 |
Hai đỉnh Lang Biang nằm phía sau Thành phố Đà Lạt. |
Yersin, vị bác sĩ người Pháp phát hiện ra Đà Lạt năm 1893 để rồi người Pháp quyết định xây dựng nơi đây thành nơi nghỉ dưỡng lý tưởng nhất được biết đến tại Việt Nam. Công lao của ông được ghi nhận bằng việc đặt tên cho trường học, con đường ở thành phố hoa lệ này. Nhưng ít ai biết rằng từ rất xa xưa, người dân bản địa sống tại Đà Lạt đã biết thổi vào mảnh đất Lâm Viên một truyền thuyết mà mãi về sau, bất cứ ai lên Đà Lạt vẫn còn xao xuyến-truyền thuyết Lang Biang. Hai đỉnh núi sừng sững hiên ngang là một phần không thể thiếu của Đà Lạt gắn liền với sự tích của một đôi trai gái. Sự mâu thuẫn giữa hai bộ tộc khiến cho chàng Lang và nàng Biang không lấy được nhau và cả hai đã tự tuyệt trên hai đỉnh núi nhìn về nhau. Sự hấp dẫn của mảnh đất cao nguyên cũng chứa nhiều bí ẩn như chính câu chuyện hư hư thực thực về Lang Biang. Chính cái huyền thoại hư hư thực thực ấy đã nuôi dưỡng bao tâm hồn về một tình yêu đẹp trong cuộc sống nhiều vất vả này.
Người Lạch (một nhóm thuộc dân tộc Kờ-ho) đã đặt chân lên Đà Lạt từ rất lâu rồi và họ chính là những người đã gắn bó với những cái tên đồi Mộng Mơ, thung lũng Tình Yêu, hồ Than Thở, thác Cam Ly từ ngày khai thiên lập địa. Nhưng xưa những địa danh nghe rất mỹ miều ấy chưa hề có trong khái niệm. Nó vẫn chỉ được gọi bằng tiếng địa phương rất khó nhớ. Năm 1953, ông Nguyễn Vỹ, Chủ tịch Hội đồng thị xã Đà Lạt bấy giờ đã có một cải cách táo bạo. Ông đổi tên một loạt đồi, núi, sông hồ, đường phố để có được những cái tên như bây giờ. Người Pháp từng gắn bó với Đà Lạt vẫn gọi hồ Xuân Hương là Grand Lac (hồ lớn), còn người Việt thì gọi nó là hồ Xuân Hương (tất nhiên tên gọi này không liên quan gì tới bà chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương). Vẻ hoang sơ nhưng đầy thơ mộng của thành phố vẫn còn giữ mãi cho đến cuối những năm 90 của thập kỷ trước bởi Đà Lạt không phải hứng chịu bất cứ một hòn bom, mũi đạn nào của chiến tranh. Có lẽ đó cũng là nơi duy nhất trên đất nước thân yêu của chúng ta không phải chịu những thảm khốc của bom đạn. Chính vẻ yên bình và thắng cảnh tuyệt đẹp đã đưa Đà Lạt trở thành thành phố du lịch có doanh thu lớn nhất các tỉnh miền Trung. (Doanh thu từ du lịch của Đà Lạt năm 2006 bằng hai địa phương có ngành du lịch mạnh là Nha Trang và Đà Nẵng cộng lại). Cứ chiều thứ sáu tất cả các khách sạn, nhà nghỉ của thành phố lại mở cửa đón những du khách từ thành phố Hồ Chí Minh lên nghỉ cuối tuần. Người ta nói vui nhưng không hề sai: “Sài Gòn đã nuôi Đà Lạt”. Nếu như Nha Trang, Hội An, Đà Nẵng… doanh thu từ du lịch đến chủ yếu từ khách nước ngoài thì Đà Lạt lại có doanh thu chủ yếu từ khách trong nước.
