Cuộc gặp của hai đồng đội cũ

Cũng không mấy khó khăn để tìm được nhà của bác Vũ Trọng Hùng, cựu chiến binh bộ đội tên lửa phòng không, một căn nhà thanh bạch trong khu tập thể Phòng không - Không quân ở Kim Giang.

Khi dắt xe vào đầu ngõ, tôi đã ngờ ngợ chắc là ngôi nhà đó, nơi có một bóng quân phục nhỏ bé nhưng nhanh nhẹn dắt xe máy đi vào. “Phải chăng, tối qua bác hẹn mình khoảng sau 9 giờ sáng thì đến, nên bác đi đâu có việc bây giờ mới về?” - nhưng quả thực là không phải. Tối qua, sau khi nhận điện thoại của tôi, bác Trọng Hùng đã gọi điện đến cho bác Quách Hải Lượng (chính là bác nhỏ bé vừa vào ấy), đại tá cựu chiến binh bộ đội tên lửa, hẹn đến nhà bác để gặp tôi vào lúc 9h30 phút sáng - đúng là kỷ luật nhà binh không sai một phút. Và chính hai người bạn chiến đấu già đã kể cho tôi nghe rất nhiều về những hồi ức chiến tranh của một thời ác liệt.

Thật thú vị khi được nghe chuyện từ những con người, không chỉ là nhân chứng lịch sử, những chiến sỹ đã trực tiếp đối mặt với kẻ thù, mà còn là những nhà trí thức mẫn tiệp. Bác Quách Hải Lượng, nguyên là đội trưởng phiên dịch tiếng Nga của các sỹ quan phiên dịch của lực lượng tên lửa phòng không, thuộc trung đoàn 236 đơn vị đánh thắng trận đầu trên bầu trời miền Bắc (xin nói thêm, ngoại ngữ chính của bác Lượng là tiếng Trung Quốc, tiếng Anh và Pháp bác dùng thông thạo). Tham gia đánh trận này, có hai tiểu đoàn là tiểu đoàn 63 và tiểu đoàn 64 thuộc trung đoàn, đóng ở Suối Hai, Hà Tây. Lúc đó, “người trong ảnh”, đồng chí Trần Phúc Cán là phiên dịch tiếng Nga thuộc tiểu đoàn 63, còn chuyên gia Liên Xô Tô-đo-ra-xcô là sỹ quan RPK (sỹ quan điều khiển nhận phát tin). Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 63 khi đó phía Việt Nam là đồng chí Nguyễn Văn Thân (hiện đang sống tại Hà Nội); tiểu đoàn trưởng phía Liên Xô là trung tá Bô-rix Xtê-pan-nô-vích Mô-gia-ép (người đã bắn rơi chiếc máy bay do thám U2 trên bầu trời tỉnh Xvéc-lốp-xcơ), chỉ huy trực tiếp trận đánh. Trận này, lực lượng tên lửa phòng không của ta đã bắn rơi tại chỗ chiếc F4C và chính thượng uý Quách Hải Lượng là người trực tiếp nhận lệnh của Tư lệnh Phùng Thế Tài đi nhặt xác nó về. Bác Lượng kể, không hiểu sao đêm hôm kia, rạng sáng ngày hôm qua, bác thấy không ngủ được và chong đèn ngồi viết lại danh sách (bằng tiếng Nga) các chuyên gia Liên Xô đã giúp Việt Nam xây dựng lực lượng tên lửa phòng không những năm 1965 - 1968, và tối qua thì bác Trọng Hùng gọi điện! Trong bản danh sách tôi tìm thấy tên sỹ quan RPK Tô-đo-ra-xcô được viết rõ ràng ở trang 5! Bác dự định sẽ tặng các bản danh sách này cho những người bạn chiến đấu cũ từ nước Nga xa xôi về thăm lại chiến trường cũ, vào buổi gặp mặt giao lưu tới đây do NuocNga.net tổ chức tại Hà Nội.

