QĐND - Đến huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, chúng tôi được nghe nhiều về câu chuyện một gia đình có "5 người cha" bộ đội với "3 người con" là người dân tộc Vân Kiều...
Từ trung tâm huyện Hướng Hóa, vượt quãng đường gần 60km, chúng tôi về xã biên giới Hướng Lập. Trên đường đi, Trung tá Nguyễn Đình Thắng, Trưởng ban Tuyên huấn Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 337 giới thiệu: Hướng Lập là xã biên giới, có 274 hộ với 1.452 khẩu, trong đó đồng bào Vân Kiều chiếm 98%. Do mặt bằng dân trí thấp, nên ở địa phương này còn tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu, đồng bào vẫn giữ thói quen phát nương, làm rẫy, nên tỷ lệ hộ nghèo trong xã khá cao; giao thông chưa phát triển, đường sá đi lại khó khăn, vào mùa mưa lũ, các thôn, bản thường bị chia cắt bởi ngập lụt, sạt lở.
Đội sản xuất 3, Trung đoàn 52 (Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 337, Quân khu 4), chỉ với biên chế 5 cán bộ, sĩ quan, được giao nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, thực hiện các dự án trên giao, tham gia chuyển giao và hướng dẫn kỹ thuật giúp đồng bào xóa đói, giảm nghèo... và phối hợp với các lực lượng giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Cả 5 cán bộ, sĩ quan trong đội đều có hậu phương ở xa; phương tiện, cơ sở vật chất bảo đảm cho thực hiện nhiệm vụ còn nhiều thiếu thốn. Thế nhưng, cán bộ, nhân viên trong đội luôn đoàn kết, nhất trí cao, cùng nhau khắc phục khó khăn, vươn lên hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, được cấp trên thường xuyên khen thưởng và trở thành một tập thể điển hình của Đoàn 337. Năm 2012, đơn vị được UBND huyện Hướng Hóa tặng giấy khen “Đơn vị dân vận khéo”. Một trong những thành tích nổi bật của Đội sản xuất 3 là thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh...
 |
Ngày nào cũng vậy, tranh thủ thời gian rảnh rỗi, bố Ngô Sỹ Lý lại hướng dẫn 3 con học tập.
|
Khi chúng tôi hỏi đến chuyện "5 người cha" bộ đội và "3 người con", thì Trung tá Nguyễn Đình Thắng tỏ ra “bí mật”: “Lát nữa các anh sẽ rõ!”. Đến Đội sản xuất 3, chúng tôi gặp Trung tá Ngô Sỹ Lý, Đội trưởng và Trung úy QNCN Hoàng Văn Bắc-nhân viên quân y-còn các anh: Đại úy Phạm Ngọc Quyết, đội phó; Đại úy Trương Thành Chung, Đội phó và Thượng úy Nguyễn Văn Tư, nhân viên đang xuống cơ sở.
Trung tá Ngô Sỹ Lý đã kể cho chúng tôi một câu chuyện cảm động: “Vào khoảng tháng 6-2012, trong lần xuống thôn Cựp, xã Hướng Lập (cách đơn vị 12km) làm công tác dân vận, tôi được nghe về câu chuyện thương tâm của gia đình ông Hồ Văn Thành (dân tộc Vân Kiều). Chỉ chưa đầy 2 năm mà 5 người trong gia đình ông lần lượt qua đời, bỏ lại ba người con còn nhỏ: Hồ Thị Huê (sinh năm 1998), Hồ Văn Hưng (sinh năm 2000) và Hồ Văn Dưng (sinh năm 2004) không nơi nương tựa. Đó là, tháng 2-2010 bà Hồ Thị Hựu (vợ ông Thành qua đời). Nỗi đau chưa kịp nguôi ngoai, thì cụ Hồ Văn Thiền (bố ông Thành) và ông Hồ Văn Thiên (anh trai ông Thành) cũng “về với Giàng”. Cuối năm 2011, ông Thành cũng giã từ cuộc đời, ba đứa con ông Thành được ông Hồ Văn Theo (em ông Thành) đưa về nuôi. Những tưởng 3 đứa trẻ có nơi nương tựa lâu dài, nào ngờ vào tháng 4-2012, ông Hồ Văn Theo qua đời. Sự kiện này, khiến người dân trong thôn Cựp hoang mang, lo lắng. Họ cho rằng, gia đình ông Hồ Văn Thành bị “ma lai” bắt đi, nên không ai dám nhận nuôi 3 đứa trẻ. Thế là, 3 chị em cháu Huê đành phải bỏ học đi săn bắt, hái lượm để kiếm cái ăn cho qua ngày đoạn tháng.
