Những lời hứa dang dở

Trong căn nhà hẹp ở ngõ 58, phố Tô Vĩnh Diện, phường Điện Biên, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa, cụ Đỗ Thị Tám, 83 tuổi, là mẹ của Thượng tá Hoàng Mai Vui, Phó trưởng phòng Xe máy, Cục Kỹ thuật, Bộ tư lệnh Quân khu 4 không ngơi gọi tên người con trai vừa anh dũng hy sinh trên đường tìm phương án cứu hộ, cứu nạn các nạn nhân trong mưa lũ. Đưa tay chỉ về phía bức tường nơi có treo tấm ảnh người con trai mình, cụ Tám kể: Vui là người con hiếu thảo. Từ ngày còn công tác ở Tây Nguyên cho đến khi về Thanh Hóa, rồi chuyển vào Quân khu 4, khi nào về nhà cũng thăm hỏi, quan tâm đến mẹ. “Tuần trước nó về, nó còn bảo cuối tuần này sẽ về phép rồi lên quê (thị trấn Vân Du, huyện Thạch Thành, Thanh Hóa) đón mẹ xuống, để cả gia đình được quây quần bên nhau. Rồi sẽ đưa con trai của nó ra nhập trường học đại học. Ai ngờ, giờ nó đã hy sinh. Biết con hy sinh vì dân vì nước, nhưng là người mẹ tôi vẫn đau như đứt từng khúc ruột…”.

Hiện trường tìm kiếm 13 cán bộ đoàn công tác hy sinh trong khi làm nhiệm vụ tại Trạm bảo vệ rừng 67 (Phong Xuân, Phong Điền, Thừa Thiên - Huế)

Cách đây hơn 1 tuần, Thượng tá Hoàng Mai Vui vui mừng thông báo với cơ quan con trai anh là Hoàng Mai Trung Hiếu vừa đậu Học viện Y Dược cổ truyền Việt Nam. Và xin phép cơ quan tạo điều kiện để anh ngày 17 và 18-10 này anh về đưa con trai đầu lòng đi nhập học. Niềm vui, niềm tự hào của người bố đang trào dâng với bao cảm xúc thì thông tin trên địa bàn các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế có mưa to đến rất to, gây ngập lụt một số nơi...

Tạm gác lại lời hẹn với con, trưa ngày 11-10, anh lên đường tham gia đoàn công tác của Bộ tư lệnh Quân khu 4 vào tỉnh Thừa Thiên-Huế kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống lũ lụt, tìm kiếm cứu nạn. Trước lúc ra đi, anh gọi điện cho con trai và nói: Các tỉnh phía Nam Quân khu đang bị ngập lụt, bố phải cùng đồng đội đi giúp nhân dân. Mong sao lũ rút nhanh, bà con an toàn, cuối tuần sau bố sẽ về đưa con đi nhập học... Thế mà nay, lời hẹn của người cha đã mãi mãi không còn thành hiện thực được nữa!

Tiếng gió rít, mưa quật trên mái tôn khiến căn nhà vốn đã neo người của Đại úy QNCN Đinh Văn Trung, Đài trưởng 15W, Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Thông tin 80, Quân khu 4, nay càng vang vọng trong sự trống vắng. Có mặt lúc này ở nhà chỉ còn người già và trẻ con, mọi người trong gia đình đều đã có mặt ở Huế, chuẩn bị cho lễ tang của 13 đồng chí hy sinh khi đang làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn ở Rào Trăng 3.

Ở cái tuổi 73, ông Đinh Văn Đống không ngờ có ngày mình sẽ phải để tang con trai, đứa con đã chịu nhiều thiệt thòi từ nhỏ khi mới 9 tuổi đã không còn mẹ, lớn lên trong sự nuôi dưỡng, chăm sóc của bố và 3 chị gái. Từ khi biết tin con trai mất tích, ông Đống không đêm nào ngủ được. Ông biết, trụ cột trong gia đình đã mất đi, lúc này ông phải là trụ cột, gồng mình vượt qua căn bệnh tim tiền sử 7 năm nay để tỏ ra mạnh mẽ, làm chỗ dựa tinh thần, cùng con dâu gắng gượng vượt qua, tiếp tục chăm sóc 2 đứa con thơ.

Đại úy QNCN Đinh Văn Trung mất đi để lại hai đứa con thơ.

Cùng đồng đội có mặt giúp gia đình từ hôm xảy ra sự việc, Đại úy Lê Xuân Sơn, Chính trị viên Tiểu đoàn 2 kể: Nhìn vợ anh Trung, chị Nguyễn Thị Anh nhiều lần ôm đứa con trai 4 tuổi và đứa con gái hơn 11 tháng tuổi gục ngã, khóc nức nở, chúng tôi nước mắt cũng tuôn trào. Đơn vị luôn cử người túc trực bên gia đình để chăm lo sức khỏe, động viên, đồng thời khiến căn nhà bớt cô quạnh.

