Thương binh nặng Vũ Văn Hấn và con trai dạo chơi trong khuôn viên trung tâm.

Những mầm xuân hạnh phúc

Tình yêu nảy nở trong cuộc sống của những thương binh nặng quả là điều kỳ diệu, và chính tình yêu đã làm nảy sinh thêm những điều kỳ diệu khác, mà nhiều khi y học đã bó tay. Bên cạnh những tổ ấm như vợ chồng anh Hải, chị Hoa và anh chị Lợi, là những tổ ấm mà niềm hạnh phúc tuyệt vời đã bật lên từ những điều kỳ diệu trong cuộc sống. Thật đẹp biết bao, khi mỗi buổi chiều tà, trên khoảng sân rộng rãi, mát mẻ trong khuôn viên trung tâm, bên cạnh những chiếc xe lăn là hình ảnh những cháu bé bụ bẫm, dễ thương, bày trò chơi nô đùa. Tiếng nói cười bi bô của con trẻ làm cho không gian nơi này như ấm cúng, rộn rã hơn lên. Đó chính là kết quả của những mối tình đầy cảm động...

Theo lời giới thiệu của Giám đốc Phùng Đức Hải, tôi đến thăm gia đình anh Nguyễn Đình Chiểu và chị Trần Thị Kim Hồng ở khu gia đình của trung tâm. Anh Chiểu cũng là thương binh bị bại liệt. Trước khi cưới chị Hồng, anh chẳng bao giờ nghĩ mình sẽ còn khả năng làm chồng, làm cha như một người bình thường. Thế nhưng, tình yêu đã giúp anh làm nên điều kỳ diệu. Sau ngày cưới, được sự tiếp sức của chị, anh tích cực luyện tập và thực hiện các bài vật lý trị liệu. Anh hồi phục sức khỏe rất tốt và đến một ngày, cả trung tâm như vỡ òa niềm vui khi chị Hồng cho ra đời một cháu bé bụ bẫm. Dưới mái nhà nhỏ ấm cúng, chị Hồng chậm rãi kể cho tôi nghe về nỗi truân chuyên của cuộc đời và hành trình đến bến đỗ của con thuyền hạnh phúc mà chị đã chống chèo mười mấy năm qua...

Mối tình đầu đến với chị Hồng khi chị vừa vào tuổi hai mươi. Ngày đó chị xinh đẹp và giỏi giang có tiếng ở khu phố, là niềm mong ước của nhiều chàng trai nơi phố thị phồn hoa. Nhưng rồi duyên phận đã xui khiến người thiếu nữ thành phố Hồ Chí Minh gặp, quen rồi đem lòng yêu anh thương binh nặng Lê Văn Tấn trong thời gian anh nghỉ dưỡng ở gần nhà cô. Anh Tấn bị thương rất nặng nên vết thương hay tái phát, đau ốm liên miên. Năm 1988, anh được đưa về trung tâm điều dưỡng, chữa bệnh. Hồng xin tạm nghỉ việc ở Nhà máy Dệt Thắng Lợi để theo anh Tấn về Long Đất, với tâm nguyện sẽ chăm sóc anh cho đến lúc anh khỏi bệnh thì hai người sẽ làm lễ cưới. Ngăn cản con gái không xong, bố mẹ Hồng tuyên bố từ con. Hồng nén cho nước mắt chảy vào trong, quì lạy xin bố mẹ tha thứ rồi ra đi theo tiếng gọi tình yêu, mang theo một lời nguyền, sau khi làm đám cưới với anh Tấn sẽ về tạ lỗi với bố mẹ. Trước tình yêu mãnh liệt và tấm lòng trong sáng của Hồng, lãnh đạo trung tâm đã tiếp nhận cô vào làm công tác điều dưỡng để có điều kiện chăm sóc anh Tấn được tốt hơn. Nhưng rồi niềm mong ước cháy bỏng của cô đã không thành sự thật. Sức khỏe anh Tấn càng ngày càng yếu. Sau 3 năm dốc cạn nỗi niềm và nghị lực, Hồng và tập thể thầy thuốc, điều dưỡng viên ở trung tâm vẫn không thể kéo dài sự sống cho anh Tấn được lâu hơn nữa. Một ngày đầu xuân năm 1991, anh Tấn cố gượng hết chút sức lực còn lại nói với Hồng: “Em đã cho anh một cuộc sống thứ hai... Ngàn lần anh mang ơn em...”, rồi trút hơi thở cuối cùng... Hồng khóc cạn nước mắt. Cô để tang anh Tấn như một người vợ để tang chồng và tự nhủ lòng mình, sẽ ở vậy suốt đời để giữ mãi mối tình sắt son nhưng đầy bi kịch với anh Tấn. Một năm... hai năm... rồi năm năm trôi qua kể từ ngày anh Tấn ra đi vĩnh viễn, nhiều chàng trai đã tìm đến với Hồng, nhưng cô không nhận lời đến với ai cả. Nhớ thương anh Tấn bao nhiêu, cô biến thành nghĩa cử trách nhiệm cao cả chăm sóc, nuôi dưỡng các đồng đội cùng cảnh ngộ với anh ở trung tâm này. Một trong những người được lãnh đạo trung tâm giao cho Hồng trực tiếp chăm sóc là anh Nguyễn Đình Chiểu. Cũng như anh Tấn ngày nào, anh Chiểu là thương binh bị bại liệt. Hồng thương anh Chiểu như một người em gái đối với anh trai. Anh Chiểu cũng hết mực quí mến Hồng. Một ngày cuối năm 1995, sau khi được Hồng chăm sóc xong, anh Chiểu đưa bàn tay lên run run nắm lấy tay Hồng, gương mặt anh đỏ bừng. Và cuối cùng anh cũng nói được điều mà anh ấp ủ lâu nay:

