
|
Đại đội dân quân xã Mễ Trì gặp mặt nhân kỷ niệm 35 năm chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”. |
Những ngày này 35 năm về trước, cả Hà Nội rung lên vì hàng nghìn tấn bom rơi, đạn nổ của đế quốc Mỹ trong chiến dịch Lai-nơ Bếch-cơ II. Chiến tranh đã lùi xa, chẳng ai muốn kéo dài quá khứ đau thương mất mát ấy, song những người dân Hà Nội có người thân thiệt mạng bởi cuộc tập kích chiến lược bằng không quân Mỹ trong 12 ngày đêm mùa đông năm 1972 vẫn không quên ngày giỗ cha, giỗ mẹ, giỗ anh em họ mạc và đồng đội. Lửa căm hờn có thể nguôi ngoai song nỗi đau trong tâm khảm mỗi gia đình khó mà xóa được. Và, mỗi lần ôn lại truyền thống oai hùng của Thủ đô không thể không nhắc đến nỗi đau thương ngày ấy. Trước những tấm bia tưởng niệm, xin được thắp nén hương thơm cầu cho vong hồn những người đã khuất được siêu thoát và ghi nhớ tội ác tày trời của bè lũ cướp nước năm xưa. Và người viết bài này xin được ghi lại những câu chuyện của một thời “Hà Nội máu và hoa” ấy...
Chuyện ghi được ở Bảo tàng Chiến thắng B52
Con phố Đội Cấn vốn đã nhỏ nhưng những ngày này càng trở nên chật chội hơn bởi khách đến tham quan Bảo tàng Chiến thắng B52 ngày một đông. Khách đến từ mọi miền Tổ quốc, mọi tầng lớp cán bộ, nhân dân, học sinh, sinh viên… và bạn bè quốc tế từ các châu lục Á, Âu, Phi, Mỹ. Họ đến không phải vì hiếu kỳ để tận mắt nhìn thấy “pháo đài bay B52” có thân dài 48 mét, sải cánh rộng tới gần 60 mét, một thời được mệnh danh là “siêu pháo đài bay”, “bất khả chiến bại” đã nằm ườn, phơi xác giữa hồ Hữu Tiệp, hay để ngắm nhìn những tên lửa SAM 2 sừng sững vươn cao lên bầu trời, mà họ đến thăm bảo tàng với mỗi người có một cảm xúc riêng.
Những cựu chiến binh đến đây, như tìm về quá khứ của một thời bom đạn. Những đôi bạn già dìu nhau từ phố Khâm Thiên đến đây để ôn lại một thời loạn lạc chia ly, phố xá tan hoang bởi mưa bom bão đạn của lũ cướp nước. Đồng bào miền Nam ra Hà Nội, tới đây để thấy một thời “Rồng lửa Thăng Long” đã chia lửa cùng “Thành đồng Tổ quốc” buộc đế quốc Mỹ phải rút khỏi miền Nam Việt Nam. Và, thế hệ trẻ, những em học sinh, sinh viên đến đây không chỉ để tìm tư liệu trả bài thi cho môn học lịch sử mà để thấu hiểu sự hy sinh to lớn của các thế hệ đi trước cho nền hòa bình độc lập hôm nay.
Những cựu binh, những phi công Mỹ đã từng tham gia trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, trở lại đây, lần giở từng món đồ trong hành trang đời lính tại gian trưng bày: Nào bộ đồ bay, các loại mũ, các loại găng tay, giày, tất, chăn, dù… cái nào cũng đều mang ký hiệu USA sản xuất, mà ánh mắt đượm buồn bởi một thời tuổi trẻ của họ đã hao tổn vào cuộc chiến tranh phi nghĩa. Rồi những giọt nước mắt sám hối muộn mằn khi họ xem những bức ảnh thương tâm: Xác cháu bé chưa kịp thôi nôi nằm bên xác mẹ trên đống tro tàn đổ nát của khu phố Khâm Thiên. Những ngón tay người cựu binh Mỹ tưởng như tê dại. Anh ta nhìn lại bàn tay mình như cố tìm xem ngón tay nào đã từng ấn lên nút cắt bom thời đó.
