QĐND Online - Đối với tôi, chuyến đi công tác tại một số đảo trên quần đảo Trường Sa của Tổ quốc đầu tháng 5 vừa qua là niềm hạnh phúc, thỏa nỗi khao khát, ước mơ và tôi sẽ còn nhớ mãi trong suốt cuộc đời làm báo của mình…

Theo kế hoạch của Vùng D-Quân chủng Hải quân, đoàn chúng tôi gồm đại biểu các cơ quan dân chính đảng một số tỉnh sẽ ra thăm và kiểm tra các đơn vị tại đảo Trường Sa Lớn, Đá Tây, Phan Vinh, Tiên Nữ, An Bang và nhà giàn DK tại bãi Quế Đường.

Các phóng viên tác nghiệp tại đảo Trường Sa Lớn

Đã có nhiều câu chuyện về những con người tại vùng đảo cách xa đất liền hàng nghìn cây số này, nhưng chuyện nhà báo, phóng viên tác nghiệp khi đi công tác Trường Sa thì chắc chẳng giống ở đâu. Bởi lẽ, khi nói đi công tác tại Trường Sa thì hầu như nhà báo nào cũng được “nếm” những cơn say sóng, những lần lên xuống thuyền chuyển tải đến chóng mặt để vào với lính đảo. Không những thế, tác nghiệp tại Trường Sa có khi phải đối mặt với những “tai nạn” nghề nghiệp không đâu vào đâu dù đã được nghe “cảnh báo” từ những đồng nghiệp đi trước…

Trong các đảo nói trên thì có 3 đảo chìm nên việc tác nghiệp và “đổ bộ” lên các đảo này của phóng viên cũng khó khăn hơn, phải có thuyền chuyển tải và xuồng kéo chúng tôi mới vào được các đảo này. Lúc sóng nhẹ còn đỡ, thuyền chỉ bập bềnh đôi chút khi leo xuống, nhưng mỗi khi sóng to, nếu bước từ trên tàu xuống mà không dứt khoát là dễ mất chân như chơi vì khi đó độ chênh của tàu với thuyền chuyển tải có thể cao từ 1,5m đến 2m, rất nguy hiểm. Vào được đảo rồi nhưng thời gian lưu lại đảo của đoàn cũng không được lâu do thủy triều xuống nhanh, nếu không ra sớm rất dễ bị mắc cạn. Thế nên mỗi khi lên đảo, nhóm phóng viên chúng tôi phải tranh thủ tác nghiệp ngay, chưa kể tác nghiệp trong điều kiện biển đảo cũng nhiều khó khăn hơn.

Mỗi lần xuồng thuyền chuyển tải để vào đảo, hầu hết đồ nghề tác nghiệp của các phóng viên đều phải để trong túi bảo quản, buộc chặt đề phòng sóng biển. Nếu không buộc kỹ, chẳng may bị sóng biển đánh trùm lên thì coi như máy móc đi tong ngay. Lên xuống thuyền chuyển tải, có lẽ vất vả nhất là các đồng nghiệp làm báo hình, riêng ôm camera và chân máy (chắc cũng đến hơn chục ki-lô-gam) đã đủ mệt rồi, xuống thuyền thì chòng chành, có khi lên đảo rồi vẫn cứ chòng chành vì say đất nên để có được những khuôn hình chuẩn, đẹp cũng rất vất vả. Tuy nhiên, hai phóng viên Nguyễn Trường Sơn và Lê Anh Dũng của Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh đã ghi lại được những hình ảnh đẹp khi thuyền chuyển tải chở đoàn công tác vào đảo Phan Vinh và An Bang. Ở đảo Phan Vinh, các anh đã ghi được cảnh các chiến sĩ đứng thành hàng dưới biển như một hàng cọc tiêu để tàu theo luồng đó vào đảo, vì nếu đi sai luồng có thể thuyền sẽ đâm vào bãi san hô cạn. Còn An Bang lại là đảo khó vào nhất vì ở đây thường xuyên có sóng to, nếu không cẩn thận sóng dữ có thể cuốn mọi thứ, đập vào những mỏm đá xung quanh đảo. Hôm chúng tôi tới đảo An Bang, chiếc thuyền chuyển tải cứ chồm lên, tụt xuống, nhấp nhô theo từng con sóng mà mãi không vào được đảo. Hầu như tất cả cán bộ, chiến sĩ trên đảo An Bang đã tập trung ra khu vực thuyền chuyển tải sẽ cập vào. Các anh đứng thành hai hàng dọc, tay nắm chặt vào những đoạn dây dài, chờ thời điểm sóng đánh vào bờ sẽ cùng kéo xuồng vào đảo. Nhưng do sóng đánh dữ quá, chiếc thuyền chuyển tải vẫn loay hoay chưa cập vào đảo được. Một vài chiến sĩ đã bơi ra, ném dây lên thuyền chuyển tải để các chiến sĩ trên đảo cùng kéo thuyền vào bờ cát. Lúc vào đảo phải lựa theo từng con sóng, đến khi rời đảo cũng vậy. Phải chờ sóng đánh vào bờ rồi đến khi cuốn ra thì các chiến sĩ lại cùng nhau hợp sức đẩy thuyền ra. Chính trong những tình huống như vậy, dù biết là nguy hiểm nhưng phóng viên Trường Sơn và Anh Dũng vẫn mở máy, ghi lại được những hình ảnh cảm động mà không dễ gì trong đời làm báo có thể ghi được. Các anh cũng ghi lại được những giọt nước mắt của các ca sĩ đoàn Nghệ thuật quân chủng Hải quân khi họ hát cho cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1/19 qua loa và qua bộ đàm vì biển động, sóng to, tàu không thể vào được. Tiếng hát của các nữ văn công có lúc nức nở, ngắt quãng do quá xúc động khiến hầu như mọi người có mặt lúc đó ai cũng rơm rớm nươc mắt.

