QĐND - Trong chuyến đi công tác cùng đoàn làm phim của Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh về huyện Củ Chi, tôi có dịp gặp một số cán bộ, chiến sĩ tình báo từng chiến đấu trong đội hình Cụm H63. Trong chuyến công tác này, tôi được nghe nhiều câu chuyện bi tráng một thời ở vùng đất lửa...
Trong không khí của buổi chiều êm ả, giữa lòng căn cứ xưa, các cựu chiến binh đã kể cho tôi nghe câu chuyện độc đáo về trận đánh giữa lòng địa đạo. Hồi năm 1966, giặc Mỹ tăng cường càn quét Củ Chi, quân dân ta đã xây dựng hệ thống địa đạo chằng chịt, với 3 tầng và đủ mọi ngóc ngách để sống và đánh địch. Các đoạn hầm đều được bố trí nhiều hố chông, nhiều đoạn hẹp lại chỉ thân hình nhỏ bé của người châu Á mới có thể đi qua được. Cụm H63 khi đó, có căn cứ ở Bến Đình, xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi. Cụm có nhiệm vụ tham gia chỉ đạo mạng lưới điệp báo nội thành, giữ vững liên lạc giữa Cụm với cơ quan tình báo của Bộ tư lệnh Miền, truyền đạt chỉ thị của cấp trên và chuyển tiếp báo cáo, tin tức bằng đường giao thông bộ và phương tiện kỹ thuật. Trong Cụm có biên chế trung đội trinh sát do Trương Văn Phương (Tám Phương) làm trung đội trưởng.
 |
Khách đến tham quan Khu di tích địa đạo Củ Chi. Ảnh: Thanh Nhật
|
Một ngày giữa năm, địch lùng sục và phát hiện được cửa hầm của trung đội do đồng chí Phương phụ trách. Khi ấy, trong hầm có hơn 30 người. Riêng trung đội trinh sát có 6 người, gồm đồng chí Phương và các đồng chí: Nhân, Đạo, Ghém, Đô và Lợi. Trong khi đó, lực lượng địch rất đông, toàn lính Mỹ, chia thành từng tốp càn vào địa đạo, có xe tăng đi kèm. Phát hiện được miệng hầm, địch liền điều bọn “chuột cống” chui vào với hy vọng có thể bắt sống được quân ta. “Chuột cống” là những tên Mỹ có thân hình nhỏ gọn, nhanh nhẹn, được đào tạo thiện chiến, chuyên đánh dưới địa đạo. Bọn này được trang bị tương đối gọn nhẹ, thường có đèn pin, lựu đạn, súng ngắn.
Đang trực gác ở một cửa khác của địa đạo, Tám Phương phát hiện có tiếng động lạ dưới hầm. Anh lay nhẹ chiến sĩ Đạo:
- Đạo, mày có nghe thấy gì không?
- Hình như có tiếng động lạ, phải không anh Tám?
Bằng trực giác của người nhiều lần đánh “giáp lá cà” với địch, Tám Phương nhận định: Địch đã mò được vào hầm. Vì thế, anh hạ lệnh cho chiến sĩ Đạo:
- Mày đậy nắp hầm lại cho nó ngộp; chết đi!
Lúc này, Tám Phương và trung đội của mình đang ở đoạn có nắp bổng, là đoạn đầu tiếp giáp với lực lượng địch đột nhập. Chỉ cần đóng nắp hầm lại là địch có thể chết ngạt hoặc không tiến được nữa. Đang loay hoay làm theo lệnh của trung đội trưởng, thì Đạo đã nghe tiếng lũ “chuột cống” gõ vào thành hầm sát bên và tiếng xì xô, xì xào của chúng. Đoán rằng không kịp, Đạo báo cáo:
- Nó vào sát quá rồi, làm sao đây anh?
- Thì đánh thôi!
- Nhưng đánh bằng cách nào?
- Còn hai trái lựu đạn đó!
Đạo vẫn lúng túng. Hai trái lựu đạn nhưng mình với địch sát nhau như vậy thì biết đánh sao đây? Phương nhanh chóng bò sát đến bên Đạo, nói nhỏ:
- Mày nép mình sang một bên, đưa lựu đạn đây!
Cầm hai quả lựu đạn, Phương nhanh như chớp liệng về phía địch. Một tiếng “ụp” đanh gọn, tuy không lớn nhưng đủ làm lòng hầm rung chuyển. Rồi lại một tiếng “ụp” tiếp theo, lạnh lùng. Áp tai vào thành hầm lắng nghe động tĩnh, Phương khẳng định:
- Lũ chuột chết chắc rồi.
Bò lại chỗ tiếng lựu đạn nổ, Phương nhanh tay lượm chiến lợi phẩm, khẩu súng Col 45 và chiếc đèn phin qoéo. Sau đó, Phương chỉ huy trung đội cùng lực lượng dân quân địa phương rút khỏi hầm ra phía sông Sài Gòn. Dưới sông đã có sẵn những chiếc xuồng, êm ái rẽ nước đưa toàn bộ quân dân ta sang bên kia sông an toàn. Ít hôm sau, lực lượng của ta báo lại cho biết, cả nhóm 3 tên “chuột cống” đặc biệt thiện chiến, gian ác của địch đều bị diệt.
Đại tá Tư Cang, Cụm trưởng Cụm H63 cho biết: Đó là lần đầu tiên lũ “chuột cống”, một niềm tự hào của quân xâm lược, bị diệt trên địa bàn Củ Chi.
Cụm H63 sau đó được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân vào ngày 29-4-1971. Trong lời tuyên dương của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam có ghi: “Kiên trì bám trụ, hoạt động nhiều năm ở vùng sâu, càng gian khổ ác liệt càng nêu cao ý chí kiên cường, bất khuất, sẵn sàng hy sinh quên mình để hoàn thành nhiệm vụ”. Đó là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước đối với các thành tích xuất sắc mà cán bộ, chiến sĩ H63 đã lập nên; trong đó có chiến công của Tám Phương.
Ðịa đạo Củ Chi là di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng, thuộc xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, cách trung tâm TP Hồ Chí Minh 70km về phía Tây Bắc. Đây là một kỳ quan độc nhất vô nhị với chiều dài 250km chạy ngoắt ngoéo trong lòng đất, được làm nên từ dụng cụ thô sơ là lưỡi cuốc và chiếc ki xúc đất. Hệ thống địa đạo gồm 3 tầng, từ đường "xương sống" tỏa ra vô số nhánh dài, nhánh ngắn ăn thông nhau, có nhánh trổ ra tận sông Sài Gòn. Tầng một cách mặt đất 3m, chống được đạn pháo và sức nặng của xe tăng, xe bọc thép. Tầng 2 cách mặt đất 5m, có thể chống được bom cỡ nhỏ. Còn tầng cuối cùng cách mặt đất từ 8 đến 10m.
PHAN THANH NHỰT