Ngồi trên xe về Hướng Hóa (Quảng Trị), một vùng đất mang nhiều vết thương bởi bom đạn, trong chúng tôi dường như ai cũng ám ảnh bởi sự khốc liệt mà chiến tranh đã gây ra cho vùng đất này. Nơi đây, trong chiến tranh, đã có ngày phải hứng chịu 1.800 trái bom tấn, hàng nghìn trái đạn pháo trút xuống và cơ man nào mìn và đạn nổ... Tới tận bây giờ vẫn còn những người dân chết và bị thương vì bom, mìn còn sót lại...
Công binh nơi bản vắng, rừng xa
Tháng 5-2008, khi nắng hè giội lửa xuống núi đồi Hướng Hóa, Đội dò tìm số 4, Cụm 1, thuộc Trung tâm Công nghệ xử lý (CNXL) bom mìn được giao nhiệm vụ rà phá trên diện tích rộng 70 ha thuộc xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Dự án này kéo dài 3 tháng, nhằm tạo điều kiện để nhân dân trên địa bàn (hầu hết là đồng bào Vân Kiều) ổn định cuộc sống, mở rộng diện tích canh tác, góp phần xóa đói, giảm nghèo.Đây là một trong số hàng loạt dự án Bộ Quốc phòng giao cho Trung tâm CNXL bom mìn “hồi sinh cho những vùng đất chết” trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Địa điểm trú quân của Đội 4 là một lớp học nằm trong bản Cu Vơ 2, một bản tái định cư cho hơn 300 đồng bào Vân Kiều, nằm trên dải Trường Sơn. Cu Vơ 2chỉ cách địa danh nổi tiếng - thị trấn Khe Sanh - khoảng 18 km, nhưng phải mất tới gần 2 giờ, chiếc xe việt dã mới đưa chúng tôi đến được bản. Con đường đất đến Cu Vơ 2 chạy vắt qua các đỉnh núi, có nhiều dốc cao, dựng đứng. Khi xe lên dốc, người phải dồn ra phía trước và ngược lại khi xuống dốc phải dồn người về sau để xe khỏi bị lật. Nếu trời mưa, đường dốc sẽ rất lầy và trơn, ngay cả đi bộ cũng là điều không thể. Mưa rừng miền tây Quảng Trị tai quái, dầm dề, có khi mưa cả tuần, tiếp phẩm không thể ra thị trấn, anh em trong đội lại “ca điệp khúc” cá khô, rau rừng.
 |
Tỉ mỉ dò tìm trên từng xăng-ti-mét đất |
Đóng quân ở một nơi còn nhiều thiếu thốn, địa hình phức tạp, thời tiết khắc nghiệt, nên sinh hoạt của anh em trong đội gặp rất nhiều khó khăn. Để có được nước sinh hoạt, anh em phải sang đồi bên cạnh xin dân bản từng thùng. Ban ngày tất cả tập trung cho công việc, đêm về cả đội quây quần bên ngọn đèn dầu, nghe gió lùa qua các khóm lau heo hút và kể chuyện người thân nơi quê nhà cho vợi nỗi nhớ...
Những bước chân thầm lặng
Một ngày làm việc bắt đầu. Thiếu úy Nguyễn Đình Tuấn tổ chức cho phân đội căng dây, cắm cờ một vệt dài tuyến dò… Nắng đổ xuống, mũ cứng không che được vai, mồ hôi ướt đầm, chảy tràn trên từng gương mặt cán bộ, chiến sĩ. Đôi tai các anh căng ra nghe những tín hiệu hồi về trên nền nhiễu lạo xạo của máy dò. Ở một tuyến khác, hố sâu đã đào hơn 1 mét, những bàn tay thay xẻng đang cào vào lòng đất, từng lớp, từng lớp. Khi mồ hôi đã chảy thành vệt trong làn áo mỏng thì tay các anh chạm vào vỏ thép lạnh lẽo! Một trái đạn pháo chưa kịp nổ! Quên cả nắng nóng, lại hì hục bới. Khoảng mươi phút sau, trái đạn được “bế” lên mặt đất. “Thần chết” ẩn trong vỏ thép xù xì, hoen gỉ. Ở một hố khác, từng lưỡi xẻng thận trọng gạt lớp đất, từng tí một, từng lớp một… thời gian cứ chầm chậm trôi. Thượng úy Thăng cười, bảo với chúng tôi: “Công việc này đòi hỏi sự kiên nhẫn, tỉ mỉ và cực kỳ chính xác… Một sơ suất xảy ra là hậu quả khôn lường!”. Nắng đã tắt, trời tối dần. Có nghĩa là hố này lại mất thêm ngày nữa….
