Ra đời tháng 5 năm 1959, bộ đội Trường Sơn mang phiên hiệu Đoàn 559, làm nhiệm vụ mở đường chiến lược Trường Sơn chi viện cho chiến trường miền Nam. Khi đảm nhiệm chức vụ Tư lệnh Đoàn 559, Đại tá Đồng Sỹ Nguyên đang đảm nhiệm chức vụ Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, kiêm Chủ nhiệm Hậu cần tiền phương.

Là một người con sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, cả bố và mẹ ông Đồng Sỹ Nguyên đều là những hậu duệ của thủ lĩnh Phong trào Cần Vương ở làng Trung Thôn, xã Quảng Trung, phủ Quảng Trạch, Quảng Bình. Với truyền thống ấy, được sự dìu dắt của những đảng viên ưu tú của quê hương, bản thân ông đã tham gia cách mạng từ năm 12 tuổi,15 tuổi đã trở thành đảng viên. Do bị địch truy lùng gắt gao ông hoạt động trên một địa bàn rộng không chỉ trong nước mà sang cả Lào, Thái Lan với nhiều cương vị khác nhau.

Khi nhận nhiệm vụ Tư lệnh Đoàn 559 từ người tiền nhiệm, trong tay ông chỉ có vỏn vẹn 5 tiểu đoàn xe với 750 xe ô tô các loại, chia thành 4 binh trạm; đến năm 1975, đã phát triển thành 2 sư đoàn vận tải với 10.000 xe.

leftcenterrightdel
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (người đứng đầu bàn) cùng Bộ Tổng tham mưu, Bộ tư lệnh Miền và Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên (người đứng, cầm cây chỉ bản đồ) bàn kế hoạch tác chiến, tháng 9-1970. Ảnh tư liệu

Trước những khó khăn chồng chất, Đại tá Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã thể hiện một vị chỉ huy đầy bản lĩnh, làm việc hết mình, sáng tạo, quyết đoán, dám chịu trách nhiệm cá nhân. Ông đã không quản hiểm nguy đến từng trọng điểm ác liệt để nắm chắc tình hình cùng bộ đội tìm cách tháo gỡ khó khăn, đảm bảo khẩn trương thông đường, thông xe. Với những trọng điểm ác liệt ông điều động cả phòng không, tên lửa đến bảo vệ, công binh đến phối hợp khắc phục, hậu cần quân y đến đảm bảo, cứu chữa thương binh tại chỗ. Rồi ông chuyển cách đánh từ chỗ đánh máy bay bằng các trận địa cố định ở các trọng điểm đến kết hợp trận địa cố định với cơ động phục kích, chuyển từ đánh bằng lực lượng cao xạ các cỡ sang kết hợp với tên lửa hiện đại khiến kẻ địch không thể ngang nhiên đánh phá.

Dựa vào bản đồ, địa hình địa vật, cùng lực lượng biệt kích thám báo ngày đêm thả xuống, kẻ địch biết rõ đâu là những nơi hiểm yếu trên rừng Trường Sơn mà con đường độc đạo của ta buộc phải đi qua, đâu là những cây cầu quan trọng để tập trung đánh phá. Do đó những tuyến đường, cầu độc đạo đã trở thành mặt trận nóng bỏng nhất, bức xúc nhất, vì chỉ cần địch đánh phá làm tắc nghẽn một điểm trên tuyến giao thông huyết mạch là các đoàn xe lập tức ngừng trệ. Với tư duy nhạy bén ông nhận thấy nhược điểm chính là do ta chỉ sử dụng đường độc đạo theo trục dọc và trục ngang, ông chỉ đạo chuyển sang phá thế độc đạo, kết hợp nhiều lực lượng kết hợp cả chủ lực và địa phương mở thêm nhiều trục dọc, trục ngang, đường vòng, đường tránh. Do đó, địch đánh đường này ta đi đường khác, khiến mạch máu giao thông luôn đảm bảo.

Ban đầu, xe ta chỉ dám chạy ban đêm với đèn gầm, tốc độ chậm, cự li ngắn, ông chỉ đạo chạy sáng sớm và chiều tối khi máy bay địch ít hoạt động, rồi tiến tới di chuyển cả ban ngày, trên từng đoạn ngắn dưới những tán rừng rậm rạp được ngụy trang kín đáo, để rồi cuối cùng nối các đoạn ngắn đã ngụy trang thành tuyến dài gần ngàn km.

Ông còn chỉ đạo anh em phát huy sáng kiến nghi binh lừa địch, dùng xe hỏng, xe cũ nát đều đặn chạy đi chạy lại trên những cung đường đã bị lộ, đã bỏ để thu hút sự chú ý của địch. Để trên những cung đường kín đáo nằm sâu trong rừng già, những đoàn xe vẫn ngày đêm nối nhau chở người, hàng hóa và vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam đánh giặc.