Anh Sơn kể, ngày Chủ nhật hôm đó, nhận nhiệm vụ lên đường, anh Trung còn chưa kịp ăn trưa, chỉ ăn tạm ít lương khô trên đường đi và hứa xong nhiệm vụ sẽ trở về tổ chức sinh nhật cho cho cô con gái chỉ còn 20 ngày nữa là tròn 1 tuổi. Vậy mà đêm 12-10 định mệnh ấy đã khiến lời hứa trở về của anh Trung mãi mãi không thể thực hiện được.

Cách nhà anh Trung không xa, tại xã Nghi Liên, TP Vinh, Nghệ An, gia đình Thiếu tá Nguyễn Cảnh Cường, Đại đội trưởng Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Thông tin 80, Quân khu 4 cũng chung một nỗi đau mất mát.

Ông Nguyễn Kim Anh (60 tuổi) vẫn nhớ như tin 4 giờ chiều hôm ấy (12-10), đi về nhà không thấy con trai, ông nhắn tin qua zalo thì thấy anh Cường gửi ảnh và nhắn đang ngồi đi thực hiện nhiệm vụ chống lụt bão. Dù đã quá quen với cảnh anh Cường thường xuyên thực hiện nhiệm vụ như vậy nhưng lúc 5 giờ chiều gọi không thấy con nghe máy, ông đã linh tính có chuyện bởi “con mình làm thông tin liên lạc, sao lại không liên lạc được”. Đến sáng hôm sau, vẫn không thấy tin con, ông Kim Anh bắt đầu lo sợ.

“Gia đình tôi 4 đời đi bộ đội nên hiểu rõ đã là bộ đội thì nhiệm vụ nào cũng sẵn sàng, nhất là nhiệm vụ đảm bảo thông tin liên lạc trong mọi hoàn cảnh, mọi hiểm nguy, nhưng nỗi đau này quá lớn. Cường mới cưới vợ cuối năm ngoái, hai người cho có mụn con nào”, ông Kim Anh kìm giọng chia sẻ.

Là đơn vị chiến đấu, Cường ít khi được về nhà, dù chỉ cách có 8km. Trước khi nhận nhiệm vụ, anh Cường đã 3 tuần chưa về nhà và có nói sẽ dành ngày phép về đưa vợ đi khám. Vậy mà...!

Ông Nguyễn Kim Anh xem lại cuộc hội thoại cuối cùng của hai cha con.

Những ngày này, Huế ngập trong biển nước, đến địa chỉ tại đường Lê Ngô Cát, TP Huế, nhìn ngôi nhà cấp 4 của gia đình Đại úy QNCN Trương Anh Quốc, nhân viên Điệp báo Chiến dịch Phòng tham mưu, Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên-Huế đang xây dở dang mà lòng quặn thắt.

Ngôi là sự chắt chiu, vay mượn của anh Quốc và chị Ngô Thị Thanh Nhàn, vợ anh bao năm nay. Vừa lo việc đơn vị, vừa lo việc nhà, anh tranh thủ mỗi khi được về làm quần quật để kịp có chỗ che mưa nắng cho mẹ, cùng vợ và 2 con thơ trước mùa mưa bão.

“Mấy ngày đi theo đoàn công tác giúp dân, mỗi khi gọi điện về nhà anh luôn động viên, dặn vợ cố gắng chăm sóc hai con cho tốt. Anh nói, sau đợt công tác này, anh sẽ xin nghỉ phép để về xây xong nhà cho ba mẹ con có chỗ ở, đỡ phải nay đây mai đó. Rứa mà, Anh ơi! Nhà mình chưa xây xong...!”, chị Nhàn nấc lên nghẹn ngào.

Căn nhà của Đại úy QNCN Trương Anh Quốc đang xây dựng dang dở.

Những viên ngọc sáng ngời phẩm chất trung kiên

Chiều muộn ngày 17-10, mưa vẫn tuôn như chưa hề có dấu hiệu ngớt trên dải đất miền Trung. Bầu trời Đồng Hới vẫn một màu xám xịt. Căn nhà số 41, khu phố 1, tổ dân phố 9, phường Nam Lý, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình – nơi ở của gia đình Thiếu tướng Nguyễn Văn Man vẫn tấp nập người qua lại.