Một sáng đầu đông, bảo tàng vừa mở cửa đã có một gia đình người Đức vào thăm. Họ xem rất tỉ mỉ từng hiện vật, từng bức tranh trưng bày. Qua thuyết minh, họ hiểu về lịch sử ngàn năm văn hiến của Thủ đô Hà Nội, được bắt đầu từ chiếu dời đô của vua Lý Công Uẩn năm 1010. Hà Nội thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám, cuộc đấu tranh giành chính quyền, rồi cuộc chiến đấu 60 ngày đêm giam chân địch mở đầu Toàn quốc kháng chiến mùa đông năm 1946, 9 năm kháng chiến trường kỳ, Hà Nội ngày bộ đội về tiếp quản ngày 10-10-1954, những công trình xây dựng của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, và cuộc chiến đấu, đánh trả không quân Mỹ trong chiến dịch Việt Nam hóa của đế quốc Mỹ.
Với ý chí sắt đá, quân và dân Thủ đô đã cùng cả nước đập tan ý đồ đưa miền Bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá của Lầu Năm Góc thời bấy giờ. Tất cả được tái hiện qua hơn 5.000 hiện vật, tranh ảnh và lời thuyết minh của các nhân viên bảo tàng trong các gian trưng bày rộng 1.200 mét vuông theo từng chủ đề và tiến trình lịch sử. Cuối cùng đoàn khách tham quan nọ dừng chân trong một gian phòng rộng hơn 200m2 với khối sa bàn Hà Nội - 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không cùng hình ảnh không gian ba chiều. Cuốn phim tư liệu dài 20 phút chiếu thay cho lời thuyết minh và các mô hình của sa bàn hoạt động đã tái hiện lại Hà Nội tháng 12-1972.
Những con số thống kê từ đêm 18 rạng ngày 19 đến hết ngày 31-12-1972 đã có tới 444 lần B52 và hơn 1.000 lần máy bay chiến thuật của đế quốc Mỹ trút hàng vạn tấn bom giội xuống những trọng điểm đánh phá của chúng tại Hà Nội cùng khu phố Khâm Thiên, Bệnh viện Bạch Mai, ga Hà Nội… giết hại 2.380 người dân vô tội, làm bị thương 1.355 người. Vượt lên đau thương mất mát, lưới lửa phòng không của quân và dân Hà Nội đã giáng trả những đòn đích đáng. 358 thần sấm, con ma đã tan xác ngay trên bầu trời Hà Nội và “Rồng lửa Thăng Long” đã tung mình quật cổ 25 pháo đài bay B52, đập tan niềm kiêu hãnh của không lực Hoa Kỳ thời bấy giờ.
Hà Nội rộn vang chiến thắng. Đài Tiếng nói Việt Nam vẫn phát đi những bản tin chiến thắng của khắp các chiến trường, công bố với thế giới từng xác B52 rơi, danh sách phi công Mỹ vào nghỉ tại khách sạn Hin-tơn ngày một dài thêm. Đêm Nô-en năm ấy, Hà Nội đèn điện vẫn sáng như sao. Hồ Gươm vẫn lung linh những sắc màu huyền diệu. Những bản thánh ca mừng Chúa giáng sinh vẫn vang lên. Những đôi uyên ương, với những tà áo dài duyên dáng thướt tha vẫn nắm tay nhau sóng đôi trên đường phố. Ngớt tiếng bom, Hà Nội vẫn nên thơ. Cuối cùng đế quốc Mỹ buộc phải ngồi vào bàn đàm phán, ký kết hiệp định Pa-ri chấm dứt cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam.
Những thước phim tư liệu kết thúc, đèn bật sáng, ông Bukhard Weithaas (tên người khách) cứ đứng trước sa bàn, đưa mắt tìm vị trí sân bay Gia Lâm. Bởi lẽ, đó là nơi ông đã từng đặt chân tới Hà Nội từ gần 35 năm về trước. Ông cho biết rằng: Ngày đó ông và các đồng nghiệp trong đoàn chuyên gia của Cộng hòa dân chủ Đức sang giúp ta, đã rất sốc khi tận mắt chứng kiến cảnh Hà Nội bị tàn phá trong chiến tranh. Rằng ông đã từng công tác ở Việt Nam từ ngày 8-1-1974 đến ngày 8-5-1975 với tư cách là chuyên gia giúp ta kỹ thuật trồng khoai tây và nuôi lợn ở Nông trường Phú Sơn (Vĩnh Phú). Và rằng ông yêu mùa thu Hà Nội với hương hoa sữa nồng nàn và tấm lòng cởi mở thân thiện của mỗi người dân nơi đây.
