Ngày 10-10-1954, bộ đội ta về tiếp quản Thủ đô thì đúng 4 năm sau, lớp thanh niên Hà Nội đầu tiên sau hòa bình lập lại lên đường nhập ngũ. Hàng nghìn học sinh vừa tốt nghiệp lớp 10 (lớp 12 bây giờ) ở các trường trung học công và tư (phổ thông cấp 3A, Nguyễn Trãi, Chu Văn An, Tân Trào, Minh Tân...) làm đơn xin vào quân đội, nhưng chỉ hơn 300 "cậu tú" có giấy gọi đến tập trung ở làng Hoàng Mai trong ngày 9 tháng 10.
Tới 10-10-1958, tại hội trường Câu lạc bộ Lao động (nay là Nhà Văn hóa Thể thao thanh niên Hà Nội) đã có cuộc gặp mặt thật cảm động. Đích thân Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố - Bác sĩ Trần Duy Hưng - chủ trì Lễ gắn sao, động viên và căn dặn chiến sĩ mới: "Các em là những thanh niên đầu tiên của thành phố lên đường làm nhiệm vụ người chiến sĩ bảo vệ hòa bình...". Một số học sinh miền Nam tập kết cũng hòa trong đội ngũ những thanh niên Hà Nội gia nhập quân đội hôm ấy. Thật phấn khởi, xúc động khi nghe vị Bác sĩ - Chủ tịch Thành phố công nhận: "Đây là những công dân danh dự của Thủ đô Hà Nội!". Cuộc gặp mặt kết thúc bằng món quà tinh thần: Xem phim truyện Trung Quốc "Cái diều đứt dây". Nhưng các chiến sĩ mới chẳng lòng dạ nào để xem cái phim hài ấy. Ai nấy còn mải tìm gặp người thân, bạn bè, rồi thăm dò xem ngày mai lên đường đi đâu, về đơn vị nào. Ngoài trời mưa như trút, càng khiến nỗi lòng người sắp bước vào một cuộc đời mới thêm bồi hồi, nôn nao...
 |
Tác giả Mai Thế Chính - phóng viên của Binh chủng Công binh (người đứng) - đang chụp ảnh căn cứ 241 Tân Lâm trên đường 9, tháng 5-1972. |
Sáng 11-10, ở đình làng Hoàng Mai, cuộc chia tay diễn ra thật náo nhiệt, xúc động. Những lời nhắn nhủ vội vàng, những chiếc khăn tay thấm đẫm nước mắt các mẹ, các bạn và em gái. Hơn 300 chiến sĩ mới cùng lên Sơn Tây một ngày, chia thành nhiều đoàn khác nhau, đoàn đi bộ, đoàn được ngồi ô tô. Từ đây, các chàng trai Hà Nội bắt đầu làm quen với vô vàn cái mới lạ, hấp dẫn, nhưng cũng thật vất vả. Nào tập tháo, lắp và bắn súng trường, tiểu liên K50 (hồi ấy chưa có súng AK), học cách bổ cuốc, xúc xẻng, ném lựu đạn, gói buộc lượng nổ. Nào tập đi đều đi nghiêm, lăn lê bò toài, vượt sông leo núi, báo động chạy vũ trang, đào chiến hào đánh phòng ngự, đào hố tản binh chiến đấu tấn công... Lại nữa, những đêm đông đứng gác trên đồi sỏi Sơn Tây giữa gió lạnh, mưa rây như cắt ruột vẫn nhớ về cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn. Bài học chính trị đầu tiên: "Bản chất giai cấp của quân đội", "Quân đội ta từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu"... Cũng chính nhờ thế, ai nấy mau chóng xác định: Quân đội cũng là một trường đại học, một trường học lớn. Hãy gắng vượt lên mọi thử thách, khó khăn để xứng đáng là một chiến sĩ của Quân đội nhân dân anh hùng.
Từ mảnh đất Sơn Tây, sau 4 tháng huấn luyện, các chiến sĩ trẻ được tỏa đi khắp nơi: Bắc Ninh, Bắc Giang, Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang, Cao Bằng... Cuộc chiến đấu những năm sau này còn đưa anh em tới Quảng Trị, Thừa Thiên, Tây Nguyên, Nam Bộ, rồi Xiêng Khoảng, Cánh đồng Chum bên đất bạn Lào, cả Xiêm Riệp, Bát-đom-boong ở Cam-pu-chia.
Thấm thoắt vậy mà đã 50 năm. Có người chỉ ở quân ngũ vài năm, sau đó về tiếp tục đi học thành bác sĩ, kỹ sư, giáo viên, làm công nhân, cán bộ quản lý... Có người còn ở lại quân đội ba, bốn chục năm đến lúc nghỉ hưu. Nhưng kỷ niệm về những ngày Thủ đô giải phóng, về những ngày đầu tiên trong quân đội vẫn luôn tươi rói, nhắc nhở mọi người về một thời tuổi trẻ hăng say, sôi nổi, trong sáng vô tư. Sau này trên đường đời, mỗi khi gặp trắc trở khó khăn, ai nấy đều tự nhủ: Ðã có bước khởi đầu tốt đẹp mang danh Bộ đội Cụ Hồ, nhất định mình phải vượt lên để xứng đáng với anh em, đồng chí, xứng đáng là người con của Thủ đô từng được thử thách, rèn luyện trong môi trường rất lý tưởng đối với mỗi thanh niên.