Để theo dõi các sự kiện về chuyến thăm lại Việt Nam của các cựu chiến binh Xô-viết, xin xem thêm ở đây:

Miền Bắc

Miền Nam

Những điều chưa biết về Liệt sỹ Trần Phúc Cán

Hai người bạn chiến đấu bùi ngùi nhớ lại người đồng chí đã hy sinh. Đồng chí Trần Phúc Cán, nguyên sinh viên Đại học sư phạm Hà Nội, học cùng với bác Quách Hải Lượng ở trường Văn hoá quân đội ở Lạng Sơn, người hiền lành, ít nói, đẹp trai và duyên ngầm. Chính đồng chí đã tặng và gửi gắm tình cảm cho người đồng đội từ phương xa Tô-đo-ra-xcô tấm ảnh của mình, được chụp khi mới nhập ngũ, còn rất trẻ. Với bác Trọng Hùng, bác đã gắn bó với đồng chí Trần Phúc Cán với tư cách là người chỉ huy với người cán bộ cấp phó phụ trách chính trị - bác Trọng Hùng khi đó - thời điểm năm 1966 là đại đội trưởng đại đội 1 (đại đội điều khiển, bộ óc của tiểu đoàn tên lửa) thuộc tiểu đoàn 72 trung đoàn 285, còn đồng chí Trần Phúc Cán là chính trị viên đại đội, lúc này đã là một sỹ quan rất am hiểu về tên lửa. Vào thời điểm cuối năm 1966, đế quốc Mỹ tăng cường đánh phá miền Bắc để làm chậm bước những đoàn tiếp tế của ta cho chiến trường miền Nam. Đơn vị tên lửa nhận nhiệm vụ bảo vệ miền duyên hải cảng Hải Phòng, đang tiếp nhận những đoàn tàu thuỷ chở xăng dầu vào kho xăng Hải Phòng. Nhận nhiệm vụ này, đơn vị hiểu là sẽ phải đối mặt với một đối thủ khó chơi đến thế nào. Các phi công của Hải quân Mỹ là những “kẻ lãng tử” thực thụ, với kỹ thuật bay tốt hơn phi công của không quân chiến thuật Mỹ, thường bay thấp là là ngọn sóng, nương theo cửa sông tiếp cận mục tiêu, lướt vào “cắn trộm” và... biến mất. Đó là thời kỳ bộ máy kỹ thuật quân sự Mỹ đã cải tiến loại tên lửa không đối đất Shrike chuyên chống ra-đa. Loại tên lửa này chỉ thu tín hiệu ra-đa đối phương để tìm mục tiêu, bám theo cánh sóng ra-đa để đánh gục đối thủ, nên khó bị phát hiện, thường chỉ bị phát hiện bằng quan trắc quang học khi nó đã đến rất gần. Bộ đội tên lửa ta đã tìm nhiều biện pháp để chống loại vũ khí nguy hiểm này bằng những thủ pháp chiến đấu. Nhưng ngày 22/11/1966 tiểu đoàn 72 đã gặp phải một loại Shrike cải tiến. Đầu điều khiển của loại này được gắn thêm một mạch “chip nhớ” có khả năng ghi nhớ để vượt qua các chiến thuật nghi binh của ta. Khi đến gần mục tiêu, nó phát nổ và ngoài sức công phá bằng sức nổ, nó còn tung ra theo hình nón một chùm mảnh là những khối kim loại hình lập phương nhỏ xíu để sát thương.

Sáng ngày hôm đó, trời trong xanh và nắng chói chang, cái nắng của tiết đầu hanh, một buổi sáng yên tĩnh như sự yên tĩnh trước cơn bão. Đại đội trưởng Trọng Hùng khi cho đơn vị vào chiếm lĩnh trận địa (tại xã Thụy Hương, Kiến Thụy), đã có linh cảm không tốt, khi nhìn thấy chiếc xe “U” (xe điều khiển) đỗ quay đầu ca-bin điều khiển ra hướng biển, là đầu toàn bộ bộ chỉ huy của đơn vị tập trung. Nếu như máy bay Mỹ tấn công, đương nhiên thương vong sẽ là rất lớn, toàn đơn vị sẽ mất sức chiến đấu. Xe kéo đã rời ca-bin, nhưng đại đội trưởng đã cố gắng động viên anh em xe máy quay ngược đầu ca-bin lại.

10 giờ sáng... từng tốp máy bay trinh sát khí tượng của Mỹ vẫn lảng vảng ngoài khơi xa. Toàn đơn vị tập trung ăn sớm để sẵn sàng chiến đấu. Ba người trắc thủ góc tà, cự ly và phương vị đã vào vị trí. Chính trị viên đại đội Trần Phúc Cán cũng đã vào vị trí thường ngày, sau lưng ba người trắc thủ để động viên và cùng chiến đấu.

