Tấm lòng nhà báo chiến sĩ
Nhiều tổ chức, cá nhân, đoàn thể biết chuyện, ngay sau đó đã đến Báo Quân đội nhân dân để gửi gắm tinh thần, vật chất tới đồng bào Hà Tĩnh, Quảng Bình. Có những nữ ca sĩ nổi tiếng đến tòa soạn Báo Quân đội nhân dân gửi chút tấm lòng thơm thảo, có những lãnh đạo đơn vị bạn tìm đến nhờ báo chuyển giúp bao món quà ý nghĩa. Mọi người đều rưng rưng nghèn nghẹn khi nghe tin lũ dâng cao từng ngày từng giờ ở Quảng Bình, Hà Tĩnh. Ai cũng ngóng những chuyến hàng cứu trợ của Tập đoàn Lộc Trời lăn bánh từ miền Tây đã đi đến đâu, để có thể phối hợp nhịp nhàng cùng đoàn công tác Báo Quân đội nhân dân chuyển hàng cứu trợ tới đồng bào. Trước ngày đoàn công tác của báo lên đường, có bác đại tá dù tuổi đã cao nhưng vẫn tìm đến tòa soạn, bày tỏ tấm chân tình rất muốn được đi cùng đoàn, nhưng do công việc bộn bề không thể thu xếp được nên tin tưởng gửi báo “một tấm lòng son”.
Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Lộc trời trò chuyện, động viên bà con vùng lũ ở xã Hưng Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình). Ảnh: Trần Hoài.
Ban biên tập Báo Quân đội nhân dân sốt sắng, chỉ mong sao cùng Tập đoàn Lộc Trời, các doanh nghiệp quân đội, nhà hảo tâm mang những món quà ý nghĩa, thiết thực trao tặng đồng bào vùng “rốn lũ” sớm nhất có thể. Mọi người đều xót xa bởi “khúc ruột” miền Trung đã chịu bao đau thương mà sao trời cứ mãi thử thách lòng người. Trước giờ xe lăn bánh vào vùng lũ, vẫn có anh em phóng viên xin ban biên tập được đi công tác chuyến này…
“Bà con mình đoàn kết vượt lũ nghe!”
Lũ về đã khổ. Khi “lũ chồng lũ” thì nỗi khổ dâng lên bội phần. Giữa tháng 10-2016, mưa lũ như muốn nhấn chìm Quảng Bình, Hà Tĩnh. Non cao như đường Tây Trường Sơn, đoạn qua đỉnh đèo Đá Đẽo không xa (trọng điểm đánh phá ác liệt của không quân Mỹ từ năm 1965 đến 1972), còn ngập mênh mông nước, thì một nửa huyện Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh) chìm trong biển nước cũng không có gì lạ.
Ngày đoàn công tác của Tập đoàn Lộc Trời và Báo Quân đội nhân dân đi trao quà cứu trợ tại xã Phương Mỹ (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) thấy đâu đâu cũng trắng xóa, chỉ còn thấy những nóc nhà chấp chới. Cũng lúc đó, nước trời vẫn đang đổ về ầm ầm, đau xót. Xuồng chở quà của đoàn công tác đến thăm hỏi bà con đi trên biển nước mênh mông, lượn lách qua những nghĩa trang, ngọn cây, tường rào, dây điện... Nhưng điều khiến chúng tôi xót xa và lo ngại nhất, là khi nhìn thấy những chiếc dép của con trẻ dạt vào bụi tre.
Ngồi trên xuồng băng qua sông Ngàn Trươi, rẽ sang sông Ngàn Sâu tìm đường vào xã Phương Mỹ, mọi người trong đoàn công tác lại nhớ tới lời bác Ngọc Sơn, thay mặt 1.000 hộ dân xã Hưng Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) nhận quà từ Tập đoàn Lộc Trời và Báo Quân đội nhân dân: “Quảng Bình quê ta nắng chưa dứt, mưa đã tới; mưa chưa hết, bão lũ đã về. Đáng ra gạo này, tiền này của đồng bào miền Nam phải để dành gửi ra biên giới, hải đảo, góp phần bảo vệ Tổ quốc. Nhưng nay không may người dân Hưng Trạch nói riêng, Quảng Bình nói chung bị lũ lụt, chúng ta nhận phần quà này nhưng không quên những người lính đang ngày đêm bảo vệ độc lập chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, không quên công ơn của đồng bào miền Nam đã góp gạo ủng hộ chúng ta. Những người con của Quảng Bình hứa sẽ một lòng trung thành với Đảng, nhanh chóng vượt qua khó khăn để vững tin tiến lên phía trước”.