Những năm trước, bạn bè tuy nhớ nhau đấy, nhưng vì hoàn cảnh chiến tranh, vì bận công ăn việc làm, hầu như chưa lần nào anh em tập trung gặp lại nhau đông đủ. Sau này, đã bước qua tuổi 50, rồi 60, 70, cuộc sống ổn định và rảnh rang hơn, anh em hẹn nhau mỗi năm gặp mặt một lần vào dịp 10 tháng 10 để cùng thăm hỏi nhau trong không khí của Ngày hội kỷ niệm giải phóng Thủ đô. Và năm nay, kỷ niệm 54 năm giải phóng Thủ đô, cũng là 50 năm ngày nhập ngũ, cuộc gặp mặt càng đậm đà ý nghĩa. Tất cả đều đã nghỉ hưu. Tất cả các mái đầu đều đã hói, đã bạc. Cái sôi nổi ngày nào lắng lại. Bù vào đấy là niềm vui của tuổi già có con, cháu trưởng thành, gia đình hòa thuận, làng xóm, phố phường và cả thành phố ta đang ngày ngày khởi sắc. Lại nữa, mỗi người đều tự cảm thấy mình sống khỏe, sống vui, sống có ích. Nguyễn Hữu Chương nhà ở phố Bác Cổ, là thầy giáo nghỉ hưu, liên tục được bầu là phụ lão gương mẫu, lại thường xuyên có mặt trong đội văn nghệ cựu chiến binh của phường, của quận. Nguyễn Sĩ Vinh, người chính làng Hoàng Mai, nghỉ hưu từ Nhà in báo Nhân Dân, nay vẫn thường xuyên có đố vui, tranh và truyện vui đăng trên các báo Quân đội nhân dân, Tiền phong, Văn nghệ... Đặng Tiết trở thành nhà kinh doanh hàng thêu ren xuất khẩu, cùng với vợ là cô giáo Hảo cũng đã nghỉ hưu thành cặp vợ chồng hướng dẫn viên võ thể dục cho Câu lạc bộ sức khỏe ngoài trời các quận, huyện của Hà Nội. Anh em còn nói vui: Sáng nào cũng gặp vợ chồng Tiết-Hảo, vì cứ mở chương trình Thể dục buổi sáng của HTV là thấy! Đinh Văn Nghĩa nghỉ hưu từ Cục Tổ chức-Tổng cục Chính trị, nhiều năm làm Bí thư Đảng ủy phường Nghĩa Tân, có mẹ già ngót trăm tuổi là cụ bà Lý Thị Hởi ở làng Hồ-phường Bưởi. Cụ Hởi đã nhiều lần được báo chí Thủ đô ca ngợi về tấm lòng nhân hậu và nếp sinh hoạt giữ sạch đường làng, ngõ xóm… Phát Triệu trở thành Nghệ sĩ ưu tú được người xem quen mặt, biết tên qua các bộ phim, vở kịch. Ngô Đình Tâm ra quân làm cán bộ công đoàn ngành Giao thông-Vận tải đến lúc nghỉ hưu, vẫn hăng hái tự ứng cử và có tên trong danh sách qua mấy vòng hiệp thương bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII khu vực Thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều anh em khác vẫn đang tích cực hoạt động ở đảng bộ và hội cựu chiến binh các phường, xã, quận, huyện.
