QĐND - Tháng 7-1959, Phan Kiệm cùng 400 tù nhân bị đày ra Côn Đảo. Những năm tháng ở “địa ngục trần gian” và cuộc vượt ngục ngoạn mục trở về tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng sau đó đã được đồng chí Phan Kiệm thuật lại tỉ mỉ trong báo cáo gửi đồng chí Nguyễn Văn Linh. Ở bài này, chúng tôi đã kết hợp báo cáo này với các tư liệu do Thiếu tướng Nguyễn Văn Khiêm cung cấp, có chứng thực của Văn phòng Bộ Tổng tham mưu, được lập từ năm 1981, cùng bút tích của nhiều nhân chứng từng có thời gian hoạt động với đồng chí Phan Kiệm, được thể hiện trong cuốn sổ tang lễ đồng chí Phan Kiệm năm 1996.

Sau khi bị giam vào nhà lao Côn Đảo, Phan Kiệm nhanh chóng bắt liên lạc được với các lao, biết được tình hình đang hết sức gian nan. Anh chị em tù bị tra tấn, giam cầm chỉ còn da bọc xương. Nhiều người bị đánh đập tàn nhẫn không tự đứng lên được.

Khi đã liên lạc được với các lao, Phan Kiệm cùng số anh chị em bắt đầu kết hợp với lực lượng trong các lao kịp thời củng cố tổ chức, đẩy mạnh đấu tranh bằng hình thức tuyệt thực, hô khẩu hiệu. Phòng giam F.7, nơi giam giữ Phan Kiệm và một số đồng chí khác là nơi châm ngòi cho phong trào đấu tranh và nhanh chóng lan ra ở tất cả các phòng.

Trong các “yêu sách”, việc đòi ra ngoài làm vườn rau, đòi được thăm nuôi được tù nhân đòi hỏi nhiều nhất, vì qua đó để anh chị em gặp gỡ nhau thường xuyên, nắm bắt tình hình, thống nhất ý chí và hành động, đồng thời cải thiện sức khỏe, đời sống cho anh chị em. Phong trào đấu tranh ngày càng lên cao, làm cho tên “chúa đảo” Bạch Văn Bốn hết sức lúng túng. Biết không thể cùng lúc đàn áp được tất cả anh chị em tù, sau 3 ngày Bạch Văn Bốn phải xuống thang thương lượng với đại biểu công khai của ta là kỹ sư Lê Văn Thả. Bạch Văn Bốn hứa sẽ cải thiện hai bữa ăn, cấp thuốc men, mở cửa phòng nhưng không được ra sân chơi. Tuy nhiên sau đó, bọn cai ngục chỉ mở cửa phòng cho tù nhân ra ngoài, còn các yêu sách khác chúng phớt lờ. Tổ chức Đảng trong các lao lập tức đẩy mạnh việc đòi yêu sách. Bạch Văn Bốn như con thú dữ dồn hết tù nhân ở lao I gồm 1.500 người, nhốt vào chuồng cọp. Có phòng chúng nhốt đến 20 người, chỉ đứng ngồi chen chúc, không có chỗ nằm, thiếu nước, đói ăn. Sau gần nửa năm sống trong địa ngục, trải qua những thử thách cam go, khắc nghiệt đến cùng cực, nhưng tất cả vẫn giữ vững khí tiết cách mạng, kiên quyết không chấp nhận ly khai, đầu hàng địch.