Với 52 trạm giao liên ban đầu đã lên tới 76 trạm vào năm 1970 và 15 trạm cơ giới năm 1972. Từ năm 1973 đến 1975, ta bỏ hẳn trạm giao liên chạy bộ, thay bằng các trung đoàn giao liên cơ giới. Trên các tuyến đường Trường Sơn có hàng chục binh trạm, hàng trăm bến bãi, hàng nghìn nơi dấu quân, dấu xe, dấu hàng để phục vụ các đơn vị, các chiến dịch lớn.

Từ những con đường độc đạo ban đầu, đường Trường Sơn đã phát triển thành một hệ thống phức tạp với 5 trục dọc và 21 trục ngang với tổng chiều dài 16.700km đường bộ (trong đó có hơn 800km đường kín, 1.500km đường rải đá, 200km đường nhựa. Mà điểm đầu là Tân Kỳ nghệ An và điểm cuối là Lộc Ninh, Bình Phước.

Về đường ống dẫn xăng dầu, từ năm 1968, bộ đội Trường Sơn bắt đầu xây dựng tuyến đường ống xăng dầu từ Nam Đàn (Nghệ An) đến năm 1973, dòng xăng dầu đã chảy tới Bù Gia Mập (Bình Phước). Với 1.400km đường ống, 113 trạm bơm, 33 trạm cấp phát xăng dầu lớn nhỏ, dòng xăng từ miền Bắc đã vào cách Sài Gòn hơn 100km.

Ngoài ra, để đảm bảo chỉ huy thông suốt trên toàn tuyến và nối với Bộ Quốc phòng 1.350km đường dây cáp thông tin, đã được xây dựng đảm bảo thông suốt trên một địa bàn rộng 132.000km2. 3.800km đường giao liên và 500km đường sông.

Ghi nhận những đóng góp lớn lao của Tư lệnh 559 đối với đường Trường Sơn nói riêng và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước nói chung, năm 1974, Đảng và nhà nước ta đã phong quân hàm vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng cho Tư lệnh Đoàn 559 - Đồng Sỹ Nguyên.

Để chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân 1975 lịch sử, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên, bộ đội Trường Sơn vừa lập các kho hàng chiến lược, vừa đảm bảo hậu cần cho toàn chiến trường miền Nam, vừa mở thêm các tuyến đường mới về phía đông, khôi phục cầu đường trên Quốc lộ 1A từ Quảng Trị đến Sài Gòn thuộc vùng giải phóng. Dốc toàn bộ lực lượng với tổng quân số 120.000 người phục vụ các Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Thừa Thiên - Huế, Chiến dịch Đà Nẵng... Đoàn đã sử dụng 2 sư đoàn ô tô, với hơn 2.000 xe vận tải chở 3 quân đoàn chủ lực với hơn 10 vạn quân cùng vũ khí trang bị thần tốc tiến vào giải phóng Sài Gòn thống nhất đất nước.

Với thành tích lớn lao đó của bộ đội Trường Sơn, ngày 3-6-1976, trong lời tuyên dương công trạng Bộ đội Trường Sơn của Đảng và Nhà nước đã ghi: "Từ buổi đầu mới thành lập, chỉ lấy gùi, thồ làm chính, vận chuyển trên những con đường nhỏ, hẹp; từ chỗ chỉ hoạt động theo mùa, phục vụ cho từng chiến dịch, bộ đội Trường Sơn đã đem mồ hôi, xương máu, lòng dũng cảm, trí thông minh và tài thao lược, xây dựng nên tuyến đường chiến lược mang tên Bác Hồ vĩ đại".

Nhận xét về con đường huyền thoại này dưới góc độ kỹ thuật quân sự, Cơ quan An ninh quốc gia Hoa Kỳ đánh giá: đường Trường Sơn là "một trong những thành tựu vĩ đại của nền kỹ thuật quân sự ở thế kỷ 20".

Nói về Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, sinh thời Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận xét: "Toàn bộ cuộc đời của đồng chí Đồng Sỹ Nguyên gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và của Quân đội… một trong những vị tướng tiêu biểu của quân đội ta. Đối với tôi, tướng Đồng Sĩ Nguyên là một trong những người đồng chí, người bạn chiến đấu thân thiết gần gũi suốt cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc mà tôi rất tin và quý mến!”.

Về với vĩnh hằng ở tuổi 96, trong sự tiếc thương vô hạn của gia đình quê hương và đồng chí đồng đội cả nước và những bạn bè quốc tế, nhưng tên tuổi và sự nghiệp của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên còn lưu mãi cùng con đường Trường Sơn huyền thoại, như một vị tướng huyền thoại của thế kỷ 20.

VŨ HẢI ĐĂNG