Tượng đài tù binh Phú Quốc trên đồi Sim hôm nay.

(Tiếp theo kỳ trước)

Đó là câu chuyện về hai người lính cực kỳ thông minh và kiên trì đã lặng lẽ một mình “nếm mật nằm gai” để rồi trốn thoát một cách ngang nhiên ngay trước sự săm soi cú vọ và họng súng của quân thù. Hai anh là hai trường hợp “đơn thương vượt ngục” thành công hiếm hoi. Điều đáng quý và xúc động nhất là câu nói của họ trước khi ngã xuống: “Hãy báo cáo với Đảng giùm tôi...!”.

Áo trắng đi thẳng vô rừng

Trong hồi ký của mình, ông Trần Văn Kiêm, cựu tù Phú Quốc có kể về một người lính đã tìm cho mình cách vượt ngục “độc nhất vô nhị” mà chưa ai có thể “tái lập” cách làm như anh. Anh tên là Tuấn, người Phú Yên. Tuấn vốn xuất thân là một trí thức. Trước khi vào bộ đội, anh đã từng du học bên Pháp. Hoàn cảnh gia đình anh khá đặc biệt, cha mẹ rất giàu có, anh trai ruột lại là một trung tá trong quân đội Sài Gòn. Nhưng chính vì giác ngộ lý tưởng cách mạng, anh đã xếp bút nghiên, cầm súng. Khi anh bị bắt, nhiều lần cha mẹ và anh trai lên thăm. Có lần, mẹ anh nói:

- Con ơi! Con dại dột đi theo cách mạng làm chi cho khổ. Chiến tranh, loạn lạc còn đằng đẵng thế này, đời người biết thế nào? Thôi, con nghe mẹ, con viết đơn xin quốc gia “khoan hồng”.

Hình ảnh những tù binh Phú Quốc tàn tạ trong ngày được trao trả (1973).
Anh trai Tuấn cũng nói:

- Có anh bảo lãnh là họ nghe liền. Em cứ làm đơn đi là được!

Mặc cho mẹ và anh nói thế nào, Tuấn vẫn không nghe. Anh không viết đơn. Anh bảo:

- Con đường tôi đã chọn là đúng đắn. Tôi không thể phản bội đồng đội, phản bội lý tưởng.

Từ đó, anh tỏ ra quyết tâm sống cuộc sống tù binh, hòa mình với anh em. Vốn là dân trí thức, Tuấn rất nhiệt tình động viên, giúp đỡ anh em học tập. Anh trở thành “thầy giáo” dạy học “miễn phí” cho anh em tù binh nhiều kiến thức quý giá cả về tự nhiên và xã hội.

Bữa ấy, một số anh em “sai phạm”, bọn quân cảnh tức tối. Chúng định giở “trò khỉ”, dùng lực lượng của ta đánh đập ta nên bắt Tuấn phải cầm gậy nện anh em. Tuấn thẳng thừng bảo:

- Tôi là người trí thức, không thể hành động như bọn côn đồ. Cũng không thể đánh đập anh em, đồng đội mình!

Bọn địch hết sức cay cú, doạ dẫm không được, tên quân cảnh quát:

- Đù má! Mày không chịu đánh mấy thằng này thì tao đánh mày!

“Bốp! Bốp!”. “Hự! Hự!”. Chúng xúm lại, đánh đập anh hết sức dã man. Chiếc kính cận lăn long lóc, mắt kính rớm máu. Nhìn dáng thư sinh của anh bê bết máu lăn lộn dưới sàn, anh em thương lắm. Anh vẫn thản nhiên, không chịu khuất phục.

Một bữa, anh em ngạc nhiên thấy Tuấn ngồi xé mùng. Một người hỏi:

- Muốn hiến máu cho muỗi hay sao mà xé mùng làm chi cha nội?

- Xé mùng may cái quần cụt mặc chơi, quần áo dơ quá trời à!
- Mẹ kiếp! Thân phận tù khác chi con chó! Hôi thúi thì cũng sẵn rồi, bày đặt làm chi.

Mặc kệ mọi người phàn nàn, Tuấn vẫn kiên nhẫn xé màn, tự may lấy một cái quần cụt. Thi thoảng lại thấy anh hay soi gương, chải chuốt, rải nước bọt cho đầu tóc bóng loáng. Ai cũng bảo Tuấn thật kỳ.

