 |
Anh Trần Khánh Linh trên tàu về thăm nhà lao Cây Dừa. |
(Tiếp theo kỳ trước)
Quanh nhà giam có nhiều lớp hàng rào kẽm gai dày đặc, có lúc tổng số lên tới 16 lớp rào, giữa các lớp có trái sáng gài sẵn, có đường đi tuần tra, thả chó béc-giê hoặc ngỗng... Thế mà, 6 năm, có tới 16 lần tù binh vượt ngục bằng cách chui rào. Những cuộc đầu tiên diễn ra ngay từ đầu năm 1968, chỉ mấy tháng sau khi nhà lao Cây Dừa được thành lập.
Tôi may mắn được gặp một trong những người đã làm nên huyền thoại vượt ngục tương đối sớm, vào mùa xuân năm 1969. Anh tên là Trần Khánh Linh, Chủ tịch UBND huyện Khánh Linh (tỉnh Bình Thuận) - một trong những người tù Phú Quốc vượt ngục thành đạt nhất…
20 tuổi tham gia bộ đội, vào chiến đấu ở tiểu đoàn 482 Bình Thuận thì 21 tuổi, Trần Khánh Linh bị địch bắt. Một năm sau, anh bị đày ra Phú Quốc, năm 1966. Thuộc tốp “cứng đầu”, qua mấy lần chuyển trại, tháng 3 năm 1969, Linh được đưa lên trại C4. C4 lúc này được địch bố phòng khá kiên cố, tính từ nhà giam ra đến ngoài cùng lên tới 15 lớp hàng rào. Quân cảnh dày đặc, 5 thước một tên, chưa kể chó, ngỗng…
Ấy thế mà ý chí vượt ngục vẫn bùng cháy. Khát khao vượt ngục về với cách mạng của người tù lớn hơn tất cả, không rào gai nào ngăn cản được. Nhưng vượt ngục là cả một cuộc chiến công phu, tổ chức vô cùng chặt chẽ, phải tìm anh em tin cậy. Nhà tù vẫn là một cuộc chiến, bên mình, không ít cặp mắt cú vọ, bọn chiêu hồi, quân của địch gài vào theo dõi anh em mình. Ở C4, chúng tôi có 3 anh em đồng hương: tôi, anh Phương, trước khi vào tù là xã đội trưởng và cậu Trung, nguyên là y tá. Xem ra đội hình có vẻ khá “ổn”: có trinh sát, có chỉ huy, có cả quân y nếu trốn trong rừng thiêng nước độc dài ngày cũng an tâm phần nào. Ban ngày, cả bọn giả đò chơi tú lơ khơ, đánh cờ ven rào để quan sát bố phòng, quy luật hoạt động của chúng. Ban đêm, cắt cử nhau thức nghiên cứu, tìm hiểu tình hình. Tôi, trước có qua lính trinh sát nên phát hiện ra rằng, ở chính giữa hàng rào thường có một lớp rào địch ít chú ý. Dưới đó, có 3 lớp đèn pha nhưng nó chỉ sáng nhiều ở phía ngoài, góc ngọn đèn hơi tối. Nếu bò ngay góc đó mà ra chắc sẽ “ngon lành”, tranh thủ lúc nhập nhoạng “nhất chạng vạng, nhì rạng đông” thì càng tốt. Họp tới, bàn lui lúc chơi bài, khi đi… cầu, chúng tôi đã có “kịch bản chuồn”.
Nhưng để đạt được thống nhất, cũng không dễ, cũng có ý kiến bàn lùi. Mà cũng phải, hồi năm 1968, cả Phú Quốc ai chả biết chuyện ông Xạ, người khát khao vượt ngục đã trốn 4 lần, quá tam ba bận mà không lọt, bị kẻ thù bẻ quặt 2 ngón chân cái như người Giao Chỉ. Chưa hết, 3 lần trốn, chúng bẻ gẫy 3 cái răng, phạt bò cát nóng, đau khổ, tội nghiệp vô cùng…
 |
Sơ đồ tổng quát một khu trại giam tù binh ở Phú Quốc. |
Ngày ra đi đã chọn, 17-3, để chào mừng thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, họ báo cáo, xin ý kiến Bí thư Đảng ủy trại giam. Anh dặn dò:
- Đi được là tốt, nhưng chỉ 3 người thôi, nhiều quá sẽ lộ. Cứ yên tâm mà đi, mọi việc về sau đã có tui lo liệu. Chúc anh em thành công, cầm lấy cái này mà dùng…
Anh đưa cho họ lon sữa, loại sữa quá hạn mà hiếm hoi lắm, lúc ta đấu tranh mạnh, chúng mới cấp cho anh em ốm. Chẳng hiểu người bí thư đã giấu được từ lúc nào, nay nhường cho đồng đội. “Có sống trong tù, mới hiểu và trân trọng vai trò người bí thư của Đảng, đứng mũi chịu sào. Làm bí thư trong tù đâu có lợi lộc gì, chỉ có gánh hiểm nguy, cơ cực vào mình. Bị nghi hoặc nhiều hơn, bị đánh đập nhiều hơn, phải nhường nhịn anh em. Thậm chí khi vượt ngục, các anh ấy cũng là người về sau. Chỉ có Đảng ta mới có được những con người như thế” – anh Linh nhớ lại. “Đến giờ, tôi vẫn ân hận vì không nhớ được tên anh ấy”.
