Để đập tan yếu khu này, Trung đoàn 174 (Đoàn Cao Bắc Lạng) đã mất 3 năm, tổ chức nhiều đợt tiến công oanh liệt. Trận quyết định diễn ra cuối tháng 4-1974. Long Khốt được giải phóng. Hơn 1.000 cán bộ, chiến sĩ và hàng trăm người dân Đồng Tháp Mười đã vĩnh viễn nằm lại vùng đất này. Qua năm tháng, hồn thiêng của các anh hùng liệt sĩ đã hóa linh khí một vùng đất…
Đồng Tháp Mười đang vào mùa mưa. Theo tuyến Tỉnh lộ chạy dọc con kênh, nước dâng xâm xấp đôi bờ, xe ô tô chở đoàn chúng tôi hành hương về miền biên viễn Vĩnh Hưng. Chân trời phía tây chuyển mây vần vũ. Những đụn mây như vườn nấm từ sông nước đùn lên. Thoáng chốc, miền biên giới Tây Nam bị phủ trùm bởi màn mây dày đặc. Mưa ập đến sầm sập như có một bàn tay khổng lồ từ thinh không bưng vò trút nước. Các cựu chiến binh (CCB) và thân nhân liệt sĩ từ những vùng quê phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ… hành hương về vùng đất thiêng Long Khốt, nhìn làn mưa giăng kín qua cửa kính ô tô, thấp thỏm lo âu. “Hơn 40 năm rồi tôi mới có dịp trở lại chiến trường xưa. Mưa to gió lớn thế này, chắc đêm nay không có cơ hội thả hoa đăng trên dòng Long Khốt!”-một CCB tóc trắng như cước, thốt lên. Hiểu được tâm trạng của người từ miền Bắc vào, các cựu chiến binh ở Đồng Nai vui vẻ trấn an:
- Các đồng chí cứ yên tâm! Nhiều năm qua, lần nào trở lại vùng đất thiêng này chúng tôi cũng đều gặp mưa, nhưng sẽ tạnh nhanh thôi.
Quả thật sau hơn hai giờ mưa liên tục, buổi chiều khi chúng tôi đặt chân đến thị trấn Vĩnh Hưng thì trời quang mây tạnh. Một vùng sông nước Đồng Tháp Mười hiện ra rực rỡ dưới nắng chiều với các đầm sen khoe sắc hồng và những cánh đồng lúa tít tắp ngả màu vàng mùa vụ. Các chuyến xe về Vĩnh Hưng mỗi lúc một đông, đậu kín bãi đất trống phía trước Đền thờ liệt sĩ, ngay gần cổng Đồn Biên phòng Long Khốt.
 |
Cựu chiến binh Trung đoàn 174 dâng hương, dâng hoa tưởng niệm đồng đội. Ảnh: THANH KIM TÙNG |
Cùng với các CCB Trung đoàn 174 trên khắp cả nước là những cựu thanh niên xung phong, dân quân, nhưng đông đảo nhất vẫn là người dân các địa phương Đồng Tháp Mười, dọc biên giới tỉnh Long An với nước bạn Campuchia. Những người lần đầu tiên trở lại chiến trường xưa sau hơn 4 thập kỷ kết thúc chiến tranh, không khỏi xuýt xoa, ngậm ngùi. Họ chụm mái đầu bạc bên nhau, đưa bàn tay gân guốc vuốt lên bề mặt những ụ lô cốt bê tông đã phủ rêu năm tháng, nước mắt chảy dài. Những người gắn bó với miền nước nổi Đồng Tháp Mười sau ngày đất nước thống nhất, coi nơi này như quê hương thứ hai của mình, thì đã cùng với bà con địa phương chuẩn bị cho buổi lễ tưởng niệm đồng đội từ mấy ngày trước. Lễ vật dâng cúng rất tươm tất, phần lớn đều là những thứ do bà con nuôi trồng được, nhiều nhất là heo quay, vịt quay, xôi nếp mới Long An, đặc sản nức tiếng gần xa… Bà con và các CCB ở địa phương xoắn xuýt với công việc để kịp mâm cỗ cho giờ cúng giỗ. Đang cùng những người hàng xóm thoăn thoắt sửa soạn các mâm cơm cúng, bà Năm Hòa ngừng tay, tiếp chuyện chúng tôi:
- Nhà tui ở cách đây vài cây số. Từ ngày có Đền thờ Liệt sĩ Long Khốt, tụi tui thường xuyên đến đây dâng hương tưởng niệm những người đã khuất. Các anh bộ đội hy sinh khi còn rất trẻ. Mấy chục năm rồi, các anh vẫn mãi ở tuổi thanh xuân. Trong lòng dân Đồng Tháp Mười, các anh là những người anh hùng, là nguồn sức mạnh tinh thần của bà con…
Trong đoàn CCB Trung đoàn 174 về thăm chiến trường xưa, Đại tá Bùi Đức Trần (Tám Trần), nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 5 (Quân khu 7) là một trong những người lớn tuổi nhất. Trong các trận chiến đấu đánh vào Chi khu Long Khốt từ mùa khô năm 1972 đến cuối tháng 4-1974, ông là Chính trị viên Đại đội Trinh sát, về sau là Chính trị viên Tiểu đoàn 5. Ở tuổi bát thập, trở về chiến trường xưa viếng đồng đội, bàn tay run run của ông lần theo từng dòng tên liệt sĩ khắc trên bia đá, giọng nấc nghẹn gọi tên những đồng đội năm nào: Hoàng ơi! Nam ơi! Tiến ơi!.... Đợi cho ông nguôi bớt xúc động, chúng tôi nắm tay dắt ông đến bên chiếc ghế đá dưới bóng cây cổ thụ phía trước đền thờ:
- Bác vẫn còn nhớ các trận đánh năm xưa chứ ạ!-Chúng tôi lễ phép gợi chuyện!
- Nhớ chứ! Nhớ hết! Đó là những ký ức, sao quên được!-Ông lấy khăn mùi soa lau nước mắt rồi kể về những năm tháng oanh liệt, đầy gian khổ hy sinh. Ông kể rất nhiều, rất lâu và rất kỹ. Mỗi trận đánh là một trang sử của đất và người Long Khốt, lưu danh đến muôn sau…
Cuối mùa khô năm 1972, sau những chiến thắng vang dội với vai trò là mũi chủ công trong Chiến dịch Nguyễn Huệ, giải phóng Lộc Ninh (Bình Phước), Trung đoàn 174 được giao nhiệm vụ hành quân về vùng Đồng Tháp Mười đập tan Chi khu Long Khốt, tạo bàn đạp mở rộng tiến công giải phóng Đồng Tháp Mười và miền Tây Nam Bộ. “Chúng tôi đang thắng như chẻ tre. Ở chiến trường rừng núi Tây Ninh, nhắc đến Đoàn Cao Bắc Lạng, hầu hết các đơn vị của quân đội Mỹ, ngụy từng chạm mặt đều khiếp sợ. Cấp trên và lãnh đạo, chỉ huy đơn vị đều chung nhận định, để đánh chiếm Chi khu Long Khốt thì chỉ cần một trung đoàn là dư sức. Khi nhận lệnh cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 174 chúng tôi háo hức lắm. Ai cũng muốn nhanh chóng “nhổ” Long Khốt để mở toang cánh cửa làm chủ vùng Đồng Tháp Mười. Sau nhiều ngày hành quân bí mật, trung tuần tháng 6-1972, chúng tôi đến vị trí tập kết. Chỉ huy trung đoàn tổ chức trinh sát thực địa và lên phương án chiến đấu ngay. Tuy nhiên, sau khi nổ súng tiến công, diễn biến trên chiến trường hoàn toàn không như chúng tôi mong đợi và quyết tâm…”-Đại tá Tám Trần nghẹn lại khi nhắc đến ký ức năm xưa. Trong những trận công đồn ấy, máu của đồng đội ông nhuộm đỏ cả khúc sông Long Khốt…
Do không thông thạo địa hình, chưa quen với tác chiến vùng sông nước đồng bằng, lại thêm tâm lý chủ quan, muốn đánh nhanh, thắng nhanh nên Trung đoàn 174 đã không lường hết những khó khăn. Với hệ thống phòng ngự bằng dây thép gai nhiều tầng, nhiều lớp kết hợp giao thông hào, lô cốt, bãi mìn, kênh ngập nước liên hoàn, những cán bộ, chiến sĩ đã quen chiến đấu ở địa hình rừng núi khi xung phong đến các bờ kênh đều phải dừng lại, không thể xuyên thủng được cửa mở của Chi khu Long Khốt. Từ mùa khô năm 1972 đến mùa mưa năm 1973, Trung đoàn 174 đã tổ chức nhiều đợt tiến công, chịu những tổn thất lớn về lực lượng, nhưng không thể chiếm được Long Khốt.