Năm 2004, ông trở lại Việt Nam cùng hai cô cháu ngoại. Ông đã đưa các cháu về thăm nông trường nơi ông đã từng công tác. Những cộng sự của ông nay đã ở tuổi 60 đến 70. Ông thấy Hà Nội đổi thay nhiều quá. Năm nay, ông lại cùng vợ và cô con gái sang Việt Nam theo tour du lịch 15 ngày. Gia đình ông đã đi thăm suốt chiều dài đất nước Việt Nam, đến những địa danh nổi tiếng, những di sản văn hóa thế giới vịnh Hạ Long, cố đô Huế, phố cổ Hội An, địa đạo Củ Chi…
Ngày thứ 14, gia đình ông vào Lăng viếng Bác Hồ và thăm Bảo tàng Chiến thắng B52. Ông nói:
- Tìm hiểu quá khứ chúng tôi càng thấy rõ sức vươn lên, đổi thay của Hà Nội. Hà Nội ngày nay đẹp và hiện đại quá.
Cô con gái ông năm nay tròn 40 tuổi, lần đầu tiên được đến Việt Nam. Tại bảo tàng này cô thích nhất bức ảnh một thôn nữ vai đeo súng, tay đang bừa ruộng với nụ cười tươi tắn trên môi. Bà vợ ông thì tiếc rằng nhân viên bảo tàng chưa thuyết minh được bằng tiếng Anh hay tiếng Pháp, để bà hiểu được rõ hơn từng sự kiện của cuộc chiến tranh. Gia đình vị khách quốc tế hẹn sang năm sẽ trở lại Việt Nam, đưa những người bạn tới thăm Bảo tàng này. Bà vợ bày tỏ:
- Thật tiếc nếu ai đến Hà Nội mà chưa đến thăm Bảo tàng Chiến thắng B52 thì chưa gọi là đã biết Hà Nội theo đúng nghĩa của từ đó.
Kỷ vật và ngày “giỗ trận”
Từ lâu lắm rồi, năm nào cũng thế, cứ đến những ngày cuối tháng 12 nhà ông Trần Ngọc Nam ở thôn Phú Đô, xã Mễ Trì trở thành nơi họp mặt của đại đội dân quân thời đánh Mỹ. Họ gặp nhau, cùng ôn lại một thời “con gái đi cày để con trai ra mặt trận” và để làm giỗ Đại đội trưởng Ngô Duy Cương cùng 5 xạ thủ của khẩu đội súng máy phòng không 14,5mm đã hy sinh anh dũng, bảo vệ đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam ngay trong đêm 18 rạng ngày 19-12-1972. Các nữ dân quân trẻ trung, tươi tắn đã từng bắn rơi máy bay Mỹ 35 năm về trước nay đều đã ở tuổi ngũ tuần. Những câu chuyện xưa, nay và tiếng cười giòn tan của họ vẫn xua tan những nhọc nhằn toan tính mưu sinh hiện tại.
Mọi người đều nhớ ngày 8-7-1972, trời nắng như đổ lửa, mới 10 giờ trưa mà trận địa nóng tới mức không chịu nổi. Máy bay Mỹ vừa kết thúc đợt tấn công, còi báo yên đã dứt nhưng những xạ thủ vẫn giữ nguyên vị trí, vì đoán máy bay địch sẽ bất ngờ quay trở lại. Chỉ mươi phút sau, một chiếc F4 đột nhiên xuất hiện, bay rất thấp để trinh sát những mục tiêu chúng vừa đánh phá. Ngay đúng tầm ngắm, trung đội trưởng Trần Ngọc Nam ra lệnh: Điểm xạ dài 2 loạt! Bắn! Hai khẩu 14,5mm đồng loạt nhả 29 viên đạn. Chiếc F4 khựng lại, bốc cháy rồi lộn nhào ngay xuống cánh đồng trước mặt. Đó là chiếc máy bay thứ tư trong ngày bị quân và dân Hà Nội bắn rơi và là chiếc máy bay thứ 301 bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội.
Bà Nguyễn Thị Thơ năm nay gần 60 tuổi, mang ra chiếc khay nhôm và bộ ấm chén nhỏ xinh được làm từ mảnh đuya-ra của xác máy bay rơi khoe:
- Đây là kỷ niệm mối tình của vợ chồng tôi đấy. Ngày ấy, ông nhà tôi là lính phòng không đóng trên thôn Thượng. Xác máy bay rơi ngay trên cánh đồng Sung, tôi mang về một mảnh làm kỷ niệm. Ông ấy khéo tay, lại đang thời gian tìm hiểu nên kỳ công làm thành bộ ấm chén này biếu các cụ nhà tôi. Khi chúng tôi cưới nhau, các cụ cho lại làm của hồi môn vừa là kỷ niệm. Chúng tôi giữ mãi từ đó đến nay. Mới vậy mà đã 35 năm rồi. Bà dừng lại, giọng buồn buồn, rồi nói tiếp: - Ông nhà tôi lâm bệnh, qua đời đã mấy năm nay. Kỷ vật thời bom đạn và tình yêu đôi lứa tôi còn giữ là chiếc khăn tay có in dòng chữ Bộ Tư lệnh Thủ Đô tặng cho chiến công bắn rơi máy bay Mỹ và bộ ấm chén này. Nay tôi trao lại cho Bảo tàng Chiến thắng B52 - Quân khu Thủ Đô, làm hiện vật trưng bày.