Sáu ngày trong tuần không kể nắng hay mưa, cứ 6 giờ sáng là anh em Đội dò tìm số 4 bắt đầu tập hợp, quán triệt nhiệm vụ trong ngày, làm công tác chuẩn bị và tổ chức hành quân ra “mặt trận”. Để đến khu vực “tác chiến”, anh em phải vác trang bị vượt qua 3 triền đồi. Công việc rà bom mìn, vật nổ của đội được chia thành 3 công đoạn: Phát quang bụi rậm, dò tìm bằng máy dò mìn và dò tìm bằng máy dò bom. Đội được chia thành 3 tổ, mỗi tổ phụ trách một công đoạn, mỗi người phụ trách một phần việc với khoảng cách an toàn nhằm giảm thiểu rủi ro.
Một trong những yêu cầu khắt khe trong công tác dò tìm là phải tập trung cao độ, không được phép nói chuyện khi tác nghiệp. Chính vì vậy, chúng tôi thấy những người lính công binh bước đi chầm chậm cùng chiếc máy dò, âm thầm tiến hành công việc, dồn toàn bộ tâm lực để theo dõi và lắng nghe tín hiệu phát ra từ đầu dò. Khi máy dò phát hiện được mục tiêu, người điều khiển máy đánh dấu điểm, sau đó phải xác định độ sâu, độ rộng và lệnh cho một thành viên trong tổ tiến hành đào tìm mục tiêu.
Đại úy Bùi Văn Nam, người đã có thâm niên hơn 10 năm “khai quật tử thần” giơ cao một trái mìn lép và nói: “Đào tìm bom, mìn là công việc hết sức nguy hiểm, đòi hỏi người lính phải có đủ kỹ năng, hiểu biết, kinh nghiệm, tuyệt đối thận trọng, thao tác chính xác. Nếu chỉ sơ suất va đập vào kíp nổ thì tác hại khôn lường”. Anh đặt trái mìn hoen gỉ xuống, ngậm ngùi kể lại, đã có lần anh phải đi gom xác một đồng đội, khi quả bom bi tai quái phát nổ tức thì.
Trung úy Nguyễn Công Hưởng, Đội phó Đội 4 giải thích trên nền một điểm vừa đánh dấu: “Có những vật nổ nằm sâu tới 7m, có khi phải mất tới vài ngày. Anh em luôn trong trạng thái cực kỳ căng thẳng, bóc khẽ từng lớp đất đá mới đưa được vật nổ lên mặt đất”.
Thiếu tá Vũ Hữu Trực, Đội trưởng Đội 4, tỏ ra khá tin tưởng cấp dưới trong công việc đào tìm vật liệu nổ. Anh chỉ về phía đồng đội đang lặng lẽ dò tìm trên các sườn đồi và nói: “Anh em trong đội đều đã được huấn luyện rất kỹ quy trình thao tác kỹ thuật, nguyên tắc làm việc, được trang bị đầy đủ kiến thức, nguyên lý hoạt động của các loại vật nổ nên tôi rất yên tâm. Tôi dành nhiều quan tâm tới việc vận chuyển an toàn vật liệu nổ về nơi tập kết, đặc biệt nếu là bom sẽ đòi hỏi có sự tham gia của nhiều người. Việc chuyển những trái bom nặng hàng trăm ki-lô-gam còn nguyên kíp nổ trong địa hình rừng núi hiểm trở, chênh vênh là một công việc rất khó khăn và chứa đựng nhiều rủi ro”.
 |
Bom vượt dốc núi về nơi tập kết |
Mặc dù cuộc sống còn nhiều thiếu thốn, công việc khó khăn vất vả và nguy hiểm, nhưng lính dò mìn của Trung tâm vẫn rất lạc quan, xác định tốt nhiệm vụ. Nhìn anh em cười nói, đọc thư cho nhau nghe trong lúc giải lao, không ai có thể nghĩ họ vừa đối mặt với “tử thần”. Đại úy Bùi Văn Nam bộc bạch:
“Đã là người lính thì không có lý do gì sợ hy sinh, gian khổ. Hơn 20 năm quân ngũ, trong đó 10 năm là lính công binh rà phá bom mìn, tôi cũng có những đam mê nghề nghiệp. Chẳng hạn, như khi dò tìm được một quả bom, tâm trạng rất nhẹ nhõm, khi nghĩ rằng đã loại trừ được bao hiểm họa. Tôi chỉ day dứt một điều là không giúp đỡ được nhiều cho vợ con ở quê xa”. Với Thiếu úy Nguyễn Đình Tuấn, mới chỉ vào “nghề” được 3 năm thì cứ nghĩ đến việc giải phóng nhiều héc-ta, trả lại sự bình yên cho đất anh lại quên hết hiểm nguy.
