Cửa rừng, 19-12-1972
Từ Thác Lốc. Điện Trung đoàn 11/571: Dân hồ Cẩm Ly vừa đâm chết một con thuồng luồng 7-8 tạ (mà người địa phương gọi nhầm là con bạch tuộc). Mình rủ Tiểu đoàn trưởng Lập đơn vị 32 anh hùng đi xem. Chừng như là chuyện đồn đại. “Trăm nghe không bằng một thấy”. Nhưng thôi, mai sớm đã đi rồi. Chuyện lạ trên đường, bỏ qua tiếc lắm. Ai biết đằng sau chuyện con thuồng luồng kia, lịch sử dân gian sẽ đưa mình về ngày xa xưa với bao nhiêu truyền thuyết, giai thoại khác nữa. Châu Ô, Châu Ri, Châu Hoan, Châu Lý… Trần Huyền Trân ra đi… Đàn vũ nữ với bầy vượn và tiếng voi gầm. Không gì đẹp lung linh hơn truyền thuyết. Ánh sáng phát ra từ những trầm tích lịch sử là thứ ánh sáng huyền ảo diệu kỳ say đắm lòng người. Niềm say mê của mình từ bé không mất đi. Vẫn còn nguyên vẹn là điệu hát êm ả của mạ cất lên từ bốn tao nôi đung đưa; của mẹ vú Tri mà mình từng giấu thuốc lá vào giày đưa cho mẹ vú; là giọng “nói thơ” thanh và tha thiết của cô Hai những tối lửa đèn đêm Quảng Huế. Trần Minh khố chuối đâu rồi? Thời khố chuối xa lắc xa lơ, nhưng tiếng cô Hai còn văng vẳng trong suốt cuộc đời mình. Và Trần Minh có đi đâu xa đâu. Người trai nghèo ham học thủy chung tình nghĩa vẫn đêm đêm ngồi bên mình với ngọn đèn chong, bên trang sách mở. Ai biết được những ham thích giản dị của mình hôm nay là của Trần Minh ngày nọ. Tiếng ngân vang từ trái tim là tiếng ngân vang cộng hưởng xa xôi. Con người hiện đại không phải là con người phủ định. Hãy kế thừa để tự khẳng định.
H-người con gái vành đai. Dẫn một tổ du kích ra ngôi mộ giữa đồng trống đánh tạt sườn địch để cứu người mình yêu khỏi bị tăng chà. Đó là sự tự khẳng định. Chị làm như Pêtôphi: “Vì tình yêu, tôi có thể hy sinh”. Nhưng khi nghe tin người nữ bác sĩ vào tìm người bạn trai mình yêu-chị đau khổ nhưng mạnh mẽ cắt đứt tình cảm của mình. Lần nữa, chị xử sự như Pêtôphi: Vì tự do tôi hy sinh tình yêu”. Người biết tự khẳng định là người tiếp cận đến chân lý khách quan. Và đó là sự giản dị trong sáng đến vô cùng.
Mình không hề trách ai cả. Trách mình ư?-Cũng không! Tại sao lại trách nhỉ? Sống phải có niềm tin. Có tin mới biến cái sai lầm hôm nay thành cái đúng của ngày mai. Trách là dừng lại. Tin là vượt lên. Trần Minh không hề than trách mình nghèo. Chiếc khố chuối làm Trần Minh mặc cảm, nhưng không làm Trần Minh buồn phiền. Sống mà không mặc cảm, làm sao ý thức được mình. Nhưng sống chỉ với mặc cảm, lại càng không bao giờ ý thức nổi đúng đắn sự mặc cảm ấy… Côá Hai ơi! Ngày xưa cô kể cháu nghe những chuyện đời xưa, cô có nghĩ cô đã để lại cháu cái quý nhứt con người cần có? Cháu đi chiến đấu, cháu muốn trở về Nam. Mỗi chuyến về Nam đều làm cháu xúc động bồi hồi. Là vì sao hở cô? Là vì cháu sẽ được đi từ hiện tại để tắm ngụp trong dòng sông ký ức. Mỗi kỷ niệm quê hương là đốm than hồng thổi ấm và soi sáng hiện tại hôm nay con đường cháu đi. Khẩu súng ấm tình yêu và trái tim sáng lửa dẫn đường. Gầm trời cuối đất nào mà cháu của cô không thể đi tới bằng cuộc đời mình để tìm ra câu hát ngày xưa-Tiếng hát cất lên từ cuộc sống hôm nay là âm vang dội lại, nhân lên. Lịch sử viết bằng lịch sử bao giờ cũng là lịch sử chân chính của tình yêu và con người.
