QĐND Online - Thời gian gần đây, nhất là những ngày lễ tết, trên địa bàn thành phố Pleiku và một số nơi như thị trấn Chư Ty huyện Đức Cơ, thị xã An Khê… tỉnh Gia Lai, các sạp hàng di động bày bán rất nhiều các loại súng đồ chơi. Mới nhìn ai cũng tưởng chúng là súng thật, màu sắc đẹp, tiếng nổ to, ánh sáng phát ra trên đầu súng hấp dẫn, đạn bay vèo vèo…

Tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, trên con đường Thống Nhất, đoạn đi vào công viên Diên Hồng và trên trục đường Trần Hưng Đạo, đường Hai Bà Trưng (gần cung Văn hóa thiếu nhi), có rất nhiều sạp hàng “di động” bày bán công khai các loại súng bắn đạn nhựa. Qua khảo sát của chúng tôi, giá các loại đồ chơi bằng súng nhựa cao hơn rất nhiều lần so với các loại đồ chơi trẻ em thông thường khác. Tùy thuộc vào mẫu mã, kích thước và trọng lượng của các loại súng bắn đạn nhựa này để các chủ hàng “niêm yết giá”. Trung bình chúng có giá từ 40.000 đến 400.000 đồng. Điều đáng quan tâm ở đây là không chỉ trẻ em sử dụng đồ chơi nguy hiểm này, mà một số thanh niên tuổi từ 16 đến 18 cũng mua và sử dụng.

Đồ chơi bạo lực được bày bán công khai tại Pleiku

Có mặt ở Công viên Diên Hồng (TP.Pleiku), chúng tôi bắt gặp nhiều thanh niên đi chơi với bạn gái nhưng vẫn cầm trên tay những khẩu súng đồ chơi cỡ lớn, lâu lâu kéo cần lên đạn “rốp rốp” rồi ngắm bắn vào những thân cây, hòn đá…khi “trúng đích” họ cùng nhau cười rất vui vẻ. Bắt chước các anh chị “điển hình” chơi súng nhựa có đạn cao su hoặc nhựa, các cháu nhỏ cũng nằng nặc đòi ba mẹ mua bằng được súng, rồi cũng cầm súng đồ chơi rượt đuổi nhau, thậm chí còn ngắm bắn vào nhau…

Trả lời câu hỏi của chúng tôi về tác hại của những khẩu súng bắn đạn nhựa có thể gây ra cho người khác, chị M ở Chư Sê cho biết: “Dịp Tết Tân Mão – 2011, tôi cũng mua cho cháu một khẩu súng ngắn bắn đạn cao su, có tiếng nổ…thấy cháu chơi cũng bình thường. Sau đó, cháu nằng nặc đòi mua súng đồ chơi cỡ lớn. Biết là nguy hiểm nên tôi khuyên con không được ngắm bắn vào bạn cùng chơi, vào người khác…Theo tôi cái nguy hiểm hơn là người bán và những cậu thanh niên lớn tuổi rồi những vẫn vẫn chơi súng nhựa…”.

Đi qua cầu treo chừng 20m, tôi gặp một cháu gái khoảng độ 7 - 8 tuổi  vừa đi tập tễnh vừa mếu máo khóc, hỏi ra mới biết “cháu đang nhảy chơi thì bị một bạn nhỏ không quen biết, bắn hai viên đạn nhựa vào mặt và vào chân rất đau…”. Điều lo lắng của chúng tôi đã thành hiện thực, không biết ngoài cháu gái bị bắn vào chân còn có ai là “hậu quả” của trò chơi súng đạn nguy hiểm này? Vấn đề đặt ra là tại sao biết các loại súng đồ chơi như trên rất nguy hiểm, nhưng các bậc phụ huynh vẫn mua cho con cái mình chơi?.

Toàn bộ đồ chơi bạo lực súng đạn nhựa “như thật” đều bắt nguồn từ Trung Quốc. Khả năng “sát thương” mà các loại súng bắn đạn nhựa gây ra là rất lớn, nếu bắn trúng vào mắt có thể gây mù lòa. Xuất phát từ tính học đòi “bắt chước” của các cháu, ảnh hưởng của những bộ phim hoạt hình kinh dị, những chương trình game bắn giết nhau... đây thực sự đây là một trò chơi mang tính bạo lực và rất nguy hiểm.

Đề nghị các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương nghiêm cấm triệt để trò chơi này. Trước hết là nghiêm cấm và xử phạt thật nặng những người cố tình buôn bán mặt hàng này và yêu cầu các nhà trường làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cho học sinh đến với trò chơi lành mạnh, không chơi những trò chơi mang tính bạo lực, súng đạn. Cùng với đó, các bậc phụ huynh không nên chiều con nhỏ bằng những “khẩu súng, những viên đạn” dù vẫn biết đó chỉ là những đồ chơi bằng nhựa…, nhưng hậu quả chúng mang lại thật khó lường…

Bài và ảnh: Lê Quang Hồi