 |
Trung đội súng máy cao xạ 14,5mm của Nhà máy cơ khí Mai Động đón nhận lẵng hoa chúc mừng của Bác Tôn. Ảnh tư liệu |
Ngay ngày hôm đó, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đến thăm, động viên tập thể các y, bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai. Những ngôi nhà bị đổ sập, những người dưới hầm trú ẩn bị kẹt cứng dưới lớp gạch vụn tới mấy ngày. Lực lượng cứu hộ, lực lượng tự vệ đã nhanh chóng khoan đục lỗ những tấm bê tông lớn, đưa ống dẫn khí xuống hầm cứu sống người bị nạn. Đồng thời đào bới, gạt những bức tường, những tấm bê tông đưa người bị nạn thoát khỏi nguy hiểm. Trong tiếng mưa bom ngày ấy, có cả tiếng trẻ sơ sinh cất tiếng khóc chào đời.
35 năm qua, những em bé sinh ra dưới làn mưa bom bão đạn ngày ấy nay đã ở tuổi trưởng thành và đang làm chủ cuộc sống của mình ngay trên mảnh đất đã từng bị bom đạn cày sới này. Bác sĩ, Tiến sĩ Trần Thúy Hạnh - quyền Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, ngày ấy mới là sinh viên năm thứ 2 của Trường đại học Y khoa Hà Nội, nhớ lại:
- Ngày ấy, sinh viên ở nơi sơ tán. Ngừng ném bom chúng tôi mới trở lại trường và công việc đầu tiên là khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục lại bệnh viện. Từ đó đến nay, đã qua bao thế hệ y, bác sĩ phục vụ tại đây. Tập thể Bệnh viện Bạch Mai luôn là một tập thể mạnh và toàn diện về mọi mặt.
Ngày nay Bệnh viện Bạch Mai đã phát triển cả quy mô và chiều sâu chuyên môn khoa học, song tấm bia “Căm thù” vẫn còn đó như một chứng tích lịch sử để nhắc nhở mỗi người không lãng quên một thời bom đạn đau thương ấy, mà sống và làm việc sao cho trọn với y đức của người thầy thuốc Việt Nam.
Chuyện của những nữ pháo thủ bắn rơi “cánh cụp cánh xòe” F.111
Theo lời giới thiệu của anh Nguyễn Văn Trung - Chánh văn phòng Công ty TNHH Mai Động có 100% vốn Nhà nước, nguyên cựu tự vệ chiến đấu trong 12 ngày đêm khói lửa mùa đông năm 1972, phải khó khăn lắm người viết mới tìm được địa chỉ của nữ pháo thủ Ngô Thị Hiếu. Chị nguyên là tự vệ Nhà máy cơ khí Mai Động, đã từng cùng cả đơn vị hạ gục “cánh cụp cánh xòe” F.111 đêm 22-12-1972.
Ngôi nhà nhỏ số 7 của chị nằm sâu trong con hẻm ngách 127/16 ngõ Quan Thổ I, đường Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa. Chị là người Hà Nội chính gốc. Nhìn chị duyên dáng, thoăn thoắt tay lược tay kéo tỉa tóc cho khách hàng, khó ai tin được 35 năm trước chính người phụ nữ này làm nên kỳ tích hạ gục máy bay Mỹ. Và câu chuyện bắn máy bay của chị cũng hồn nhiên như những câu chuyện đời thường vậy.
Năm 1971, vừa tròn 19 tuổi, Ngô Thị Hiếu được tuyển dụng vào làm công nhân Nhà máy cơ khí Mai Động. Tuổi trẻ, chị tham gia ngay vào đội tự vệ của nhà máy và được biên chế vào trung đội súng máy cao xạ 14,5mm. Đến năm 1972, chiến tranh phá hoại của Mỹ ngày càng ác liệt. Lực lượng tự vệ phòng không của nhà máy, bứt khỏi sản xuất, tập trung huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu.
Ngày ấy, trận địa của nhà máy được bố trí ở cánh đồng phía sau Đền Lừ, có nhiệm vụ phối thuộc với trận địa pháo 100mm lực lượng tự vệ dự nhiệm của Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, Công ty May Thăng Long. Những ngày đầu của 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không ta chưa tìm được cách đánh hiệu quả nhất nên đạn mất nhiều. Lực lượng tự vệ của nhà máy phải tham gia tiếp đạn hỗ trợ cho trận địa pháo 100mm của đơn vị phối thuộc.
