Tại đây, vào thời điểm kỷ niệm 55 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh-ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19-5-2014), chúng tôi được nghe Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn kể về quá trình làm đường kín-một kỳ tích độc đáo của Bộ đội Trường Sơn anh hùng. Bảo tàng này còn có khá nhiều hiện vật minh chứng cho những kỳ tích của Bộ đội Trường Sơn trên tuyến chi viện mang tên Bác kính yêu. 

Mở đường kín Tây Trường Sơn

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên cho biết, từ đầu năm 1971, đế quốc Mỹ và tay sai sau khi thất bại ở nhiều nơi trên chiến trường miền Nam, chúng tìm cách đánh trực tiếp vào các đoàn xe vận tải của ta. Từ chỗ dùng máy bay phản lực oanh tạc bắn phá với thời gian không dài, xác suất thấp, chúng chuyển sang dùng máy bay AC-130 có tốc độ bay chậm, thời gian ở trên không lâu, với những trang thiết bị trinh sát mới có khả năng phát hiện mục tiêu nhanh về ban đêm, tạo thành các pháo đài hiện đại đi dộng trên bầu trời, đánh trực tiếp vào xe vận tài, khiến ta không sử dụng được đội hình xe vận tải lớn, tốc độ vận chuyển chậm và gây thiệt hại khá nghiêm trọng về người, xe của ta.

Trước thủ đoạn đánh phá ngăn chặn mới của địch và yêu cầu chi viện cho chiến trường lớn hơn, nhanh hơn, Bộ tư lệnh Bộ đội Trường Sơn đã thực hiện hàng loạt các biện pháp chống ngăn chặn bằng sức mạnh của một binh chủng hợp thành, như: Tập trung cao xạ, tên lửa đánh mạnh máy bay; mở thêm các đường nhánh để phân tán đội hình xe; tổ chức nghi binh thu hút địch vào một số tuyến… Các giải pháp đó đều có tác dụng tốt nhưng hiệu suất vận tải vẫn chưa cao và phải trả giá quá đắt.

Bộ tư lệnh Bộ đội Trường Sơn trong khi nghiên cứu các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” của chiến trường đã phát hiện yếu tố địa lợi ở cao nguyên phía tây Trường Sơn, rừng đại ngàn dù bị chất độc hóa học do Mỹ thả nhưng vẫn xanh tốt, chạy suốt từ Trung Lào, Hạ Lào, nối với Tây Nguyên của Việt Nam và Đông Bắc Campuchia. Yếu tố địa lợi đó là cơ sở để Bộ tư lệnh Bộ đội Trường Sơn nghiên cứu xây dựng một tuyến đường kín. Lấy rừng đại ngàn làm màn ngụy trang kín đáo, khổng lồ. Từ đó, Bộ tư lệnh quyết định tổ chức đoàn thị sát, do kỹ sư Phan Quang Tiệp và Tô Đa Mạn phụ trách tìm cách xây dựng tuyến đường kín, luồn trong rừng già Tây Trường Sơn, từ Trung Lào qua Hạ Lào tới Tây Nguyên của Việt Nam và Đông Bắc Campuchia. Sau hơn một tháng đoàn thị sát về báo cáo kết quả. Kết hợp với thị sát trọng điếm của Tư lệnh và ý kiến đóng góp của các binh trạm, Đảng ủy và Bộ tư lệnh Bộ đội Trường Sơn nhất trí hạ quyết tâm xây dựng tuyến dường kín.     

Để giữ được bí mật cao nhất, lâu nhất, khi thiết kế tuyến đường, Bộ tư lệnh cho phép đường được lượn vòng và kéo dài để tránh tối đa việc chặt phá cây rừng. Nền đường chỉ rộng 4 mét, bảo đảm cho tán cây hai bên đường giao nhau. Ở những vị trí thuận lợi qua rừng già thì phải mở thêm một tuyến song song để sử dụng hai chiều. Từ một đến hai cây số phải có một đoạn đường tránh dài từ 150 mét đến 200 mét có tính chất như một nhà ga để điều chỉnh xe đi hai chiều. Ở một vài điểm cục bộ, đường đi qua không có cây, công binh phải làm màn ngụy trang nhân tạo bằng cách bứng cây to về trồng hai bên đường, có xe téc tưới nước, khi cây chết phải thay ngay. Cũng có chỗ làm giàn phong lan ngụy trang kín đường.

