Chung sức vì vùng biên no ấm
Trong chuyến đi lần này, tôi gặp Trung úy QNCN Võ Văn Tiến, nhân viên vận động quần chúng của Đồn Biên phòng (ĐBP) Nhâm thuộc BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế. Tiến đã bám địa bàn biên giới A Lưới gần 10 năm nên hiểu rất rõ về đất và người nơi đây. Anh khiến tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác qua những câu chuyện của mình.
Tiến kể, hồi mới lên biên giới A Lưới công tác, anh đã xin phép chỉ huy đơn vị được “ở lì” trong thôn 3 ngày dự đám tang của người dân tộc Tà Ôi để tìm hiểu về phong tục tập quán của đồng bào. Bám sát địa bàn cộng với ham học hỏi, tìm hiểu đến cặn kẽ ngọn nguồn sự việc nên những câu chuyện của Tiến rất cuốn hút, sinh động. Tiến bảo: "BĐBP thì anh nào cũng phải sâu sát, gắn bó cơ sở, hiểu rõ phong tục tập quán của đồng bào... Có như thế mới hoàn thành tốt nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, được nhân dân yêu mến và tin tưởng làm theo; giúp bà con xóa đói, giảm nghèo và bà con tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới".
Huyện A Lưới có 12 xã biên giới với hơn 80km đường biên, có 4 ĐBP, gồm: ĐBP Cửa khẩu A Đớt, ĐBP Cửa khẩu Hồng Vân, ĐBP Nhâm, ĐBP Hương Nguyên. Khi tôi đang ở ĐBP Cửa khẩu A Đớt thì cơn mưa rừng ào xuống bất ngờ, trắng xóa, mù mịt, rồi lại nhanh chóng tạnh ráo, nắng bừng lên. Lặng ngắm dãy Trường Sơn hùng vĩ, điệp trùng xanh thẳm trước mặt, lòng tôi không khỏi trăn trở về những bản làng còn nghèo khó, những số phận bất hạnh tôi mới gặp...
 |
Mô hình nuôi ong mật mang lại hiệu quả kinh tế cao tại xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới. Ảnh: VÕ TIẾN |
Chỉ cho tôi đỉnh núi cao trên dãy Trường Sơn sừng sững, Thiếu tá Trần Quốc Toản, Chính trị viên phó ĐBP A Đớt bảo: “Trên đó có cột mốc nhà báo ạ. Nhìn gần thế thôi nhưng phải đi hết 4 giờ đồng hồ mới lên đến nơi”...
Theo tâm sự của anh Toản, thực hiện nhiệm vụ tuần tra, canh gác, giữ vững cột mốc, bảo đảm an ninh đường biên là nhiệm vụ nhiều khó khăn, vất vả. BĐBP phải dựa vào dân, mượn sức dân, cùng nhân dân đoàn kết để hoàn thành nhiệm vụ. Các anh còn một nhiệm vụ quan trọng không kém là giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho bà con. Dân vững thì đường biên, cột mốc cũng sẽ vững.
Được biết, những năm qua, 4 ĐBP tại A Lưới đã làm rất tốt công tác này. Nhiều phong trào, mô hình giúp dân phát triển kinh tế đã được triển khai hiệu quả, được đồng bào tin tưởng làm theo. ĐBP Hương Nguyên có mô hình hướng dẫn bà con xã A Roàng trồng lúa nước. Trước đây, bà con chỉ quen trồng lúa nương, năng suất kém, phụ thuộc nhiều vào thời tiết, nay được BĐBP hướng dẫn, bà con đã biết trồng lúa nước, có sản lượng ổn định, không còn lo thiếu đói khi giáp hạt. Một sáng kiến nữa của đơn vị là mô hình “Ao cá quân-dân”. Bộ đội hỗ trợ ngày công, con giống và kỹ thuật chăm nuôi, giúp người dân chuyển đổi đất hoang thành ao nuôi cá rất hiệu quả. ĐBP Cửa khẩu Hồng Vân thực hiện các mô hình “Hũ gạo tình thương”, “Chủ nhật tri ân”; Chương trình “Nâng bước em đến trường”. Cán bộ, chiến sĩ ĐBP Nhâm thì giúp đồng bào dân tộc Tà Ôi ở thôn Kleng ABung, xã Quảng Nhâm đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng, nhân rộng mô hình chăn nuôi, đời sống được cải thiện rõ rệt. ĐBP Cửa khẩu A Đớt thực hiện Chương trình “Con nuôi ĐBP”, hiện đang nuôi dưỡng một cháu bé tại đồn...
Phong trào “Ngày về thôn bản” của ĐBP Cửa khẩu A Đớt, ngoài việc giúp bà con trong huyện A Lưới, BĐBP còn sang nước bạn Lào giúp đỡ bà con bản Ka Lô (huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông). Ngay bên kia biên giới, nước bạn Lào có 3 bản: Sê Sáp, Ka Lô (thuộc huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông) và Cô Tài (thuộc huyện Sá Muội, tỉnh Salavan). Từ biên giới vào nội địa Lào gần 200km, đường đi rất khó khăn nên nhân dân các bản biên giới Lào đều sang Việt Nam mua nhu yếu phẩm cần thiết. Thời gian này, do dịch Covid-19 nên phải hạn chế người qua lại biên giới hai bên, BĐBP Việt Nam đã cung cấp nhu yếu phẩm đến tận cửa khẩu để người dân nước bạn sang lấy về. Tôi đến Cửa khẩu A Đớt đúng lúc có xe cứu thương của bộ đội Việt Nam đang đón người dân nước bạn Lào sang Việt Nam chữa trị, được chứng kiến các chiến sĩ quân y đón nhận, vận chuyển người dân nước bạn rất tận tình, chu đáo như đối với những người thân thiết.