Vậy đó! Muốn tự khẳng định, đâu phải chuyện dễ dàng. Chân lý thì cụ thể nhưng anh tiếp cận nó bằng con đường nào. Hãy đi bằng con đường Trần Minh khố chuối ngày xưa và H. hôm nay.
7 giờ
14 giờ…
Hôm qua đi con đường rất gợi. Đèo Ngang với câu thơ ba đọc “Nhớ Bà Huyện xưa, Bâng khuâng cáng nhỏ…”. Nay là ánh sáng rẽ quạt hồng biển khơi chiếu thẳng vào xe. Gió. Mát.
Phà Ròn. Làng Cảnh Dương. Nhớ cô gái với hai pho tượng “Nhịn mặc để ăn, nhịn ăn để mặc”. Đó là triết lý của Phật-sắc không, không sắc. Là hai mặt đối lập trong một sự vật-thái quá và bất cập. Cô gái nói: “Chúng em nhịn cả mặc, nhịn cả ăn dành cho tiền tuyến”.
Phật dạy con người ta hãy kiềm chế dục vọng để tồn tại. Cô gái Cảnh Dương đã giải quyết sự tồn tại bản thân mình trong sự tồn tại của dân tộc.
Điều đó có nghĩa là, cuộc sống mỗi con người, ai không có những mâu thuẫn riêng-nhưng phải biết giải quyết mâu thuẫn riêng trong mối mâu thuẫn chung của dân tộc. Tầm cao con người đo bằng cái gì ư?
… Ba Đồn đây rồi. Vậy mà mình vẫn nghĩ mạ ngày xưa mặc áo lụa, đội chiếc nón bài thơ nào trong chồng nón đặt bên đường kia. Mình có ở Ba Đồn (1) mô. Nhưng ở đó có kỷ niệm ba người thân nhắc nhở: Ba, mạ và anh Xương.
Mạ mất đi để lại nhớ thương.
Còn anh Xương, để lại cả chặng đường dài anh mới bước những bước ban đầu-chặng đường mình đã đi 20 năm mà bao giờ cũng vang lời giục giã. Anh X.-là tình yêu đồng đội, tình yêu đồng chí, tình bạn và tình anh em cộng lại-nên hơn cả mọi mối tình.
Một con người đó, mỗi người yêu theo một kiểu khác nhau, một mối tình khác nhau. Anh X. đã khóc mấy lần rồi giống như lần anh và em ngồi trong mái quán Bình Dương. Chắc anh đã khóc lần mạ ta đi xa. Lần anh ra xứ Nghệ-Tĩnh. Có không? Và… có lần nào giọt nước mắt nóng hổi của anh nhỏ vào bát phở như bữa chiều mưa Bình Dương ngày nọ không? Không đâu! Không ai biết anh đốt hết bao nhiêu thuốc (hiệu Tân Tiến phải không anh?). Trong đêm anh em mình thức trắng. Ờ, đêm lạnh anh nhỉ! Không lửa, anh bảo em hút giữ lửa cho anh với. Là anh tập cho em hút thuốc rồi đó nghe. Một lần em để tắt vì mải nghe anh nói chuyện (chị M. phải không anh?), anh xuống bếp cời than châm thuốc. Đi lên, đầu anh cụng vào cửa rõ đau. Chao ôi! Đến bây giờ em vẫn nghe rõ tiếng cụng đó. Và tiếng hai anh em khúc khích cười, mà em xót xa trong bụng. Âm thanh 20 năm còn vọng rõ, là tiếng vó ngựa xuống dốc Bình Dương. Là tiếng đập trái tim em. Là bàn tay vẫy và đôi mắt của anh đang nói với em lời nhắn nhủ, dặn dò từ biệt (2) vì anh biết anh đi khó hẹn ngày về. Anh không về nữa thật! Đất An Khê-vùng căn cứ của Nguyễn Huệ áo vải giữ anh lại. Đất đón anh như đón người anh hùng. Hay là em nói vậy. Người anh hùng của em mê chị M. hết đỗi, buổi đi ra Bắc đã biểu em canh chừng nhà hỏi, để anh xuống LP từ biệt chị. Lại ngày anh về anh biểu em dẫn anh lại bằng được nhà L. để gặp chị M, ở đó. Em vẫn nhớ đôi mắt long lanh xúc động vui mừng của chị M, má chị bừng đỏ. L. bảo L. đi chợ và hỏi em sao không đi chợ cho biết buổi chợ chiều…
