Trong mặt bằng quy hoạch cụm công nghiệp Alumin Nhân Cơ có phần diện tích lớn là đất đai, hoa màu và cả cái hồ rộng khoảng 4ha, rất thiêng của đồng bào dân tộc M’Nông, bon Pù Dấp. Đây là bon người dân tộc thiểu số duy nhất của xã Nhân Cơ, huyện Đăc Lấp, tỉnh Đăc Nông.

Khi bộ đội về xây dựng cụm công nghiệp, tình quân dân thật đằm thắm...

Cúng thần linh để lấp hồ

Hồ nước nằm trong mặt bằng cụm công nghiệp, cần phải san lấp có tên là hồ Cá Trê. Đây là hồ nước có từ lâu đời, gắn liền với đời sống sinh hoạt của người M’Nông, bon Pù Dấp. Nơi đây là vùng đất đỏ bazan. Sau mỗi trận mưa, các sình nước ngầu đỏ; nước giếng khoan cũng vậy. Công ty Khai thác Khoáng sản Tây Nguyên đã từng mua máy lọc nước, nhưng nước vẫn quánh màu… cam vắt. Nhưng lạ thay, nước hồ Cá Trê lại luôn trong vắt. Từ bao đời nay, hồ Cá Trê là nơi cung cấp nước sinh hoạt cho đồng bào và là nơi cất giấu bao kỷ niệm, bao câu chuyện cổ tích của đồng bào.

Một cái hồ như vậy mà bỗng nhiên lấp đi, đối với đồng bào thật khó thuyết phục. Nhưng cuối cùng, các anh bộ đội cũng đã lấy được lòng dân, được già làng quyết định cho lấp hồ với điều kiện phải… cúng thần linh!

Già làng Điểu Sơn sống trong ngôi nhà khá rộng, nền lát gạch rất sạch sẽ, ngăn nắp; trong nhà có nhiều tiện nghi sinh hoạt như tủ, ti-vi, bàn ghế. Trên tường gắn Huy chương Kháng chiến hạng Nhất, Nhà nước tặng cho Già và các giấy khen thành tích học tập của các cháu. Phong tục hôn nhân-gia đình của người M’Nông theo dòng mẫu hệ nên cả nhà, 11 người, gồm vợ chồng Già, các con gái, các cháu đều sống, sinh hoạt chung. Tôi hỏi tuổi Già, Già không trả lời mà chỉ tay vào tấm bằng được lồng trang trọng dưới mặt kính bàn sa lông. Hội Người cao tuổi Việt Nam mừng thọ Già khi ở tuổi 92, năm 2002; như vậy đến năm 2007 này, Già đã 97 tuổi. Tôi không thể tin nổi ở tuổi 97 mà Già vẫn minh mẫn, tinh anh lắm. Già nói với tôi bằng thổ âm của người địa phương, có chỗ nghe không rõ, nhưng cũng hiểu được rằng, Già cũng như người M’Nông bon Pù Dấp, rất vui cái bụng khi thấy các anh bộ đội (Tổng Công ty Đông Bắc) nghe lời Đảng và Chính phủ đến đây xây dựng nhà máy. Có nhà máy thì Nhà nước giàu, tỉnh Đăc Nông giàu, dân bon Pù Dấp cũng giàu, văn minh. Vì thế, dân Pù Dấp mới hăng hái trong việc giải phóng mặt bằng để xây dựng nhà máy. Người đi đầu trong việc này là gia đình ông Điểu N’Gá. Còn cái hồ nước, đã cúng thần linh rồi, bụng người dân Pù Dấp vui rồi…

Quả thật, qua các đồng chí làm công tác đền bù giải phóng mặt bằng, chúng tôi được biết, không chỉ riêng ở Đăc Nông mà cả tỉnh Lâm Đồng, hầu hết các hộ người dân tộc M’Nông, K’Ho, Châu Mạ đều rất tốt, rất tích cực trong việc thực hiện giải phóng mặt bằng, để xây dựng khu công nghiệp.