Ngồi cạnh Đại tá Tám Trần, CCB Hoàng Xuân Thụy, 74 tuổi, cũng rơm rớm nước mắt tưởng nhớ đồng đội năm xưa. Ông nói:
- Có những lúc chúng tôi xung phong, vượt qua được 6 lớp hàng rào dây thép gai của địch, cứ tưởng sẽ nhanh chóng đưa được lực lượng thọc sâu vào bên trong thì ngay lập tức gặp phải bãi mìn và hào chống tăng. Hỏa lực địch trút như mưa. Có ngày đồng đội tôi hy sinh đến mấy trăm người, trong đó có đồng chí Phó trung đoàn trưởng và Tham mưu phó trung đoàn.
Trong những năm tháng oanh liệt ấy, ông Thụy là Phó đại đội trưởng, sau là Đại đội trưởng Đại đội Công binh, được trên tăng cường cho trung đoàn. Sau ngày đất nước thống nhất, ông ở lại Đồng Tháp Mười, lập gia đình và trở thành công dân của miền nước nổi từ đó đến nay. Tưởng nhớ đồng đội, những năm qua ông luôn tâm huyết việc đền ơn đáp nghĩa, hỗ trợ thân nhân liệt sĩ tìm kiếm, quy tập hài cốt đồng đội…
Bước sang mùa mưa năm 1973, cấp trên quyết định rút Trung đoàn 174 ra khỏi khu vực Long Khốt, chuyển sang hoạt động ở tuyến biên giới Long An, xuống Cai Lậy, Cái Bè (Tiền Giang) rồi rút về Tây Ninh để bảo toàn, củng cố lực lượng, huấn luyện chuẩn bị cho trận đánh quyết định. CCB Trình Tự Kha nhớ lại: “Khi về Tây Ninh, chỉ huy đơn vị cho đắp một trận địa giả mô phỏng địa hình, địa vật ở Chi khu Long Khốt để thục luyện phương án tấn công. Chúng tôi được huấn luyện nhuần nhuyễn các hình thức cơ động, đánh địch ở địa hình sông nước, sẵn sàng cho trận đánh lớn”.
Cuối tháng 4-1974, được sự chi viện, phối thuộc của các đơn vị pháo binh, tăng thiết giáp, đặc công, công binh..., Trung đoàn 174 tổ chức trận quyết định tiến công tiêu diệt Chi khu Long Khốt. Đêm 27, rạng sáng 28-4-1974, pháo binh phối thuộc khai hỏa, bắn từng đợt dồn dập vào đại bản doanh của địch. Tiếp đó, với sự yểm trợ của xe tăng, thiết giáp, các mũi, hướng tiến công của đặc công, bộ binh nhanh chóng mở cửa đánh chiếm đầu cầu. Sau 3 ngày đêm chiến đấu kiên cường, chúng ta đã chiếm được Long Khốt.
Trở lại chiến hào năm xưa, CCB Trình Tự Kha đứng tần ngần bên bờ đất cao phía sau doanh trại của Đồn Biên phòng Long Khốt. Ông nói với chúng tôi:
- Vị trí này ngày xưa có một bức tường lở. Khi chúng tôi vào được Long Khốt, một đồng chí đã lấy hòn than viết lên bức tường: “Hôm nay, ngày 28-4-1974, quân giải phóng đã chiếm được Long Khốt”. Được nửa ngày, địch kêu gọi lực lượng chi viện, tổ chức phản công dồn dập khiến chúng tôi phải rút ra. Khi chúng tôi tổ chức phản kích, đẩy địch chạy dài về phía tây, đã thấy có thêm dòng chữ khác ngay bên dưới: “Quân lực Việt Nam cộng hòa đã trở lại giành chiến thắng. Chúng bay thua rồi”. Ngay lập tức, một chiến sĩ của ta lại viết tiếp: “Nhưng bây giờ chúng ông đã trở lại với sức mạnh vô song. Miền Nam nhất định sẽ giải phóng. Đất nước nhất định thống nhất”. Ta và địch giằng co suốt 3 ngày liền cho đến khi quân địch phải rút lui hoàn toàn. Làm chủ Long Khốt, quân ta mở toang cánh cửa, từng bước tiến công giải phóng đồng bằng Tây Nam Bộ…
Cuộc đối thoại đặc biệt thông qua những dòng chữ bằng than bên bức tường lở là minh chứng cho thấy sự khốc liệt của chiến tranh và ý chí quật cường của Trung đoàn 174, các đơn vị phối thuộc và quân, dân Vĩnh Hưng…
Phóng sự của PHAN TÙNG SƠN
(còn nữa)