Họa sĩ Đinh Gia Thắng và Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ.

Cơ sở đúc tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng nằm lặng lẽ phía sau nhà thi đấu của Trung tâm TD-TT Quốc phòng III. Nhà xưởng còn sơ sài, ngổn ngang vật liệu. Tôi tìm mãi mới nhận ra họa sĩ Đinh Gia Thắng, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, tác giả tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng - công trình văn hóa cấp quốc gia trong số những công nhân đang miệt mài chạm khắc, lưng áo đẫm mồ hôi. Khác với vẻ đạo mạo ở văn phòng (tại 90 Lê Đình Lý, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng) trong vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty TNHH xây dựng, thương mại Mỹ thuật Đà Nẵng 2, trông anh bây giờ giống thợ hơn giống thầy. Giới điêu khắc hội họa miền Trung nhận xét: “Công lực” của "tay" này rất đáng nể, có thể làm việc liền một mạch từ sáng đến chiều bất chấp thời tiết, thậm chí không cần ngủ nghỉ, ăn trưa. Có lẽ khi cảm xúc thăng hoa, với người nghệ sĩ, ranh giới thời gian hầu như bị xóa nhòa.

Hoạ sĩ Đinh Gia Thắng, sinh năm 1957. Năm 24 tuổi, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội, chàng trai đất Hà thành theo gia đình vào Đà Nẵng lập nghiệp. 28 năm gắn bó với nghề, chỉ riêng lĩnh vực điêu khắc, anh đã có nhiều tác phẩm gây được tiếng vang trong làng mỹ thuật: Tượng đài 7 dũng sĩ Điện Ngọc; Tượng đài Chiến thắng Khâm Đức; Tượng đài Xuân Mậu Thân 68; Tượng đài Liệt sĩ Tam Kỳ, Phú Ninh (Quảng Nam), Tượng đài chiến thắng Gò Hà (Đà Nẵng)... song Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng mới là tác phẩm lớn nhất và ý nghĩa nhất. Họa sĩ Đinh Gia Thắng tâm sự:

- Từ lâu tôi đã nung nấu ý tưởng này. Bà mẹ Việt Nam, những người "Nhẫn nại nuôi con, suốt đời im lặng", "Biết hy sinh nên chẳng nhiều lời". Khi UBND tỉnh Quảng Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động cuộc thi sáng tác, kêu gọi đóng góp xây dựng Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, mong muốn ấy càng thôi thúc mãnh liệt hơn trong tôi. Đặc biệt, khi Ban tổ chức xác định địa điểm đặt tượng đài ngay đồi yên ngựa thuộc núi Cấm (xã Tam Phú, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) nơi sơn thủy hội tụ, vừa có vẻ đẹp của thiên nhiên, vừa mang ý nghĩa lịch sử-văn hóa sâu sắc, tôi cảm nhận ở vùng địa linh của xứ Quảng này dường như thiên nhiên, đã an bày sẵn cho việc dựng Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng. Trong tôi trào dâng mạch nguồn cảm hứng: Mẹ là suối nguồn bao la vô tận. Mẹ là linh hồn của đất nước. Mẹ sinh ra từ mảnh đất anh hùng, sinh ra những người con anh hùng và hóa thân vào hồn thiêng sông núi Việt Nam. Mẹ sống mãi ngàn đời với các thế hệ con cháu. Mẹ tiếp thêm nguồn lực cho thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ những cảm xúc ấy, tôi lập tức phác thảo bức tượng bán thân Mẹ Việt Nam anh hùng gắn với các vách núi đá và dòng nước chảy như suối nguồn vô tận.