Đồng bào miền Trung đã kiên cường bất khuất bao đời chiến đấu với đủ loại kẻ thù để vượt lên đau thương, chắt bao hoa thơm, mật ngọt dâng đời. Đêm đêm ngóng chờ từng tin thắng trận bên Xuân Bồ/ ôi! nhớ sao các mẹ, các chị dành gạo nuôi quân, nhạc sĩ Hoàng Vân ghi lại như thế trong bài hát “Quảng Bình quê ta ơi”. Và những hạt gạo thấm mồ hôi nước mắt của bà con miền Trung ấy đã góp phần giúp bộ đội ăn no đánh thắng, kháng chiến mau thắng lợi, để có miền Nam, để có “Hạt Ngọc Trời” vượt hàng nghìn cây số đến làm ấm lòng bà con hôm nay.
Hành trình của Tập đoàn Lộc Trời và Báo Quân đội nhân dân như được “chắp thêm đôi cánh” bay nhanh đến với người dân, trao hàng nghìn phần quà đến tận tay bà con xã Lộc Thủy (huyện Lệ Thủy); xã Hưng Trạch, Lâm Trạch (huyện Bố Trạch); xã Vĩnh Ninh, Xuân Ninh, Lương Ninh, thị trấn Quán Hàu (huyện Quảng Ninh), là do có sự hỗ trợ nhiệt tình của Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình. Nhìn thấy màu xanh quân phục hiện ra trong lúc cam go, nhiều người mẹ, người chị đã khóc nức nở: “Thời chiến tranh, các chú bộ đội đánh giặc cứu nước, cứu dân. Thời bình, vẫn là các chú mang gạo, mang tiền đến lúc bà con đang khó khăn... Đúng là Bộ đội Cụ Hồ. Nhân dân chúng tôi thương các chú bộ đội, ơn Đảng, ơn Bác Hồ kể sao cho xiết”.
Lãnh đạo Tập đoàn Lộc trời và Báo Quân đội nhân dân trao quà hỗ trợ người dân ở “rốn lũ” Phương Mỹ (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh).
Khi chúng tôi đến thăm hỏi bà con và trao quà tại xã Lộc Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình)-quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp-thì đại diện 1.000 gia đình đã tập trung đông đủ. Trời mưa, nhưng bà con khoác áo tơi, đội nón đứng đợi đoàn. Cảnh tượng ấy làm chúng tôi nhoi nhói trong lòng. Đồng chí trưởng đoàn công tác nghẹn ngào: “Kính thưa bà con cô bác! Trước hết, chúng tôi phải thật lòng xin lỗi bà con cô bác vì để bà con cô bác đứng đợi...”. Bên dưới rộ lên: “ồ! không có chi các chú ơi. Các chú vượt mưa gió mấy trăm cây số đến đây còn được, chúng tôi đến trước đợi một lúc có hề chi”. Khi chúng tôi băn khoăn, suất quà 200 nghìn đồng thật nhỏ bé, mong bà con ghi nhận ở tấm lòng, đây là tình, là nghĩa. Bà con lại rộ lên: “ồ! Nhiều ít đều quý cả. Tấm lòng của bộ đội, của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm quý như vàng. Quà rất quý, mà tình nghĩa lại càng quý hơn”.
Trở lại chuyện Tập đoàn Lộc Trời. Trong đợt cứu trợ này, tập đoàn chuẩn bị 290 tấn gạo, được chở trên 29 xe tải cỡ đại xa, hành quân từ An Giang đến miền Trung. Tập đoàn phối hợp với Báo Quân đội nhân dân trao 120 tấn gạo, còn lại phối hợp với các cơ quan khác. Riêng “nhánh” làm việc với Báo Quân đội nhân dân có gần 50 cán bộ, nhân viên tập đoàn tháp tùng, tổ chức chặt chẽ chẳng khác nào quân ngũ. Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Huỳnh Văn Thòn là người đàn ông chất phác, nói ít làm nhiều. ở những điểm ông đến trao quà, mọi người luôn thấy dáng ông hòa cùng với bà con. Người đàn ông chất phác ấy có trái tim nhân hậu, nghẹn ngào trước nỗi đau, mất mát của bà con. Đến đâu ông cũng nói vắn tắt: “Bà con mình đoàn kết vượt lũ nghe! Lộc Trời sẽ nghiên cứu để tiếp tục giúp đỡ bà con!”.
