Việt Nam và Trung Quốc đã hoàn thành công tác phân giới, cắm mốc (PGCM) trên toàn tuyến biên giới đất liền với sự trợ giúp rất tích cực của các phương tiện kỹ thuật hiện đại. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Viết Thi, Phó giám đốc Trung tâm Biên giới và Địa giới để tìm hiểu rõ hơn về cách xác định hệ thống cột mốc trên thực địa được đo đạc bằng thiết bị định vị toàn cầu GPS.
- Xin ông cho biết tác dụng của hệ thống định vị toàn cầu GPS trong công tác phân giới, cắm mốc giữa Việt Nam với Trung Quốc?
- Hệ thống định vị toàn cầu (GPS) được Mỹ phát triển từ năm 1967 trong lĩnh vực quân sự, sau đó được đưa vào ứng dụng dân sự từ thập kỷ 1990 và được áp dụng trong rất nhiều lĩnh vực, như hàng hải, giao thông, khảo sát, thăm dò. Sau khi hệ thống định vị này phát triển rộng rãi trong các lĩnh vực dân sự, người ta đã dùng hệ thống này vào làm cơ sở để đo đạc, xác định các vị trí trên mặt đất, trong đó có hệ thống cột mốc biên giới.
Trên đường biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc: Trước khi tiến hành công tác PGCM, hai bên tiến hành đo vẽ bản đồ song phương trên tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc. Bản đồ song phương được thành lập trên cơ sở toán học là Elipsoid WGS 84 và hệ độ cao EGM 96. Hệ thống tọa độ này phù hợp với hệ tọa độ của các thiết bị định vị vệ tinh hiện đang sử dụng rộng rãi trên thế giới.
Để đo vẽ bản đồ song phương, hai bên đã tiến hành xây dựng lưới khống chế tại khu vực biên giới, sử dụng các thiết bị định vị vệ tinh để xác định và định vị khu vực biên giới trong hệ thống tọa độ toàn cầu. Trên cơ sở hệ thống tọa độ đó, phát triển lưới khống chế để tiến hành đo vẽ bản đồ. Đến giai đoạn PGCM, hai bên lại tiến hành tăng dày thêm các điểm khống chế để làm các điểm cơ sở đo nối các cột mốc trên biên giới.
- Các bước công việc cụ thể từ lời văn trong hiệp ước ra thực địa là gì?
- Quá trình này được phân thành hai giai đoạn, giai đoạn hoạch định và giai đoạn PGCM. Giai đoạn hoạch định là căn cứ vào cơ sở công ước Pháp – Thanh 1887 và 1895, hai bên tiến hành rà soát lại toàn bộ hệ thống đường biên giới theo công ước và thực tế quản lý. Sau đó xác định đường biên giới chủ trương trên bản đồ. Tiếp đó, hai bên đàm phán giải quyết các khu vực mà hai bên có quan điểm khác nhau. Tập trung giải quyết 164 khu vực C trên biên giới là những khu vực do miêu tả sơ sài, có ít dữ liệu để đối chứng, vì vậy tại một số vị trí sẽ có sự chênh lệch, hai bên phải tiến hành đàm phán để giải quyết.
Sau khi giải quyết xong 164 khu vực C, căn cứ vào kết quả đó, hai bên chuyển vẽ toàn bộ đường biên giới mà hai bên đã thống nhất lên bản đồ (gọi là bản đồ đính kèm Hiệp ước). Trên cơ sở đường biên giới hiệp ước đó, mô tả thành lời văn Hiệp ước biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc. Sau đó đặt ra các tiêu chí để xác định các cột mốc trên biên giới và đánh dấu trên bản đồ, tổng số 1372 vị trí cần cắm mốc. Kết thúc giai đoạn hoạch định, hai nhà nước ký vào Hiệp ước Biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung quốc (bao gồm lời văn Hiệp ước và Bản đồ đính kèm Hiệp ước).
Giai đoạn PGCM, hai bên phải dùng lời văn hiệp ước và bản đồ đính kèm đã được hai nhà nước ký kết, đem ra thực địa xem đó cụ thể là chỗ nào. Thông thường chỉ cần hai yếu tố trên đã có thể tiến hành PGCM. Tuy nhiên, công nghệ hiện đại ngày nay cho phép chúng ta sử dụng thêm thiết bị GPS cầm tay, tức là thiết bị định vị GPS kết hợp với lời văn hiệp ước và bản đồ hiệp ước xác định đường biên giới và vị trí mốc giới mà hai bên đã thỏa thuận trên bản đồ hiệp ước trên thực địa.
- Kỹ thuật đo đạc của Việt Nam và Trung Quốc có sự khác biệt nào không?
- Giữa Việt Nam và Trung Quốc hay với bất kỳ nước nào, chúng ta và bạn đều phải thống nhất trong một hệ thống các văn bản kỹ thuật song phương được hai bên nhất trí để trên cơ sở đó làm căn cứ tiến hành đo đạc.