Bữa ấy, anh em đi khám bệnh ngoài trạm xá. Trạm xá khám tập trung rất đông, mất 3 tiếng đồng hồ mới xong. Lúc địch điểm danh thì không thấy Tuấn đâu cả. Chúng cuống cuồng thổi còi báo động. Quân cảnh chạy rầm rập vô rừng lùng sục.

Thì ra, việc Tuấn may quần cụt là có ý đồ. Trước đó, anh đã lẻn giấu trong người được một cái áo thun trắng. Hôm đi khám bệnh, anh lột bỏ áo tù binh, mặc áo thun trắng, quần cụt trắng, mang kính trắng nhìn rất… thư sinh như một tên quân cảnh đang nằm bệnh xá đi… dạo chơi. Cứ thế, anh ung dung rời hàng ngũ, đi thẳng ra cổng, lẻn vô rừng.

Rủi cho anh, rừng thì ở quá xa, thời gian lẩn trốn quá ít, bọn quân cảnh truy đuổi ráo riết và phát hiện. Anh bị chúng bao vây, bắn chết. Tuy chưa thành công ở phút chót nhưng sự kiên trì, thông minh của Tuấn khiến chúng phải kính nể “ông tù binh cộng sản”. Còn anh em thì vô cùng thương tiếc một tù binh trí thức tài hoa. Giá như anh có thêm một chút may mắn về được với cách mạng, biết đâu về sau, anh sẽ trở thành một nhà khoa học giỏi…

“Người điên” vượt ngục đêm mưa

Ở trại giam C6, có anh Thành, quê ở Nghệ An là một tù binh rất đặc biệt. Ngay từ những ngày đầu vào trại, anh em có cảm giác anh không bình thường, giống như một người điên. Anh sống lặng lẽ, kỳ cục, không giao lưu, không quan hệ với ai. Tối ngày, chỉ nghe anh hát quanh đi quẩn lại một câu: “Đền nợ máu, chúng bay quyết phải đền”. Mỗi lần hát, anh như người lên đồng, hai tay đánh nhịp chới với về phía trước, mắt đảo qua đảo lại. Hằng ngày, anh đi lang thang, vật vờ khắp trại, áo quần xác xơ, hôi hám. Đến bữa cơm, mọi người cố sức lùa ít cơm tù để sống qua ngày thì anh tỏ ra chẳng cần… ăn. Đợi anh em ăn hết rồi anh mới đi nhặt nhạnh từ thùng nước gạo, từ thức ăn thừa của nhà bếp bỏ đi. Tối đến, địch xếp hàng điểm danh thì anh đi vật vờ ngoài hàng. Đêm, anh không ngủ trong phòng của mình mà bạ đâu ngủ đấy hoặc đi lang thang trong phòng, lảm nhảm những câu vô nghĩa. Anh em tù binh đoán anh bị điên, thương lắm. Nhưng hỏi han, động viên anh cũng có biết gì đâu, mọi người đành mặc anh…

Bọn giám thị và quân cảnh trong tù toàn những tên khát máu, đánh, giết người không ghê tay nên dù anh điên dại, ngây ngô chúng cũng chẳng tha. Thấy anh cứ vật vờ, ngứa mắt, chúng đánh. Không ăn cơm, đánh. Ngủ không đúng vị trí, đánh. Không xếp hàng, đánh. Nhiều lúc, gặp anh đi ngược chiều, lộn ruột chúng cũng quay lại nện anh túi bụi. Vậy mà mặc kệ chúng, anh vẫn thản nhiên như không, chẳng phản ứng, cũng không tỏ ra đau đớn, cho chúng muốn đánh bao nhiêu thì đánh. Nhiều lần, quân khát máu cũng tìm cách thử anh có điên thật sự hay không bằng những thủ đoạn rất dã man: chúng bật lửa đốt trụi cả lông mày, lông mi, có tên còn bắt anh cởi quần đốt hạ bộ, bỏ lửa than lên lưng anh nhưng anh vẫn “không vấn đề”. Cứ thế, chúng tin rằng Thành là một người điên, một “phế binh” thật sự, về sau chúng lơi lỏng, chẳng còn chú ý đến anh, bỏ mặc anh muốn ở đâu thì ở, ngủ đâu thì ngủ.

Một đêm mưa, điểm danh không thấy anh ngủ trong phòng, một tên giám thị làu bàu:

- Đù má! Thằng Thành “điên” biến đâu mất tiêu rùi? Định trốn trại phỏng?