Do tính chất cấp bách của việc chi viện cho chiến trường, Bộ tư lệnh quyết định phải vừa thiết kế, vừa thi công tuyến đường kín này. Cuối tháng 5-1971, tuyến đường kín bắt đầu khởi công với sự tham gia của bộ đội công binh và thanh niên xung phong. Đến cuối tháng 10-1972, đường kín đã thông toàn tuyến.

Mạng đường kín xuất hiện trong thời gian ngắn tạo ra bước ngoặt lớn trong sự phát triển của tuyến chi viện chiến lược. Đội hình xe từ chỗ chỉ chạy chủ yếu vào ban đêm đã chuyển sang chạy vào ban ngày, cung vận chuyển dài hơn, Đặc biệt, đường kín đã ngăn chặn được sự đánh phá bằng máy bay AC-130 hiện đại của địch, bảo đảm an toàn cho cả người và xe của ta.

Mạng đường kín Tây Trường Sơn là một công trình sáng tạo độc đáo, một công trình huyền thoại có ý nghĩa về chiến lược trong tuyến chi viện chiến lược mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chế tạo máy phát điện và xe ô tô chạy bằng than củi Trường Sơn

Cũng dựa vào rừng đại ngàn Trường Sơn, Trạm trưởng Trạm sửa chữa ô tô của Tiểu đoàn 56, Binh trạm 44, Đoàn 559 đã chế tạo ra hai sản phẩm độc đáo đó là máy phát điện và ô tô chạy bằng than củi. Người trạm trưởng tài hoa đó là Thiếu úy Nguyễn Ngọc Quỳnh, đã được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân ngay trên đường Trường Sơn. Hiện nay Đại tá Nguyễn Ngọc Quỳnh ở khu tập thể Vĩnh Hồ, phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, TP Hà Nội.

Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Ngọc Quỳnh.

Đại tá, anh hùng Nguyễn Ngọc Quỳnh nhớ lại: Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1968, đế quốc Mỹ điên cuồng ngăn chặn và bắn phá tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn. Các đoạn tuyến phía trong của tuyến chi viện thiếu lương thực, thực phẩm trầm trọng. Khẩu phần ăn của mỗi người giảm xuống còn 0,3kg gạo/ngày. Nguy hại hơn, đường ống xăng dầu bị phá hủy làm tê liệt tuyến vận chuyển cơ giới. Lúc đó Trạm sửa chữa ô tô thuộc Tiểu đoàn 56, Binh trạm 44 do Nguyễn Ngọc Quỳnh làm trạm trưởng đóng quân trong rừng già Trường Sơn, do không có xăng, máy phát điện bỏ xó, trong khi hàng loạt xe hỏng chờ sửa chữa để chuẩn bị cho chiến dịch vận chuyển mùa khô. Chỉ cần có điện, hàn vài mối hoặc tiện thêm vài chi tiết là xe có thể lên đường.

Lúc đó, Nguyễn Ngọc Quỳnh nhớ lại việc Nhà máy Cơ khí Long Biên, nơi ông từng làm việc đã chế tạo ra ô tô chạy bằng than thay cho xăng lúc thiếu thốn. Một câu hỏi lóe lên: Tại sao không dùng than củi cho máy phát điện? Sau một thời gian mày mò nghiên cứu, chiếc máy phát điện chạy bằng xăng được cải tiến, lắp đặt thêm phần đốt bằng than củi. Nguồn điện phát ra khá ổn định bởi than củi ở rừng già Trường Sơn nhiều vô tận.   