Mục tiêu tiến đến gần... đơn vị đã bám chắc chiếc tốp trưởng. “Phóng!!!...” quả đạn xé gió lao đi cũng là lúc đơn vị nhận được thông tin từ quan trắc quang học là địch phóng Shrike. Bỏ quả đạn vừa phóng để gạt Shrike chăng? thế thì tiếc quá! Tiểu đoàn trưởng vừa phát lệnh tiếp tục bám mục tiêu thì một tiếng nổ xé thinh không, một ánh chớp xé toang nóc chiếc ca-bin. Cả ba chiến sỹ trắc thủ bị thương, còn chính trị viên đại đội thì cứ lả dần, lả dần. Anh đã bị chỉ duy nhất một mảnh đạn nhỏ xíu vào thái dương, vết thương chỉ rịn ra một chút máu, được anh em dìu xuống nằm bên cạnh xe và đến chiều hy sinh trong tay người đại đội trưởng. Trước lúc ra đi, anh còn dặn lại: “Các đảng viên và anh em hãy bảo vệ lấy khí tài!”. Người thanh niên Bình Định đã nằm xuống trong cuộc chiến đấu bảo vệ thành phố Cảng. Trong túi áo anh còn lá thư gửi cho N. một cô giáo dạy tiếng Nga, người bạn gái học cùng Đại học sư phạm Hà Nội và là người yêu của người chiến sỹ. Hai người không được học hết khoá cùng nhau vì anh vào bộ đội làm phiên dịch. Cả đại đội lặng người nhìn bức thư người lính viết dở chưa kịp gửi cho người yêu...

Câu chuyện này, bác Trọng Hùng đã kể lại rất xúc động trong một chuyện ngắn, được in năm 2005 trong tập truyện ký “Đất nước những mùa đông” (Nhà xuất bản Văn hoá thông tin 2005). Bác đã làm cho tôi đi hết những bất ngờ này đến bất ngờ khác. Người kỹ sư vô tuyến ấy không chỉ là tác giả của rất nhiều sách về kỹ thuật tên lửa mà còn sáng tác nhiều truyện và ký. Năm 2006, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân đã xuất bản cuốn sách của bác; cuốn “Điện Biên Phủ trên không, hành trình tới chiến thắng” tái hiện lại những khó khăn vất vả của bộ đội phòng không Việt Nam để có đã chiến thắng 12 ngày đêm trên bầu trời Hà Nội.

Hai người lính già rất mừng khi lại có thể nối lại được liên hệ với những người bạn chiến đấu Xô-viết đã từng kề vai sát cánh, và rất mong ngày những người bạn đó tới Hà Nội để cùng nhau tâm sự. Họ còn mong được gặp mặt để tặng lại cho các Cựu chiến binh Xô-viết những tác phẩm của mình viết về những ngày chiến đấu gian khổ, hào hùng và thắm tình đồng chí anh em ấy.

Kết thúc buổi trò chuyện, các bác còn nhắc lại một câu chuyện, hay chính xác hơn là hai câu nói đáng nhớ (đã được bác Quách Hải Lượng ghi nhớ và kể lại). Khi Liên Xô giúp đỡ tên lửa đất đối không SAM - 2 cho Việt Nam, các đồng chí chuyên gia Liên Xô có nói: “Chúng tôi muốn giao thứ vũ khí ghê gớm này vào những cánh tay tin cậy”. Đáp lại, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: “Các đồng chí yên tâm, vũ khí hiện đại ở trong tay các chiến sỹ Việt Nam, những người cộng sản Việt Nam nhất định sẽ phát huy được tác dụng của nó!”. Và bộ đội tên lửa phòng không Việt Nam đã làm được điều đó. (Câu chuyện này được tác giả Vũ Trọng Hùng dùng để kết thúc cho tác phẩm “Điện Biên Phủ trên không, hành trình tới chiến thắng”).

 

Bác Vũ Trọng Hùng gửi tặng NuocNga.net một cuốn "Đất nước Những mùa đông", và tôi đã thay mặt các thành viên NuocNga.net chân thành cảm ơn bác.

(Còn tiếp tục cập nhật)

Ngọc Phương (NuocNga.net)