Anh Lường Văn Tưởng trong một buổi họp công an xã

QĐND Online – Là một địa bàn phức tạp về ma tuý nhưng con người và phương tiện làm công tác đấu tranh với ma tuý ở Thanh Yên chưa được đầu tư nhiều. Hàng ngày, những công an viên tại đây vẫn đang phải đối mặt với nhiều hiểm nguy từ những đối tượng buôn bán ma tuý có vũ khí nóng và rất manh động

Thủ đoạn ngày một tinh vi, khó lường

Chỉ là một xã - một địa bàn nhỏ, nhưng những thủ đoạn tinh vi trong buôn bán ma tuý ở nơi khác có, Thanh Yên cũng có. Lợi dụng điều kiện địa hình rộng, phức tạp, hạ tầng giao thông còn khó khăn, các đối tượng buôn bán ma tuý đã tìm nhiều cách trốn tránh sự tuần tra, kiểm soát của lực lượng chức năng. Anh Lường Văn Tưởng, Trưởng công an xã cho biết: “Đối phó với sự vây bắt, kiểm tra sát sao của lực lượng chức năng, các đối tượng đã liên tục thay đổi phương thức vận chuyển buôn bán. Trước đây chúng vận chuyển số lượng nhiều trong một chuyến, nhưng giờ thì phân tán nhỏ lẻ, vận chuyển về theo nhiều hướng khác nhau. Vận chuyển đêm bị mật phục, truy bắt, chúng liều lĩnh vận chuyển, mua bán vào ban ngày. Các đối tượng thường mang theo vũ khí, rất manh động, sẵn sàng phi tang và chống trả lại lực lượng công an xã. Khiến cho việc truy bắt gặp rất nhiều khó khăn”.

Thời gian trước, bị vây bắt, “hàng” mất, bọn tội phạm không còn vốn để lấy hàng, việc mua bán ma tuý giảm. Tuy nhiên, để đối phó với tình trạng này, nhiều đối tượng là “chủ hàng” phía bên kia biên giới sẵn sàng cho ứng hàng trước, trả tiền sau (với những lượng ma tuý vừa phải). Việc này khiến cho hoạt động buôn bán ma tuý càng tấp nập, phức tạp. Công tác đấu tranh với ma tuý trên địa bàn ngày một khó khăn. Công an viên Lò Văn Ngọc kể: “Trước đây, các đối tượng thường bọc ma tuý trong giấy bạc, hoặc túi linon, bao cao su... Khi bị vây bắt, đối tượng sẵn sàng ném đi, hoặc nuốt vào người. Nhưng do đa phần các trường hợp này đều bị lực lượng công an dùng biện pháp nghiệp vụ lấy lại được. Để đối phó, giờ đây, các đối tượng đã bọc ma tuý vào trong giấy mỏng. Khi bị truy đuổi sẽ nuốt vào người hoặc ném xuống ruộng nước, xuống suối. Thực tế thời gian gần đây nhiều lần chúng tôi đã gặp phải thủ đoạn này. Nếu không xử lý nhanh, giấy bị bục, ma tuý bị tan biến, mất tang vật để xử lý tội phạm. Đặc biệt, với địa hình nhiều bờ ruộng, rặng cây như tại xã, trong quá trình đuổi bắt, đối tượng rất dễ phi tang”.

Trên địa bàn xã đa phần là đường đất, không có đường bê tông. Từ bản này sang bản kia thường phải đi qua những bờ ruộng, hoặc đường mòn khó đi. Nhiều đoạn chạy bộ thì nhanh mà đi xe máy thì chậm. Nên nhiều lúc công an xã chọn phương án đi bộ chặn bắt ma tuý.

Theo nguyên tắc cán bộ là nam giới không được khám đối tượng là nữ giới. Nắm được nguyên tắc này, nhiều đối tượng đã thuê phụ nữ vận chuyển ma tuý. Thực tế này đã gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng công an xã. Anh Đinh Văn Sáng, Phó trưởng công an xã bức xúc: “Có những lúc, lực lượng công an xã bắt được đối tượng nữ đang vận chuyển ma tuý. Xác định được là đối tượng đang buộc ma tuý ở trong người. Tuy nhiên, lực lượng công an xã toàn là nam giới, do vậy không thể khám xét được. Đành phải cho người lên huyện báo cáo để cử cán bộ nữ xuống địa bàn. Cả đi, cả về cũng mất một buổi. Trong thời gian đó phải quản lý đối tượng thật chặt, chỉ lơ là một chút, đối tượng có thể phi tang. Nhiều lúc việc cử cán bộ nữ xuống địa bàn cũng không phải muốn là có ngay do thiếu lực lượng”.

Tay không bắt tội phạm ma tuý

Theo quy định, mỗi bản có một công an viên, Thanh Yên có 23 bản (đội sản xuất), nên xã hiện có 23 công an viên. Cộng với Trưởng và phó trưởng công an xã thì lực lượng công an ở xã là khá đông. Tuy nhiên, đó là xét về mặt số lượng. Khi xét về diện tích địa bàn quản lý và độ khó khăn

Công an viên xã lần theo những tụ điểm hút, chích ma tuý

trong đi lại, sự phức tạp về tội phạm ma tuý thì lực lượng này chưa phải là nhiều. Mặt khác sự đầu tư, trang bị cho đội ngũ công an viên của xã hầu như không có gì.

