QĐND Online - Có một tiểu đoàn với hơn 700 cô gái tuổi mười sáu, đôi mươi, trong những năm tháng "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước", làm nhiệm vụ vận chuyển lương thực, đạn dược cho bộ đội ăn no đánh thắng và làm nên một huyền thoại về "Đội quân tóc dài" của miền Trung khói lửa... Đó là Tiểu đoàn Vận tải 232 (Cục Hậu cần QK) do đồng chí Phạm Thị Thao làm Tiểu đoàn trưởng. Một tiểu đoàn mà trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, những ai đi qua dãy Trường Sơn đều biết và được gọi với cái tên bình dị mà chứa chan bao tình cảm: "Tiểu đoàn bà Thao”...

 

Tôi tìm gặp chị Phạm Thị Thao, tiểu đoàn trưởng nữ vận tải thời chống Mỹ với một sự ngưỡng mộ, kính trọng, tri ân. Trong gian phòng nhỏ của Hội cựu Thanh niên Xung phong (TNXP) Đà Nẵng mà chị làm Chủ tịch, tôi cố lắm cũng không hình dung được người phụ nữ có đôi mắt sáng, nước da trắng, tóc đã điểm bạc này từng là chỉ huy của cả một tiểu đoàn nữ trong những năm tháng chiến tranh ác liệt. Nhưng qua câu chuyện kể của chị tôi càng khâm phục những nữ TNXP mở đường năm xưa về tình yêu, sự hy sinh và khát vọng hoà bình.

Nhìn qua khung cửa nhỏ, chị bồi hồi nhớ lại: “Năm 1966, khi mới vừa tròn 16 tuổi, không chịu nổi khi chứng kiến sự chà đạp của Mỹ-ngụy trên quê hương, mình phải rời bỏ ngôi làng Tân Trà, xã Hòa Hải, huyện Hòa Vang (Quảng Nam - Đà Nẵng) thoát ly gia đình, gia nhập lực lượng TNXP, vận chuyển thóc, đạn dược ở chiến trường Quảng Nam. Những ngày đầu, nhớ nhà, nhớ quê mình không cầm được nước mắt. Nhưng lòng căm thù giặc đốt phá làng quê, giết hại, ức hiếp bà con mình dường như đã tiếp thêm sức mạnh cho mình vượt qua mọi gian khó, say mê lao vào công việc.

Trong 2 năm 1968 - 1969, việc bảo đảm hậu cần ở địa bàn Khu 5 gặp khó khăn, thách thức. Để đảm bảo cho LLVT QK5 chiến đấu trên các chiến trường đòi hỏi phải giữ cho bằng được các hành lang chiến lược. Ngày 8-3-1969, Khu uỷ chỉ đạo Cục Hậu cần thành lập tiểu đoàn 2 vận tải nữ. Từ Tiểu đoàn Bắc Hải, mình sang nhận nhiệm vụ làm Tiểu đoàn trưởng Vận tải 232, quản lý 4 đại đội vận tải, 1 tiểu đoàn bộ, 1 trạm xá và đội sản xuất với hơn 700 nữ chiến sĩ, chiếm 98% quân số đơn vị. Năm 1972, Tiểu đoàn tăng cường thêm 1 đại đội thuyền tham gia mở đường thuỷ từ sông Nước Mỹ về Sông Sơn. Chính trị viên là Nguyễn Thị Kim Thanh; phụ trách sản xuất là chị Phạm Thị Sen. Tuổi đời chị em hầu hết mới mười tám, đôi mươi, nhỏ nhất mới 13 tuổi. Tiểu đoàn thành lập 6 chi bộ, 1 chi đoàn, ngoài nhiệm vụ chính là vận tải súng đạn, thuốc, các loại hàng đặc biệt, Tiểu đoàn luôn SSCĐ đánh địch bảo vệ hành lang, xuống đồng bằng lấy gạo, muối lên phục vụ thương binh, bệnh binh, mở đường Trường Sơn cho xe cơ giới đi qua, chống lầy, làm nhà, kho chứa hàng, chăn nuôi sản xuất.