Đêm 17-3, một đêm mùa xuân mưa dầm rả rích. Bên ngoài tiếng côn trùng rỉ rả âm điệu buồn bã. Anh em đã ngủ say cả. Họ lặng lẽ dậy, trườn đi. Lối ra không phải cửa trại giam đang khép hờ kia bởi nếu đi lối ấy, không tránh khỏi nhiều cặp mắt cú vọ. Họ ép mình luồn qua kẽ hở chân tường, nó rất hẹp nhưng những thân tù ốm yếu, mỏng dính dễ dàng chui qua. Thủ thuật đặc công đã được thực hiện, họ lấy bùn đất trát kín người. Cả ba lặng lẽ trườn qua khoảng sân nhoe nhoét vì mưa. Cũng may mưa to, nên đám lính gác cũng thu mình trong vọng gác vì mưa rét, chẳng hay biết có mấy “bóng ma” đang lén lút bò qua.
Những lớp hàng rào đầu tiên đã hiện ra trước mắt. Run quá! Vì rét, vì sợ một chút sơ sảy. Chỉ cần sai một ly, sẽ đi… 3 mạng. Một quả mìn để sót, một trái sáng chạm phải hay một con chó béc-giê trờ tới kể như tiêu đời. Quân cảnh sẽ ập ra, súng sẽ nổ. Chúng sẽ trói, đóng đinh vào người cho đến chết.
“Chúng tôi tỉ mỉ bò từng cen-ti-mét, dùng dây thun, que chống hàng rào lên từng đoạn, dò, gỡ từng trái mìn. Trái sáng là thứ khá “ghê răng”, nếu động vô, nó bật lên sáng rực cả trời là “đi đứt” song khuất phục nó cũng dễ, chỉ cần nắm chặt mỏ vịt, quấn lại là xong. Còn chó, ngỗng, xử lý đám “quân cảnh” 2 chân và 4 chân này quả “lắm công phu”. Chúng tôi phải xử lý trước bằng cách xé quần áo của mình thi thoảng ném cho chúng nhai trước để “quen hơi”. May sao đêm ấy, có lẽ do mưa quá lạnh, chó, ngỗng co cụm đâu hết, không thấy chúng ra “hỏi thăm”.
Ba anh em, tôi bò trước, Phương, rồi đến Trung bò sau. Đêm trôi qua sao thật nhanh. Thi thoảng, một chùm pháo sáng bụp lên vu vơ. Họ chạy đua với thời gian, tới canh tư, những dãy hàng rào cuối cùng đã hiện ra trước mắt. Nhìn ra ngoài, bóng hàng cây rừng tự do đã thấp thoáng càng thôi thúc, thôi thúc. Ngon lành rồi! Cố lên! Cố lên!
Bỗng phụt! Đèn điện dọc khu rào, đèn điện trong dãy trại giam vụt tắt. Sự cố gì đây? Pằng! Pằng! Chíu! Chíu! Đạn bắt đầu vãi như mưa ra phía hàng rào. Xe cộ chạy rần rần, đèn pha lia tứ phía. Những tiếng quát, tiếng la inh ỏi:
- Mấy thằng kia! Định chui rào trốn hả? Tao nhìn thấy hết rồi! Muốn sống đứng lên không tao bắn bỏ!
- Bắn chết cha mấy thằng tù vượt ngục đi! Thả chó đi mày!
Chuyện gì thế này? Mình lộ rồi chăng? Không lẽ chúng biết rồi chăng? Hay có đứa nào chỉ điểm? Chúng tôi tạm dừng, nằm im chờ… cái chết đến gần. Nhưng nếu chúng biết thì chó, quân cảnh, đèn pha phải xộc tới ngay rồi. Đạn sẽ nổ trực diện ngay trước mặt chứ đâu dọa dẫm kiểu này?
- Mất điện! Nó bắn doạ đề phòng tù nhân mất điện chạy trốn đấy! Kệ cha nó! Mình tiến tiếp – anh Phương cứng cỏi nhận định.
Thế rồi, đèn lại bật sáng, không gian dần im ắng trở lại. Mọi chuyện đúng như anh Phương suy đoán. Chúng tôi tiếp tục trườn đi. Hàng rào cuối cùng trong tầm tay cũng là lúc mặt trời sắp mọc, cỡ tầm gần 5 giờ sáng. Ở những vọng gác ngoài cùng, toán quân cảnh đã lố nhố đứng dậy. Chúng tôi còn nghe rõ tiếng chúng nói với nhau:
- Hôm nay chủ nhật! Về mau còn đi nhà thờ mày!