Tháng 4-1960, Mai Hữu Xuân dẫn đầu một đám tùy tùng hùng hậu từ Sài Gòn ra đàn áp phong trào đấu tranh của tù nhân trong chuồng cọp. Một số đồng chí của ta đã bị chúng tra tấn đến chết. Trong báo cáo gửi đồng chí Nguyễn Văn Linh, đồng chí Phan Kiệm đã mô tả lại giai đoạn phải chịu cực hình tàn khốc này như sau: “…Có người bị đánh ngày 3 cữ như anh Năm Khương và tôi vì cái tội cầm đầu… Khoảng tháng 7-1960, một số đồng chí bị đánh chết. Anh Năm Khương bị đánh bất tỉnh, khiêng qua trạm xá II. Nhiều anh còn bị đánh nặng, trước khi chết đã hô: “Hồ Chí Minh muôn năm!” và chửi rủa, lên án tội ác dã man của kẻ thù suốt 3 ngày đêm mới tắt thở. Đó là một đồng chí từng là Tiểu đoàn phó ở Khu 9; một thanh niên trẻ tuổi ở Tân An, tôi không còn nhớ tên. Đó là đồng chí Hiếu, cán bộ của Đội quyết tử, người chỉ còn da bọc xương, đi lại phải bò, mặc dù bị đánh đập tàn nhẫn nhưng đồng chí đã cam chịu chết chứ nhất định không đầu hàng địch. Thật là những con người đẹp làm sao, những bông hoa đẹp biết chừng nào! Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh!”...

Đồng chí Phan Kiệm (bên trái) gặp Tổng Bí thư Lê Duẩn sau năm 1975. Ảnh tư liệu

Một buổi tối tháng 10-1960, Phan Kiệm và Nguyễn Đức Thuận (nguyên Phó bí thư Xứ ủy Nam Bộ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tác giả cuốn Bất khuất) đang trao đổi với nhau về âm mưu địch và cách đối phó của ta sắp tới, thì một số tay chân của Nguyễn Trân đã từng đụng đầu với ông hồi ở Định Tường, đã rình sẵn, nghe được. Bọn chúng cho Phan Kiệm là kẻ cầm đầu khu vực chuồng cọp, nên đã bắt ông đưa ra một chỗ vắng, ở đó chúng đã cho lính đào sẵn một cái hố, dùng các thủ đoạn đe dọa, tra tấn man rợ nhưng Phan Kiệm kiên quyết không đầu hàng. Chúng đưa ông đi nhốt biệt giam ở chuồng cọp cách ly với số anh em còn lại với mục đích triệt cho được người cầm đầu nguy hiểm.

Đầu tháng 10-1960, qua một nguồn tin thân cận, Phan Kiệm biết địch sắp đưa ông trở lại Sài Gòn. Anh Năm Khương (đồng chí Hoàng Dư Khương, nguyên Phó bí thư Xứ ủy Nam Kỳ giai đoạn 1954-1955) chỉ đạo Phan Kiệm lợi dụng cơ hội này để vượt ngục. Phan Kiệm đã mưu trí giả bị bệnh nặng để được chúng cho ra bệnh xá, qua đó liên lạc với người của ta để lên kế hoạch vượt ngục.

Phan Kiệm được các y tá tốt bụng chuẩn bị cho thuốc say sóng, thuốc ngủ, hướng dẫn cụ thể cách sử dụng. Sáng 4-1-1961, tên trưởng trại vào thông báo với Phan Kiệm: Ngày mai ông sẽ về Sài Gòn.

Phan Kiệm nói với anh Xuân Lê (nguyên Ủy viên Kinh tài Xứ ủy trước khi bị bắt):

- Chuyến này bằng mọi cách tôi sẽ trốn. Khi thoát được về Sài Gòn, tôi sẽ lấy danh nghĩa vợ anh viết thư cho anh ngay. Nếu không nhận được thư tôi, anh cầm chắc như tôi đã chết hoặc bị bắt lại.

Anh Xuân Lê nhắc Phan Kiệm thận trọng. Còn anh Năm Khương thì suốt đêm ấy cứ trằn trọc không ngủ được vì những thử thách cam go đang chờ đợi người đồng chí của mình phía trước.