… Bên kia bãi mía bờ ngô nương dâu xanh biếc
Đứng bên này trông sang nhớ tiếc
Sao xót xa như rụng bàn tay
Anh hay đọc đoạn thơ Hoàng Cầm ấy. Anh bảo em tập cho anh bài hát mới, điệu múa mới. Bài Xây đắp hòa bình(3) phải không? Anh khen em có tài. Anh bảo em có chí. Học ai mà em biết sáng tác. Anh bảo vậy là em thông minh.
Thông minh, tài, chí gì em. Anh mới là con người như vậy. Vì anh biết hy sinh tình yêu, biết cất giấu đi những mơ ước riêng tư, dồn cho hoài bão lớn nhất của cả dân tộc: Chiến đấu vì độc lập tự do. Đó là phẩm chất của người anh hùng. Tuổi hai mươi của anh vào buổi ánh sáng giác ngộ lý tưởng chưa tỏa rực rỡ như bây giờ, anh đã làm được như vậy. Còn em, ở vào tuổi anh những năm sau đó, còn bị va vấp. Thông minh, tài, chí chi em-khi điều sơ đẳng nhất của nhận thức lý tưởng em cũng phải tốn nhiều công sức và thời gian mới có.
Ý nghĩa thông minh không phải chỗ nhận thức bị động như là sự phản ánh nhạy bén trước thực tế khách quan. Thông minh là sự nhận thức chủ động, sáng tạo và độc lập... Đó là sự vượt lên tầm cao hơn của nhận thức cảm tính, đi hết vòng khâu của nhận thức để biết trả lại thực tiễn điều mới mẻ hơn. Là hành động hy sinh của anh trong trận công đồn Tú Thủy. Dù cho mười, mười lăm năm sau, em có đánh năm, ba chục trận công đồn khác giành thắng lợi-hành động đó không mới hơn hành động của anh và đồng đội đi trước đâu. Chiến thắng em giành được trong các trận đánh Mỹ là từ chiến thắng của anh, của đồng đội trước. Cho nên có bao giờ em vĩnh viễn mất anh đâu. Có gì lạ khi em đi qua Ba Đồn lại nhớ tới anh, tới mạ, tới ba…
Nhà văn Nguyên Ngọc đã khái quát tính cách Khương Thế Hưng:
Năm 1950, mới 16 tuổi, đang học phổ thông ở Trường trung học Lê Khiết, Quảng Ngãi, anh Khương Thế Hưng đã tình nguyện nhập ngũ, và ngay lập tức xung phong vào một chiến trường khó khăn gian khổ và ác liệt nhất của Liên khu 5 hồi bấy giờ là chiến trường cực Nam (Bình Thuận), nơi cuộc sống và chiến đấu gian nan đến mức một giọt nước ngọt cũng phải đổi bằng máu với quân thù mới có được. Anh chiến đấu trong Trung đoàn 812.
Ở E812, tức là Hưng đã trải qua rất nhiều gian khổ ác liệt ở đây, có những chuyện thật cụ thể người ngoài cuộc không thể tưởng tượng nổi như tắm bằng lửa, bằng sương, ăn cây lá củ rừng để sống hằng tháng, mỗi ngày đêm mỗi người chỉ được phát một lon nước cho mọi nhu cầu về nước.
