Bước chân vào căn nhà của vợ chồng ông Nguyễn Văn Nổi (tức Năm Nổi), hình ảnh đầu tiên thật ấn tượng với chúng tôi là những tấm hình chân dung Các Mác Ăng-ghen, Lê-nin và Chủ tịch Hồ Chí Minh được treo trang trọng, trên tường nhà. Lá Quốc kỳ đỏ thắm và cờ Đảng treo chính giữa gian trung tâm; hai bên là những tấm ảnh chụp lưu niệm giữa chủ nhà với các vị lãnh đạo, tướng lĩnh khi ghé thăm vợ chồng ông. Tất cả toát lên một gia đình cách mạng giàu lòng yêu nước. Giờ đây, khi tuổi đã cao, ông trở thành già làng đầy uy tín-người "giữ hồn" cho đồng bào dân tộc Châu-ro, thuộc vùng núi Phú Lý (Vĩnh Cửu, Đồng Nai).

Nhờ ơn Đảng, Bác Hồ, người Châu-ro có cuộc đời mới

Bắt đầu câu chuyện với chúng tôi, già làng Năm Nổi nói ngay điều đó trong tâm trạng thật xúc động. Ông kể: "Trong thời kỳ Pháp thuộc, người Châu-ro vẫn sống chủ yếu bằng săn bắn và làm rẫy, cuộc sống bấp bênh thiếu ăn quanh năm, lại bị quân Pháp đàn áp thường xuyên. Cơ cực, đói nghèo trùm lên dân bản. Đến năm 1945, đất nước giành được độc lập, đồng bào Châu-ro được Đảng, Bác Hồ cho cuộc đời đổi mới. Nhiều bộ đội về làng chiến đấu đã hướng dẫn đồng bào biết cách làm rẫy, làm nương sao cho hiệu quả; lại mang muối, gạo Bác Hồ cho dân bản ăn; dạy cho người Châu-ro biết đánh thằng Tây để giữ làng giữ đất, biết cái chữ để từng bước thoát nghèo... Thế thì không lý gì lại không tin theo Đảng, Bác Hồ và bảo vệ bộ đội kháng chiến".

Giọng nói sang sảng của già làng như tỏa hơi ấm làm xua tan cái lạnh đầu mùa nơi rừng ngàn heo hút...

Già làng Năm Nổi

Ngay từ khi còn trẻ, anh Năm đã theo cách mạng, làm giao liên dẫn đường và tiếp tế cho bộ đội trong vùng. Giữa lúc ác liệt nhất của cuộc chiến tranh, vùng Phú Lý lại bị ngập lụt, khiến cả làng vô cùng đói khổ; thêm vào đó lại xuất hiện con cọp 3 móng chuyên bắt người ăn thịt. Già trẻ, gái trai hoang mang sợ hãi. Anh thanh niên Nguyễn Văn Nổi quyết tâm rình phục, tìm hiểu thói quen đi lại của con cọp rồi phối hợp với bộ đội Chiến khu D triệt hạ được cọp dữ. Núi rừng Phú Lý bình yên lại và là hậu phương an toàn cho Chiến khu D, Khu ủy miền Đông và căn cứ Trung ương Cục tiếp tục hoạt động, chỉ đạo kháng chiến.

Sau hiệp định Giơ-ne-vơ kết thúc cuộc chiến tranh của Pháp ở Việt Nam, đầu năm 1955, ông vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Nhờ uy tín cùng nhiều kinh nghiệm của người giao liên trong thời kháng chiến, ông được giữ chức Bí thư chi bộ của làng-đây cũng chính là thời kỳ mà xã Phú Lý trở thành nơi nuôi giấu cán bộ cốt cán chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Người "giữ hồn" của làng

Già làng Năm Nổi không chỉ thủy chung với cách mạng mà còn là người tâm huyết trong việc giữ gìn và bảo vệ truyền thống văn hóa của dân tộc Châu-ro. Ngoài căn nhà mà Đảng và Nhà nước trao tặng, ông còn có một căn nhà dài-nhà truyền thống của người Châu-ro. Ở đó ông đã sưu tầm và gìn giữ được nhiều sản phẩm văn hóa đặc sắc, như cồng, chiêng, kèn môi, kèn lúa, kèn lá, đàn concala và nhiều vật dụng khác của đồng bào dân tộc Châu-ro, Ê-đê, Mường, Thái...

Dẫn chúng tôi thăm nhà dài, già Năm giới thiệu rất nhiều vật dụng, chỉ cho chúng tôi cách đánh cồng, chiêng, thổi đàn môi, đàn concala và hướng dẫn một số phong tục cúng bái của người Châu-ro... Theo ông, các loại nhạc cụ như kèn môi, kèn lá thường được trai gái sử dụng gọi nhau để hò hẹn yêu đương; còn đàn concala và cồng, chiêng thường được đánh vào các dịp lễ hội truyền thống như hội cúng nhang, cúng thần lúa, thần rừng, thần đất... Trong nhà dài còn có cả những chứng tích tàn phá của chiến tranh, như chậu đồng, thau nhôm, mâm bạc bị bắn thủng. Tất cả được ông cẩn thận lưu giữ trong "bảo tàng" riêng, vừa để bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc mình, vừa để giáo dục truyền thống cho con cháu đời sau.

Đang hào hứng giới thiệu "bộ sưu tập", bỗng ông chỉ vào những chiếc cồng, chiêng rồi cất giọng trầm buồn: "Bọn trẻ trong làng bây giờ biết về văn hóa cồng chiêng, về cách đánh đàn, thổi các loại kèn ít quá! Cứ đà này sẽ làm cho nét văn hóa riêng của người Châu-ro dần bị mai một...".

Tiếng thở dài của vị già làng cùng ánh mắt chợt buồn sâu thẳm khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Có lẽ vì trách nhiệm với mai sau nên mấy năm nay ông đã bàn với các bô lão trong làng tổ chức được nhiều lớp dạy thanh, thiếu niên cách đánh đàn, đánh cồng chiêng, thổi kèn lá và các truyền thống văn hóa của dân tộc... những mong thanh niên của làng ngoài việc tiếp cận nền văn hóa chung phải giữ gìn được bản sắc riêng, giữ được "cái hồn" của người Châu-ro...

Mặc dù đã bước vào tuổi 79, nhưng già làng Năm Nổi vẫn tích cực tham gia các hoạt động của địa phương, trong công tác mặt trận, cùng chi bộ tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước cho bà con, đặc biệt là việc giáo dục truyền thống cách mạng và bảo tồn các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Châu-ro cho lớp trẻ mai sau.

Chia tay ông vào buổi chiều rừng lộng gió, trong chúng tôi, hình ảnh già làng, người đảng viên cộng sản kiên trung đã gắn bó với bao thăng trầm của cách mạng, của đồng bào dân tộc Châu-ro, vẫn sừng sững giữa đại ngàn xanh tươi hùng vĩ. Và câu nói chắc nịch, sang sảng của ông cứ vang vọng ngân xa: "Dù thế nào làng Châu-ro vẫn một lòng theo Đảng, vẫn mãi đoàn kết xây dựng làng hạnh phúc, ấm no".

Một mùa xuân mới sắp về mang theo niềm vui và sự thanh bình đến với mọi người, đến với rừng núi Phú Lý và đồng bào dân tộc Châu-ro!

Bài và ảnh: HOÀNG ĐÌNH THÀNH