Sau thành công này,  Nguyễn Ngọc Quỳnh cùng Trạm sửa chữa ô tô thuộc Tiểu đoàn 56 lại chế tạo ra ô tô chạy bằng than củi để vận chuyển hàng, bởi xăng dự trữ của đơn vị đã cạn. Nhờ việc chế tạo thành công máy phát điện và ô tô chạy bằng than củi, Trạm sửa chữa ô tô thuộc Tiểu đoàn 56 đã hoàn thành tốt nhiệm vụ sửa chữa xe, máy, được công nhận là Đơn vị Quyết thắng 4 năm liền. Riêng Trạm trưởng Nguyễn Ngọc Quỳnh được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân năm 1973.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, anh hùng Nguyễn Ngọc Quỳnh tiếp tục công tác tại Binh đoàn 12, đơn vị kế tục truyền thống Bộ đội Trường Sơn cho đến lúc nghỉ hưu.

Độc đáo Tiền Trường Sơn

Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh đang trưng bày một số hiện vật độc đáo của Bộ đội Trường Sơn trong chiến tranh, trong đó có Tiền Trường Sơn.

Tiền Trường Sơn mệnh giá 10 đồng.

Theo các cựu chiến binh Trường Sơn kể lại, khi Bộ đội Trường Sơn vào miền Nam chiến đấu vẫn được hưởng các chế độ lương và sinh hoạt phí như các đơn vị ở miền Bắc, nhưng không thể đưa tiền mặt vào Nam giới tuyến. Vì vậy, vấn đề đặt ra là làm thế nào để bảo đảm đầy đủ quyền lợi cho cán bộ, chiến sĩ, việc thanh quyết toán với cấp trên, tránh trùng lĩnh, trùng phát là rất khó khăn.

Nhận thấy những bất cập trong việc lĩnh các chế độ của cán bộ chiến sĩ đi B, trên cơ sở đề xuất của Bộ tư lệnh Bộ đội Trường Sơn về việc thanh toán chế độ qua các phiếu bách hóa, Cục Tài vụ (Bộ Quốc phòng) phối hợp với ngành ngân hàng tổ chức in và đưa vào lưu thông trong lực lượng Bộ đội Trường Sơn ở phía nam sông Bến Hải loại Tiền Trường Sơn.

Tiền Trường Sơn có 4 mệnh giá, kích thước 3,5x7,3cm (loại 1 đồng), 4x8,1cm (loại 2 đồng), 4,5x9,1cm (loại 5 đồng), 4,9x10,1cm (loại 10 đồng). Mặt trước in hoa văn tương đối dễ nhìn, phía trên có chữ Trường Sơn, bên dưới là chữ Phiếu bách hóa, dưới cùng là số mệnh giá, mặt sau để trống.

Tiền Trường Sơn đưa vào sử dụng không chỉ rất thuận lợi trong chi tiêu, mà còn giảm được việc gùi thồ mang vác hàng hóa, vật dụng cá nhân cồng kềnh. Khi có tiền Trường Sơn, mọi cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong có thể mua các mặt hàng nhu yếu phẩm ở các cửa hàng bách hóa tại các binh trạm trên toàn tuyến chi viện chiến lược trải dài 3 nước Đông Dương.  

Khi cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong Trường Sơn ra miền Bắc, tiền Trường Sơn sẽ được đổi lấy tiền thật ở hai địa điểm là Cự Nẫm (Bố Trạch, Quảng Bình) và nhà số 3 phố Lý Nam Đế, Hà Nội (cạnh trụ sở của Báo Quân đội nhân dân). Sau khi thu hồi tiền Trường Sơn, hai cơ sở này lại đóng gói, chuyển ngược vào Trường Sơn để tiếp tục sử dụng.

Tiền Trường Sơn là sáng kiến độc đáo của Bộ tư lệnh Trường Sơn và Ngân hàng Quốc gia Việt Nam (nay là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam).

Bài và ảnh: ĐỖ PHÚ THỌ

---------------

(còn nữa)