Những mùa xuân hy vọng
Đợt bão lũ lịch sử cuối năm 2020 tại miền Trung đã gây thiệt hại không nhỏ cho A Lưới. Mảnh đất vốn đã rất cằn cỗi, nhiều khó khăn vì chất độc hóa học, lại liên tiếp phải gánh chịu những mất mát, thiệt hại về người và của do thiên tai. Nhưng càng trong gian khó, con người nơi đây dường như càng có sức chịu đựng, nghị lực sống mãnh liệt hơn. Và trong những lúc khó khăn đó, luôn có BĐBP sát cánh trợ giúp đồng bào A Lưới.
 |
Bộ đội Biên phòng vận động và hướng dẫn bà con xã Đông Sơn, huyện A Lưới chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Ảnh: VÕ TIẾN |
Mùa xuân này, A Lưới đã có nhiều thay đổi... Trên trục đường chính chạy dọc trung tâm huyện to rộng, sầm uất, đèn hoa được trang trí lấp lánh đủ màu sắc, hàng quán san sát hai bên đường. Huyện A Lưới có nhiều mô hình kinh tế hay, phát triển theo hướng hàng hóa thị trường, có quy mô, quy hoạch rõ ràng, không còn tự cung tự cấp như trước nữa. A Lưới đã có những vùng sản xuất chuyên canh mang lại thu nhập ổn định, giúp người dân thoát nghèo, như: Vùng cao su chuyên canh, vùng trồng chuối hàng hóa, sản xuất gạo đặc sản Ra Dư, chăn nuôi bò, nuôi ong lấy mật...
Xuất phát từ một địa phương tập trung đại đa số đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống ở mức thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, bằng nhiều chính sách, giải pháp cụ thể, 5 năm qua tỷ lệ hộ nghèo ở A Lưới đã giảm rõ rệt. Năm 2016, số hộ nghèo chiếm 35% thì đến năm 2020 còn 18%. A Lưới còn rất nhiều tiềm năng để phát triển nếu được khai thác, đầu tư đúng hướng, như: Tiềm năng về nông sản, đặc sản, hàng thủ công mỹ nghệ (nghề dệt zèng của người Tà Ôi ở A Lưới đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia). A Lưới còn có đường Hồ Chí Minh đi qua 14 xã, thị trấn với chiều dài trên 100km, rất thuận tiện giao thông, thông thương hàng hóa.
Ở A Lưới, tôi tình cờ gặp cô giáo Kô Phi Vân, người dân tộc Pa Cô tại Trường THCS-Dân tộc nội trú A Lưới. Thật bất ngờ, cô chính là bạn học của tôi sau 20 năm không gặp. Tôi đến thăm ngôi trường được xây dựng khang trang, kiên cố, nơi cô Vân đang làm việc. Các em học sinh người dân tộc thiểu số đang tập văn nghệ để chuẩn bị biểu diễn. Những tà váy thổ cẩm nhịp nhàng theo điệu múa, những ánh mắt trong veo lấp lánh và tiếng hát của các em vang khắp sân trường. Theo lời cô Vân, những năm gần đây, bà con dân tộc thiểu số ở A Lưới đã suy nghĩ tiến bộ hơn, gửi con đến trường nội trú "học lấy cái chữ”, nâng cao trình độ văn hóa để sau này xây dựng gia đình, quê hương. Nhìn các em vô tư múa hát, tôi thầm mong và tin tưởng vào một thế hệ tương lai ngày càng được sống trong môi trường trong lành, được phát triển toàn diện; mong đồng bào các dân tộc A Lưới, cùng với sự quan tâm chỉ đạo, trợ giúp, hướng dẫn của chính quyền địa phương, sự giúp đỡ tận tình của bộ đội, sẽ có cuộc sống ấm no hơn, yên tâm bám biên, góp sức, đồng lòng cùng với bộ đội bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia.
Mùa xuân đã về với A Lưới. Và dịp Tết trồng cây năm 2021 này, A Lưới bắt đầu thử nghiệm trồng hoa đào tại Trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng các dân tộc, cây giống xin lại cây đào chơi Tết của bà con trong tỉnh. Nếu thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp để đào phát triển tốt, địa phương sẽ mở rộng diện tích trồng...
Tôi hẹn cô giáo Kô Phi Vân có dịp sẽ trở lại để thấy một A Lưới khởi sắc, phát triển hơn; trở lại để ngắm mùa xuân với hoa đào nở rộ khắp thôn, bản của người Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu trên sườn dãy Trường Sơn hùng vĩ và để đắm chìm trong tình cảm chân thành, hồn hậu của quân-dân A Lưới đến say lòng người...
Đồng chí Nguyễn Thị Sửu, Bí thư Huyện ủy A Lưới, cho biết: BĐBP đã hỗ trợ rất hiệu quả cho đồng bào dân tộc thiểu số các xã vùng biên giới A Lưới, như: Hỗ trợ kỹ thuật, giống và giám sát suốt quá trình chăm sóc cây trồng, vật nuôi; tuyên truyền, vận động đồng bào bỏ hủ tục lạc hậu, giữ gìn văn hóa truyền thống; giúp đỡ chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh; giúp đỡ về giáo dục với các Chương trình “Nâng bước em đến trường”, “Con nuôi ĐBP”...Mỗi khi có sự cố, thiên tai, bộ đội luôn là lực lượng đầu tiên đến với đồng bào. |
Ghi chép của NGỌC HÂN