 |
Các cựu chiến binh-học sinh sinh viên Hà Nội gặp mặt năm 2003 (tác giả là người thứ nhất, bên trái hàng đầu). |
Trong niềm vui họp mặt hôm nay, nhớ xiết bao các bạn đã khuất. Nhớ Lê Hùng trước đây ở 150 Hàng Bông, mỗi lần cất tiếng hát bài “Tình ca” của nhạc sĩ Hoàng Việt thì dù ở bãi tập hay sân khấu trong đoàn, mọi người đều lặng đi để rồi nhất loạt vỗ tay rầm rộ. Lê Hùng từng chiến đấu ở chiến trường Lào, chiến trường miền Nam và anh đã ra đi sau ngày chiến thắng. Nhớ Vũ Thượng Khanh (con trai luật gia Vũ Đình Hòe-Bộ trưởng Tư pháp sau Cách mạng tháng Tám năm-1945) thường bập bùng cây ghi-ta với bài hát “Đảng đã cho ta một mùa xuân” của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Vậy mà sau những ngày “Điện Biên Phủ trên không” của Hà Nội cuối năm 1972, Khanh đã sớm giã biệt cuộc đời ở tuổi 34. Nhớ Nguyễn Huy Lư tức nhà thơ Lữ Huy Nguyên, giám đốc của hai nhà xuất bản thuộc Bộ Văn hóa-Thông tin (trước đây), đã “về” đài hóa thân Hoàn Vũ tới nay tròn 10 năm (1-10-1998) khi anh còn đang ấp ủ viết về các bạn đồng ngũ. Nhớ Phạm Ngô Huy mắc bệnh hiểm nghèo, đã thanh thản ra đi sau khi nghe vợ con đọc một bài viết trên báo
An ninh Thủ đô. Bài báo kể về nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Cát Linh, khi còn là thầy giáo trẻ Phạm Ngô Huy ở ngoại thành giữa những năm 60 của thế kỷ trước, đã nghĩ cách bện rơm thành chiếc mũ đội đầu, mở ra phong trào học sinh toàn miền Bắc đội mũ rơm trên đường đi học để tránh bom đạn giặc Mỹ. Nhớ Bùi Quang Rực (56 Hàng Trống, con trai cụ Bùi Hưng Gia-nhà tư sản dân tộc, nhân sĩ của Hà Nội những năm 60), phục viên đi học làm kỹ sư, rồi chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh, năm nào cũng gọi điện thoại ra chúc mừng, thăm hỏi anh em ngày họp mặt 10 tháng 10, nay đã không còn. Lại lan man nhớ những lần cả đơn vị đồng ca, mượn lời một bài hát Triều Tiên để trêu các cô gái thôn Phú Nhiêu sát bên doanh trại:
“Chị em Phú Nhiêu ra bờ suối gánh nước cùng mang đôi thùng đung đưa trên vai…”. Nhớ ngày nào mấy anh em trong tốp văn nghệ được trung đoàn cử đi theo đoàn chèo Cổ Phong (Sơn Tây) để học các làn điệu
Lới lơ, Sa lệch chênh, rồi
Con gà rừng, Hề mồi sư cụ… Lạ sao, cứ đến lượt mấy diễn viên trẻ Ngân Thoa, Diễm Lộc (sau này là Nghệ sĩ nhân dân, nổi tiếng với vai Xúy Vân trong vở chèo
Xúy Vân giả dại) hướng dẫn, y như rằng mấy chiến sĩ Hà Nội ta rất chậm thuộc lời, thuộc điệu…
Niềm vui càng trọn vẹn khi các cựu chiến binh cùng nhau ôn lại, so sánh Hà Nội mở rộng bây giờ với Hà Nội nửa thế kỷ trước. Thủ đô ngày ấy đến Nghi Tàm, Quảng Bá phía bắc; Bạch Mai, Hoàng Mai phía nam; đền Voi Phục, Cầu Giấy phía tây; bên kia cầu Long Biên phía đông, đã thấy sao mà hoang sơ, xa vắng. Ngày ấy, người Hà Nội thường chỉ đi bộ, đi tàu điện, sang hơn thì đi xe đạp, xích lô, nay có tới hàng triệu xe máy, hàng chục vạn ô tô các loại. Chả thế, những năm trước, anh em đến gặp nhau bằng xe đạp, xe máy; sau lớn tuổi hơn thì đi “xe ôm”; từ năm ngoái đến giờ, ta-xi, xe nhà (do con lái), xe buýt đã thành phương tiện chính đưa mọi người tới nơi họp mặt. Hà Nội hôm nay với hơn 3.000km2, 6 triệu dân, đang thay da đổi thịt mỗi ngày. “Thành phố vì hòa bình” đang phấn đấu sao cho ngày thêm “xanh-sạch-đẹp”, sao cho trật tự, kỷ cương mà vẫn khoáng đạt, thanh lịch, là điểm đến mong ước của khách bốn phương…
Cũng vì vậy, dù nay tóc đã bạc, chân chậm, mắt mờ, nhưng lớp thanh niên lên đường nhập ngũ của Hà Nội 50 năm trước, vẫn cảm thấy trong lòng sức sống tuổi thanh xuân. Hà Nội hôm nay, Hà Nội của “Niềm tin và hy vọng”, đang tiếp thêm cho họ niềm vui mới, sức sống mới. Thật tự hào và sung sướng! Tự hào về những ngày mình đã sống, chiến đấu và lao động để góp phần vào một Hà Nội hôm nay, một đất nước hôm nay nhiều lần tươi đẹp hơn xưa như Bác Hồ kính yêu từng dự cảm. Sung sướng về một cuộc sống cả vật chất và tinh thần chắc chắn ngày càng sung túc hơn, phong phú hơn của mỗi gia đình, của toàn thành phố và của cả đất nước.
Hà Nội ơi, ngày ấy chưa xa! Bởi ngày ấy có những kỷ niệm sâu sắc theo ta đi suốt cuộc đời. Quá khứ vẻ vang bao giờ cũng hứa hẹn một tương lai xán lạn.
Tháng 10-2008
MAI THẾ CHÍNH