 |
Anh Nguyễn Văn Út trên chiếc ghe hành nghề lặn của mình. |
Lũ đã về Đồng bằng sông Cửu Long, kéo theo là không ít âu lo về hiểm họa tai nạn đối với người dân vùng sông nước nơi đây: Trẻ em chết đuối, lật ghe, sét đánh... Mỗi năm vẫn thường có hàng chục người chết. Và ở mỗi nơi, đều có những người thợ lặn chuyên tìm vớt tàu ghe, lặn tìm thi thể nạn nhân bị nạn trên sông... Xóm chài Hưng Phú, địa danh nằm ở ngã ba sông Cần Thơ và sông Hậu, thuộc quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ, nơi có rất nhiều người theo nghề thợ lặn. Họ rong ruổi khắp miền ngập lũ Đồng bằng sông Cửu Long, đánh vật với con nước, với độ sâu, với hiểm họa xảy ra bất cứ lúc nào, mục đích để mưu sinh, nhưng vô cùng ý nghĩa.
Nơi con sóng, bãi dâu
Xóm chài Hưng Phú nằm ven sông Hậu, nơi có rất nhiều gia đình mưu sinh bằng nghề lặn. Họ là dân địa phương và đến từ An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng… Gắn bó với nghề lâu nhất là gia đình ông Nguyễn Văn Dung (bà con láng giềng thường gọi là Ba Dung). Gia đình ông Ba Dung có 11 người, gồm 3 thế hệ sống chen chúc trong căn nhà lá trống huơ trống hoác ven sông. Hơn 50 năm sống nhờ dòng sông Hậu, nông, sâu bao nhiêu ông Ba Dung biết rõ mồn một. Vậy mà cách đây 3 năm, vào một buổi sáng khi tỉnh giấc, ông thấy đôi chân mình tê dại, miệng cứng đờ nói không thành tiếng. Vào bệnh viện, người ta bảo ông bị tai biến mạch máu não. Nghề lặn của ông khép lại từ đó. Giờ đây mọi sinh hoạt cá nhân ông đều trông nhờ vào vợ và các con. Con trai của ông, anh Nguyễn Văn Út (tên thường gọi là Út Anh), kể: “Sau cơn tai biến, ba tôi không đi lại được, nhưng cứ đòi theo ra sông để cầm ống hơi cho chúng tôi lặn. Mỗi lần ra sông giúp chúng tôi lặn, ông mới yên tâm!”.
Ông Ba Dung mồ côi mẹ từ nhỏ sống nương nhờ vào tình thương của xóm giềng. Năm 17 tuổi, Ba Dung là cậu thanh niên chài lưới giỏi nhất xóm, rồi được một người quen truyền nghề lặn. Trong một lần tập, ông lặn một hơi với độ sâu khoảng 20 mét, giữ được hàng chục phút, nhờ vậy mà từ đó ông được đặt biệt danh là Ba Chài Rê. Duyên và nợ với dòng sông Hậu cũng bắt đầu từ đó, khắp nơi trong tỉnh, ngoài tỉnh, khi có người bị nạn do chết đuối, bị lật ghe xuồng, nghe được tin hay được thông báo là ông đi liền. Có nạn nhân chết đuối, ông phải lặn nhiều ngày trời mới tìm thấy xác. Những ghe lớn chìm, người ta lại đến tìm ông. Tiếng tăm về nghề lặn của ông vang đến nhiều miệt vườn các tỉnh An Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng…
Ông Ba Dung có 5 người con, lớn lên, điều lạ là cả 5 đều kiên quyết theo cha làm nghề lặn. Biết nghề cực khổ, lúc đầu ông có cấm cản, nhưng thấy chúng mê nghề quá, ông không nỡ. Trong số 5 người con, chỉ riêng Hoàng Anh, con nuôi của ông Ba Dung lại giỏi nghề lặn nhất. Hoàng Anh mồ côi cha mẹ từ nhỏ và được ông Ba Dung nhận làm con nuôi. Con trai cả của ông, anh Nguyễn Văn Hoàng (tên thường gọi là Hoàng Em), kể: “Anh em tôi theo nghề lặn, nhưng không ai bằng con nuôi của ba tôi. Hoàng Anh lặn như rái cá. Hơn mười năm trước, anh ấy tham gia trục vớt tàu đi vượt biên bị chìm ở Đồng Tháp. Hoàng Anh theo ba tôi tung hoành khắp sông nước miền Tây. Vậy mà, ảnh đã ra đi ở cái tuổi 39 để lại vợ và 3 đứa con côi”. Hoàng Anh chết vì bị suy nhược cơ thể và đau ruột, qua nhiều lần mổ, nhưng vết thương nhiễm trùng đã cướp đi sinh mạng của một thợ lặn giỏi.