Khi còn ngồi trên ghế nhà trường tôi vẫn còn thắc mắc mãi lời một bài hát: “Thành phố buồn, nhớ không em. Chiều chủ nhật, chiều của riêng mình. Thành phố nào vừa đi đã mỏi. Người đan tay dưới gốc thông già…”. Giờ thì tôi đã có thể tự trả lời được câu hỏi, thành phố ấy chính là Đà Lạt. Thành phố được người Pháp kiến trúc theo phong cách Pháp, vẫn giữ nguyên được kết cấu và vẻ hài hòa của thiên nhiên núi đồi. Có lẽ vì thế mà đến nay, Đà Lạt vẫn là thành phố duy nhất ở Việt Nam không có đèn giao thông. Nhưng việc xử phạt các lỗi vi phạm giao thông ở đây khá nghiêm khắc. Đà Lạt cũng là thành phố hiếm khi nhìn thấy một chiếc xe đạp. Thuở xưa Đà Lạt chưa có nhiều xe máy, xe đạp thì không đi được bởi những con đường liên tục lên dốc, xuống dốc, do đó người ta thường đi bộ. Vì thế nó mới là thành phố “vừa đi đã mỏi”. Đà Lạt xưa chủ yếu dành cho khách du lịch bởi nó có điều kiện thời tiết thật lý tưởng. Xứ lạnh trong lòng xứ nóng. Xứ ôn đới trong miền nhiệt đới. Còn nếu ai gắn bó cả đời với Đà Lạt sẽ thấy vẻ đượm buồn của nó. Đà Lạt thường thì mưa về buổi tối, cộng với cái se se lạnh mà người Bắc thường cảm nhận rõ nhất qua những ngày giao mùa cuối thu và chớm đông. Trong cái lạnh ấy người ta chỉ còn cách tốt nhất là nằm đắp chăn rồi… nghe tiếng mưa rả rích. Ở đây nếu ra đường sau 21 giờ tối thì chỉ vì công việc chứ không có ai đi chơi nữa. Chỉ khoảng chục năm trước đây, người Đà Lạt cảm nhận rất rõ nét cảnh sương mờ che kín đỉnh núi, có nhiều ngày nó sà vào lòng thành phố, phủ mờ lên các mái biệt thự rêu phong. Thế mà giờ đây, những màn sương mờ ấy cũng hiếm dần. Người ta chỉ còn biết giải thích điều ấy là do sự biến đổi của khí hậu. Nhưng sự biến đổi của khí hậu do đâu? Câu trả lời là phần lớn do con người. Còn người dân nơi đây tự có cách giải thích của mình, là do chặt phá quá nhiều rừng.
Nếu Đà Lạt không có thông thì không còn là Đà Lạt. Bởi thế, khi hàng ngàn cây thông bị chặt hạ người ta mới thật sự xót xa. Những ngày tháng 8 vừa qua, tôi quay trở lại Đà Lạt, lên thăm dinh 1 của Bảo Đại, vị vua cuối cùng của triều đại phong kiến Việt Nam. Hàng trăm cây thông bị đốn hạ không biết từ đâu được tập kết về ngay cổng đường vào dinh. Con đường lên dinh thự lỗ chỗ những ổ voi, ổ gà. Khi chúng tôi đặt vấn đề vào thăm dinh, cô gác cổng kiên quyết không cho vào. Trước kia, đây là điểm tham quan rất hấp dẫn bởi dinh thự tọa lạc giữa một rừng thông trên cao. Chỉ vài năm trở lại đây lượng thông của Đà Lạt bị đốn hạ thật khó thống kê hết. Nó đã nhường chỗ cho hàng trăm căn nhà xây dựng trái phép trên khắp thành phố. Tất yếu một điều, cứ mỗi căn nhà mọc lên thì có hàng chục cây thông nhiều năm tuổi bị đốn hạ. Điều đó đủ để lý giải tại sao thành phố mộng mơ này lại có lượng nhà xây dựng trái phép gần như cao nhất cả nước. Những dãy nhà xây mới mọc lên sai quy hoạch đã phá vỡ kiến trúc của thành phố. Người Pháp trước đây quy hoạch Đà Lạt chỉ tối đa là 50.000 dân trong những căn biệt thự có khuôn viên rộng. Thế mà thành phố giờ có tới vài trăm nghìn dân thì việc phá vỡ cảnh quan và kiến trúc là điều không thể tránh khỏi. Rất nhiều ngôi nhà cứ mọc lên trái phép chênh vênh ngay sườn đồi, giữa thung lũng. Cũng may là Đà Lạt không có bão lớn, chưa từng có lũ ống, lũ quét. Tuy nhiên, với sự biến đổi khôn lường của thời tiết hiện nay thì cũng chưa thể nói trước được điều gì. Vì thế, nếu người dân vẫn giữ thái độ chủ quan là khó chấp nhận.