Trở lại với việc cúng thần linh, lấp hồ Cá Trê, các anh lãnh đạo Công ty Khai thác khoáng sản Tây Nguyên (KTKSTN) kể cho tôi nghe, việc cúng thần linh hôm đó diễn ra thật tưng bừng, những nghi lễ mang màu sắc tín ngưỡng, độc đáo với vật tế thần là con trâu. Con trâu này, đích thân già làng Điểu Sơn, ngồi xe con của Công ty đi tìm mua. Đó là con trâu to, khỏe, sừng dài. Tôi thắc mắc, sao vật cúng thần linh phải là trâu chứ không phải là con vật khác? Trước kia vào Tây Nguyên tôi đã tìm đọc sử thi M’Nông, trong đó viết về lễ hội đâm trâu như một sinh hoạt văn hóa đầy tự hào: “Bon Yang ăn trâu không sót một năm/ Dựng cây nêu không thiếu một tháng/ Tiếng Yang đã vang khắp nơi? Dù có núp trong ống mọi người cũng biết…”. Phải chăng, lễ cúng tế thần linh bên hồ Cá Trê cũng giống như lễ cúng tế trong lễ hội Đâm Trâu hay còn gọi là “ăn trâu”, “chém trâu” độc đáo nổi tiếng của người M’Nông ở Đăc Nông?

Nhà báo Bùi Đức Thịnh, Phó tổng biên tập Báo Đăc Nông, người sống và làm việc lâu năm ở Tây Nguyên, cho biết, người M’Nông xuất phát từ niềm tin vào thế giới thần linh; con người muốn được thần linh che chở, tha thứ và giúp đỡ thì phải có vật tế thần-tức là Giàng. Vật tế thần phải là con trâu, bởi, theo truyền thuyết của người M’Nông, thì con trâu biểu hiện cho tín ngưỡng vật tổ; là con vật quý giá nhất để hiến tế thần linh. Lễ cúng thần linh thường diễn ra khi mừng thắng lợi của cộng đồng, cầu an, xóa điềm gở, điềm xấu cho đồng bào cả bon. Để có một lễ cúng thần linh, người ta tổ chức lễ đâm trâu. Lễ này phải có nhiều rượu thịt, thuốc lá và có cây nêu. Trước khi “hóa kiếp” con trâu, người ta cúng khấn mời thần về “ăn trâu” và “khóc trâu”, an ủi, tiễn biệt trâu trước lúc hiến sinh. Sau đó, người đâm trâu được trao một chiếc lao để đâm vào tim con trâu rồi lấy gươm chặt vào 2 khuỷu chân trâu, sau đó lấy máu trâu bôi lên cây nêu và cọc buộc trâu và kèn Rlet. Làm như vậy, người M’Nông tin rằng, mọi điều xấu xa, tai ương sẽ qua đi. Tiếp theo, người ta chặt đầu trâu để cúng, còn thịt trâu chia cho mọi người.

Đại úy Hà Hải Long, Trưởng phòng Chính trị-Hành chính Công ty khai thác khoáng sản Tây Nguyên cho biết, lễ cúng thần linh hôm đó diễn ra bên hồ và cơ bản giống như lễ đâm trâu kể trên; chỉ khác là con trâu to khỏe quá, người ta không dùng lao để đâm mà do một đồng chí lãnh đạo xã Nhân Cơ dùng súng bắn.

“Vì khu công nghiệp, không tiếc...”

Các đồng chí Nguyễn Văn Dương, Phó giám đốc Công ty KTKSTN; Nguyễn Phú Dương, Phó tổng giám đốc Công ty Alumin Nhân Cơ đều khen gia đình ông Điểu N’Gá, đã rất tích cực trong việc thực hiện giải phóng mặt bằng, xây dựng cụm công nghiệp Nhân Cơ. Gia đình ông có 3ha đất, trên đó có cà phê, điều, nằm trong khu quy hoạch cụm công nghiệp và ông là người đầu tiên của bon, ký nhận tiền đền bù, bàn giao đất cho Nhà nước, mà không hề do dự, tính toán thiệt hơn.