Anh Nguyễn Văn Thiện (tên thường gọi là Sáu Thiện), một thợ lặn cũng rất nổi tiếng ở xóm chài Hưng Phú cho biết: “Nghề lặn bạc bẽo lắm! Nhiều khi mình không tìm được xác người chết đuối, trục vớt ghe tàu chìm chậm là bị người thuê chửi te tua. Mấy năm trước, tụi tui tham gia vớt tàu chìm ở Vàm Nao, huyện Chợ Mới (tỉnh An Giang), lặn hơn hai ngày vẫn không tìm được nạn nhân. Quá đuối sức chúng tôi đành bỏ về, không lấy một đồng tiền công nhưng vẫn bị chủ thuê mắng cho một trận”.
Đáy sông... mong manh sự sống
Thông thường, từ tháng Giêng âm lịch cho đến tháng 7 âm lịch, nếu không có hợp đồng lặn của các công ty, chủ tàu, những người làm nghề lặn lại xuống lòng sông Hậu tìm phế liệu, bắt cá, tôm. Đến mùa nước nổi thì đi chài lưới, ai gọi kiếm tìm, cứu hộ, cứu nạn người bị nạn do mưa lũ là đi. Khả năng lặn của mỗi người thợ còn tuỳ thuộc vào thời tiết, vào điều kiện cụ thể ở mỗi khúc sông. Mỗi hơi lặn có thể kéo dài từ 30 đến 60 phút, hoặc lâu hơn. Còn độ sâu cũng tùy từng khúc sông, sâu nhất là những lần lặn hợp đồng với công ty quản lý tàu phà Cần Thơ để kiểm tra độ an toàn của các trụ cầu, thường ở độ sâu từ 30 đến 40 mét.
Mấy chục năm mưu sinh bằng nghề lặn, cuộc sống của những người thợ lặn cũng vất vả, chỉ đủ ăn, chứ chưa nói đến chuyện học hành. Trong gia đình thợ lặn ở xóm chài Hưng Phú, trẻ em hầu hết không được học hành đến nơi đến chốn. Người học cao nhất chỉ tới lớp 10, còn lại đều không tới lớp 5. Sức khoẻ của những người thợ lặn cũng bị sa sút rất nhanh. Hoàng Em đưa cho chúng tôi xem những bức ảnh mà anh đã chụp cách đây 5 năm, trông anh rắn rỏi, khoẻ mạnh, khác với dáng hình gầy sọm, nước da đen sạm hiện tại. Còn anh Út Anh thì gầy guộc, nhỏ thó, trông anh già hơn cái tuổi 30 của mình sau mười mấy năm gắn bó với nghề lặn. Út Anh nói: “Nghề lặn này nguy hiểm lắm, bữa nào hơi yếu trong mình là không dám ra sông. Lặn sâu lên không kịp dễ bị ép tim, ù tai, nặng là liệt luôn hai chân. Nên phải tự lượng sức của mình”…
Vất vả của nghề, những người thợ lặn đều chịu được, nhưng luôn canh cánh nỗi lo. Bởi ở đáy sông khoảng cách giữa sự sống và cái chết rất mong manh. Họ bảo rằng, muốn theo nghề lặn, ngoài sức khỏe còn phải có kinh nghiệm và phải biết “ý” của con sông. Một khi lặn xuống lòng sông, ở dưới tối om, nguy hiểm luôn rình rập, nên người ngồi ở trên ghe giữ ống hơi phải chủ động. Vì lẽ đó mà ông Ba Chài Rê dù tuổi đã cao, không đi lại được, nhưng vẫn muốn theo các con để cảnh giác họ.
Rời xóm Chài ven sông Hậu, chúng tôi vương vấn mãi hình ảnh những người thợ lặn trình diễn nghề cho tôi xem, cảnh họ tất bật đi làm trong một ngày mới. Khi chia tay chúng tôi, ông Ba Dung nói:
- Hôm cuối tháng 9, vụ sập mấy nhịp dẫn cầu Cần Thơ, cả xóm chài này bàng hoàng. Tui cùng các hộ trong xóm đều nghèo, chẳng có gì để hỗ trợ, sẻ chia với những người bị nạn. Không ai bảo nhau, cả xóm chài đều ngưng hết những công việc mưu sinh. Những ghe lớn ghe nhỏ đều được huy động ra bên bến Ninh Kiều, giúp chở miễn phí hàng cứu trợ, tham gia giúp đỡ những người cứu hộ, cứu nạn… Xóm chài này tuy nghèo, nghề thợ lặn tuy bạc bẽo, nhưng nghĩa tình khi hoạn nạn thì chẳng bao giờ cạn, như dòng sông Hậu mải miết vơi đầy theo năm tháng.
Bài và ảnh: TRUNG KIÊN- GIA BẢO