QĐND Online - Từ Đội điều trị 3 ban đầu được thành lập trong những năm kháng chiến chống Pháp, trở thành Bệnh viện Quân y 103 vững mạnh ngày nay, 65 năm qua, các thế hệ cán bộ, y bác sĩ bệnh viện đã không ngừng nỗ lực, vượt qua mọi khó khăn để xây dựng bệnh viện trở thành địa chỉ tin cậy, giỏi về chuyên môn, giữ vững y đức người thầy thuốc. Bệnh viện cũng đang từng bước vươn lên trở thành bệnh viện hiện đại.
Đột phá vào các kỹ thuật khó
Tôi vẫn nhớ cảm giác hồi hộp khi được Đại tá Bì Kiến Thiết, Chủ nhiệm Chính trị Bệnh viện Quân y 103 (hiện nay Đại tá Bì Kiến Thiết đã nghỉ hưu-PV) gọi điện nói rằng: “Bệnh viện đang chuẩn bị tiến hành một ca ghép tụy-thận, em xuống đây đi”. Đây là ca ghép đầu tiên ở Việt Nam thể loại đa tạng từ người cho chết não. Đó là thời điểm ngày 1-3-2014. Thể loại ghép đa tạng này cực kỳ phức tạp, ở Việt Nam chưa có bệnh viện nào tiến hành, bởi thế không ai dám chắc hoàn toàn ca ghép sẽ thành công. Để tránh áp lực cho các y, bác sĩ thực hiện công việc, tất cả thông tin đều được giữ kín.
Gặp tôi, Đại tá Bì Kiến Thiết chia sẻ: Tất cả các khâu chuẩn bị đã được tiến hành từ nhiều tháng trước đó và đây là thời điểm thích hợp nhất cho việc tiến hành ghép đa tạng, bởi tất cả các yếu tố từ điều kiện tiến hành chuyên môn, có người hiến tạng, có người nhận tạng… Bệnh nhân được ghép tạng là anh Phạm Thái Huyên, công tác tại Bộ CHQS tỉnh Sơn La, bị đái tháo đường tuýp 1, tụy không hoạt động, suy thận độ 2. Bệnh nhân đã chờ đợi cơ hội này từ rất lâu và nếu không được ghép tạng thì anh sẽ khó qua khỏi. Ca ghép được tiến hành trong điều kiện bệnh viện đã huy động tổng lực về trí tuệ, con người, phương tiện để tiến hành. 150 y, bác sĩ được huy động tham gia vào các khâu, thời gian tiến hành ca ghép kéo dài hơn 7 giờ đồng hồ.
Ngay khi ca ghép được tiến hành thành công, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Sử, Chính ủy Bệnh viện đã “bật mí” cho tôi quá trình chuẩn bị công phu cho ca ghép này của tập thể y, bác sĩ bệnh viện.
 |
Các bệnh nhân điều trị chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Quân y 103. |
- Đây là ca ghép tụy-thận (đa tạng) đầu tiên của bệnh viện, cũng là ca ghép đa tạng đầu tiên ở Việt Nam. Trước đó, bệnh viện đã tiến hành nhiều loại ghép tạng như thận, gan, tim… nhưng ghép đa tạng vô cùng phức tạp. Bệnh viện đã chuẩn bị ba phương án. Phương án thứ nhất là mời các nhà khoa học nước ngoài cùng tham gia. Trước đó, bệnh viện đã hợp tác về chuyên môn kỹ thuật với nhiều nhà khoa học, đặc biệt là các nước châu Á có nền y học phát triển và phương án ghép đa tạng đã được bàn thảo nhiều lần. Phương án thứ hai là liên kết với các trung tâm có uy tín về ghép tạng ở Việt Nam để tiến hành. Phương án thứ ba là đội ngũ cán bộ, nhân viên của bệnh viện tự tiến hành. Ở ca ghép này, do người hiến tạng chết não diễn ra bất ngờ trong đêm nên việc mời các nhà khoa học trong và ngoài nước cùng tham gia sẽ kéo dài thời gian, ảnh hưởng đến việc bảo đảm an toàn cho việc duy trì sự sống của tạng. Do đó, Đảng ủy, Ban giám đốc bệnh viện đã xin ý kiến và được lãnh đạo Học viện Quân y nhất trí cho tiến hành phương án thứ ba, đội ngũ y, bác sĩ của Bệnh viện Quân y 103 sẽ trực tiếp tiến hành. Cuối cùng ca ghép đã thành công mĩ mãn. Ghép tạng là một kỹ thuật mới, một công nghệ cao và phức tạp. Trong thế kỷ XX, ghép tạng là 1 trong 10 thành tựu khoa học lớn của nhân loại -Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Sử chia sẻ.