Với phương châm “đưa lương thực, vũ khí đến gần đơn vị hơn, khẩn trương, kịp thời và chính xác, phục vụ được các nơi trọng điểm ở chiến trường khó khăn và ác liệt nhất”, đơn vị đã luồn rừng, mang hàng trong lúc địch lùng càn, đánh phá ác liệt, liên tục trên các tuyến đường. Có lần 13 chị em nhận nhiệm vụ gùi hàng xuống Quế Sơn, khi trở về bị địch phát hiện bao vây, chúng gọi pháo bắn liên hồi từ 16 giờ chiều đến sáng hôm sau, 6 chị em bị thương, 6 chị anh dũng hy sinh… Có lần, tiểu đoàn nhận gùi kiện hàng là khẩu pháo DKB cao gấp đôi thân người cùng một quả đạn 100kg. Không ai cõng nổi, tôi động viên chị Huấn, thế là hai chị em nhận nhiệm vụ. Hàng cồng kềnh, lại leo đèo, lội suối suốt 4 ngày trường, cuối cùng chúng tôi cũng vượt qua. Một lần, khi hành quân qua sông Nước Oa trong mùa mưa lũ, để kịp chuyển hàng ra mặt trận, Chính trị viên phó đại đội Nguyễn Thị Lâu đã lao mình xuống dòng sông chảy xiết nhằm qua bờ bên kia để buộc dây cho đồng đội vượt sông. Nhưng dòng nước hung dữ cuốn phăng người chiến sĩ thi đua 4 năm liền, người đã từng cõng 19 tấn hàng trong 1 năm… Chị em chủ yếu là ăn sắn củ, măng rừng, củ mài, cây môn thực, cây móc... tự đào lấy, gìn giữ mà ăn, phải phát nương, làm rẫy trồng thêm rau, khoai, sắn, bắp lúa để mà sống. Khi có chiến dịch cao điểm trên bồi dưỡng mỗi người 1/2 lon gạo/ ngày, tối đa chỉ cấp từ 4 - 6 ngày, chị em động viên ăn sắn nhường phần gạo nấu cháo cho anh em thương binh nặng từ chiến trường chuyển lên. Chị em chủ yếu ăn lạc, ăn tro tranh sắn thay muối. Mùa mưa đi gùi hàng là khổ nhất. Tấm ni lông cá nhân để che người phải dành che hàng nên quần áo cứ ướt sũng. Đêm đến, tranh thủ giặt bằng nước tro, rồi dùng củi đốt hong khô, ngày mai có mặc để chuyển hàng ra phía trước.

Chiến trường ngày càng ác liệt, nhu cầu vũ khí đạn dược, lương thực, thuốc men của bộ đội càng cấp thiết nên chị em càng tăng khối lượng mang vác, từ 50 -70 kg, có khi gùi hàng nặng gấp 1,5- 2 lần trọng lượng cơ thể, lập thêm cung trạm, tăng chuyến, tăng bo hàng, tăng thời gian, có chị mang 100kg/chuyến. Với phương châm "đạp 50 cân xuống đất, hất 70 cân sang bên, vì chiến trường mang lên 1 tạ”; tiểu đoàn "ra quân như biển trào bão lốc, xuống đường như đất lở trời long”. Chị Phạm Thị Thao, Nguyễn Thị Huấn, Lê Thị Hồng Lợi, Phan Thị Mười, Hoàng Thị Lựu, Phạm Thị Sen... đạt danh hiệu “kiện tướng hành lang, gương mẫu đảm đang, chân đồng vai sắt”. Trong 4 năm hoạt động, Tiểu đoàn đã vận chuyển 5019 tấn hàng hoá, bình quân mỗi năm vận chuyển 6.250kg với trên 7000 cây số đi bộ. Đến 5-10-1972, Tiểu đoàn giải thể, chị em hầu hết bổ sung vào các đơn vị H1, H2, H3 tiếp tục hoạt động, số còn lại về cơ quan dân chính Đảng làm công tác binh địch vận…”.

Động lực nào giúp các chị vượt qua thử thách? Tôi hỏi. Chị Thao cười: “Sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là khát vọng cháy bỏng, là niềm tin thôi thúc tuổi trẻ chúng tôi. Nhiều khi dưới cơn mưa tầm tã, gùi gạo trên vai mà bụng đói lả, chỉ ăn rau rừng, khoai sắn, chúng tôi vẫn thường hát vang những lời ca tiếng hát ngập niềm tin một ngày chiến thắng để động viên nhau: “Sắn rau, rau sắn ngày ba bữa. Vẫn rực niềm tin lửa chiến công. Nhạt muối thiếu mỳ không nản chí. Trung kiên diệt Mỹ rực niềm tin”. Bây giờ những lần gặp mặt, đồng đội cũ không cầm được nước mắt mỗi khi nhắc tên 58 chị em đã vĩnh viễn không bao giờ trở về, còn nằm lại dọc con đường Trường Sơn máu lửa. Rất nhiều người đã chia sẻ đồng cảm khi biết trong chúng tôi rất nhiều chị trong tiểu đoàn ngày ấy vẫn chưa có mái ấm gia đình, chưa thực hiện thiên chức làm vợ làm mẹ. Nhiều người bị phơi nhiễm do ảnh hưởng chất độc da cam, đời sống còn nhiều khó khăn…”.

34 mùa xuân đã đơm hoa độc lập, kết trái tự do trên mảnh đất Khu 5 "trung dũng, kiên cường”. Các chiến sĩ của “Tiểu đoàn bà Thao” năm xưa có quyền tự hào vì mình đã cống hiến tuổi thanh xuân để viết nên trang sử huyền thoại cho một thế hệ phụ nữ Việt Nam “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” góp vào chiến công chung trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Những chiến sĩ tiểu đoàn năm xưa giờ đã vào tuổi 60-70, họ đang tìm về nhau trong mái ấm đồng đội, trong vòng tay cộng đồng, động viên nhau cùng với thế hệ trẻ hôm nay xây dựng đất nước giàu đẹp, để hình ảnh của những người "Kiện tướng, đảm đang, chân đồng, vai sắt” còn mãi với thời gian.

ĐỖ KIẾM (Báo Quân khu 5)