Bước chân hành quân, chiến đấu của các chiến sĩ tham gia chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn năm xưa vẫn còn in bao kỉ niệm. Người trẻ nhất khi ấy, giờ cũng đã ở tuổi 79, người già nhất hiện còn sống cũng đã trên dưới 90. Không một ai không nhớ, không một ai không rưng rưng lệ khi hồi tưởng về những ngày tháng hào sảng trên đất bạn.
Chứng kiến giọt nước mắt của người lính già đã trải qua mấy cuộc chiến tranh, thật hiếm hoi, thật tự nhiên khi họ kể về những kỉ niệm, những giây phút chứng kiến đồng đội hi sinh. Không biết các ông đã khóc bao nhiêu lần khi chứng kiến đồng chí mình, bằng hữu mình ngã xuống cho độc lập của dân tộc, cho tình hữu nghị của nhân dân hai nước. Hôm nay, sau 60 năm, mái đầu đã bạc trắng, đôi tay đã run run, nhưng trong tâm khảm họ biết bao kỉ niệm vẫn còn nguyện vẹn. 60 năm qua đi, cuộc đời mỗi người lính như một cuốn phim. Từng khúc, từng đoạn lại hiện về mỗi khi có ai đó chạm đến những vùng sâu thẳm nhất.
 |
Đoàn cựu chiến binh Thập Vạn Đại Sơn viếng đài liệt sĩ Việt Nam tại thành phố Đông Hưng-Quảng Tây, Trung Quốc (2001). Ảnh tư liệu
|
Trong kí ức của nhạc sĩ Trọng Loan, những ngày tháng hào hùng, gian khổ theo chân bộ đội viễn chinh nơi đất bạn vẫn còn đọng lại mãi. Ông kể: “Vẫn là sự tài tình của các chiến sĩ Việt Nam, cái tài tình ấy thể hiện trong tinh thần chiến đấu anh dũng, cái tài tình ấy là kỉ luật nghiêm minh và sự khéo léo trong công tác dân vận. Không chỉ nhân dân Trung Quốc quí mến bộ đội Hồ Chí Minh, ngay cả những chiến sĩ Trung Quốc chiến đấu bên cạnh ta cũng rất khâm phục. Chính lòng quả cảm của các chiến sĩ, tinh thần quốc tế cao cả và đức hi sinh của những người lính tham gia chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn đã tạo cảm hứng sáng tác vô bờ cho tôi. Trong vòng bốn tháng tham gia chiến dịch, tôi đã sáng tác 10 ca khúc”.
Những ca khúc về đoàn quân viễn chinh năm xưa như “Bài ca viễn chinh” hay “Em bé tha phương”… giờ đã đi vào lịch sử. Cái thần của những bài hát luôn sống mãi với kỉ niệm của một thời hào sảng. Chẳng thế mà đến 60 năm sau, nhiều đoạn vẫn được người ông Phạm Quý Tân, bà Phùng Thị Sâm, ông Trịnh Phúc Nguyên… hát lại chuẩn xác. Ông Loan cho biết, những ca khúc của ông khi đó đều lấy cảm hứng thực trong cuộc sống, ca từ chính là sự lắng đọng những gian khổ mà ông và các đồng đội đã trải qua. Bởi những lời ca của ông viết ra đã mô tả chính xác, trung thực cuộc sống, chiến đấu, của bộ đội.
Nắng, mưa, đói, mệt không làm các anh vơi đi tâm hồn người nghệ sĩ. Ông Loan kể lại, trong một đêm trăng, khi đoàn quân vượt qua biên giới Việt - Trung, trong lòng ông cũng như bao nhiêu chiến sĩ khác dâng trào lên cảm xúc. Đêm trăng hôm đó đẹp lắm, sáng lắm. Các chiến sĩ đứng trên một ngọn núi cao ngắm về đất nước. Tổ quốc hiện ra thân thương mà huyền ảo dưới ánh trăng. Cả đoàn quân đều đứng lặng trước cột mốc biên giới. Có chiến sĩ còn tinh nghịch trèo lên cột mốc, rồi có những người ý thức dùng tay lau chùi cột mốc với thái độ vô cùng trân trọng. Người hiếu động thì reo lên: “Anh em ơi, đây là biên giới giữa ta và Trung Quốc này”. Những vần thơ dung dị đã ghi lại cảm xúc chân thật của người lính.
Núi non trùng điệp xa xa
Mây trên đỉnh núi, núi nhòa trong mây...