Sáng hôm sau, Phan Kiệm được một đội hiến binh vào áp giải ra cầu cảng xuống tàu. Phan Kiệm lết giữa hai hàng lính. Ông chiếm được cảm tình của một người lính đội hiến binh người Huế, tên Vân và một người phụ nữ tên Trang, vừa ra Côn Đảo thăm chồng trở về trên cùng chuyến tàu. Chính nhờ sự thuyết phục của những người này mà Phan Kiệm không bị cùm chân tay và được ở chung với họ trong một khoang hầm trên tàu.

Phan Kiệm lặng lẽ quan sát và ông nhận ra, đám lính gác hầu hết là thanh niên ở Khu 5. Ông tranh thủ gây thiện cảm với tụi này, gợi chuyện về quê hương để nói chuyện với chúng, nhờ đó họ đối xử khá tốt với ông. Phan Kiệm dự tính hai phương án trốn thoát. Thứ nhất là chiếm được cảm tình của đội Vân, cô Trang và đám lính gác, đến khi về Sài Gòn sẽ xin họ được vào nhà hàng “ăn một bữa cơm ngon trước khi chết”, giả vờ đi vệ sinh rồi chuồn lẹ về các cơ sở của ta. Phương án thứ hai là sẽ nhảy tàu. Khi đã chiếm được thiện cảm của đội Vân và cô Trang, Phan Kiệm nói:

- Kỳ này về Sài Gòn chắc chắn tôi sẽ bị án tử hình. Tôi còn vợ dại và hai con thơ. Đi chung chuyến này với anh và cô, được sự giúp đỡ tận tình, tôi rất cảm kích. Tôi sẵn có mấy trăm bạc anh em cho, để kỷ niệm chuyến gặp gỡ ngắn ngủi nhưng thân tình này, xin phép anh cho tôi được vào tiệm ăn uống với nhau một bữa, nhân tiện cho tôi được nhắn với vợ con tôi là tôi đã về Sài Gòn.

Cả Vân và Trang đều xúc động, đồng ý ngay. Đội Vân nói:

- Tôi với anh cùng quê, học cùng trường, cùng thầy. Cuộc gặp gỡ này tuy tình cờ và ngắn ngủi nhưng tôi hiểu anh nhiều và rất quý mến anh. Trong đời làm lính của tôi, như vợ chồng cô Trang biết, tôi chưa từng gây tội ác với ai và đã giúp đỡ rất nhiều người. Tôi sẽ tìm mọi cách giúp đỡ anh.

Tuy nhiên một lúc sau, đội Vân tỏ vẻ lo lắng:

- Tôi chỉ có thể giúp anh trong trường hợp người ta giao cho tôi đưa anh về Tổng nha để bàn giao. Nhưng tôi sợ người ta sẽ đón sẵn tại bến tàu rồi đưa anh đi luôn.

Cô Trang nói thêm:

- Anh Vân tính đúng đấy. Cỡ tù Cộng sản như anh, người ta không để cho mấy anh ở đây áp giải đâu.

Vậy là phương án 1 xem ra rất rủi ro. Phan Kiệm quyết định thực hiện phương án 2 - nhảy tàu.

Suốt đêm 5-1-1961, ông giả bộ đau bụng đi vệ sinh liên tục để nắm tình hình. Ông quyết định sẽ nhảy tàu gần cầu tiêu. Rạng sáng ngày 6-1-1961, tàu vào đến biển Vũng Tàu. Những người ở chung hầm í ới gọi nhau lên boong tàu để ngắm thành phố. Như mọi khi, Phan Kiệm dậy sớm pha trà cho cả bọn uống và không quên cho vào mỗi ly trà một lượng thuốc ngủ. 15 phút sau tất cả lăn ra ngủ như chết. Tầm 4 giờ sáng, tàu vào đến Nhà Bè. Phan Kiệm lại chống gậy đi vệ sinh như thường lệ. Lính tráng chẳng ai chú ý gì đến ông tù bệnh tật này. Cầu tiêu vắng lặng, tối om. Phan Kiệm lần theo mạn tàu, đến gần sát mặt nước thì thả mình xuống. Một tiếng “bõm” gọn lỏn lọt thỏm trong tiếng động cơ và sóng ì oạp. Phan Kiệm lặn một hơi thật sâu tránh chân vịt tàu rồi trồi lên. Con tàu vẫn ầm ì rẽ sóng như không có chuyện gì xảy ra. Ông lặn một hơi nữa, trồi lên, đã thấy tàu khuất dạng. Thế là ổn! Ông từ từ bơi vào bờ rồi lẩn mình trong rừng đước xanh um. Suốt ngày hôm đó, 1 chiếc tàu cùng 2 ca-nô chạy hướng Sài Gòn - Vũng Tàu liên tục quần thảo, tìm kiếm. Chúng quần đến tối vẫn không phát hiện ra dấu vết gì đành quay đầu trở lại Sài Gòn.