Những năm tháng chiến đấu ở cực Nam đã trui rèn ý chí kiên cường của người chiến sĩ Khương Thế Hưng, và còn đào tạo anh thành một cán bộ chỉ huy thiện chiến, dường như là để chuẩn bị cho cả những cuộc chiến đấu lâu dài và quyết liệt hơn về sau.
Cũng chính trong những năm tháng hoạt động ở chiến trường cực kỳ gian khổ này, một phương diện đặc sắc khác của con người Khương Thế Hưng đã bộc lộ ra. Là người lính đánh giặc của Trung đoàn 812 nổi tiếng cực Nam, anh còn là một cán bộ vận động quần chúng giỏi, đặc biệt là trong nhân dân Chàm ở vùng này. Chúng ta biết chỉ có thể thực sự đạt được điều đó khi có một tình yêu thương nhân dân chân thật, thấu hiểu tận trong máu thịt mình cuộc sống của nhân dân. Khương Thế Hưng thậm chí còn đi xa hơn thế nhiều: anh am hiểu văn hóa Chàm có thể nói đến mức uyên bác, và là một người nghệ sĩ rất sắc sảo, biết nhận ra gần như bằng trực cảm tinh hoa chắt lọc của nền văn hóa ấy.
Chính vì vậy, khi kháng chiến chống Pháp kết thúc, nhiệm vụ mới đòi hỏi, chuyển về công tác ở lực lượng Văn công Liên khu 5, tại Sư đoàn 305, anh Khương Thế Hưng đã có được một thành tựu cứ ngỡ như là bất ngờ: anh đã sáng tác cả nhạc lẫn múa điệu vũ Chàm Rông, một trong những tác phẩm đặc sắc nhất của nền ca múa nhạc Việt Nam hiện đại, từng đoạt huy chương vàng trong nước và giải thưởng quốc tế. Qua tác phẩm Chàm Rông có thể khẳng định Khương Thế Hưng là một trong những người đi đầu trên đường tìm về với truyền thống dân tộc trong nghệ thuật. Và sự trực cảm này, hồi bấy giờ, là rất sớm.
Những anh chị em ở lực lượng Văn nghệ và Văn công Liên khu 5 đều còn nhớ anh Khương Thế Hưng như một người nghệ sĩ đa tài, đặc biệt thích hợp với hoạt động của lực lượng Văn công hồi bấy giờ: sáng tác nhạc, sáng tác múa, sáng tác thơ đều được và đều xuất sắc. Ở ngành nào, thể loại nào, bộ môn nào, anh cũng là người mở đường sáng tạo cái mới, để lại dấu ấn rõ rệt, thậm chí có mặt đạt đến đỉnh cao… Anh sáng tác thơ, dàn dựng các vở dân ca kịch, nhạc kịch… cũng rất sớm. Anh chỉ huy dàn nhạc. Anh viết ca khúc. Anh làm thơ. Anh còn là một diễn viên hầu như không thể thiếu trong nhiều tiết mục…
Chẳng có gì lạ khi người nghệ sĩ-chiến sĩ trong sáng, gắn bó sâu sắc cuộc đời mình với số phận của nhân dân ấy đã lập tức quay về cầm súng, có mặt ngay ở chiến trường khi cuộc chiến đấu của nhân dân lên tiếng gọi. Khương Thế Hưng trở lại chiến trường miền Nam trong những đoàn quân đi B sớm nhất: đầu năm 1962. Và ở chiến trường, như một người chiến sĩ toàn năng, anh làm bất cứ công việc gì cách mạng đòi hỏi và đã làm là làm xuất sắc.