 |
Ban giám đốc Bệnh viện Quân y 103 chỉ đạo việc phẫu thuật cấp cứu cho ngư dân bị nạn trên quần đảo Trường Sa qua màn hình. Ảnh: Đỗ Trung |
Bệnh viện Quân y 103 là bệnh viện tiên phong trong lĩnh vực ghép tạng, bệnh viện đã chuyển giao kỹ thuật phức tạp này cho các bệnh viện trong cả nước. Ngày 4-6-1992 đánh dấu một mốc quan trọng, bệnh viện đã tiến hành ca ghép thận trên người đầu tiên tại Việt Nam. Từ đó đến nay, bệnh viện đã tiến hành hàng trăm ca ghép thận, riêng năm 2015, bệnh viện đã thực hiện 34 ca ghép thận. Ghép thận giờ đã trở thành kỹ thuật thường quy được tiến hành ở cấp bộ môn- khoa ở bệnh viện. Có những ngày các y, bác sĩ ghép 2-3 ca cùng lúc và hoàn toàn có thể ghép cùng lúc 3-4 ca an toàn. Năm 2004, bệnh viện tiến hành ca ghép gan đầu tiên ở Việt Nam. Tiếp đó năm 2010, bệnh viện tiến hành ca ghép tim đầu tiên.
Sự thành công của các ca ghép tạng, ghép đa tạng này đã khẳng định bản lĩnh, trình độ của đội ngũ y sĩ, bác sĩ, cũng như nền y học trong nước. Nếu tính về giá trị kinh tế thì một ca ghép tạng trong nước có chi phí thấp hơn rất nhiều so với thực hiện ở nước ngoài. Trong số các trung tâm trên cả nước đã ghép được thận hiện nay, rất nhiều trong số đó đã được Bệnh viện 103 chuyển giao kỹ thuật này. Có thể kể đến những cái tên như: Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội), Bệnh viện 198 (Bộ Công an), Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec…, mới đây nhất là Bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên...
Điểm tựa vươn lên từ nền tảng hôm qua
Trong những ngày này, bệnh viện đang tổ chức nhiều hoạt động để hướng tới kỷ niệm 65 năm ngày thành lập. Bệnh viện Quân y 103 tiền thân là Đội điều trị 3, được thành lập ngày 20-12-1950 tại thôn Trung Giáp, xã Anh Dũng (nay là xã Trung Giáp), huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ.
Chúng tôi tìm gặp Giáo sư Nguyễn Bửu Triều-nguyên Đội trưởng Đội điều trị 3 những năm đầu tiên được thành lập. Dù đã bước qua tuổi 90 nhưng ông vẫn còn rất minh mẫn. Giáo sư Nguyễn Bửu Triều chia sẻ: Ký ức những ngày đầu của Đội điều trị 3 khiến ông không thể nào quên.
 |
Các y, bác sĩ Bệnh viện Quân y 103 khám bệnh cho đối tượng nhiễm chất độc da cam/dioxin tỉnh Nam Định. |
Trong câu chuyện của ông, ngày ấy, Đội điều trị 3 vừa thành lập nên thiếu thốn về mọi mặt. Sau 5 ngày được thành lập, vừa tạm ổn định công tác tổ chức, Đội nhận lệnh hành quân đến Thản Sơn (Tam Dương, Vĩnh Phúc) để phục vụ Chiến dịch Trần Hưng Đạo. Khi Đội vừa đến vị trí tập kết, đang triển khai đội hình, chuẩn bị lán trại thì bị địch tập kích. Cùng ngày hôm đó, ca thương binh nặng đầu tiên được chuyển đến cấp cứu, đó là một đồng chí Đại đội trưởng bị thương gãy xương đùi. Bác sĩ Vưu Hữu Chánh (Đội phó), y sĩ Trác và y tá Long tiến hành thành công ca mổ này trong điều kiện hết sức khó khăn, thiếu thốn ngay tại sân của một nhà dân ở xã Thản Sơn. Địch đánh phá ác liệt nên đội phải tổ chức đội phẫu thuật lưu động. Bất kể ngày đêm, cứ có thương binh chuyển đến là anh em tổ chức cấp cứu ngay. Buồng mổ có khi hoạt động liên tục 7-8 ngày không nghỉ. Mỗi buổi anh chị em phải thay băng cho hàng trăm thương binh. Có lúc trung bình một nhân viên phải phục vụ 20-25 thương binh.