Rồi bà lấy giọng, ngâm bài thơ Giỗ trận của ông Trần Ngọc Hải:
… Hai anh, bốn chị ta ơi!/Hy sinh anh dũng tại nơi quê nhà/Đi vào trang sử quê ta/Nghìn năm nhớ mãi bài ca anh hùng.
Tiếng ngâm thơ đã dứt mà mọi người vẫn lặng im. Ai nấy đều nhớ về trận “mưa bom” đêm 18 rạng ngày 19-12-1972 ấy. Đó là một ngày ghi sâu tội ác tày trời của đế quốc Mỹ, sáng sớm tinh mơ, một bầy “quạ sắt” hơn 30 chiếc đủ cả “Thần sấm”, “Con ma”, B52, tiêm kích, cường kích các loại, hiện đại bậc nhất của không lực Hoa Kỳ xé toang màn đêm hùng hổ kéo vào ném bom rải thảm xuống các vùng trọng điểm của Hà Nội.
4 giờ 51 phút, đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam đóng trên đất Mễ Trì bị trúng bom, phải tạm ngừng phát sóng, nhưng chỉ 9 phút sau sóng phát thanh lại vang lên, dõng dạc công bố với thế giới những tội ác tày trời của chúng. Tất cả các trận địa phòng không của quân và dân Hà Nội đều rung lên, những họng súng không ngừng nhả đạn đến đỏ nòng, những chùm đạn như những con rồng lửa giăng lưới dày đặc bủa vây lũ giặc trời, bảo vệ tiếng nói thiêng liêng của dân tộc.
Khẩu đội súng máy phòng không 14,5mm của dân quân Mễ Trì bị trúng bom. Đại đội trưởng Ngô Duy Cương, khẩu đội trưởng Tạ Đắc Thông và các nữ xạ thủ Nguyễn Thị Nguyệt, Nguyễn Thị Sinh, Nguyễn Thị Ngọc, Đỗ Thị Thặng đã anh dũng hy sinh. Thi thể các anh chị hòa cùng với đất. Trong suốt 12 ngày đêm, đế quốc Mỹ đã trút 2.597 quả bom các loại xuống vùng đất bán kính chưa đầy 3km này, làm chết 84 người dân vô tội.
Cánh đồng Sung, nơi 6 liệt sĩ ngã xuống, nay đã thay da đổi thịt. Những công trình đồ sộ, những tòa nhà cao chọc trời, những khu đô thị đẹp, hiện đại đã mọc lên. Và, sẽ có một khoảng không gian vừa đủ để lập tấm bia tưởng niệm 6 liệt sĩ anh dũng hy sinh năm ấy cho những người dân nơi đây tới thắp hương tưởng niệm những người đã ngã xuống trong những ngày “giỗ trận” thế này. Ủy ban nhân dân xã Mễ Trì và huyện Từ Liêm đã lập dự án xây dựng bia tưởng niệm đang trình thành phố Hà Nội chờ phê duyệt. Hy vọng công trình Bia tưởng niệm của xã Mễ Trì sẽ được hoàn thành trong một ngày không xa để nhắc lại một thời oanh liệt.
Bệnh viện Bạch Mai ngày ấy...
Ai đã từng đến thăm Bệnh viện Bạch Mai ở số 78 đường Giải Phóng, thành phố Hà Nội sẽ thấy ngay lối ra vào trước cửa nhà Trung tâm có một bức phù điêu lớn trên tường mang hình những chiến sĩ áo trắng đang vật lộn dưới bom đạn kẻ thù cứu bệnh nhân. Đó là tấm bia “Căm thù” ghi sâu tội ác của đế quốc Mỹ trong “12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không” của quân và dân Thủ đô. Bệnh viện Bạch Mai là một trong những nơi bom Mỹ rải thảm, đánh phá ác liệt vào rạng sáng ngày 22-12-1972.
(còn nữa)
Bài và ảnh: NGUYỄN THỊ TÂM BẮC