Vượt qua đoạn đường lầy lội, chúng tôi mới tới được nhà ông. Đó là căn nhà nhỏ bé, bình dị như những căn nhà của đồng bào M’Nông thôn Pù Dấp. Ông hồ hởi đón chúng tôi vào nhà, rồi hỏi thăm bộ đội Tiến (Đại tá Bùi Quang Tiến, nay là Tổng giám đốc Công ty Alumin Nhân Cơ); bộ đội Long (Đại úy Hà Hải Long, Trưởng phòng Chính trị-Hành chính Công ty KTKSTN). Ông nói, “chúng nó” xuống nhà luôn, gia đình ông coi bộ đội như người nhà. Ông rót nước mời chúng tôi và gọi chúng tôi là “con”. Nghe từ “con” và cử chỉ thân mật của ông, chúng tôi cũng cảm thấy ấm cúng, gần gũi như người nhà vậy. Ông kể, ông có hai đời vợ. Vợ trước có 4 người con. Nhưng không hiểu bệnh gì mà chết hết cả mẹ lẫn con. Người vợ thứ hai, đang sống với ông, tên là Thị N Dó, sinh năm 1940. Ông bà có 7 người con, 4 gái, 3 trai; 2 gái và 2 trai đã xây dựng gia đình, đều được ông bà chia cho ruộng đất, nương rẫy để sản xuất. Các con của ông bà cũng là những người tích cực thực hiện giải phóng mặt bằng khu công nghiệp.

Gia đình ông Điểu N’Gá sinh sống bằng nương rẫy với các loại cây như cà phê, điều, cà ri. Nay nương rẫy phần lớn đã bàn giao cho Nhà nước để xây dựng nhà máy, vậy, gia đình ông sẽ làm gì để sinh sống? Khi tôi đề cập vấn đề này, ông Điểu N’ Gá cười nói rất thanh thản, rằng, gia đình ông vẫn còn nương rẫy để làm ăn; số tiền đền bù 3 héc (ông thường gọi đơn vị diện tích là “héc”), ông trích ra mua 3 héc, cách nhà khá xa; ở đấy ông đang trồng mì (sắn) và một số cây khác. Thật lòng, trong 3 héc nhượng lại cho Nhà nước, có nhiều công sức khai phá, trồng trọt, chăm sóc cây cối của ông. Nhưng ông rất hiểu đường lối của Đảng mà. Ba thứ cây cối lặt vặt, chẳng là gì với khu công nghiệp, không thể tiếc được; có sức khỏe, đến nơi mới, nương rẫy lại có nhiều cây mì, cây cà phê…

Những người bạn mới

Anh Nguyễn Huy Tiệp, Bí thư Chi đoàn cơ quan Công ty KTKSTN cho biết bon có hơn 100 đoàn viên. Từ khi bộ đội về xây dựng cụm công nghiệp Nhân Cơ, nam nữ thanh niên trong bon có thêm nhiều bạn mới là các anh bộ đội. Hai chi đoàn kết nghĩa với nhau và cũng từ đấy, phong trào đoàn của bon có nhiều hoạt động phong phú, thiết thực hơn. Nổi bật nhất là các cuộc giao lưu văn nghệ, thể thao. Đội văn nghệ bon rất mạnh, có nhiều tiết mục múa hát tập thể đặc sắc với trang phục và nhạc cụ của người M’ Nông như cồng, chiêng, kèn glét. Những hôm tạnh ráo, trai trong bon kéo nhau lên sân Công ty đá bóng với bộ đội. Những đám cưới của thanh niên trong bon nay có thêm những anh bộ đội. Họ múa hát thật tưng bừng. Từ khi bộ đội về xây dựng cụm công nghiệp, những việc lớn trong bon nay cũng có bộ đội tham gia giúp sức. Đường vào bon trước đây bé, gồ ghề, nay bộ đội cho xe gạt, bằng phẳng hơn, rộng hơn; các cuộc sinh hoạt văn hóa cộng đồng của bon, nay có bộ đội đến dự, tham gia bàn bạc các công việc của bon. Hàng năm, đến ngày quốc tế thiếu nhi, bộ đội tổ chức gặp mặt tặng quà các cháu, sự có mặt của già làng và lãnh đạo UBND địa phương; đến ngày thương binh-liệt sĩ, bộ đội tổ chức tặng quà cho các gia đình thuộc diện chính sách xã hội của địa phương; Công ty cũng đã xây dựng nhà tình nghĩa tặng cho gia đình có 2 vợ chồng là thương binh, hiện sống ở địa phương. Công ty còn hỗ trợ gạo, mắm… cho những gia đình trong bon gặp khó khăn để ăn tết; tặng bon nhiều đầu báo, tạp chí. Những việc làm tình nghĩa ấy chỉ là một nội dung trong công tác dân vận, “ba cùng” của các anh bộ đội Công ty KTKSTN với đồng bào bon Pù Dấp nói riêng và của Đăc Nông nói chung. Và anh bộ đội Công ty KTKSTN đã được đồng bào tin yêu, giúp đỡ.

