QĐND - Mấy tháng gần đây, khu vực nam Tây Nguyên thuộc địa bàn tỉnh Lâm Đồng có những trận mưa lớn khiến mực nước ở các sông dâng cao, dòng chảy mạnh. Trên các tuyến sông, có hàng chục bến đò tự phát hoạt động, ẩn chứa nhiều hiểm họa tai nạn đường thủy.
Người dân ở huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng vẫn còn truyền tai nhau về vụ tai nạn thương tâm xảy ra ngày 1-9-2014, do lật đò trên sông Đạ Dâng, thuộc xã Đan Phượng. Hôm đó, chiếc đò tự chế chở 12 người cùng 7 chiếc xe gắn máy vượt sông đã bất ngờ gặp sóng to, gió lớn khiến nó bị lật. Hậu quả là 3 nạn nhân trong cùng một gia đình đã tử vong. Chúng tôi đến khu vực bến đò nơi xảy ra tai nạn, giờ đã thưa vắng khách. Chiếc đò tự chế thường ngày vẫn chở khách, nay được neo đậu cạnh bờ, tròng trành trên dòng nước chảy xiết. Nhiều người dân địa phương cho biết: Cứ sau mỗi vụ tai nạn, số khách sử dụng đò qua sông ở bến đò này để qua địa bàn huyện Di Linh (Lâm Đồng) giảm đi nhiều. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, lượng khách tăng trở lại như cũ, vì nhiều người có nhu cầu "đi tắt" qua sông cho gần.
 |
Đò tự phát đưa học sinh qua sông Đồng Nai thuộc huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng.
|
Cũng trên đoạn sông Đạ Dâng thuộc xã Đan Phượng về hướng hạ lưu, có bến đò "ông Tòng". Tên bến đò được người dân địa phương gọi theo tên của chủ đò là ông Lê Thanh Tòng. Mấy năm trước, thấy nhu cầu khách qua lại tăng cao, ông Tòng đầu tư một chiếc đò và lập bến phục vụ khách để thu phí. Để cố định con đò qua lại trên mặt sông, ông Tòng lắp đặt ròng rọc và dùng dây cáp căng ngang hai bờ sông, lái đò chỉ cần dùng tay kéo dây sẽ tạo lực đưa chiếc đò chở khách qua sông.
Hiện khu vực hai bên bờ sông Đạ Dâng thuộc địa bàn hai xã Gia Hiệp, Đinh Lạc (huyện Di Linh) và xã Đan Phượng (huyện Lâm Hà) với chiều dài khoảng 5km có hơn 250 hộ dân sinh sống. Nhu cầu qua sông của người dân để thăm người thân, đi làm rẫy, hoặc các cháu học sinh đi học là rất cao… Nắm bắt nhu cầu này, những năm qua, nhiều bến đò tự phát đã được lập nên, phục vụ cả ngày đêm để chở khách qua sông. Mỗi người khi qua sông phải trả từ 5000 đến 10.000 đồng. Những bến đò ở khu vực này như bến Duy, bến Cẩm, bến Ne… hoạt động trung bình từ 50 đến 70 chuyến/ngày. Theo một số người dân địa phương, hầu như mùa mưa lũ năm nào tại đây cũng có tai nạn lật đò gây chết người.
Quan sát tại các bến đò tự phát, chúng tôi nhận thấy có hàng loạt vi phạm về an toàn đường thủy. Các phương tiện chở khách rất thô sơ; đò chở khách có khi chỉ là cái bè tự chế, đóng bằng những tấm ván ghép hoặc tre nứa. Khách đi đò không được trang bị áo phao cứu sinh để đảm bảo an toàn. Tại các điểm cập bến ở hai bên bờ, các chủ đò đắp đất và kê những thanh ván gỗ dùng làm đường dẫn cho xe gắn máy và khách lên bờ khi đò cập bến. Khi trời mưa hoặc sơ ý, người và xe rất dễ bị trượt xuống sông.
Xuôi trên sông Đồng Nai thuộc vùng giáp ranh giữa hai tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai. Tại bến đò “Xưa”, nơi giáp giữa xã Đạ Kho (huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng) và xã Nam Cát Tiên (huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) có rất nhiều người dân đang chờ trên bờ để được đưa qua sông. Ông Phạm Văn Bình, chủ bến đò cho biết: “Nhiều năm nay, các học sinh trong vùng đều sử dụng đò để qua sông tới trường. Vì khu vực này chưa có cầu nên tôi mở bến đò nhằm có thêm thu nhập".
 |
Học sinh xã Đạ Kho (huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng) qua sông Đồng Nai để đi học trên đò tự chế thô sơ.
|
Theo Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Lâm Đồng, hiện nay trên các con sông thuộc địa bàn các huyện: Cát Tiên, Lâm Hà, Di Linh, Đam Rông… có tới 30 bến đò, điểm du lịch có hoạt động thủy nội địa với gần 300 phương tiện, trong đó có 218 phương tiện vận chuyển thô sơ. Hầu hết các bến đò đang hoạt động hiện nay đều là bến tự phát, không được cấp phép hoạt động, các chủ đò không có chứng chỉ lái đò; các đò, bè chở khách không có phao cứu sinh... Tình trạng chủ đò dù bị cơ quan chức năng xử phạt, nhưng vẫn tiếp tục tái phạm nhiều lần là khá phổ biến. Đồng chí Trần Văn Tự, Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà cho biết: Huyện đã lập nhiều đoàn tổ chức đi kiểm tra, xử lý các bến đò tự phát, nhưng gặp rất nhiều khó khăn. Các chủ đò thay đổi địa điểm cập bến. Ở khu vực giáp ranh giữa các huyện và các tỉnh, khi chủ đò phát hiện có lực lượng kiểm tra sẽ nhanh chóng thay đổi địa điểm cập bến để né tránh. Tại một số khu vực sông người dân có nhu cầu đi lại cao, huyện đã đề xuất với UBND tỉnh và vận động các nguồn lực để xây cầu. Tuy nhiên, do nguồn vốn còn nhiều khó khăn nên vẫn phải tiếp tục... chờ!
Trao đổi với chúng tôi, đa số người dân đều mong muốn chính quyền và các ngành chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, kiên quyết xử lý những vi phạm tại các bến đò ngang tự phát. Ở những khu vực dân cư đông đúc, có nhu cầu qua sông cao, chính quyền địa phương cần khảo sát, ưu tiên nguồn vốn để xây dựng cầu phục vụ việc đi lại của nhân dân nhằm bảo đảm an toàn giao thông đường thủy, nhất là việc đi lại trong mùa mưa lũ đầy hiểm họa hiện nay.
Bài và ảnh: DŨNG AN