QĐND - Ba năm trước, dưa hấu được người dân các huyện Kon Chro, Kbang, Chư Prông, Đăk Pơ và thị xã An Khê của tỉnh Gia Lai xếp vào loại “cây làm giàu”. Nhưng mùa dưa năm nay thì ngược lại, giá cả xuống thấp, khó tiêu thụ, hàng trăm gia đình lâm vào cảnh nợ nần, thậm chí trắng tay vì dưa hấu.
Gia Lai là vùng đất phù hợp với môi trường sinh trưởng của cây dưa hấu, nên cho trái nhiều, to và ngọt. Chính vì vậy, một số huyện trong tỉnh đã hình thành những vùng chuyên canh cây dưa hấu với diện tích dao động từ 2.300 đến 2.500ha/vụ, năng suất bình quân khoảng 50tấn/ha. Những năm trước, nghề trồng dưa mang lại hiệu quả kinh tế cao nên phong trào trồng dưa hấu trên địa bàn phát triển ồ ạt. Thế rồi, người trồng dưa rơi vào hệ lụy “được mùa mất giá”. Cụ thể là, từ đầu vụ thu hoạch năm 2014 đến nay, giá dưa hấu trên địa bàn luôn dao động theo chiều hướng không có lợi cho nông dân. Đầu vụ, giá dưa ở mức 8000đồng/kg, nhưng đến những ngày đầu tháng 4, thời gian cao điểm thu hoạch, giá chỉ còn 700 đến 1000đồng/kg bán tại ruộng, sau đó thương lái bán lại với giá từ 2.500 đến 3000kg/kg. Giá dưa hấu xuống thấp, nhưng thương lái vẫn mua nhỏ giọt. Nhiều người dân đã đổ bỏ dưa cho gia súc, gia cầm ăn, trong khi đó chi phí đầu tư cho mỗi héc-ta dưa hấu bình quân hơn 100 triệu đồng, nếu hộ nào phải thuê đất để trồng thì chi phí tăng thêm khoảng 20 triệu đồng nữa. Như vậy, mỗi héc-ta người trồng dưa bị lỗ từ 50 đến 70 triệu đồng, một số tiền rất lớn đối với bà con nông dân, khiến nhiều gia đình trồng dưa thua lỗ, dẫn đến nợ nần.
 |
Dưa hấu bán tại chợ chỉ có 3000 đồng/kg mà vẫn ít người mua.
|
Ông Trần Văn Thanh là người trồng dưa hấu có nhiều kinh nghiệm ở xã Ia Lâu thổ lộ: “Chư Prông là một trong những huyện trồng dưa hấu nhiều nhất khu vực phía tây của tỉnh Gia Lai (hơn 350ha, tăng tự phát hơn 70% so với năm 2011), tập trung chủ yếu tại xã Ia Lâu. Tôi đã trồng dưa hấu hơn 10 năm nay. Quá trình trồng, chăm sóc cây dưa hấu tốn rất nhiều công sức và kinh phí, nông dân phải ăn dầm ở dề ngoài đồng suốt 4 tháng liền. Nhưng đến thời điểm thu hoạch, nông dân ngao ngán vì giá dưa xuống quá thấp, lại không có người mua. Vụ dưa này, gia đình tôi đầu tư hơn 200 triệu đồng để trồng 2,5ha dưa hấu, nhưng đến nay bán gần hết rồi mà chỉ thu được 150 triệu đồng, còn hơn 50 triệu đồng coi như mất trắng...”. Nói xong, ông quay sang nhìn vợ. Người phụ nữ đứng cạnh ông nước mắt đã chảy dài trên khuôn mặt buồn lo...
Có mặt ở vùng Hà Tam, huyện Đăk Pơ, chúng tôi thấy nhiều ruộng dưa rất nhiều trái và người dân cũng đang thu hoạch. Không giấu được nỗi buồn trên khuôn mặt sạm đen, chị Lưu Thị Huyền cho biết: “Vùng đất này gia đình tôi canh tác đã lâu rồi, lúc đầu trồng khoai lang, bí đỏ, sau đó trồng mía. Mỗi năm thu hoạch các loại cây trồng trên rẫy xong, trừ các chi phí cũng còn lại từ 13 đến 15 triệu đồng. Trước Tết, thấy bà con trồng dưa trúng quá, vợ chồng tôi quyết định đi vay ngân hàng 50 triệu đồng, cùng với 70 triệu đồng tích lũy được trước đó để tập trung trồng gần 2ha dưa hấu, với hy vọng được mùa, được giá sẽ có tiền sửa chữa lại ngôi nhà cấp 4 xuống cấp, dột nát. Dưa xanh tốt và rất nhiều quả, mỗi quả nặng từ 5 đến 8kg, dự kiến sẽ thu hoạch được khoảng 70 - 80 tấn. Mừng vì được mùa, nhưng đến nay giá dưa tụt xuống quá thấp. Vừa bán cho thương lái, vợ chồng tôi vừa phải chở ra Quốc lộ 19, đưa về chợ Hà Tam căng bạt ngồi bán, cố vớt vát chút ít vốn”.
Được biết, người dân bản địa trồng dưa đã khổ vì thua lỗ, nhưng những người từ Bình Định lên thuê đất trồng dưa ở đây còn khổ hơn nhiều. Họ không nhà cửa, phải ở lán trại tạm bợ, không có điện, xa nguồn nước, không chợ búa… nên ăn uống thiếu thốn, nhiều người đau ốm. Hiện tại, nhiều người trong số này đã về quê, số còn lại vẫn tiếp tục vay mượn tiền để đầu tư cho vụ dưa Tết, hy vọng giá dưa lên cao, thu lại nguồn vốn ban đầu.
Để điệp khúc "được mùa mất giá" không còn lặp lại và người dân trồng dưa hấu sống được với nghề, rất mong chính quyền, các cơ quan chức năng của tỉnh Gia Lai đẩy mạnh công tác tuyên truyền, định hướng để người nông dân phát triển cây trồng, vật nuôi phù hợp và trợ giúp nông dân tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản. Về phần mình, bà con nông dân cần phải bám sát chỉ đạo của địa phương, không nên phát triển sản xuất theo phong trào tự phát, cứ thấy nông sản nào cho lợi nhuận cao là đổ xô vào trồng.
Bài và ảnh: LÊ QUANG HỒI