Cuộc kháng chiến chống Pháp càng gần bước vào Chiến dịch Điện Biên Phủ, các công việc càng đòi hỏi khẩn trương. Công tác quân y phục vụ cho chiến dịch cũng đòi hỏi rất cấp bách, đặc biệt là việc chuẩn bị nhân lực, vật lực cho một chiến dịch lớn. Ông Bửu Triều nhớ lại: Lúc ấy, tất cả anh chị em tập trung vào nghiên cứu, tìm tòi các phương pháp cấp cứu, điều trị. Và chính trong giai đoạn này, nhiều kỹ thuật cấp cứu, điều trị đã được Đội thực hiện thành công như xử lý các vết thương nặng, phức tạp, kỹ thuật chống choáng, chống nhiễm trùng. Toàn Đội bước vào Chiến dịch Điện Biên Phủ với tâm thế “tất cả cho tiền tuyến”. Chiến dịch Điện Biên Phủ là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự, cũng là “cửa mở” của nhiều kỹ thuật trong cứu chữa, điều trị thương binh, đặc biệt là việc nghiên cứu để tìm phương án chữa trị trong tình trạng bộ đội mắc bệnh sốt rét nhiều, trong đó nhiều người đã mất do sốt rét ác tính.
Trải qua gần 65 năm, xây dựng và trưởng thành, từ một đội điều trị ban đầu còn nhỏ bé, với nhiệm vụ chủ yếu là cấp cứu; điều trị ngoại khoa, phục vụ chiến dịch trở thành một bệnh viện huấn luyện, bệnh viện đa khoa hạng I, có nhiều chuyên khoa tuyến cuối toàn quân, bệnh viện đã có bước phát triển nhanh về quy mô, tổ chức biên chế, chức năng nhiệm vụ và cả về số, chất lượng.
Gần 65 năm qua, bệnh viện đã tham gia đào tạo hơn 1.500 lớp, với 60.000 học viên; đào tạo gần 30.000 cán bộ và nhân viên y tế, trong đó có gần 700 tiến sĩ; hơn 1.800 thạc sĩ, hơn 4.000 bác sĩ; gần 21.000 bác sĩ đa khoa, dược sĩ đại học, cử nhân điều dưỡng, cử nhân kỹ thuật. Đây chính là nguồn nhân lực bậc cao đóng góp vai trò quan trọng đối với sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ bộ đội và nhân dân.
Với nhiệm vụ điều trị, Bệnh viện Quân 103 đã trở thành địa chỉ tin cậy của bộ đội, thương binh, bệnh binh và nhân dân trong cả nước. Trong 10 năm trở lại đây bệnh viện đã khám cho 2.147.967 lượt người. Cấp cứu cho 365.066 lượt người. Thu dung điều trị 334.420 bệnh nhân. Tỷ lệ sử dụng giường là 212,63%. Hằng năm bệnh viện đã chủ động giúp đỡ về chuyên môn cho các bệnh viện thuộc tuyến. Cùng với nhiệm vụ đào tạo và điều trị, bệnh viện đã trở thành trung tâm nghiên cứu y học nói chung, y học quân sự nói riêng; bình quân mỗi năm thực hiện 20 đề tài và nhánh đề tài cấp Nhà nước, Bộ Quốc phòng và hơn 70 đề tài cấp cơ sở. Cho đến nay, bệnh viện đã thực hiện hơn 4.000 đề tài, nhánh đề tài cấp nhà nước và cấp bộ, đề tài cấp cơ sở và hàng nghìn sáng kiến cải tiến kỹ thuật.
Với việc đang được Nhà nước, Quân đội đầu tư lớn, xây dựng trụ sở, đầu tư trang thiết bị y tế, con người… bệnh viện đang phấn đấu vươn lên trở thành bệnh viện hiện đại, xứng đáng là địa chỉ tin cậy của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.
Bài và ảnh: TUẤN THU