5 giờ chiều ngày 22-12-1972, Bộ Tư lệnh Thủ đô hạ lệnh cho di chuyển trận địa súng máy phòng không cao xạ 14,5mm ra tiếp quản trận địa pháo 100mm ở Vân Đồn. Trận địa gồm 5 khẩu đội của các đơn vị: Nhà máy cơ khí Mai Động, Xí nghiệp chế biến gỗ Hà Nội, Nhà máy cơ khí Lương Yên. Ra trận địa mới, các xạ thủ được giao nhiệm vụ và phổ biến cách đánh. Nhiệm vụ của 5 khẩu đội súng máy phòng không tầm thấp này là tập trung tiêu diệt bằng được loại máy bay F.111. Vì qua mấy ngày ta phát hiện loại máy bay này chuyên đánh lén vào các mục tiêu phát lộ sau khi B52 rải thảm. Chúng bay rất thấp dọc theo dòng sông Hồng lượn vào tấn công các mục tiêu rất nhanh. Bởi vậy trận địa này phải nổ súng đón lõng khi phát hiện mục tiêu.
Nhận nhiệm vụ xong, tất cả vào vị trí kiểm tra vũ khí, khí tài. Khẩu đội trưởng Thái Văn Quang, Ngô Thị Hiếu xạ thủ số 1, Đặng Văn Sinh xạ thủ số 2. Khẩu đội 2 có Phạm Thị Viễn là xạ thủ số 1, Đỗ Thị Dần xạ thủ số 2. Cùng các khẩu đội của đơn vị bạn dưới sự chỉ huy của một đồng chí trung úy thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô. Chừng 22 giờ đêm 22-12 còi báo động vang lên từng đợt. Loa phóng thanh thông báo máy bay địch xuất hiện cách Hà Nội 80km, 60km rồi 40km. Đại đội trưởng phát hiện mục tiêu, khi máy bay còn cách Hà Nội chừng 40km, ra-đa thông báo mất mục tiêu. Đại đội trưởng hạ lệnh: Bắn! Cả 5 khẩu đội rung lên. Điểm xạ ngắn, tất cả có 19 viên đạn ra khỏi nòng.
Còi báo yên vừa dứt, có xe ô tô của Bộ Tư lệnh Thủ đô xuống ngay, đồng chí chỉ huy hỏi:
- Trận địa của các đồng chí vừa nổ súng phải không? Cấp trên thông báo: Trận địa Vân Đồn độc lập bắn rơi một chiếc F.111. Các đồng chí bắn nó bị thương vào cánh, rơi xuống ở khu vực Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.
Cả trận địa ôm nhau mừng khôn xiết. Chị Viễn có hoàn cảnh đặc biệt. Khi Tổng thống Giôn-xơn hạ lệnh ném bom phá hoại miền Bắc lần thứ nhất. Một ngày tháng 11-1967, mẹ chị đi chợ như bao ngày thường, máy bay Mỹ ập đến rải bom bi xuống khu dân cư. Bà bị bom bi sát hại ngay trước cửa chùa Tương Mai, trong khi đó bản thân chị ở nhà máy bị bom bi sát thương phải cấp cứu ở bệnh viện Việt Đức. Ngày hôm sau chị mới được các bác sĩ thông báo mẹ chị đã chết vì trúng bom bi Mỹ.
5 năm sau, đêm 22-12-1972, các chị lập chiến công bắn rơi F.111 thì đêm 26-12, bố chị bị trúng bom B.52 Mỹ rải thảm ở khu vực cánh đồng gần Đền Lừ. Vậy là hai đời Tổng thống Mỹ: Giôn-xơ và Ních-xơn đã giết hại cả hai bố mẹ chị. 7 anh chị em mồ côi cả cha lẫn mẹ trưởng thành lên trong tình thương yêu, đùm bọc của mọi người. Giờ đây họ đã có con, có cháu nhưng mỗi khi đến giỗ hai người bị bom Mỹ giết hại ấy, con cháu nào quên được mối thù sâu hận này.
Nhớ Khâm Thiên mùa đông năm ấy
Tại số 51 phố Khâm Thiên có một tấm bia mang dòng chữ: “Khâm Thiên khắc sâu căm thù giặc Mỹ” và một bức tượng bằng đồng tạc hình một phụ nữ bế trên tay một đứa trẻ đã chết vì bom Mỹ, đứng giữa trời xanh và phố phường nhộn nhịp. Đã 35 năm nay, kể từ cái đêm 26-12 mùa đông năm 1972 ấy, năm nào cũng thế, cứ đến những ngày này, bà con khắp phố, khắp nơi đều tìm về đây thắp những nén hương thơm cho 287 người dân vô tội đã chết vì bom Mỹ rải thảm.