- Không có đâu mấy ông! Ảnh nằm ngoài gần hàng rào kia kìa - một anh bạn tù phản ánh.

- Mẹ kiếp! Đúng là đồ… điên! Nhà cửa có không nằm lại thích ra dầm mưa. Chắc thằng này chán sống. Thôi nó thích chết thì cho nó chết, kệ cha nó!

Từ ấy, địch thấy anh ngủ ngoài gần hàng rào cũng mặc kệ. Khi điểm danh, giao ca, có lúc chúng “không thèm” tính anh trong số lượng tù binh của phân khu. Anh em tù binh nhiều lúc cũng quên đi sự hiện diện của anh…

Lại một đêm nọ, trời đổ mưa rả rích. Càng về khuya, không gian càng lạnh lẽo. Tiếng mưa xen lẫn tiếng côn trùng nơi đảo xa buồn não ruột. Cả trại đã chìm trong giấc ngủ. Lác đác có tiếng người đập muỗi bồm bộp. Bỗng có tiếng sột soạt ở mương nước cạnh dãy phòng sau. Ai đó hỏi nhau: “Chắc con thú nào đi ăn đêm chạy vô?”. Không phải! Đột nhiên có tiếng người thì thào:

- Anh em ơi! Tôi là Thành đây!

Ủa! Thành nào nhỉ? Thành điên à? Sao bấy lâu nay cha này điên điên dại dại, tự dưng lại về gọi anh em. Những người còn thức đang ngạc nhiên bán tín bán nghi thì lại nghe tiếng anh khe khẽ:

- Tôi không điên đâu! Đêm nay tôi sẽ vượt ngục. Nhờ các đồng chí báo cáo lại với Đảng trường hợp của tôi nếu chẳng may tôi hi sinh nhé! Nhớ báo cáo lại với Đảng giùm tôi…

“Nhớ báo cáo lại với Đảng giùm tôi”, câu cuối cùng anh nhắc đi nhắc lại tha thiết, rồi anh lặng lẽ trườn đi…

Nghe anh nói lúc này mọi người mới giật mình kinh ngạc. Anh em bấm nhau dậy, thì thào bàn tán chuyện anh Thành. Người bày tỏ sự kính phục đức tính kiên trì, nhẫn nại tuyệt vời của anh. Người lại nói thương anh quá, vì khát vọng vượt ngục mà bị quân thù hành hạ, giày vò.

Đêm hôm ấy, “người điên” đã mở rào thoát khỏi nhà giam. Anh đi rồi, bọn địch vẫn không hề hay biết. Mãi đến mấy ngày sau, không còn nghe tiếng anh hát, không thấy bóng anh vật vờ nhặt nhạnh đồ ăn, chúng mới biết anh đã “biến mất”. Chúng vội vàng lùng sục khắp nơi thì phát hiện thấy có một lối hàng rào kẽm gai bị mở, chúng cay cú chửi rủa:

- Mẹ cha… thằng điên! Hóa ra nó hổng có điên! Nó lừa tụi mình một cú ngon lành quá trời!!!

Ít ngày sau, khi tuần tra, lùng sục trong rừng sâu, chúng tìm được xác anh nằm chết gục trong rừng. Chúng mang xác anh về bỏ trước phân khu C6 để khủng bố anh em tù binh. Anh chỉ còn da bọc xương, suy kiệt và tàn tạ. Có lẽ vì ăn uống quá thiếu thốn, mất vệ sinh, lại bị địch đánh đập thường xuyên, anh đã không đủ sức khỏe để về với cách mạng. Anh em tù binh nhìn xác anh, chẳng ai mảy may sợ sệt vì bị “khủng bố tinh thần” mà chỉ trào lên lòng xót thương xen lẫn kính phục anh vô hạn. Đồng chí bí thư Đảng ủy trại giam bảo: “Giá như anh báo cáo Đảng ủy để trốn đi theo kế hoạch chặt chẽ, có sữa, gạo sấy mang cùng thì đâu đến nỗi. Nhưng dù sao, chúng ta cũng rất đáng học tập ở anh tấm gương kiên trì, quyết tâm vượt ngục lớn lao để được về với cách mạng…”.

(Kỳ 3: Huyền thoại vượt rào)

Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN MINH

Bài 1: Bóng cờ sau ô cửa