Lúc bọn lính gác rút về cũng là cơ hội để 3 anh em vọt tiến, ẩn mình vào rừng cây trước mặt. Khoảnh khắc tự do ùa đến. Hạnh phúc vô biên mà sao một nỗi tiêng tiếc cứ trào lên. Sáng nay, bao nhiêu anh em sẽ bị chúng đánh đập? Đồng chí bí thư sẽ chống chọi ra sao? Tạm biệt nhé! Cảm ơn! Cảm ơn tất cả! Nếu thoát, nhất định chúng mình sẽ chiến đấu, quét sạch chúng nó, giải phóng cho các bạn!
Cả ba chạy ra tới điểm cao 37 cũng là lúc tiếng kẻng điểm danh vang lên. Chừng 30 phút sau, đã nghe thấy tiếng trực thăng phành phạch bay vô rừng chặn đầu. Vừa bay, chúng vừa quét những tràng đạn điên cuồng hi vọng ăn may giết được anh em trốn trại. Chắc chắn nó sẽ đổ quân phục kích, đón lõng ở đâu đó. Họ bảo nhau không đi nữa, chui sâu vô rừng, ém mình suốt cả ngày, cả đêm hôm đó.
10 giờ sáng hôm sau, địch mới rút khỏi vị trí phục kích. Ba anh em chớp cơ hội đi tiếp, vượt qua một cái kênh đầy sình lầy thì trời đã tối thui. Mãi về sau, họ mới biết đó là kênh Ba Gà. Sự tích của cái tên này theo các anh du kích xã Dương Tơ kể lại vì từ xưa nó nổi tiếng hoang vu, toàn sình lầy, rắn hổ, trăn, heo rừng, ai lạc vô đó khó lòng kiếm đường ra, người nhà phải cúng 3 con gà thần linh phù hộ mới qua được. Thế mà, mặc gai đâm khắp người, sình lầy có lúc ngập đến cổ, họ qua bưng chỉ trong một đêm, đời tù nghèo chỉ có ý chí, ăn còn chả có, lấy đâu ra gà để cúng.
Ngày thứ ba, theo dấu nước đục của những người đi thả lờ bắt cá, họ tới một con đường mòn. Cạnh con đường mòn ấy, có mấy ngôi mộ. Ba anh em lò dò lại gần quan sát. Trên bia mộ, có dòng chữ “hi sinh”. Trời ơi! Cách mạng đây rồi! Đồng đội đây rồi! Chỉ có ta mới dùng chữ “hi sinh”, quân cướp nước và tay sai đâu bao giờ dùng những chữ này.
Họ đi tiếp theo con đường mòn, con đường đi về phía cách mạng. Một mái tranh hiện ra xa xa, bên trong có bóng người. Nhưng mấy anh em vẫn thận trọng, ém mình vào lùm cây lặng lẽ theo dõi. Một người đi ra ngoài, múc nước rửa mặt. Ta hay địch nhỉ? Có lẽ là ta! Nước da mai mái màu sốt rét. Dáng người quen quen. Ai như cậu Dần ở trại A3, năm trước vừa vượt ngục. Đúng rồi! Linh reo lên, chạy khỏi chỗ nấp:
- Anh Dần! Anh Dần phải không?
Dần, sau một thoáng sững sờ đã nhận ra những người bạn tù. Họ ôm lấy nhau, nước mắt lăn dài trên những gò má teo tóp, râu ria tua tủa sau mấy ngày luồn rừng.
Anh Hai Hồ, cán bộ xã, anh Ba Loan, huyện đội trưởng đều có mặt ở đó nên huyện đội nhận luôn “lính mới”. Linh nhanh nhẹn được giao về làm văn phòng ở huyện đội, Phương làm xã đội trưởng xã Hàm Ninh còn Trung làm y tá ở trạm xá quân y Phú Quốc. Ai nấy đều đúng sở trường, sở đoản.
Ở Phú Quốc 2 năm thì Linh được điều vào đất liền, tiếp tục cầm súng chiến đấu. Năm 1973, anh bị thương rất nặng, phải ra Hà Nội điều trị cho tới lúc hoà bình. Anh được đi học văn hoá, rồi học đại học. Khi có phong trào xây dựng các khu kinh tế mới, anh lính Trần Khánh Linh chuyển qua làm Trưởng ban kinh tế mới huyện Đức Ninh. Năm 1983, anh được bổ nhiệm làm Phó chủ tịch huyện Tánh Linh, sau đó làm chủ tịch, rồi trúng bí thư huyện ủy 2 khóa liền, cho tới lúc nghỉ hưu (năm 2001). “Người hùng” chui rào vượt ngục năm xưa đã trở thành một trong những nhân vật thành đạt nhất trong số hơn 200 tù binh vượt ngục. Nhưng ngay cả khi anh là bí thư huyện ủy cũng như bây giờ ở khu phố nơi anh sống, hầu như không ai biết, anh đã có một thời như thế…
(Kỳ 4: Người vượt ngục giữa ban ngày)
Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN MINH
Kỳ 1: Bóng cờ sau ô cửaKỳ 2: Một mình thoát bầy sói