Nhắc đến Đà Lạt, người ta thường nhớ ngay tới 3 thứ: Khí hậu, cây thông và những ngôi biệt thự cổ. Thành phố vẫn còn hơn 6.000 biệt thự trong đó có những biệt thự đẹp mê hồn. Cuộc chiến tranh thế giới thứ hai đã làm cho nhiều người Pháp (khi đó 3 nước Đông Dương đặt dưới quyền cai trị của người Pháp) đã không thể trở về nước và chọn Đà Lạt làm quê hương thứ hai. Đây chính là giai đoạn Đà Lạt được xây dựng và cải tạo mạnh mẽ. Nhà ga tàu hoả của Đà Lạt là đường ray răng cưa duy nhất ở Việt Nam, nối tuyến giao thông từ Đà Lạt đi Phan Rang giờ đã dừng hoạt động. Nó cũng là nhà ga duy nhất ở Việt Nam được công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Ga Đà Lạt có một thứ được coi là “báu vật” cổ, đó là đầu máy xe lửa hơi nước đốt bằng than củi. Trước đây, nhà ga có 3 chiếc nhưng hai chiếc đã được Bảo tàng xe lửa Thụy Sỹ (bảo tàng xe lửa duy nhất trên thế giới) mua. Giờ ga xe lửa lịch sử này là một trong những điểm tham quan rất đông khách. Đà Lạt có nhà máy thủy điện Akorest, nhà máy thủy điện đầu tiên của Việt Nam. Trường cao đẳng sư phạm Đà Lạt được xây dựng năm 1927 (trước đây là trường của người Pháp) vẫn được coi là một kỳ quan bởi vẻ đẹp đặc biệt của nó. Trường cũng được Hội kiến trúc sư thế giới (UIA) công nhận là một trong số 1.000 công trình xây dựng độc đáo của thế kỷ XX. Ở Đà Lạt tất cả các công sở nhà nước dùng biệt thự làm nơi làm việc, thậm chí trạm y tế phường cũng là một ngôi biệt thự. Tuy nhiên, có một điều rất đặc biệt là tất cả 6.000 biệt thự còn lại cho đến ngày nay không có chiếc nào giống chiếc nào. Mỗi chiếc có một kiến trúc riêng, dáng vẻ riêng. Biệt thự ở Đà Lạt có hai loại kiến trúc khá rõ rệt đó là kiến trúc kiểu Pháp và kiến trúc kiểu Tây Ban Nha. Chúng có chung một điểm giống nhau là diện tích dành cho một biệt thự (tính cả khuôn viên, sân vườn) rộng khoảng 1.000m2. Ngày nay, nhiều người cũng xây nhà theo kiểu biệt thự nhưng diện tích dành cho sân vườn, khuôn viên bị thu nhỏ lại một cách tối đa, điều ấy khiến người ta chỉ còn biết so sánh nó với những “lô cốt”. Tất nhiên, có nhiều thì người ta thường lãng phí khi sử dụng, thậm chí lãng quên như một sự tất yếu. Đã có khá nhiều biệt thự bị bỏ hoang do không theo kịp nhịp sống thời hiện đại. Chẳng biết bao giờ những ngôi biệt thự này mới được trùng tu tôn tạo? Đà Lạt có quá nhiều thắng cảnh đẹp nên sự lãng phí có thể tới mức vô lý. Vài năm trước đây, nếu dư luận mà đặc biệt là báo chí không lên tiếng mạnh mẽ và kịp thời thì Đồi Cù, một địa danh rất đẹp đã chỉ còn trong ký ức của một sân gôn xưa. Chỉ mới đây thôi, thung lũng Tình Yêu, một địa danh từng đi vào sử sách bị “bức tử” bởi nạn khai thác khoáng sản. Và nếu dư luận không lên tiếng mạnh mẽ chẳng biết giờ nó đã ra sao.
Bài và ảnh: NGUYỄN ANH TUẤN