“Kẻ thù giấu mặt trong đất, cũng là những bí ẩn, thách thức”, Tuấn bảo vậy.
Màu xanh bình yên
Những quả đồi, khe suối Hướng Hóa giờ đây màu xanh cây lá trùm lên ngút tầm mắt, nhưng nhiều nơi vẫn là màu xanh chưa bình yên. Trong hơn 2 tháng làm nhiệm vụ trên phạm vi 60ha “đội mưa, gánh nắng” lầm lũi trên những điểm cao, triền đồi, đơn vị đã dò tìm được 2 quả bom loại 500 bảng Anh (khoảng 230kg) còn nguyên thuốc nổ; hàng chục quả đạn pháo, cối các loại, đạn M79 còn nguyên kíp; hàng trăm viên đạn và rất nhiều mảnh bom mìn các loại. Anh nói: “Các loại bom, đạn đó hoàn toàn có thể gây thương vong nếu bị kích nổ. Có một số loại vật nổ, đặc biệt là bom có bán kính sát thương rất lớn”. Theo kế hoạch, đội 4 sẽ tiếp tục rà phá vật nổ trên 10ha còn lại trong vòng 2 tuần nữa, trước khi bàn giao toàn bộ 70ha không còn ô nhiễm bom mìn cho địa phương. Chúng tôi hiểu, khi đó mới là màu xanh bình yên.
Ông Hồ Văn Phổ, Trưởng bản Cu Vơ 2 hồ hởi: “Sau 2 năm định cư ở đây, dân bản dù được Nhà nước hỗ trợ tiền làm nhà, đào giếng, xây trường học, cấp bò… nhưng đời sống vẫn khó khăn do thiếu đất canh tác. Nay bộ đội về giúp tháo gỡ bom đạn, dân rất cảm ơn. Thấy bộ đội vất vả, đi làm từ lúc bà con vẫn còn ngủ đến tận lúc bà con ăn tối mới về, chúng tôi thương lắm. Sau này, khi có nhiều lúa, nhiều bò, dân biết ơn bộ đội nhiều”.
Ngay tại Cu Vơ 2, chúng tôi gặp ông Hồ Pá Un, nạn nhân của vật nổ còn sót lại. Ông cho biết mấy năm trước khi ông cuốc rẫy trúng mìn. Tai nạn đó đã lấy đi của ông một bàn tay và để lại vô số vết sẹo trên mặt và cơ thể ông. Ông nói: “Nó làm tôi sợ không dám đi làm nương nữa. May nhờ có bộ đội về giúp, nếu không chúng tôi không biết làm gì để sống”.
Già bản Hồ Pá Thường vấn điếu thuốc to như tổ sâu, góp chuyện: “Không chỉ ông Un là nạn nhân của vật nổ còn sót lại, những thôn trong vùng có người bị chết, cũng có người bị cụt chân. Nhiều người dân thấy vậy bỏ luôn cả nương rẫy”. Ông nói: “Đứa nào ít sợ cũng không dám cuốc nhiều, làm nhiều nên dân bản ít lúa, ít ngô, nghèo lắm. Bây giờ làm việc trên những mảnh đất sạch, người bản mình yên tâm lắm..”.
Vậy là sẽ có thêm một vùng đất được hồi sinh, sẽ có thêm một số dân có cơ hội thoát khỏi đói nghèo. Nhưng vẫn còn đó hàng chục nghìn ki-lô-mét vuông với rất nhiều loại bom mìn, vật nổ nằm rải rác dưới lòng đất, luôn rình rập gây thương vong cho những người dân vô tội. Cuộc chiến đấu thầm lặng của những người lính công binh rà phá bom mìn, vật liệu nổ vẫn đang đợi phía trước. Vẫn còn nhiều vùng đất đang mong mỏi bước chân lặng lẽ của các anh để màu xanh ngô lúa, hồ tiêu bội thu, màu vàng của đàn bò sinh sôi nảy nở…
Bài và ảnh: THU HÙNG – PHÚC THẮNG