- Anh ấy (anh Tấn) và tôi là đồng đội, lại cùng cảnh ngộ. Anh ra đi đã hơn 5 năm rồi. Thực tình tôi rất thương em...

Đêm ấy Hồng thao thức không ngủ được. Tự đáy lòng, cô không muốn có một người đàn ông thứ hai trong đời mình, ngoài người đã nằm yên dưới mộ. Những lời của anh Chiểu làm Hồng quá bất ngờ. Nếu như đó là một chàng trai bình thường khác, cô đã từ chối như đã từng từ chối những người trước đó. Nhưng anh Chiểu thì khác. Những người ở trung tâm biết chuyện thì ra sức vun vào, nhất là những đôi lứa cùng cảnh ngộ đã nên duyên chồng vợ. Hồng đón nhận tình cảm của anh Chiểu. Mấy mâm cơm ấm cúng, dưới sự chứng kiến của lãnh đạo trung tâm, đồng đội thương binh nặng và những người thân, anh Chiểu, chị Hồng kết duyên trăm năm. Thật kỳ diệu, sau ngày cưới, càng ngày anh Chiểu càng thấy người khỏe ra. Anh tự điều khiển được xe lăn và ăn uống rất ngon miệng. Cả hai anh chị mừng vui, hạnh phúc khôn xiết khi chức năng làm chồng, làm cha của anh dần dần hồi phục theo thời gian. “Ở nơi chín suối, anh ấy chắc đang rất mừng cho hạnh phúc của anh và em nên đã phù hộ cho chúng ta đấy”. – Anh Chiểu nói vui thế. Chị Hồng chứa chan hạnh phúc. Vâng! Đúng là như thế. Những người lính, ngay cả khi biết mình không thể sống, vẫn luôn mong người thân của mình được hưởng hạnh phúc. Anh Chiểu, chị Hồng ạ! Chắc chắn ở thế giới bên kia, anh Tấn cũng đang mong như vậy đấy!

Bây giờ thì anh chị đã có hai cháu, một trai, một gái. Các cháu mang ánh mắt của mẹ, chứa nụ cười của cha nên đứa nào cũng xinh đẹp, dễ thương. Kết quả của tình yêu đó giống như một ân phúc của tạo hóa ban cho chị Hồng, một người phụ nữ đa đoan nhưng đầy lòng nhân ái, bao dung...

