|
Sáng nay 25 tháng 9/2007 đoàn cựu chiến binh Nga đã đến sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, bắt đầu chuyến thăm Việt Nam được mong đợi từ lâu. Trong đoàn có hai CCB đã từng từng trực tiếp tham gia chiến đấu, sát cánh cùng các chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, góp công trong những ngày đầu thành lập Binh chủng Tên lửa phòng không của Việt Nam.
Người thứ nhất là ông Tô-đo-ra-xcô Va-len-tin I-va-nô-vích, 72 tuổi, trung tá về hưu. Ông đã phục vụ tại Việt Nam với cấp bậc thượng úy, là chuyên gia huấn luyện về chuyển phát lệnh vô tuyến tại tiểu đoàn 63, 64 thuộc trung đoàn 236, Binh chủng Phòng không - Không quân Việt Nam từ tháng 4-1965 đến 5-1966. Thượng úy Tô-đo-ra-xcô đã trực tiếp chiến đấu trong trận đầu ra quân của bộ đội tên lửa Việt Nam ngày 24-7-1965 và sau đó tham gia bắn hạ máy bay Mỹ. Từ năm 1965 đến nay ông vẫn chưa có dịp trở lại Việt Nam.
Người thứ hai là ông Xcô-ri-ắc Va-lê-ri Va-xi-lê-vích, 66 tuổi, trung tá về hưu. Khi sang giúp Việt Nam, Xcô-ri-ắc là đại úy tại bộ phận công trình công binh của Binh chủng PK-KQ với tư cách là chuyên gia về các thiết bị phóng và tên lửa trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 12-1970. Đại úy Xcô-ri-ắc đã từng có những chuyến công tác thường xuyên đến các điểm phòng không của Việt Nam dân chủ cộng hòa dọc theo vĩ tuyến 17. Hiện ông là ủy viên BCH Hội hữu nghị Nga-Việt vùng Xve-rơ-lốp-xcơ.
Trở lại Việt Nam sau nhiều năm xa cách, các CCB Nga mong muốn được gặp lại những người đồng đội Việt Nam đã từng sát cánh bên nhau chiến đấu trong những bước đi chập chững đầu tiên của Binh chủng tên lửa phòng không Việt Nam.
Ông Tô-đo-ra-xcô hiện còn lưu giữ hai bức chân dung của hai chiến sĩ Việt Nam đã tặng ông trước khi chia tay vào tháng 1-1966. Phía sau tấm ảnh bên trái, người tặng viết bằng tiếng Nga, xin tạm dịch như sau: “Chúng ta đã bên nhau trong thời gian ngắn ngủi, giờ xin tạm biệt Tô-đo-ra-xcô!” và một chữ ký không rõ. Còn phía sau tấm ảnh bên phải có dòng đề tặng, cũng viết bằng tiếng Nga: “Tặng bạn chiến đấu Va-len-tin. Phuc Can. Hà Nội 1-1-1966” kèm theo chữ ký Trần. Có thể giả định họ và tên của người trong tấm ảnh bên phải là Trần Phúc Cần (hoặc Cân hoặc Căn).
Khi nhận được thông tin về chuyến đi của đoàn, để tỏ rõ sự tri ân, các thành viên tích cực nhất của trang web nuocnga.net đã tổ chức tìm kiếm những người đồng đội cũ của các CCB Nga căn cứ vào các thông tin ít ỏi có được là hai bức ảnh cũ. Một bài báo với hai bức ảnh được đăng trang trọng trên trang Quốc tế của báo Quân đội Nhân dân, đồng thời được đăng tải trên trang web Nuocnga.net và báo QĐND điện tử. Và tin tức về các cựu chiến binh Việt Nam trong ảnh đã mau chóng được xác minh. Thông tin đầu tiên đến từ nhà báo N.T của báo Thanh Niên, cho biết anh còn nhớ được chi tiết một câu chuyện đã xảy ra cách đây 41 năm tại quê anh, xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng. Vào khoảng tháng 6/1966 máy bay Mỹ đã ném bom xuống trận địa tên lửa của ta đặt tại xã Thụy Hương. Trong số các chiến sĩ hy sinh, anh nhớ rõ có một người tên là Trần Phúc Cán. Vậy đây liệu có thể chính là người chiến sĩ đã tặng ảnh cho chuyên gia Liên xô vào tháng 1/1966 và sau đó mấy tháng thì hy sinh? Anh N.T cho biết, liệt sĩ Cán đã được mai táng tại nghĩa trang của xã, lâu ngày không biết gia đình đã quy tập về chỗ khác hay chưa.
Nhận được tin này, Việt Hùng của NNN đã nói gọi điện cho một thành viên rất tích cực của NNN là bạn Ngô Thạch, hiện sống tại Hải Dương. Ngô Thạch đã nhận lời sẽ đến ngay Thụy Hương, Hải Phòng để xác minh tin tức.
Sáng ngày 25 tháng 9, thành viên Ngọc Trung nhận được điện thoại của CCBTrọng Hùng, Cán bộ Bộ đội tên lửa. Ông Hùng có cho biết là năm 1965-1966 ông là Đại đội trưởng Bộ đội tên lửa, ở cùng đơn vị với anh Trần Phúc Cán, chính trị viênđạiđộivà là phiên dịch cho các cố vấn Liên xô. anh Cán đã hy sinh 1966 ngay trên tay ông Hùng. Đồng thời, chuyến đi của Ngô Thạch đã có kết quả: Theo đồng chí phụ trách chính sách của xã Thuỵ Hương, Kiến Thuỵ. Đúng là có chiến sĩ Trần Phúc Cán hy sinh ngày 22/11/1966 tại trận địa tên lửa Thụy Hương. Anh Cán từng đi học ra đa ở Liên xô về. Điều đó giải thích được lý do vì sao anh Cán đã viết tặng Tô-đo-ra-xcô bằng tiếng Nga rất chuẩn phía sau tấm ảnh. Phần mộ của liệt sĩ Cán đã được gia đình chuyển về quê hương Bình Định.
Theo kế hoạch, đoàn CCB Nga sẽ tham dự giao lưu với các thành viên trang web nuocnga.net khu vực phía Nam vào buổi tối hôm nay 25 tháng 9, giao lưu với các CCB Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh vào ngày mai, 26/9, các ngày 27 và 28/9 đoàn sẽ đi thăm và làm việc với Viện Đông y Tp Hồ Chí Minh, thăm các di tích lịch sử tại thành phố Hồ Chí Minh, Củ Chi, và bắt đầu chuyến thăm Việt Nam bằng xe bus.
(Còn tiếp tục cập nhật) Quỳnh Hương (NuocNga.net) |