Đương nhiên là khi xây dựng văn bản kỹ thuật này, có thể mỗi bên căn cứ vào quy phạm đo đạc của mình để đưa ra những tiêu chuẩn. Đối với kỹ thuật, tiêu chuẩn đo đạc của hai bên gần như phổ cập với thế giới. Tức là, đã nói đến đo đạc, độ chính xác của bản đồ là 0,4mm hay 0,5mm hoặc 0,6mm trên bản đồ, quy phạm này cũng lấy từ quy phạm chung của đo đạc bản đồ thế giới.
Trong quá trình đo cột mốc trên biên giới, các mốc chẵn Việt Nam đo, các mốc lẻ Trung Quốc đo, khi đo đều có các thành viên mỗi nước giám sát chéo nhau. Tức là khi Việt Nam đo, kỹ thuật viên của Trung Quốc giám sát, còn khi Trung Quốc đo, kỹ thuật viên Việt Nam tới giám sát.
Khi đo một cột mốc, Việt Nam bố trí 3 trạm GPS tại 3 điểm (Cao Bằng, Hà Giang và Điện Biên) tiến hành đo đồng thời cùng một lúc với trạm trên biên giới nhằm xác định một vị trí cột mốc. Phía Trung Quốc cũng dùng 3 trạm khác của họ đo nối với trạm tại biên giới cùng thời điểm với Việt Nam, như vậy để theo dõi và đo một cột mốc, trong cùng một thời điểm có ít nhất 6 máy GPS ở xung quanh cùng đo để định vị vị trí của một cột mốc.
Giai đoạn đầu phía Việt Nam đo trong vòng 4 giờ liên tục, Trung Quốc đo 8 giờ liên tục. Tại sao lại có quy định này? Hai bên có quy định là nếu đo nối các cột mốc biên giới với các điểm cơ sở ở gần biên giới thì thời gian đo 4 giờ. Còn nếu đo với các trạm theo dõi qua vệ tinh, ví dụ Trung Quốc lấy số liệu qua các trạm theo dõi vệ tinh đặt tại Tây Tạng hoặc bất kể vị trí nào trên đất Trung Quốc hay thế giới, sau đó họ chuyển số liệu về và tính toán phải cần đo 8 giờ, lúc đầu hai bên có sự khác biệt thời gian là vì lý do đó. Sau đó phía Trung Quốc thấy rằng họ cũng có thể sử dụng các trạm gần hơn. Từ năm 2007, Trung Quốc và Việt Nam cùng thống nhất cách thức đo giống như ở Việt Nam. Hai bên thống nhất đều đo 4 giờ liên tục cho một vị trí cột mốc. Như vậy là trong cùng một điểm có 6 trạm GPS theo dõi một điểm cột mốc trên biên giới trong thời gian 4 giờ liên tục. Tuy nhiên, trên thực tế phía Việt Nam bao giờ cũng đo từ 4 giờ 30 phút tới 5 giờ 30 phút cho mỗi vị trí để trừ hao khoảng thời gian tín hiệu bị xấu hoặc bị che chắn ảnh hưởng tới tính toán.
Đến khi tính toán, hai bên đều phải tính độc lập. Về phía Việt Nam, chúng ta tính toán theo hai vòng khác nhau, một vòng tính toán đầu tiên do Trung tâm Biên giới và Địa giới tính toán để tính ra tọa độ các điểm này. Sau khi đã có kết quả, Trung tâm sẽ trình lên Cục Đo đạc bản đồ. Cục Đo đạc bản đồ lại sử dụng một phần mềm mạnh hơn để tính toán và kiểm tra lại lần thứ hai. Nếu phát hiện có sai sót, Cục trả lại để đơn vị xác minh và tính toán lại. Phía Trung Quốc cũng có quy trình như vậy, vì vậy nếu bất kỳ số liệu nào sai, hai bên đều phải tính toán lại. Do đó, việc tính toán hai vòng độc lập là rất cần thiết. Số liệu mang đi là hoàn toàn tin cậy. Sau khi đã có kết quả tính toán, phía Trung Quốc cũng đưa ra kết quả mà họ tự tính toán, lúc này hai bên khớp kết quả. Nếu như chênh lệch nằm trong phạm vi cho phép, ví dụ như sai số về mặt phẳng nhỏ hơn 0,3mm ở vùng núi và 0,5mm ở vùng núi cao và sai số về độ cao là 0,5m ở vùng núi và 0,7m ở vùng núi cao thì kết quả này là đạt yêu cầu.
So sánh với cách tính toán của thế giới, có thể thấy rõ kết quả này được coi là những số liệu đo đạc chính xác nhất hiện nay. Ví dụ, trên một tấm bản đồ 1/50.000, 1mm trên bản đồ tương ứng với 50m trên thực địa, nếu như sai số nhỏ hơn 0,1mm trên bản đồ thì cũng không thể biểu thị trên bản đồ, mà ở đây kết quả đo có độ chính xác tới 0,5m, tức là bằng 0,01mm trên bản đồ. Sai số này trên bản đồ được coi là quá nhỏ. Do vậy có thể nói độ chính xác đo hoàn toàn có thể đáp ứng yêu cầu, không những là của công tác làm bản đồ mà còn là để quản lý về lâu dài sau này.
(Còn nữa)
NGUYỄN HÒA (thực hiện)