Theo đề nghị của lãnh đạo trung tâm, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã cấp cho trung tâm một khu đất khá đẹp cạnh trung tâm điều dưỡng để xây dựng khu gia đình. Những cặp vợ chồng thương binh nặng sau ngày cưới được cấp đất, hỗ trợ làm nhà. Đến nay đã có ngót chục nóc nhà. Đó là mái ấm của các gia đình: Chị Hoa - anh Hải, anh chị Lợi, anh Chiểu - chị Hồng, anh Hấn – chị Tâm, anh Chính – chị Tươi... Mỗi tổ ấm dưới một mái nhà ấy đều được xây dựng nên bằng những câu chuyện tình ngỡ như huyền thoại. Khu gia đình thương binh nặng ở Long Đất được nhiều người gọi bằng cái tên đầy ý nghĩa - làng Thương Binh. Cuộc sống, sinh hoạt của những gia đình ở đây gắn chặt với hoạt động của trung tâm. Những người có sức khỏe ổn định thì định kỳ mỗi tuần vài lần vào khu điều dưỡng khám sức khỏe, thực hiện các chế độ điều trị. Những người sức khỏe yếu hơn thì ngày vào trung tâm, tối về nhà hoặc ở lại các phòng điều dưỡng. Mỗi lần có một thương binh đau ốm nặng, trung tâm lại đưa đi điều trị ở các bệnh viện và cử y sĩ, điều dưỡng viên đi theo chăm sóc. Cho dù ở đâu và trong hoàn cảnh nào, những thương binh nặng cũng được quan tâm, chăm sóc với tất cả tình cảm, lương tâm và trách nhiệm của cán bộ, điều dưỡng viên, mà trong số họ, nhiều người đang là vợ của thương binh nặng...

Tôi bước chậm rãi cùng Giám đốc Phùng Đức Hải đến thăm nơi ăn nghỉ của các thương binh. Gió biển thổi về mát rượi hất tung mái tóc muối tiêu bồng bềnh của anh. Anh Hải cũng là một thương binh, gắn bó với trung tâm này hơn 27 năm nay. Một thương binh đang cùng tập thể những con người giàu lòng nhân ái chăm sóc, nuôi dưỡng những thương binh khác, âu cũng là cái ân phúc ở đời. Tâm sự với tôi, anh ít nói về bản thân và những công lao của trung tâm, bởi theo anh, đó là công việc của đạo lý. Mình có làm được bao nhiêu đi nữa, có hy sinh, cống hiến bao nhiêu đi nữa, cũng không thể bù đắp hết những mất mát, hy sinh của những cuộc đời đã xả thân vì Tổ quốc. Đạo lý uống nước nhớ nguồn, làm được càng nhiều càng tốt, chứ khó có thể làm cho đủ. Anh Hải nói nhiều về những mái ấm hạnh phúc của những thương binh nặng. Theo anh đó là điều tuyệt vời nhất trong những điều tuyệt vời. Nó đẹp như những huyền thoại và nhờ đó, nhiều thương binh như đã được sống lại một quãng đời đẹp nhất trong buổi hoàng hôn của đời người. Ai cũng mong cho các anh được như thế, và các anh xứng đáng được hưởng những niềm hạnh phúc ngọt ngào như thế. “Mỗi khi có một đám cưới của thương binh nặng được tổ chức, cán bộ, nhân viên của trung tâm lại lâng lâng, xao xuyến ngỡ như là hạnh phúc của chính mình vậy”-anh Hải nói.

Chia tay Trung tâm Điều dưỡng Thương binh nặng Long Đất, tôi mang theo những cái bắt tay, những nụ cười, ánh mắt chứa đầy niềm tin và mơ ước của những thương binh nặng. Anh Hải, chị Thưởng và nhiều người nữa tiễn tôi như tiễn một người thân. Dọc khoảng sân rộng, chị Thưởng hay liếc nhìn về phía dãy nhà của những thương binh ngồi xe lăn...

Chị Thưởng ạ! Chị đã viết nên một huyền thoại về “cô Tấm” của những thương binh nặng. Nếu bây giờ hoặc một ngày không xa, chị viết tiếp câu chuyện cuộc đời mình bằng một chuyện tình ở trung tâm này thì...

Mà nếu điều đó sẽ đến, nhớ gửi thiệp hồng cho nhà báo đấy nhé!...

Long Đất – TP Hồ Chí Minh, đầu tháng 8-2007

Bài và ảnh: PHAN TÙNG SƠN