Toàn khối tượng đài do họa sĩ Đinh Gia Thắng sáng tác có chiều cao 18m, chiều rộng 101m, được làm bằng chất liệu đá sa thạch (khoảng hơn 1.000m3), mang hình dáng của một ngọn núi nhô cao ở giữa và thoải dần hai bên. Chính giữa là bức tượng bán thân chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng lấy nguyên mẫu mẹ Nguyễn Thị Thứ (Điện Thắng, Điện Bàn, Quảng Nam). Để thể hiện cái "thần" của mẹ Thứ, ngoài ba lần trực tiếp đi thăm, trò chuyện cùng mẹ, họa sĩ Đinh Gia Thắng đã nghiên cứu rất kỹ các bức ảnh chụp chân dung mẹ ở nhiều hướng khác nhau. Khi thể hiện bằng hình khối, anh đặc tả những nét đẹp nhân hậu, bao dung, độ lượng mà bình thản, ung dung, tự tại của mẹ. Mẹ như đang dang rộng vòng tay động viên tiếp sức cho con cháu hôm nay và mai sau vững bước tiến lên. Hai bên khối tượng mẹ là hai vách đá được tạo hình giống như những khối đá tự nhiên kết nối liên tục với nhau nhưng được cách điệu khéo léo bằng những hình khối đa dạng, đa chiều theo một nhịp điệu uyển chuyển, với cung bậc của tiết tấu và giai điệu từ thấp đến cao, như một bản giao hưởng hùng tráng được biểu đạt bằng ngôn ngữ điêu khắc đá. Hai bên vách đá thể hiện gương mặt những người con thấp thoáng theo phương pháp nghệ thuật gợi tả, chấm phá nhằm tôn vinh hình tượng người mẹ và gợi mở cho người xem nhiều suy tưởng sâu sắc, đẹp đẽ về mẹ Việt Nam, về đất nước, con người Việt Nam trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Hình tượng này cũng gợi lên hình ảnh hoành tráng về một đất nước hòa bình, thống nhất, con cháu ba miền sum vầy quanh Mẹ hiền Tổ quốc.

Khối tượng đài chính được gắn kết với hồ nước lớn hai tầng, tạo nên hình ảnh hòa quyện sơn thủy hữu tình. Những làn nước trong vắt chảy lặng lẽ từ các vách đá xung quanh thân mẹ xuống các tầng hồ thể hiện sự hiến dâng âm thầm của mẹ đối với các con, đối với Tổ quốc. Tình cảm đó dạt dào như suối nguồn không bao giờ vơi cạn. Theo quy hoạch kiến trúc, tượng đài sẽ đặt trong hệ thống không gian công viên có quảng trường, cổng, đường dẫn chính, sân hành lễ, đài và hậu đài... Tại quảng trường có 8 cột huyền thoại mẹ, chạm khắc hình ảnh những bà bủ, bà bầm ở Việt Bắc, bà mế ở Tây Bắc trong kháng chiến chống Pháp; mẹ Suốt, bà má Trung Bộ, Nam Bộ cùng các nữ thanh niên xung phong trên đường Hồ Chí Minh những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, được thiết kế như một "cổng ảo" cho công viên tượng đài... Không gian đó sẽ không chỉ là nơi mọi người đến tôn vinh, tưởng nhớ Mẹ Việt Nam anh hùng mà còn là nơi trải nghiệm và cảm nhận các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Vừa là tác giả, vừa trực tiếp đảm nhận thi công mỹ thuật của công trình, họa sĩ Đinh Gia Thắng cùng ê kíp đang tích cực khẩn trương thi công tượng mẫu (tỉ lệ 1:1). Anh tâm sự: "Đây là công trình cấp quốc gia được nhân dân cả nước trông chờ. Đối với tôi đây là vinh dự cũng là trách nhiệm rất lớn lao. Chúng tôi đang làm việc với một cảm xúc tràn đầy hưng phấn. Chắc chắn mạch cảm xúc này sẽ còn nhân lên mãi cho đến khi công trình hoàn thành, dự kiến vào năm 2011".

Bài và ảnh: ĐỖ THỊ NGỌC DIỆP