Đời sống còn nhờ nương rẫy

Chúng tôi đã tới nhiều gia đình bon Pù Dấp và thấy những ngôi nhà của họ rất đơn sơ, thường là một mái, lợp tôn, xung quanh bưng ván; rất ít nhà xây kiên cố, vững chãi. Lạ hơn, trong nhà, ít gia đình có giường tủ; những gia đình nền nhà lát gạch hoa, có tủ đứng như gia đình già làng Điểu Sơn không nhiều. Nhà ông Điểu Phôn, công an xã, trong nhà cũng thông thống, chỉ có cái ti-vi. Nhà Thị Choi, lĩnh tiền đền bù đất, hoa màu, làm lại nhà, nhưng cũng chỉ là nhà một mái, lợp tôn, nền lát xi măng, trong nhà có cái ti-vi, đầu đĩa. Chồng chị cởi trần, ngồi bệt giữa nền nhà bấm điện thoại di động nhoay nhoáy!

Nếu chỉ nhìn vào nhà cửa, tiện nghi gia đình mà vội cho rằng, đồng bào Pù Dấp nghèo đến nỗi không mua sắm được giường tủ là chưa đúng. Ông Lý Thanh Bình, Phó bí thư Đảng ủy xã Nhân Cơ cho biết, ở bon Pù Dấp, có nhiều dân tộc cùng chung sống đoàn kết bên nhau như Kinh, Tày, Mường… Trong đó, người M’Nông đông nhất, gần 100 hộ, với 867 nhân khẩu. Người M’Nông ở đây có nhiều nương rẫy, lao động cần cù nên đời sống tương đối khá. Trong thôn có hơn 20 hộ, kinh tế khá, thu nhập bình quân mỗi năm hơn 80 triệu đồng. Điển hình là hộ gia đình các ông bà Điểu Ít, Điểu Phương, Thị Rum, Điểu Mai, Điểu Tới v.v.. 35 hộ còn nghèo, được hưởng chính sách ưu đãi theo chương trình 134, 135 của Chính phủ và số hộ còn lại có mức thu nhập trung bình; 100% các hộ trong bon đều có xe máy, có các phương tiện nghe nhìn; có nhà 2-3 chiếc xe máy.

Đời sống của đồng bào trong bon phụ thuộc vào nương rẫy với cây chủ lực là cà phê và các loại cây như hồ tiêu, điều, cà ri… Riêng cây cà ri ở đây khá nổi tiếng. Đây là cây có quả giống như quả bông, mỗi năm một vụ. Sau khi thu hoạch, đồng bào phơi khô đập ra lấy hạt như hạt vừng, rồi đem bán thô để chế biến thành gia vị món ăn. Năng suất cà ri ở đây bình quân 3 tấn/ha. Giá bán bình quân 9 nghìn đồng/kg.

Đời sống phụ thuộc vào nương rẫy nên khi công nghiệp về, dường như không ai quan tâm đến việc kinh doanh dịch vụ hay phát triển nghề phụ. Dọc đường từ bon lên văn phòng Công ty, lác đác vài quán bán tạp hóa, là quán của người Kinh, chứ người M’Nông chưa biết làm dịch vụ. Chắc chắn rằng, khu công nghiệp phát triển, nhu cầu dịch vụ tăng lên, nếp sống của bà con dân tộc thiểu số ở đây cũng thay đổi, đời sống của đồng bào sẽ nhanh chóng tiến kịp miền xuôi.

CAO THÂM