(Đỉnh Thập Vạn Đại Sơn - Phùng Thị Sâm)
Đường hành quân gian khổ, không chỉ có đêm trăng lung linh, mà dưới ánh sáng ban ngày, nhìn tận mắt máy bay giặc Pháp thả bom xuống các bản làng, từng cột khói bốc lên mà nước mắt căm giận như muốn trào ra… “Vậy đó, khi Tổ quốc đang bị giày xéo mà mỗi chúng tôi vẫn tình nguyện ra đi, đến những nơi gian khổ nhất trên đất bạn, tất cả vì tinh thần quốc tế cao cả, vì sự nghiệp giải phóng chung của nhân dân Trung Quốc…” - ông Loan xúc động nói.
Với những người lính bình thường, sự khắc nghiệt ở Thập Vạn Đại Sơn là gập ghềnh của núi đá, đèo cao, của những trận sốt, của những cơn khát, của sự vất vả nặng nhọc khi mang vác trang bị. Riêng với nhạc sĩ Trọng Loan, sự gian khổ và khắc nghiệt ở đó được tái hiện bằng câu chuyện vô cùng kì thú. Đó là chuyện chôn một cây đàn ghi-ta. “... Trong suốt quá trình hành quân, trang phục bộ đội đơn giản lắm, chỉ có bộ quần áo thường với chiếc mũ mõm trâu, gặp cơn mưa rừng, tất cả đều ướt. Vật che hữu dụng nhất là chiếc chiếu, mỗi người có một cái, mưa đem ra dùng thay áo mưa. Nhưng với những cơn mưa rừng hạt nặng, nước mưa xối thẳng, xuyên qua mọi thứ, và những cơn mưa ấy luôn khiến cánh lính rét run cho dù giữa trời hè. Vậy mà khi nắng lên, trong chốc lát, mọi thứ lại nóng như rang. Khi hành quân viễn chinh, tôi có mang theo cây đàn ghi-ta khá tốt để biểu diễn và sáng tác. Đường xa gian khổ, đàn chịu chung cảnh vất vả như người. Thương đàn, tôi đem bọc vào trong một cái chăn để tránh nắng, tránh mưa, cố không để bong tróc. Vậy mà mọi sự cố gắng đã không chống được sự khắc nghiệt của giời. Qua biên giới, cái nắng như thiêu miền sơn cước và cái ẩm của mưa rừng đã khiến cây đàn cho dù được “nâng như nâng trứng” vẫn bị bong rộp, các mảnh ghép, viền cũng bong. Qua dãy Thập Vạn Đại Sơn, cây đàn đã bong hết, lòng buồn lắm. Đến căn cứ của ta là nhà của một người dân Trung Quốc, tôi định gửi lại cây đàn, những người dân Trung Quốc thấy hình thù kì dị, lại được bọc trong một cái chăn, không biết là cái gì nên sợ, chẳng ai dám nhận. Cây đàn đã vỡ ra từng miếng, không dùng được nữa, gửi lại dân cũng không yên tâm vì mọi người tưởng gỗ sẽ đem ra đun. Bàn đi bàn lại, cuối cùng đưa ra giải pháp, đem đi chôn cây đàn vào một cái hang, tôi và đại đội trưởng Sĩ Từ trịnh trọng đưa cây đàn vào hang, lấy đá lấp kín… và từ biệt nó. Trong tôi trào dâng cảm xúc khó tả. Một cây đàn mang từ Tổ quốc đi, vượt bao chặng đường, bao nắng mưa, vậy mà giờ đây, phải chia tay, lưu luyến lắm, thương lắm...".
Ông Loan buồn rầu kể tiếp: “Lúc đó không chỉ tôi, hầu hết anh em đều buồn, thế là hết những đêm quây quần bên cây đàn. Những bài ca cách mạng, ngợi ca đất nước vẫn vang lên, nhưng thiếu tiếng đàn, ai cũng nhớ…”. Đại đội trưởng Sĩ Từ khi đó còn nói: “Mình với Trọng Loan chôn đàn ở đây, không biết có ngày trở về để lấy đàn không”. Kể đến đây ông Loan lại chảy nước mắt khi nhớ lại cảnh ông đã nghẹn ngào thế nào khi phải chia tay với một vật mình yêu quí. Với các chiến sĩ, khẩu súng là người bạn tâm tình, là công cụ chiến đấu thì với ông, cây đàn cũng vậy. Sau này khi đơn vị tới vùng giải phóng trên đất bạn, đồng chí Lê Quảng Ba đã cử một đồng chí trong đội trinh sát lên tận Nam Ninh tìm bằng được một cây đàn ghi ta tốt để nhạc sĩ Trọng Loan dùng.