Tác nghiệp khi vẫn còn trên thuyền chuyển tải

Phóng viên ảnh và phóng viên viết khi tác nghiệp trên đảo cũng tất bật không kém. Lên đến bất cứ đảo nào, anh em phóng viên mỗi người một việc, tác nghiệp nhoay nhoáy, toả đi chụp ảnh, tìm cán bộ, chiến sĩ để phỏng vấn, ghi hình, thu thanh, chụp ảnh… Tại các đảo, do số anh em chiến sĩ cũng không nhiều nên có lúc thấy ba, bốn nhà báo “túm” một chiến sĩ để phỏng vấn. Mấy đồng nghiệp nhà đài thì ghi hình cảnh chăm sóc rau trên đảo, còn nhóm phóng viên ảnh cũng đang “bắn tanh tách” cảnh giao lưu văn nghệ giữa văn công và lính trẻ... Chính những hình ảnh đó sẽ là tư liệu cho bài viết của mỗi phóng viên. Nhiều khi mải mê chụp, chỉ cần sảy chân, nhỡ tay một cái là rất có thể máy ảnh rơi xuống biển, tư liệu chuyến đi coi như mất hết. Nhớ hôm lên đảo An Bang, một nghệ sĩ nhiếp ảnh của Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đã làm rơi chiếc máy ảnh trị giá hàng nghìn đô-la xuống sân bê tông của đảo. Nếu ở đất liền có khi còn mua được đồ để thay thế, chứ ra ngoài đảo thì có tiền cũng chịu, cái chính là không có đồ nghề tác nghiệp. Nhiều phóng viên sau khi phỏng vấn xong cán bộ, chiến sĩ trên đảo thì tranh thủ chụp những bức ảnh kỷ niệm với lính đảo dưới cột mốc chủ quyền của đảo hoặc chụp hoa và quả bàng vuông, một “đặc sản” mà chỉ ở Trường Sa mới có. Bởi lẽ mấy khi được ra Trường Sa nên mọi người thì nhau giơ máy ảnh “bắn” liên tục, cố chụp cho được những bức ảnh độc đáo…

Tác nghiệp ở Trường Sa một phần là như vậy nhưng mỗi nhà báo đều mong được một lần đến với Trường Sa. Bởi lẽ, có đến đây, mới cảm nhận và thấy được những khó khăn, vất vả mà các cán bộ, chiến sĩ của chúng ta phải chịu đựng. Đến với Trường Sa sẽ là kỷ niệm khó quên và là cơ hội để hiểu thêm về giá trị cuộc sống, về tình người, tình đồng chí, đồng đội nơi vùng biên đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Bài và ảnh: Phúc Thắng