Giữa rừng đước lầy lội, âm u, chằng chịt, Phan Kiệm tìm đường về Sài Gòn. Một hành trình quá đỗi gian nan. Ngày đi, đêm treo mình trên chạc cây nằm nghỉ. Hai bàn chân bị gai chà là đâm toạc máu. Dọc đường đi, thấy cái gì có thể ăn được là ăn. Đến ngày thứ 11, Phan Kiệm may mắn gặp được 3 thanh niên, là anh em ruột chèo xuồng đi chặt lá dừa nước mưu sinh. Họ cho ông nằm trên xuồng, phủ lá dừa nước lên trên để qua mặt các trạm gác rồi đưa về nhà ở xã An Khánh, huyện Cần Giờ, cách trung tâm Nhà Bè khoảng 5km. Gia đình này có người tập kết, nên rất có cảm tình với cách mạng. Cơm nước xong, Phan Kiệm được bà Bi, mẹ của 3 thanh niên tốt bụng lấy quần áo của chồng cho mặc vào rồi đóng vai hai vợ chồng, mượn ghe máy chạy qua Nhà Bè, sau đó bắt tắc-xi lên Sài Gòn. Phan Kiệm bắt liên lạc ngay với cơ sở và các cán bộ của ta thì được biết, sở dĩ kẻ thù đưa ông về Sài Gòn là vì có một kẻ ly khai, phản bội tên là Khánh đã khai với Tổng nha Cảnh sát Sài Gòn những thông tin liên quan đến Phan Kiệm. Chúng lập tức đưa ông về Tổng nha để khai thác tiếp. Sau khi ông nhảy tàu trốn thoát, cảnh sát Sài Gòn với sự trợ giúp của tên Khánh đã lùng sục khắp nơi hòng tìm ra manh mối. Phan Kiệm thay đổi chỗ ở liên tục để tránh mạng lưới đang bủa vây của địch. Ít lâu sau ông được đồng chí Võ Văn Kiệt bố trí đưa lên cơ quan Trung ương Cục Miền Nam. Từ năm 1961 đến năm 1975, đồng chí Phan Kiệm được phân công làm Phó trưởng Tiểu ban tuyên truyền kiêm Tổ trưởng nghiên cứu tổng hợp Ban Tuyên huấn Trung ương Cục Miền Nam, Trưởng tiểu ban Nghiên cứu tổng hợp kiêm Trưởng tiểu ban Đô thị Ban Công vận Trung ương Cục Miền Nam. Do hoạt động trong điều kiện khó khăn, ác liệt, lại bị địch tra tấn dã man trong những năm tháng tù đày, nên đồng chí thường xuyên bị ốm đau, phải ra Bắc điều trị. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng đến tháng 9-1983, đồng chí công tác tại Văn phòng Thành ủy TP Hồ Chí Minh và nghỉ hưu. Đồng chí Phan Kiệm qua đời tháng 10-1998, thọ 78 tuổi.

Ghi chép của PHAN TÙNG SƠN (Tiếp theo và hết)

 Kỳ 1: Chim bằng tung cánh

Kỳ 2: Những cuộc đấu trí trong lao tù