Ông Nguyễn Văn Cầu, 72 tuổi là một trong số những người còn sống sót trong trận B.52 Mỹ rải thảm bom hủy diệt năm ấy đến thắp hương cho vợ, con và những người thân sớm hơn mọi năm. 35 năm đã trôi qua, ông vẫn không quên nổi cảnh tượng hãi hùng đêm 26-12-1972. Gia đình ông mất đi một lúc năm người thân: Vợ, con trai đầu, em ruột ông và người anh rể cùng đứa cháu chưa đầy 5 tuổi. Thắp nén hương thơm, ông vừa khấn vừa nghẹn ngào, những giọt nước mắt hiếm hoi của người đàn ông đã đi gần hết cuộc đời lăn dài trên má.
Ông nói trong tiếng nấc:
- Tang thương lắm, mấy chục con người chết không toàn thây. Vợ tôi chỉ còn nửa người trên, phần dưới nát cùng với đất. Con trai tôi chỉ còn lại có một cái chân. Tôi nhận ra vì chân cháu bị bỏng ở nơi sơ tán, băng tạm bằng chiếc khăn… Ông nấc nghẹn, khóc không ra tiếng, nói chẳng thành lời, chỉ biết cúi đầu vái lạy, cầu mong cho các vong linh vô tội bị chết tức tưởi ngày ấy được siêu thoát.
Khâm Thiên ngày ấy là một con phố buôn bán sầm uất, nhà cửa hai bên phố san sát nhau chẳng kém bây giờ là mấy. Đêm Nô-en, có lệnh ngừng bắn, ông đón vợ và con trai từ nơi sơ tán về Khâm Thiên để lấy một số đồ dùng cần thiết và đưa cháu vào Bệnh viện Bạch Mai điều trị vết bỏng. Ngày 26-12 máy bay địch tập kích ở nhiều nơi, ông nhận được lệnh tối nay địch sẽ tiếp tục đánh phá Khâm Thiên ác liệt và ông cùng với lực lượng tự vệ chiến đấu tại nóc nhà xưởng in. 8 giờ tối ông đạp xe vội về nhà báo tin cho vợ con và mọi người biết. Tất cả đều sẵn sàng xuống hầm trú ẩn khi có máy bay đến.
22 giờ 45 phút đêm 26, đạn pháo từ mặt đất bắn lên đỏ rực trời như pháo hoa. Máy bay địch gầm rú, bom nổ ù tai không còn nhận rõ âm thanh nữa. Từ nóc xưởng in, ông Cầu nhìn về Khâm Thiên, một vệt bom kéo dài hơn 1.200m hết con phố, từ đầu Ô Chợ Dừa đến tận hồ Thiền Quang lửa khói mịt mù. Sáng sớm hôm sau, rời trận địa về Khâm Thiên, ông không còn tin ở mắt mình nữa. Phố xá tan hoang, hơn một ngàn nóc nhà bị san phẳng. Tất cả chỉ còn lại là một đống gạch vụn đổ nát khổng lồ. Vợ con ông đâu? Mọi người đâu? Những người tìm kiếm đang cố sức đào bới đống tro tàn, định vị tìm những gian hầm trú ẩn. Đâu đó vẫn có tiếng người kêu cứu vọng ra từ lòng đất.
Căn hầm trú ẩn dành cho khu vực gia đình ông ở rất rộng có thể chứa được mấy chục người. Khi tìm thấy, cả hơn 40 người đã thiệt mạng. Bom rơi trúng hầm, vợ ông bị cắt đôi thân thể và đứa con trai đầu lòng của ông chỉ còn lại một cái chân. Trong căn hầm gần đó, người anh rể và đứa cháu ông cũng đã thiệt mạng. Người em trai út của ông là công nhân Nhà máy nước thì mất tích, mãi gần hai tháng sau, người ta mới tìm thấy xác chú ấy.
Trận ném bom hủy diệt phố Khâm Thiên đêm 26-12-1972 đã làm 287 người chết; 290 người bị thương; 178 đứa trẻ mồ côi, trong đó có 112 cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ và hàng ngàn ngôi nhà bị phá hủy. Ngay chính tại nơi đặt tấm “Bia khắc sâu căm thù giặc Mỹ” này là ngôi nhà của một gia đình bị bom Mỹ giết hại không còn ai sống sót. Bốn bức tường đổ nát của ngôi nhà cũ vẫn còn được lưu giữ và pho tượng đồng người phụ nữ bế đứa trẻ trên tay được lấy nguyên mẫu từ chính chủ nhân của ngôi nhà bị hủy diệt này.
35 năm qua, tấm bia còn đó và những bức ảnh thờ những người xấu số vẫn được lưu giữ trong phòng truyền thống cùng những con số thống kê đến đau lòng về những mất mát luôn là bằng chứng tố cáo tội ác của những kẻ làm nên cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam. Không chỉ ông Cầu và người dân Khâm Thiên, mà bất cứ người dân Hà Nội nào cũng đều nhớ mãi những ngày cuối tháng 12 mùa đông năm 1972: Hà Nội máu và hoa ấy.
Nguyễn Thị Tâm Bắc