QĐND - Gần chục năm nay, hàng trăm hộ dân di cư tự do “nhảy dù” vào sống giữa rừng do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm (thuộc địa bàn xã Ea Kiết, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắc Lắc) quản lý, đã gây ra nhiều hệ lụy.

Học sinh lớp 1 của làng giữa rừng hằng ngày phải lội bộ hơn 2km đường rừng để đến điểm trường.

Giữ rừng bằng cả tính mạng

Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm hiện đang quản lý, bảo vệ 9.891ha rừng, sản xuất 400ha cà phê và 77ha cao su. Ngoài ra,  công ty còn tổ chức sản xuất phân vi sinh, thu mua và chế biến nông sản. Có thể nói, trong những năm qua, cũng như nhiều chủ rừng khác trên địa bàn Tây Nguyên, rừng do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm luôn chịu nhiều áp lực. Rừng bị tấn công từng ngày, nhất là xung quanh rừng đang có hàng nghìn người dân các xã Ea Kiết, Ea Mró, Ea Ta của huyện Cư Mgar sinh sống. Từ năm 1999 đến nay, hàng trăm hộ dân, chủ yếu là di cư tự do từ các tỉnh miền núi phía Bắc đã vào “lập làng” giữa rừng, khiến cho công tác giữ rừng của Công ty thêm chồng chất khó khăn.

Ngày 26-9, trao đổi với chúng tôi, đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm cho biết: Công tác giữ rừng của đơn vị những năm gần đây chẳng khác gì cuộc chiến đấu. Đã có những cán bộ, nhân viên phải đổ máu, hy sinh tính mạng. Vậy mà rừng vẫn mất từng ngày. Nguyên nhân chính của mất rừng là do dân di cư tự do tăng nhanh, dẫn đến nạn lấn chiếm đất rừng lấy đất ở, đất sản xuất và phá rừng lấy gỗ làm nhà... Lâm tặc thách thức và sẵn sàng chống trả, thậm chí chủ động tổ chức tấn công, uy hiếp lực lượng bảo vệ rừng. Chỉ tính từ năm 2007 đến nay đã có hàng chục vụ lâm tặc tấn công lực lượng bảo vệ rừng. Điển hình như các vụ anh Nguyễn Minh Huệ, Giám đốc Lâm trường Buôn Ja Wầm tử nạn trong cuộc chiến giữ rừng tại tiểu khu 514 vào năm 2007; đến năm 2009, anh Phan Quốc Tán hy sinh khi bắt giữ lâm tặc; năm 2010 anh Phan Kim Mưu bị lâm tặc bắn trọng thương, hiện đạn chì vẫn còn nằm trong gan; và mới đây, các anh Lê Văn Hường, Nguyễn Kim Nhật, Lê Văn Chiên bị lâm tặc tấn công gây thương tích...

Gỗ khai thác trái phép chứa trong nhà dân.

Rừng vẫn mất từng ngày

Theo thống kê sơ bộ đã có hơn 400ha rừng bị phá. Nóng nhất là tại các tiểu khu 540, 544 và 547. Từ năm 1999, đã có hàng chục hộ là đồng bào di cư tự do từ huyện Krông Bông (Đắc Lắc) nhảy dù vào giữa rừng để phá rừng lập làng. Chủ rừng phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức nhiều đợt đưa bà con trở lại huyện Krông Bông, nhưng không thành. Và cứ sau mỗi đợt như vậy thì số dân trở lại rừng lại đông hơn. Đến năm 2009 tăng lên 82 hộ và tính đến tháng 9-2012 này đã có tới 131 hộ, với 695 nhân khẩu. Diện tích rừng bị phá lên đến 385ha, bình quân mỗi hộ phá hơn 2,9ha.

Cũng trong ngày 26-9, chúng tôi được anh Tưởng Đức Nguyên cùng đồng đội thuộc Trạm kiểm kiểm soát cơ động (Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm) dẫn đường lội suối, xuyên rừng để vào các làng trong và làng ngoài của 131 hộ dân di cư tự do. Tại đây rừng đã bị phá tan hoang, nhiều quả đồi không còn dấu tích của rừng, mà thay vào đó là những rẫy điều, cà phê, hồ tiêu và nhà cửa. Sống giữa rừng, nên 100% hộ ở làng di cư tự do này phá rừng lấy gỗ dựng nhà, nhiều căn nhà được dựng bằng gỗ khá rộng rãi với khối lượng gỗ lớn. Đi một vòng quanh các điểm dân di cư tự do này, chúng tôi còn phát hiện khá nhiều hộ công khai chất chứa gỗ lậu ngay trong nhà...

Không di dời được dân di cư tự do ra khỏi rừng, năm 2003 UBND tỉnh Đắc Lắc ban hành quyết định thành lập “khu dân cư mới” thuộc xã Ea Kiết; đồng thời huyện Cư Mgar cho lập điểm trường ngay giữa rừng, bảo đảm việc học hành cho khoảng 200 học sinh từ mẫu giáo đến lớp 4. Ngày 21-1-2009, UBND tỉnh Đắc Lắc phê duyệt Dự án định cư cho 82 hộ, với 400 nhân khẩu di cư tự do, với mục đích đưa bà con ra định cư ngoài bìa rừng, với tổng kinh phí dự kiến 13,5 tỷ đồng. Thế nhưng, do thiếu vốn, nên đến tháng 9-2012 này, dự án mới khởi động...  chị Vàng Thị Duôn, bà Lầu Thị Say và chị Dương Thị Song cho rằng: “Nếu ra khu định cư mới, hằng ngày bà con phải dịch chuyển tới 4-5km đường rừng, mới vào được khu vực sản xuất, nên rất bất tiện!”.

Để xảy ra tình trạng hàng trăm hộ dân định cư ngay giữa rừng trong thời gian hơn chục năm là do ngay từ đầu chính quyền các cấp ở tỉnh Đắc Lắc thiếu cương quyết, không đưa ra giải pháp căn bản nhằm di dời dân ra khỏi rừng, không kịp thời bố trí khu tái định canh và tái định cư ổn định. Đến khi bà con đã dựng nhà, lập vườn ổn định mới tiến hành di dời dân vừa tốn tiền, vừa hao tổn công sức của dân, mà chưa chắc đã đạt được mục tiêu đề ra. Thiết nghĩ, việc tổ chức định cư cho 131 hộ dân di cư tự do đang sống trong rừng Buôn Ja Wầm là hết sức cấp thiết, nhằm bảo đảm các điều kiện thiết yếu như “điện, đường, trường, trạm và nước sinh hoạt” cho bà con. Thế nhưng, muốn thành công các cấp chính quyền tỉnh Đắc Lắc phải thực hiện một cách cương quyết dựa trên những chính sách về hỗ trợ định canh, định cư và những quy định của pháp luật về bảo vệ tài nguyên rừng... 

Bài và ảnh: Kiều Bình Định