“Còn da lông mọc...”
Suốt một tuần chúng tôi ở miền Trung, trời đổ mưa như trút nước. “Mưa ông chưa qua, mưa bà đã tới”, mưa như bầy ngựa hoang vô cớ trút giận. Xe chúng tôi đi trên những cung đường Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây mưa bạc trắng núi rừng. Trên sông Ngàn Trươi, Ngàn Sâu, người dân vẫn lao ra giữa dòng nước lũ để mưu sinh. Ai chẳng biết đó là “đánh đu” với số phận nhưng nếu không có bịch gạo, mớ rau, thì con trẻ ở nhà sao dứt khóc. Người vợ, người mẹ cực chẳng đã mới để chồng con lao vào dòng nước lũ. Lũ trên sông Ngàn Sâu đầu tháng 11-2016 dâng cao, chỉ kém trận lũ lịch sử năm 2010 chút ít. Bao nhiêu sinh lực trong người đã vắt hết ra, để gắng gượng chống lũ, để vượt qua cơn giận dữ của đất trời. Người mất vì lũ vừa mới hạ xuống lòng đất, chưa kịp qua 49 ngày thì mộ phần lại chìm trong biển nước. Với đoàn công tác thì đúng là một đợt hành quân đi “chiến dịch”. 7 ngày 3 lần quay xe tìm đường khác, có khi lòng vòng tìm đường tiếp cận bà con mất gần hai trăm cây số. Hôm đến xã Phương Mỹ, nhìn dòng nước đục ngầu cuồn cuộn đầy bất trắc, đồng chí trưởng đoàn công tác yêu cầu nữ phóng viên trẻ Kim Anh phải ở lại trên bờ, không xuống xuồng cùng đoàn để đến từng hộ gia đình. Kim Anh phải nghiêm lệnh, nhưng sau câu trả lời “vâng ạ” thì cô vội quay mặt đi, hai tay bưng mặt, vai run lên bần bật. Cô khóc. Sau, nghe mọi người kể về độ nguy hiểm của chuyến đi và khẳng định Kim Anh ở trên bờ là đúng, mặt cô trở nên rắn rỏi, nói sắc lạnh: “Làm phóng viên mà không đến được tận nơi tác nghiệp thì chết đi còn hơn!”. Câu nói của cô nhà báo chiến sĩ mới vào nghề đã tiếp thêm sức mạnh cho cả đoàn công tác!
Biết bao hình ảnh đáng nhớ trong chuyến đi, nhưng tôi bị ám ảnh mãi hình ảnh chị Lê Nhung (xã Lâm Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) sau khi nhận quà tặng (20kg gạo và 100 nghìn đồng) của Tập đoàn Lộc Trời và Báo Quân đội nhân dân vừa đi vừa cúi người che cho đứa con 8 tháng tuổi trong bụng. Đi bên cạnh chị Nhung, lòng tôi se sắt lại khi chị khe khẽ hát: Kháng chiến đã giành đất nước về cho đời/ Bóng đất nước hình như bóng dáng con tôi/ ôm con ra mái hiên, nhìn đàn chim rộn ràng hót giữa mùa xuân/ mừng con sẽ góp phần, tương lai con đẹp lắm/ Mẹ hát muôn lần… à á ru hời ơ hời ru... (“Mẹ yêu con”-Nguyễn Văn Tý).
Mắt người mẹ nhòe đi trong cơn mưa nhưng tôi, trong một khoảnh khắc, vẫn thấy ánh mắt chị Nhung toát lên nghị lực phi thường. Tôi nhắm mắt lại, cố hình dung giọt nước mắt của người vợ phải xa chồng trong cả hai trận lũ. Và khi mở mắt ra, tôi chợt thấy khung cảnh thiên nhiên xung quanh một màu tình yêu, tình mẫu tử, thứ tình cảm giản dị mà đẹp đẽ, thiêng liêng đến vô cùng. Lại nhớ Đại tá Đoàn Xuân Bộ, Phó tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân nói chuyện, động viên người dân Hà Tĩnh, Quảng Bình bằng bài dân ca Bình Trị Thiên nổi tiếng “Mười quả trứng”, trong đó có hai câu kết: Chớ than phận khó ai ơi! Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây... Có lẽ, để diễn tả cái khó khăn, vất vả và tinh thần lạc quan, bất khuất vượt lên số phận của đồng bào miền Trung thì không có lời nào súc tích hơn câu dân ca ấy.
THU HIỀN