Cảm thông với hoàn cảnh của các cháu, tôi về bàn với anh em trong đội hướng giải quyết và báo cáo với Đảng ủy, chỉ huy Đoàn về hoàn cảnh đáng thương này. Ngay sau khi nhận được tin, Đảng ủy, chỉ huy Đoàn đã chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho chúng tôi liên hệ trực tiếp với chính quyền địa phương bàn hướng giải quyết. Tôi trực tiếp gặp ông Hồ Đức Vân, Chủ tịch UBND xã Hướng Lập để trao đổi. Ông Chủ tịch xã cho biết, địa phương rất nghèo, lại còn nhiều hủ tục lạc hậu không thể làm gì cho 3 cháu, nên nhờ bộ đội giúp đỡ. Sau đó, tôi báo cáo lại với chỉ huy đoàn và xin phép được đón 3 cháu về đội để nuôi dưỡng, chăm sóc”.
Thế là từ tháng 7-2012, Đội sản xuất 3 có thêm 3 thành viên nhí, 3 người con, không khí của đội vui hẳn lên. 5 người cha bộ đội dồn dịch chỗ ở, nhường một phòng để 3 chị em Huê sinh sống; đồng thời liên hệ với Ban giám hiệu Trường THCS Hướng Lập và Trường Tiểu học Hướng Lập xin cho 3 cháu trở lại học tập cùng chúng bạn. Để xóa đi sự kỳ thị, xa lánh của bà con dân bản, cùng với việc kết luận căn bệnh dẫn đến cái chết của 5 thành viên trong gia đình cháu Huê trước đây (do mắc bệnh gan), các ông bố đã đưa 3 con đến bệnh xá của đoàn kiểm tra sức khỏe, được uống thuốc phòng bệnh và được theo dõi thường xuyên. Đến nay, 3 chị em Huê đều khỏe mạnh, nhanh nhẹn và có một cuộc sống ấm áp, tình nghĩa như trong một gia đình, giúp vơi đi những nỗi đau, mất mát mà tuổi thơ của các cháu đã phải chịu đựng.
Nghĩa cử cao đẹp của bộ đội Đội sản xuất 3 và Đoàn 337 đã để lại trong lòng nhân dân địa phương những tình cảm sâu sắc. Cũng từ thời điểm ấy, nhân dân địa phương và cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 337 đã dành cho ngôi nhà thân thương Đội sản xuất 3 với cái tên "gia đình có 5 người cha, 3 người con”.
Không chỉ dừng lại ở đó, với tâm nguyện tạo cuộc sống ổn định lâu dài cho các cháu, chỉ huy đội đã liên hệ với UBND xã cấp 120m² đất ngay sát đơn vị để làm nhà. Có đất, chỉ huy đoàn huy động sự đóng góp của toàn đơn vị, mỗi cán bộ, sĩ quan dành một ngày lương (được 130 triệu đồng), cùng với các nguồn ủng hộ khác tổng cộng là 200 triệu đồng để xây nhà tặng các cháu. Rồi các bố, các chú bộ đội đã huy động công sức xây dựng căn nhà 70m² bền chắc, khép kín, với đầy đủ trang thiết bị thiết yếu của gia đình. Thế là sau một năm được 5 người cha bộ đội nuôi dưỡng, chị em Huê đã chuyển về nhà mới, trong niềm hân hoan, phấn khởi của dân làng và các bố-các chú bộ đội. Về nhà mới, nhưng hằng ngày, chị em Huê vẫn được ăn cùng 5 người cha bộ đội. Tiền ăn của 3 cháu do Phòng Chính trị, Phòng Tham mưu và Trung đoàn 52 thuộc Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 337 hỗ trợ thêm, còn thiếu bao nhiêu, 5 người cha cùng góp sức, bảo đảm mức ăn 49.000 đồng/ngày/người (bằng tiêu chuẩn ăn của chiến sĩ bộ binh).