Trong khi đồng chí trưởng công an xã nói về việc bọn tội phạm ma tuý mang theo vũ khí, sẵn sàng chống trả lực lược. Chúng tôi hỏi, để đối phó lại với tội phạm nguy hiểm như vậy công an xã được trang bị những gì? Câu trả lời là những tràng cười của các công an viên có mặt, “chúng tôi được trang bị đôi bàn tay khoẻ mạnh!”.

Không vũ khí, không có cả dùi cui, phương tiện tối thiểu trong truy bắt tội phạm, các công an viên ở xã đang ngày đêm đấu tranh với tội phạm ma tuý bằng những bàn tay không và lòng dũng cảm. Mỗi công an viên là một chiến sĩ dũng cảm, can trường, vì theo họ, “tội phạm cũng là người dân tộc mình, sống ở bản, làng mình cả”. Với suy nghĩ rõ ràng đó, tinh thần tiến công tội phạm trong mỗi công an viên lúc nào cũng được nêu cao.

Do không có vũ khí nên việc đuổi hô bắt tội phạm đứng lại, hầu như không có hiệu quả. Tội phạm chỉ bị bắt khi người công an viên chứng minh được mình khoẻ hơn - khi người công an viên đã quật ngã, khống chế hoàn toàn được đối tượng.

Công an viên Lường Văn Hương kể: “Biết chúng mình không có vũ khí nên khi bị truy bắt, dù có hô hoán, bắt đứng lại, nhưng đối tượng vẫn chạy. Chúng mình chỉ có cách duy nhất là đuổi theo. Vì vậy, phải quật nhau với đối tượng là chuyện “cơm bữa”. Nhiều khi quật nhau lăn từ trên đồi xuống, vật nhau từ dưới suối lên. Cảnh công an chúng mình vật nhau với tội phạm rơi từ nhà sàn xuống là thường xuyên xảy ra. Cũng may, đa phần chỉ bị sây sát nhẹ, chưa ai bị thương nặng. Nhờ chúng mình đều có thể lực tốt!”.

Việc lao vào đánh nhau tay không với tội phạm đã nguy hiểm rồi, nhưng ở Thanh Yên, nhiều tội phạm ma tuý nhiễm HIV lại còn nguy hiểm hơn. Các công an viên ở đây luôn phải đối mặt với nguy cơ phơi nhiễm HIV. Công an viên Nguyễn Đình Phú nhớ lại: “Trong một lần vây bắt tội phạm ma tuý. Khi xông vào bắt đối tượng, tôi đã bị đối tượng chống trả quyết liệt. Trong lúc giằng co, đối tượng đã cắn vào tay tôi, làm chảy nhiều máu”. Tuy nhiên, sau đó anh Phú chỉ nhận bồi thường về tổn hại sức khoẻ mà chưa đi xét nghiệm xem có bị truyền nhiễm bệnh hay không.

Vẫn chưa phải đã hết khó khăn, công an viên của xã trong công tác đấu tranh với tội phạm ma tuý còn phải đối mặt với sự trả thù của đối tượng bị bắt. Do là người trong xã nên các công an viên nhà ở đâu, sinh hoạt thế nào đều bị các đối tượng nắm rõ. Khi bị bắt, mất hàng, bị đi tù, các đối tượng rất dễ cay cú trả thù. Anh Đinh Văn Sáng cho biết: “Với mình thì chẳng ngại, chỉ ngại đối tượng nhằm vào người nhà mình. Nhưng mình còn đồng đội, đồng chí, còn người dân biết lẽ phải lên tiếng, có luật pháp bảo vệ. Mình làm đúng, kiên quyết đấu tranh với cái xấu thì không sợ gì cả!”.

Nguy hiểm, gian khổ như vậy, nhưng trợ cấp của mỗi công an viên một tháng chỉ được 100.000đồng. Ngoài ra, họ không còn một khoản thu nhập nào khác. Theo phản ánh các công an viên, trước đây giá xăng còn mấy nghìn đồng/lít thì còn đỡ. Giờ hơn chục nghìn đồng/lít với đường xá đi lại khó khăn. Chỉ cần đi ra trung tâm xã họp vài lần đã hết tiền trợ cấp. Lần sau ra trung tâm xã và đi tuần tra, truy bắt tội phạm chỉ còn cách bỏ tiền túi. Nhiều lúc, vợ, con “kêu”, không muốn chồng đi. Nhưng vì công việc, vì xã, các công an viên của Thanh Yên đã vượt qua tất cả.

Tạm biệt xã Thanh Yên! qua cửa xe, nhìn những công an viên đang cặm cụi toả về phía các thôn bản mình phụ trách, chúng tôi càng cảm phục họ. Không vụ lợi, vượt qua khó khăn vật chất, sự nhọc nhằn, luôn phải đối mặt với nguy hiểm nhưng những công an viên xã Thanh Yên vẫn nhiệt tình với công tác. Vì trong mỗi con người họ chỉ có một tâm niệm duy nhất: “Cống hiến cho xã hội, ngăn chặn bằng được tệ nạn ma tuý, mang lại bình yên cho địa bàn”.

Bài và ảnh: Đinh Xuân Dũng

Kỳ sau: Na Ngum bị… bao trùm trong ma tuý
Kỳ 1: Nỗi đau từ xã có ma tuý giá rẻ