Các bạn chiến đấu còn nhớ về Khương Thế Hưng: “Bao nhiêu ngày gian khổ, bao nhiêu trận tưởng chừng không còn nữa, bao nhiêu mùa thức trắng, bao nhiêu đêm phải vắt óc, tính toán từng lon gạo, từng viên đạn, từng chiến sĩ, từng trận công đồn, thế ta, thế địch… Anh Hưng là một cán bộ có trình độ, biết nhận khó khăn về mình, biết động viên bộ đội, thương đồng chí, anh em vô cùng… Những lúc đói cơm lạt muối, những lúc gian khổ ác liệt, anh đều vui vẻ lạc quan. Nhiều trận tưởng chừng Hưng không còn, thế mà xong trận Hưng vẫn cười nói vô tư… Hưng bao giờ cũng vui, ít thổ lộ tình cảm gia đình. Anh H. luôn luôn quan tâm đến mọi người, nhất là anh em chiến sĩ gần gũi… Hưng hoạt bát, nhanh nhẹn, tháo vát lắm. Nhớ lại hình ảnh của Hưng: dáng người thấp thấp, cái võng đeo bên người, khẩu súng lúc nào cũng tụt xuống bên hông, hay cười tủm tỉm… Tại những nơi đóng quân, lúc yên lặng, Hưng hay chơi với trẻ con. Những nơi Hưng bước chân đến, trẻ con luôn quấn quýt và bà con đều nhớ Hưng, kể cả các má (hay cho thuốc, xà phòng). Có hôm lên họp, lục trong balô, có cả sữa và xà phòng thơm, thuốc lá. Khi ra về, Hưng phân phát hết. Cuộc sống của anh H. rất đơn giản, bình dị, công lao không bao giờ kể. Nhất là năm 1968, khi Ban chỉ huy Tiểu đoàn 48 chỉ còn lại hai cán bộ tiểu đoàn, trong lúc đó trăm công ngàn việc đòi hỏi người cán bộ phải tỉnh táo, quyết đoán giải quyết từng tình huống…”.
Lưu Hà Vĩ (bạn của Thanh Tuyền, người em và bạn chiến đấu của Khương Thế Hưng), trong chuyến về thăm quê hương Quảng Ngãi năm 2007, anh có gặp anh Thạnh (cùng Ban chính trị tỉnh đội với Khương Thế Hưng, hiện anh Thạnh là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh) đã nói về Khương Thế Hưng: “Khương Thế Hưng là một mẫu Chính trị viên điển hình, xông xáo, sẵn sàng sống chết với anh em…”.
Kế thừa truyền thống cao đẹp từ cha anh, với tinh thần kẻ sĩ yêu nước. Khương Thế Hưng đã dành cả cuộc đời của mình chiến đấu vì Đất Mẹ qua hai cuộc kháng chiến cứu quốc. Anh đã để lại cho đời những đóng góp đáng quý trên cả lĩnh vực quân sự và nghệ thuật. Người chiến sĩ-nghệ sĩ ấy đã in dấu trong lòng mọi người như một người bạn, một đồng chí, đồng đội mến thương, chân thành, ngay thẳng, trong sáng mà cũng thật nhẹ nhàng và sâu sắc.
“Hổ phụ sinh hổ tử”
Những lời vàng còn truyền mãi trong dân gian. Nhà thơ Khương Hữu Dụng được lộc ông bà, trời đất dưỡng nuôi trăm tuổi sống, để phụng sự thơ ca cho đời hát, còn riêng mình không lấy vốn lấy lời, chỉ lấy cống hiến làm niềm vui trọn đời mình.
Ông sinh hai người con trai đều vào lính ở tuổi thiếu niên. Họ sống ở mũi nhọn chiến trường ác liệt trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Họ để lại cho thế hệ trẻ hôm nay và ngày mai hai nhân cách tuyệt vời, hai bóng dáng sáng tươi, cao sang và dũng trí, bằng cuộc đời hết sức sôi nổi, nhưng cũng hết sức bình dị của mình.
HOÀNG MINH NHÂN
(1) Nơi nhà thơ Khương Hữu Dụng dạy học từ năm 1927-1932.
(2) Hai anh em Khương Thế Xương-Khương Thế Hưng gặp và chia tay nhau lần cuối cùng vào tháng 12-1952.
(3)Bài hát múa do Khương Thế Hưng sáng tác khá phổ biến trong thanh thiếu niên Liên khu 5 thời kỳ ấy. Ngày Khương Thế Xương về thăm nhà lần cuối (10-11-1952). Tại Phú Văn-Thế Thạnh (Hoài Ân-Bình Định), sáu anh em (Xương, Tâm, Hưng, Tuyết, Kính, Ngọc) đã hát và múa với nhau bài này, rất vui.