Nếu tâm hồn người nhạc sĩ luôn rung động trước những cái đẹp, cái nhạy cảm của cuộc sống thì những người lính bình thường như nguyên chiến sĩ liên lạc Phạm Quý Tân lại kể những kỷ niệm rất giản dị về một lần hành quân qua rừng quế trên đất Trung Quốc. Khi đó, cái đói đang sôi sục trong bụng, do không biết nên nhiều đồng chí lấy lưỡi lê ra gọt vỏ cây quế để ăn, thậm chí còn cất trữ quế trong ba-lô để dùng dần. Nào ngờ, cứ đi mãi mà vẫn chưa hết rừng quế. Cánh lính thấy quế thơm còn lấy quế để đun nước uống. Sau hai hôm, lính ta bị đổ máu cam rồi đi kiết do quế nóng lại ăn liên tục trong thời gian dài. Chỉ huy đại đội và tiểu đoàn phát hiện ra, phải khám ba-lô rồi ra lệnh vứt đi hết các mảnh quế "tích trữ" trong ba-lô. Ông Tân cho biết, có nhiều kinh nghiệm “vui” mà cánh lính luôn truyền cho cho nhau. Mỗi khi tới một vùng nào đó, trước cửa mỗi nhà đều có biển đề đây là nhà họ Vương, họ Đoàn hay họ Lí… cánh lính ta có một kinh nghiệm là cứ đến nhà ai nhận họ cùng với gia chủ, vậy là được gia chủ quý mến hơn những người khác, thường đem các món ngon thết đãi...
Trong số những chiến sĩ tham gia chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn, có một cặp vợ chồng đã cùng tham gia chiến đấu. Đó là vợ chồng ông Trịnh Phúc Nguyên, trưởng ban quân y, và bà Nguyễn Thị Lai, y tá đơn vị. Gần 5 tháng hành quân, chiến đấu cực kì gian khổ, nhưng với ông bà, những ngày tháng đó có lẽ là một trong những ngày tháng ngọt ngào, khó quên nhất.
Trước khi đi chiến dịch mấy tháng, tình yêu của ông bà đã đơm hoa bằng một đám cưới giản dị. Bốn tháng sau ngày cưới, hai ông bà đã cùng nhau tình nguyện nhận nhiệm vụ sang giúp cách mạng Trung Quốc.
Bà Lai nhớ lại: "Đường xa vất vả gian nan là thế, vậy mà ai cũng có tâm trạng vô cùng phấn khởi. Đoàn quân cứ băng rừng vượt suối, vượt qua các đồn bốt của quân Pháp. Giữa sự sống và cái chết, không ai không sợ. Những giây phút lẳng lặng đi qua đồn địch, trong tôi cũng hồi hộp, lo lắng chứ. Nhưng rồi giây phút đó cũng nhanh chóng qua đi, không biết có phải sức mạnh tình yêu vợ chồng, tình yêu cách mạng và nhiệt huyết tuổi thanh niên đã hòa quyện làm một giúp cho những thanh niên như tôi có được sự lạc quan cách mạng, tinh thần vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ. Ra chiến trường không có sợ gì hết, Pháp cũng không, thổ phỉ cũng không, Quốc dân đảng cũng không…”.
Tôi hỏi vui: "Trong cả chặng hành quân và quá trình chiến đấu trên đất bạn ông bà có bao giờ được bố trí phòng riêng không?". Bà kể: "Không, ngày đó chúng tôi nghiêm lắm, triệt để chấp hành mệnh lệnh cấp trên, tuân thủ kỉ luật, hai vợ chồng chẳng bao giờ dám vi phạm, mặc dù yêu nhau lắm, rất nhớ nhau, chúng tôi vừa mới tổ chức đám cưới được bốn tháng. Nhưng suốt chặng hành quân và làm nhiệm vụ trên đất Trung Quốc, được nhìn thấy nhau còn khỏe mạnh cũng đã mừng lắm rồi. Nói thật chúng tôi là một trong những cặp vợ chồng rất vinh dự và hạnh phúc khi được cùng nhau làm nhiệm vụ quốc tế cao cả. Tôi cũng xác định rõ, mình đi công tác là để phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân, làm nhiệm vụ quốc tế, tình riêng cũng quý đấy, nhưng nhiệm vụ vẫn là trên hết. Thi thoảng được gặp nhau cũng là quý lắm rồi".
NGUYỄN HÒA
Kỳ 5: Tinh thần quyết tử quân và lời tri ân từ Trung Quốc
Kỳ 1: Giúp bạn như giúp mình
Kỳ 2: Nắng cháy, mưa rừng trên dãy Thập Vạn Đại Sơn
Kỳ 3: Dấu nghĩa tình