã. Tiếng tên giám thị la hét đầy vẻ cay cú chúng tôi nghe rất rõ:

- Đù mẹ! Lại hai thằng tẩu thoát. Chúng nó đi đường nào mà không dấu vết nhỉ?

Hai chòi canh ở hai bên góc trại. Hai khẩu đại liên cứ quay vòng tròn theo con mắt của lính canh. Chỉ cần tôi nhúc nhích, chắc chắn lính canh sẽ phát hiện ra.

Màn đêm buông xuống, tôi từ từ bò khỏi đống rác. Đến lúc phải vượt qua bãi mìn. 5 năm rồi, kỹ thuật tiềm nhập trận địa, dò mìn phải vắt óc hồi tưởng lại. Chắc có nhiều loại mìn mới sau 5 năm tù ngục nên tôi hết sức thận trọng. Theo ám hiệu, tôi dùng tiếng cóc gọi hoài vẫn không thấy Trường. Bò mãi, tôi tóm được chân… Trường ngay trước mặt. Hai anh em nắm tay nhau mừng tủi. Cả hai bò ra sát lô cốt với ý định giết tên lính gác, đoạt súng. Nhưng rủi quá, phương án ngoài “kịch bản” đã xảy ra, hôm nay có tới hai tên lính gác. Đành hủy kế hoạch, cả hai lặng lẽ bò tiếp. Vượt qua 7 lớp rào kẽm gai, chúng tôi đến một đám cỏ voi, dây leo chằng chịt, rồi đến thẳng một cái bưng. Mãi sau này chúng tôi mới biết đó là bưng Ba Gà.

Trời hửng sáng, chúng tôi đã có mặt ở khu rừng ngang trại A8. Nhưng cả ngày hôm ấy, cả hai giấu mình trong rừng vì sợ lộ. 5 giờ chiều, tiếng kẻng điểm danh đã vang lên rộn rã. Chúng tôi bò ra cách đường 15 mét lặng lẽ quan sát. Bỗng nghe “rắc”, tiếng cành cây gẫy ngay bên cạnh. Tôi bấm Trường: “Nguy rồi! Có quân cảnh mai phục”. Quả nhiên, ngay trước mặt chúng tôi, một tên quân cảnh đang đứng chống nạnh, oang oang:

- Về đi thôi! Chúng nó đi rồi còn mai phục mẹ gì nữa?

Chúng đi rồi, bọn tôi mới thở phào vượt qua đường. Lại một đêm vượt qua khu rừng đầy gai và lội sình bì bõm. Sáng ra, chợt nhớ tới gạo rang, hai đứa hai bọc thì đã mất một. Chúng tôi vừa ăn, vừa đi vừa kể chuyện oang oang như đoàn “khảo sát địa chất”. Cứ tưởng đã an toàn, nào ngờ tới Rạch Sấu, thấy thấp thoáng bóng lính bảo an. Tên chỉ huy la to:

- Việt Cộng!

Tức thì hàng loạt đại liên, AR15, M79 nổ chát chúa rượt theo. Sợ chúng đuổi theo, tôi hô:

- Trung đội 1, cánh phải! “Rõ” - Trường đáp.

- Trung đội 2, cánh trái! “Rõ” – Tôi đáp.

Nghi binh xong, chúng tôi chạy thục mạng. May mà bọn địch cũng không truy lùng theo. Từ đó, chúng tôi bảo nhau đi trong rừng rậm cho an toàn. Đêm, chúng tôi kiếm hang đá để ngủ nhưng không dám đi vào sâu vì sợ rắn rết. Muỗi rừng Phú Quốc thật ghê, nó bay chằng chịt như ném trấu vào mặt, phải nhổ cỏ tranh đắp kín người mới ngủ được. Hằng ngày kiếm củ rừng, lá cây ăn cho đỡ đói.

Sang ngày thứ tám, trong bụng chưa có hạt cơm nào, sức giảm, mắt hoa, chân tay bủn rủn, chân tay tấy mủ, chúng tôi chỉ còn lết đi. Phú Quốc thật nhiều nai, nai rừng mà nhiều như nai nuôi trong nhà, heo rừng cũng hàng đàn, trăn, rắn bò nhan nhản. Có bữa, chúng tôi vừa đến một đỉnh núi thì nghe cây rung chuyển ào ào. Thì ra khỉ đang “hành quân”, thấy người, chúng không sợ mà còn kéo cả bầy ra ngắm nhìn, soi mói.

... Sang ngày thứ mười lăm, hai đứa nằm vật vờ trên phiến đá, Trường than:

- Nửa tháng rồi! Chúng mình thành người rừng mất thôi…

Vừa lúc đó, bỗng có đôi chim rừng tuyệt đẹp đậu trên cành hót líu lo:

- Có điềm lành rồi mày ơi! Tôi reo lên.

- Chim sa cá lặn mà lành gì? Trường lắc đầu ngán ngẩm.

- Chim nó ở trên cành chứ có sa gì đâu! Điềm may đó - Tôi động viên bạn.

Ngày thứ mười sáu, hai đứa xuống núi và đi qua một vườn chuối xiêm dày đặc. Ra khỏi vườn, chạm ngay hai người phụ nữ đi cắt cỏ tranh. Cả hai mừng rỡ, chạy đến. Chị lớn tuổi bảo:

- Các anh ở “Cây Dừa” lên phải không? Sao các anh dám đi vào đây? Nguy hiểm lắm, đây là vùng quốc gia, xung quanh là đồn bốt.

Chúng tôi nghe mà không hiểu “Cây Dừa” là gì. Trường giải thích:

- Chúng tôi là tù vượt trại, chị có biết cách mạng ở chỗ nào không?

Họ chỉ hướng Dương Tơ, bảo: “Hình như ở đó vì thỉnh thoảng thấy súng nổ đì đọp”. Đi được hai bước, tôi quay lại:

- Xin các chị đừng báo lính nhé!

- Các anh đừng lo, cứ đi đi! Họ đáp.

“Đúng là một cuộc chiến tranh nhân dân. Người dân ở trong ấp chiến lược vẫn có lòng với cách mạng” – tôi thầm nghĩ.

Ngày thứ mười bảy, chúng tôi đi qua một cánh rừng thưa. Đang đi thì vấp phải một tổ ong vò vẽ to tướng. Ong đốt, ong đuổi chúng tôi chạy bò lê bò càng. Chạy qua rồi, chúng tôi ngồi gỡ nọc ong. Nghỉ một lát, tôi nói:

- Ong đốt là gặp may đó!

Quả nhiên, chúng tôi đi tiếp, mặt trời lên cao, đằng xa thấp thoáng bóng một nghĩa trang. Hình như là nghĩa trang… liệt sĩ. Hai thằng nép vào một con đường mòn nghe ngóng. Trời đã về chiều, chúng tôi nghe tiếng nói ngày càng gần. Vén cành cây nhìn ra, có mấy người đi tới, người đội nón sắt, người đội nón tai bèo. Nhìn vũ khí họ mang theo có AK, RPD, chúng tôi chạy ra, reo lên sung sướng:

- Các đồng chí ơi! Chúng tôi từ nhà lao lên đây!

Mấy anh dừng lại, ôm lấy chúng tôi. Cả hai đứa rưng rưng khóc, nước mắt chảy xuống cả những vết ong đốt bỏng rát…

NGUYỄN VĂN MINH (ghi theo lời kể của đồng chí Hoàng Sơn, cựu tù binh Phú Quốc, hiện là giảng viên Đại học Y Dược Cần Thơ)

(Kỳ 7: Những “chiến sĩ Điện Biên” ở Cây Dừa)