Đáp lại sự quan tâm đó, 3 chị em Huê đều chăm ngoan học giỏi, đạt danh hiệu học sinh tiên tiến, cháu ngoan Bác Hồ. Chị cả Hồ Thị Huê, học sinh lớp 8 và Hồ Văn Hưng, học sinh lớp 7, Trường THCS Hướng Lập, còn cậu con út Hồ Văn Dưng, đang là học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Hướng Lập.
Trò chuyện với chúng tôi, cháu Hồ Thị Huê tâm sự: “Bố, mẹ, người thân của chúng cháu qua đời cả. Nhưng bù lại, chị em cháu có tới 5 người bố. Các bố rất thương chị em cháu. Hằng ngày, các bố sang hướng dẫn chúng cháu học tập và dạy kỹ năng sống. Giờ đây, chị em cháu đã vơi đi nỗi đau thương mất mát và luôn động viên nhau cố gắng học tập để không phụ công lao và tình thương của các bố. Cháu hứa cố gắng học thật giỏi, sau này trở thành bác sĩ về khám, chữa bệnh cho người dân trong xã, để không còn đứa trẻ nào rơi vào hoàn cảnh giống chị em cháu. Còn em Hưng và em Dưng cũng mơ ước sau này trở thành sĩ quan quân đội như bố Lý, bố Quyết, bố Chung, bố Tư và bố Bắc".
Nói về tấm lòng của cán bộ, sĩ quan Đội sản xuất 3, Đại tá Đỗ Xuân Hiệp, Phó chính ủy Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 337 cho biết: “Việc làm của cán bộ, sĩ quan Đội sản xuất 3, tuy nhỏ bé nhưng nó có ý nghĩa rất lớn. Việc làm này vừa mang đậm tính nhân văn, vừa góp phần làm thay đổi nếp nghĩ của đồng bào các dân tộc trong xã, góp phần động viên mọi người chung sức, chung lòng quan tâm giúp đỡ các cháu mồ côi. Đảng ủy, chỉ huy đoàn chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các cơ quan chức năng, trực tiếp là Đội sản xuất 3 tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp các cháu trong cuộc sống và học tập. Đảng ủy, chỉ huy Đoàn chúng tôi đã và đang liên hệ với Trường Trung học nội trú của tỉnh để cháu Hồ Thị Huê vài năm tới về học. Còn hai cháu Hồ Văn Hưng và Hồ Văn Dưng sẽ đưa về Trường Thiếu sinh quân để tiếp tục học tập. Hoàn cảnh của 3 cháu hiện vẫn còn rất nhiều khó khăn, rất mong nhận được sự chung tay, góp sức của Đảng bộ, nhân dân trong huyện và các nhà hảo tâm”.
Chia tay dân bản, tạm biệt gia đình của "5 người cha” và "3 người con”, chúng tôi thấy niềm vui tràn ngập. Những nụ cười rạng rỡ đã nở trên môi 3 đứa trẻ bất hạnh và trên gương mặt những người dân xã Hướng Lập chính là phần thưởng lớn dành tặng những tấm lòng vàng của bộ đội Đoàn 337 trong quá trình xây dựng kinh tế, củng cố quốc phòng trên dãy Trường Sơn hùng vĩ.
Bài và ảnh: HỮU KHIẾT - VIỆT PHƯƠNG