Ngồi lặng nhìn ra ngoài trời mưa, ông Nguyễn Quốc Khâm, là anh trai cả của Thiếu tướng Nguyễn Văn Man hồi tưởng về người em trai út của mình: Man là người sống có lý tưởng từ khi còn là học sinh. Sau khi học xong bậc phổ thông, mặc dù thuộc diện được miễn nhập ngũ vì có 4 anh trai đang tại ngũ nhưng em tôi vẫn quyết tâm viết đơn bằng máu của mình để xin tình nguyện nhập ngũ… Câu nói quen thuộc của em tôi thường nói với các anh, các cháu trong gia đình đó là “cuộc đời mỗi người đều có rất nhiều con đường đi để lập thân, lập nghiệp nhưng con đường đi chân chính và có ý nghĩa nhất là con đường sống vì nhân dân…”.

Ông Nguyễn Quốc Khâm cũng cho biết từ khi người em trai út gặp nạn, gia đình vẫn chưa dám báo tin gì với mẹ của Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, vì năm nay cụ đã 95 tuổi, sợ bà không chịu nổi.

Còn đối với Đại tá Hoàng Xuân Vĩnh, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình – người đã có 5 năm làm việc cùng Thiếu tướng Nguyễn Văn Man ngậm ngùi nhớ lại: “Chiều 12-10 tôi còn gọi điện cho anh Man hỏi có về dự đại hội thi đua yêu nước toàn tỉnh vào ngày 13 được không. Thời điểm đó vụ sạt lở khiến nhiều người mất tích ở thủy điện Rào Trăng 3 vừa xảy ra nên anh Man chỉ nói không về được vì đang trên đường vào tìm phương án cứu hộ những nạn nhân của vụ sạt lở. Không ngờ đó là cuộc gọi cuối cùng". Thiếu tướng Nguyễn Văn Man dù đã chuyển công tác ra quân khu, nhưng tỉnh vẫn trân trọng mời anh về dự đại hội này với tư cách nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Bình. Đại tá Hoàng Xuân Vĩnh cho biết đối với ông Man, chuyện đi vào nơi khó khăn là rất bình thường.

Cũng theo Đại tá Hoàng Xuân Vĩnh, đợt lũ năm 2016, ông Man đang dự lớp bồi dưỡng chính trị ở Hà Nội nhưng đã tạm hoãn việc học để về Quảng Bình trực tiếp chỉ đạo ứng phó mưa lũ. Vừa về, ông đã lên ngay ca nô vào vùng rốn lũ xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa để chỉ đạo cán bộ chiến sĩ hỗ trợ dân chống lũ.

Chia sẻ về tinh thần trách nhiệm của Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, ông Cao Thanh Hải, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Minh Hóa nói: Là một người không ngại khó, ngại khổ, nhiều người không bất ngờ với thông tin anh Man đi vào khu vực sạt lở ở thủy điện Rào Trăng 3 ngay trong đêm. Nhưng khi những hình ảnh cuối cùng về Phó tư lệnh Quân khu 4 được công bố, nhiều người không khỏi xót xa về người đàn ông đứng trong mưa lũ, mũ cối ướt mèm, quần xắn ống cao ống thấp với đôi dép rọ, gió thổi tung áo bạt quân nhu… Từ nay trở đi, chính quyền và nhân dân vùng lũ chúng tôi đã mất đi một chỗ dựa vững chắc mỗi khi thiên tai ập đến, những mùa lũ dữ đổ về…

Thượng tá Lê Tất Thắng, Phó Lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn Thông tin 80, Quân khu 4 giao nhiệm vụ cho 2 đồng chí là Đại úy Nguyễn Cảnh Cường và Thượng úy Đinh Văn Trung trước khi theo đoàn cán bộ vào hiện trường sạt lở tại thủy điện Rào Trăng 3. 

Trong số 13 thi thể thành viên đoàn công tác hy sinh tại Trạm bảo vệ rừng 67 trên địa bàn xã Phong Xuân, huyện Phong Điền (Thừa Thiên–Huế) khi làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, có Đại tá Nguyễn Hữu Hùng, Phó cục trưởng Cục Cứu hộ-Cứu nạn, Bộ Quốc phòng.

Tháng 12-2014, khi đang là Phó tham mưu trưởng Bộ tư lệnh công binh, Đại tá Nguyễn Hữu Hùng chính là người được giao nhiệm vụ chỉ huy các lực lượng quân đội tham gia cứu hộ, cứu nạn vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng (tỉnh Lâm Đồng). Đại tá Hùng đã trực tiếp chỉ huy hơn 300 người của các lực lượng quân đội, trong đó có 110 cán bộ, chiến sĩ công binh Lữ đoàn 293 và Tiểu đoàn 93, đào đường hầm dài 20m để tiếp cận, giải cứu thành công toàn bộ 12 công nhân bị kẹt trong hầm thủy điện Đạ Dâng. Vị chỉ huy giải cứu 12 công nhân sập hầm thủy điện Đạ Dâng ngày nào giờ lại gặp nạn khi trên đường đi giải cứu những công nhân thủy điện khác bị sạt lở núi vùi lấp. Đau đớn thay, người chỉ huy tài ba đó giờ đã vĩnh viễn không trở về…

Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Đình Thụy, Bí thư Đảng ủy xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai (Hà Nội) cho biết: Đại tá Nguyễn Hữu Hùng là con em của địa phương, sinh ra trong gia đình có truyền thống tham gia lực lượng vũ trang. Bố anh là bộ đội, anh em ông người tham gia quân đội, người công tác trong lực lượng công an. Con trai lớn của Đại tá Nguyễn Hữu Hùng hiện nay cũng là sĩ quan công binh, con út đang học lớp 10, các con ông ai cũng học giỏi, năm nào cũng được nhận khen thưởng.

Ông Thụy cho biết: "Anh ấy là con người tốt, sống đúng mực, chững chạc, sống tình làng nghĩa xóm, anh em rất hòa thuận, rất thân thiết với địa phương", ông Thụy chia sẻ về người lính của xóm làng. Ngày nghỉ hay cuối tuần, ông Hùng vẫn hay về thăm nhà, mới đầu tháng ông về còn lên thăm anh em ở Đảng ủy và UBND xã Sài Sơn. Từ lúc hay tin anh Hùng trực tiếp vào Huế tham gia đoàn công tác giải cứu công nhân mắc kẹt sau sự cố sạt lở thủy điện Rào Trăng 3 nhưng không may gặp nạn, bà con hàng xóm láng giềng ai cũng tiếc thương như vừa mất đi một người thân ruột thịt của mình vậy…

Nhìn tấm hình Thượng tá Lê Tất Thắng, Phó Lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn Thông tin 80, Quân khu 4 đang giao nhiệm vụ cho 2 đồng chí là Đại úy Nguyễn Cảnh Cường và Thượng úy Đinh Văn Trung trước khi theo đoàn cán bộ vào hiện trường sạt lở tại Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 mà đồng đội không kìm nổi nước mắt.

Thiếu tá QNCN Phạm Kỳ Sơn, Trợ lý tuyên huấn, Phòng Chính trị Lữ đoàn thông tin 80 (Quân khu 4) chia sẻ: Trưa 12-10, phân đội thông tin sóng ngắn do Trung tá Lê Tất Thắng trực tiếp chỉ huy nhận lệnh cùng Đoàn công tác của Lãnh đạo Quân khu 4 và Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế tiếp cận hiện trường sự cố sạt lở tại Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 (thuộc địa bàn xã Phong Xuân, huyện Phong Điền) làm 17 công nhân tại đây mất tích.

Qua lời kể của một đồng chí may mắn thoát nạn, trên đoạn đường ấy phân đội thông tin cực kỳ vất vả vì ngoài quân tư trang, các anh còn mang mỗi người một bộ máy thông tin được buộc chặt sau lớp áo mưa chật cứng. Nhiều đoạn đường phải trèo đèo lội suối hay bùn sình, đất đá ngập chân rút mãi không lên nhưng các anh vẫn rất cẩn trọng bảo đảm an toàn khô ráo, sạch sẽ cho máy móc thông tin, bảo đảm TTLL kịp thời và thông suốt được ngay.

Do địa hình đồi núi hiểm trở nên tín hiệu thông tin chập chờn, bất chấp mưa to, gió lớn các anh đã không quản ngại trèo lên cột cờ của trạm triển khai ăng ten 2 cực để nối thông liên lạc. Đúng 20 giờ 15 phút, phiên liên lạc đầu tiên với sở chỉ huy tiền phương được nối thông trong sự vui mừng của 2 đầu sóng điện.

Phiên liên lạc cuối cùng, các anh còn hẹn đài sở chỉ huy tiền phương đúng 5 giờ sáng hôm sau mở máy liên lạc. Nghiệt ngã thay, đồng đội đâu ngờ rằng, phiên liên lạc ấy là phiên liên lạc cuối cùng với các anh. Lời hẹn nhắc nối thông liên lạc vào sáng hôm sau mãi mãi các anh không bao giờ thực hiện được nữa.

Các anh đã ngã xuống nhưng những đồng đội của các anh sẽ vẫn tiếp nối nhận nhiệm vụ, vì mệnh lệnh xuất phát từ trái tim, dũng cảm đi vào “tâm bão” Rào Trăng để cứu những người dân còn đang mắc kẹt chưa về được. Vì Tổ quốc, vì nhân dân, các anh mãi mãi là những viên ngọc sáng ngời phẩm chất trung kiên.

Bài, ảnh: NHÓM PHÓNG VIÊN BÁO QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN